Tromg đám tang khi đó mọi người thi nhau khóc. Khóc từ lúc ông chuẩn bị mất đến trong lúc làm lễ, lúc nhập quàn, lúc đưa tang và lúc chôn cất. Nhiều người gào khóc, lăn cả ra đất. Thím tôi còn khóc lăn ra ruộng, bê bết bùn đất. Hàng xóm và dân làng khen con cháu ông bà tôi tuyệt vời, thương ông và rất có hiếu!
Ảnh minh họa
Khi quan tài hạ xuống người ta giục tôi khóc. Mấy bác hàng xóm bảo “Sao thằng này không khóc”. Khóc to lên xem nào. Tôi lúc đó chỉ biết nghĩ “Mỗi người có một cách thể hiện tình cảm khác nhau. Tôi thương ông tôi để trong lòng, cần gì phải gào lên như thế”.
Sau này đến dự các đám tang khác ở Thái Bình quê tôi cũng như nhiều vùng quê khác ở đồng bằn bắc bộ đều thấy cảnh khóc lóc thảm thê, kèn đám ma ai oán. Đám tang luôn là sự âu sầu và ảm đạm não lòng. Kèn trống thâu đêm suốt sáng. Có nhiều đám còn thuê người đến khóc mướn. Cho thật âu sầu và thảm thương. Có như vậy người ta mới cho rằng có hiếu.
Các đám ma ở quê tôi còn được làm cỗ rất to. Giết lợn, gà, vịt, chó, mèo,… và ăn uống linh đình. Cá nhân tôi chưa bao giờ ăn cỗ nhà có đám tang bởi thấy thế không ổn. Tang chủ đang buồn, bên này thì ăn uống, mâm nào cũng có rượu bia và nâng cốc!
Sau này học Phật tôi mới biết 2 hủ tục kia rất tai hại. Thứ nhất khi khóc lóc thảm thiết thì vong hồn không siêu thoát được. Nếu người thân cứ khóc, cứ thương, cứ níu kéo thì người mất cứ bám víu vào cuộc sống hiện tại và kết quả là tạo một ái kiết sử mới, tạo một dây xích trói người quá cố lại với chúng ta. Ta tưởng rằng thương người thân, giúp người thân nhưng thực ra chúng ta đang làm hại mà không biết.
Sinh tử là lẽ thường. Sống chết là quy luật. Đành rằng người thân mất đi là đau xót nhưng nếu chúng ta hiểu được luật nhân quả, hiểu được về luân hồi thì nên cầu nguyện để người mất được ra đi thanh thản. Chính việc giúp người thân ra đi thanh thản mới là cách yêu quý họ đúng nhất. Chỉ có việc bình an, tụng kinh, niệm Phật hay nhắc nhở người thân thanh thản ra đi là cách tốt nhất để họ siêu thoát hay tái sinh vào những cõi lành.
Tôi còn chứng kiến cảnh những người con tranh nhau lay thân bố khi bố sắp mất hỏi xem bố có cất tiền ở đâu không, có ai nợ bố không để đi đòi. Cá biệt có trường hợp bắt bố phải chia đất, phải viết di chúc rõ ràng trước khi chết. Thật là tội nghiệp! Người cha chết không nổi.
Nói về cỗ bàn khi chết cũng vậy. Đám cưới mở tiệc lớn và sát sinh đã rất không tốt rồi, đằng này đám tang mà sát sinh thì thật là nguy hiểm. Cỗ tiệc chỉ là việc làm che mắt thế gian, là việc khoe khoang của người sống rằng con cháu có hiếu. Kỳ thực cỗ bàn và sát sinh, nhất là vào lúc nhà có người mất, tạo nghiệp ác không chỉ cho người quá cố mà cả những con cháu và những người sống. Tôi thiết nghĩ, nếu có ăn uống trong ngày tang lễ nên thật thanh đạm và tốt nhất là ăn chay.
Bà nội tôi đã 97 tuổi. Thật diễm phúc là bà vẫn khỏe. Tuy nhiên chắc bà cũng không sống thêm được bao năm nữa. Về quê tôi bàn với bố mẹ rằng khi bà mất nên tránh chuyện khóc lóc, kèn trống thê lương, tránh cỗ bàn linh đình. Bố mẹ tôi là Phật tử, biết đến Phật pháp, có tham gia các khóa tu, có ăn chay và tin Phật. Tuy nhiên bố vẫn nói “Để xem đã con ạ. Còn các bác các cô chú và hàng xóm láng giềng nữa”. Tôi thầm nghĩ, đến nhà mình còn khó thay đổi hủ tục đến vậy thì làm sao có sự thay đổi lớn trong xã hội, làm sao các vong linh khi mất có thể siêu thoát được. Phải làm gì bây giờ?