Vào chùa học thuốc
May mắn thoát khỏi tay thần chết, Thoàn đã gắng luyện tập sức khỏe, và khát được sống. Các bác sĩ Bệnh viện Quân đội 103 cho anh biết: loại thuốc sinh cơ, nuôi thịt đang điều trị vết thương cho anh được chế ra từ loại thảo mộc ở một ngôi chùa Trắng do Sư cụ Thích Đàm Lương trụ trì; lúc đó vết thương ở bàn chân anh đã được ghép da nhiều lần mà không liền, vẫn bị hoại tử và lộ xương.
Lương y Đào Viết Thoàn đang chữa bệnh bỏng cho bệnh nhi- Ảnh A.Q
Thoàn đã xin phép bệnh viện đến chùa Trắng, ở thôn Hữu Lê, xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì, Hà Nội ở và được sư cụ đắp thuốc. Sống tại cửa Phật, anh vừa được chữa bệnh, vừa tìm tòi học hỏi, tham khảo nhiều tài liệu y học. Sau một thời gian dài, thấy anh là người có nghị lực vững vàng, có tâm, có đức, có tố chất để trở thành người thầy thuốc, sư cụ đã nhận anh làm đệ tử. Người tận tình cứu chữa khỏi bệnh cho anh đồng thời truyền thụ cách chữa trị cùng bài thuốc bí truyền.
Sau 5 năm nằm điều trị chữa bệnh và học hỏi, Đào Viết Thoàn đã nắm bắt thành thạo cách chế thuốc và phương pháp điều trị gia truyền vết thương, vết bỏng.
Bí quyết ưu việt của phương pháp này là: chữa trị không đau, vết thương, vết bỏng nhanh liền, không để lại di chứng, rút ngắn thời gian điều trị và tiết kiệm được kinh phí điều trị cho người bệnh. Anh cũng liên tục cập nhật, trao đổi về chuyên môn của các đồng nghiệp, như ở Phòng Y tế huyện, Hội Đông y huyện, Bệnh viện Đa khoa Phụ Dực, Hội Y học cổ truyền tỉnh Thái Bình để tìm ra những hướng điều trị mới. Vì vậy, anh đã sáng tạo ra phương thuốc chữa bỏng mới ưu việt hơn là để mỗi khi thay băng, tháo băng vết thương không bị dính, khi đắp thuốc vào làm mát vết thương, hạn chế đau đớn cho bệnh nhân.
Và đáp đền tiếp nối...
Cháu Bùi Anh Tuấn, ở xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy (Thái Bình), mới 13 tháng tuổi bị bỏng nước sôi độ 2+3 rộp hết cả 2 mông, 2 đùi và chỗ kín. Từ bệnh viện tuyến huyện, cháu được chuyển lên bệnh viện tỉnh rồi sắp được chuyển tiếp lên Viện Bỏng quốc gia, thì bố cháu là anh Bùi Văn Hùng được mách: “Ở thôn Đồng Âu, xã An Quý, huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) có anh thương binh tên Thoàn chữa bỏng rất giỏi, lại hay thương người”, nên gia đình xin chuyển gấp tới đây. Anh Hùng kể : Mới chỉ qua hơn tuần điều trị, vết thương của cháu đã ổn định, da non đã mọc, chỉ còn hai vết nhỏ ở mông và chỗ kín còn phải dính băng. Chỉ vài ngày nữa là ổn. Chi phí cho ca bệnh này chỉ hết vài trăm ngàn đồng, anh Thoàn bảo: “Thì cũng chỉ lấy vốn tiền thuốc và một tí tiền công đủ để nuôi các cháu thôi mà”.
Năm 1992, một bệnh nhi mới 28 ngày tuổi, ở xã An Hiệp, huyện Quỳnh Phụ, nhưng bị bỏng nước sôi 25% (1/4 diện tích cơ thể) vết thương sâu độ 3 - 4, vết bỏng rộp mông, rộp 2 đùi và bộ phận sinh dục được đưa tới nhà anh. Đây là ca bệnh rất nặng, Thoàn chưa gặp lần nào, nên đã tư vấn nên đưa cháu đến Viện Bỏng quốc gia. Nhưng gia đình bệnh nhân năn nỉ hết sức, nên vợ chồng anh phải săn sóc 24/24 giờ cả tuần liền với bệnh nhân nhí. Hơn 10 ngày sau, gia đình cháu bé đã đón cháu về trong niềm vui khôn xiết.
Chị Đỗ Thị Nhạn, 54 tuổi, ở huyện Đông Hưng (Thái Bình) bị đau thần kinh đã chạy chữa ở nhiều nơi trong nhiều năm không khỏi. Do nằm bất động lâu ngày, mông và lưng chị bị hoại tử, lở loét từng mảng lớn. Khi được đưa đến nhà anh thì chị Nhạn đã trong tình trạng liệt toàn thân chờ chết. Bằng phương pháp sinh cơ cổ truyền, chỉ sau hơn một tháng chăm sóc, Thoàn đã giành lại sự sống cho bệnh nhân.
Nhà anh Thoàn ở tít trong xóm (thôn Đồng Âu, xã An Quý, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình) nhưng mọi người từ khắp các tỉnh, thậm chí cả ở miền Nam cũng tìm đến. Bệnh nhân đến với anh còn nhiều người nghèo, hoàn cảnh rất khó khăn, nhưng bởi suy nghĩ “làm giàu lòng nhân đức còn hơn giàu của giàu tiền”, “cứu một mạng người phúc đẳng hà sa”, nên anh không ngần ngại. Mặc dù mỗi khi trái gió trở trời, vết thương cũ lại hoành hành làm cho cơ thể đau đớn.
Hiểu thấu cảnh nghèo nên anh Thoàn giảm tối đa chi phí và giúp bệnh nhân yên tâm điều trị. Nhiều năm qua, anh đã dành hẳn 2 dãy nhà cấp 4 (17 phòng) làm buồng bệnh cho bệnh nhân nội trú và miễn toàn bộ giường nằm, điện nước và chất đốt cho hơn 10 nghìn lượt bệnh nhân nằm điều trị nội trú; miễn tiền công cho hơn 5.000 bệnh nhân là người nghèo và các cháu nhỏ; miễn tiền thuốc cho hơn 1.000 bệnh nhân là đối tượng chính sách.
Đầu tháng 3-2011, Đào Viết Thoàn được Vụ Y dược cổ truyền - Bộ Y tế đồng ý và Sở Y tế Thái Bình cấp đặc cách cho anh là “Người có bài thuốc chữa bỏng” và được phép chữa bỏng trong phạm vi quy định, sau nhiều năm chữa bỏng thành công cho vài chục nghìn bệnh nhân trong hơn 20 năm trời. Đó cũng là nhờ vào cái duyên mà anh nhận từ Sư cụ Thích Đàm Lương và cửa Phật.
Hàng năm, vào dịp giỗ sư cụ, anh đều trở lại mái chùa xưa. “Tôi nhận từ cửa Phật, sống được cũng nhờ cửa Phật và thành danh cũng nhờ cửa Phật cho nên nói là hoàn lại cho cuộc đời, mọi người thì cũng không hẳn, mà đơn giản đó là những việc phải làm của mỗi con người khi có mặt trên cõi đời này” - anh nói.