Nhân quả hiện tiền

Gieo nhân gì, gặt quả nấy - Ảnh minh họa
Gieo nhân gì, gặt quả nấy - Ảnh minh họa

GN - Ở đời, ai cũng biết gieo nhân gì thì gặt quả nấy. Không thể bạn trồng chanh mà đòi hưởng cam; gieo rắc cái xấu, ác mà mong được thụ hưởng những điều tốt đẹp, thiện lành. Điều đó hẳn là trái ngược với quy luật tự nhiên, chứ chưa đề cập đến cuộc sống tâm linh hoặc mang màu sắc tôn giáo.

1. Ở xóm tôi có ông P. đã 61 tuổi, sống bội bạc với mẹ già 84 tuổi. Bà ấy chỉ có một đứa con duy nhất là ông. Kể từ ngày mẹ ông già yếu, bệnh tật không thể lao động kiếm sống, cũng là thời điểm ông bỏ mặc bà, không hề quan tâm chăm sóc, không một lời động viên an ủi cho bà đỡ tủi thân già. Suốt ngày bà sống lủi thủi một mình trong ngôi nhà phên ba gian cũ kỹ, xập xệ mà bà đã gắn bó, vào ra suốt mấy chục năm qua. Sát đó là ngôi nhà khá lớn của vợ chồng ông P.

Những năm tháng cuối đời, bà con họ hàng thấy bà hay đau ốm nên thỉnh thoảng đến thăm. Một hôm, cháu kêu bà bằng dì đến thì bà ngỏ ý xin chén cơm (vì bà ít được ăn cơm, toàn mì tôm suốt tháng). Thế là người cháu gái đem cơm trắng đến cho bà, và bị vợ ông P. chửi một trận như tát nước vào mặt: “Chị khinh thường vợ chồng tui hả? Tui nghèo chi không có nổi chén cơm cho mạ tui ăn mà chị phải bới qua…”.

Kể từ ngày đó, con cháu đến thăm bà ngày càng thưa dần vì sợ bị…chửi. Hôm bà mất, xóm giềng cũng đến thăm nhưng chẳng mấy ai chuyện trò với ông P. Một người hàng xóm cho biết bà ấy chết không phải vì bệnh mà vì đói ăn khát uống, bị đau bụng tiêu chảy vì nhiều ngày liền bà chỉ ăn mì tôm ngâm nước lạnh. Mới đây, nghe tin mấy đứa con ông P. đang làm ăn ở Hà Nội bị thất bát, thua lỗ nặng nề, có đứa buôn bán hàng giả với số lượng lớn đã bị bắt tạm giam và đang chờ ngày ra hầu tòa. Bản thân ông P. cũng bị thất nghiệp, người ta không kêu ông làm nữa, chắc là vì họ thấy ông sống vô ơn, đối xử quá thậm tệ với mẹ của mình.

2. Thầy tụng H. chuyên hành nghề “thợ tụng”, lấy việc tụng đám làm kế sinh nhai. Được trời phú cho chất giọng hay nên thầy cũng được nhiều gia đình ở làng trên xóm dưới mời đến nhà tụng kinh cầu an, cầu siêu… 5 năm trước, bà ngoại tôi mất, các cậu mời thầy về để cầu siêu cho ngoại vì nể nang người cùng làng, theo kiểu “thầy nhà bà làng”.

Sau khi lo việc ma chay cho ngoại xong, cậu trưởng đứng lên thay mặt gia đình tang quyến dâng lời cảm tạ và gửi tiền công đức cho thầy cùng các cộng sự. Bỗng dưng, trước bàng quan thiên hạ, thầy xé bì thư ra đếm tiền rồi nói: “Cứ tính theo công lao động mà trả, mỗi lễ tui lấy 300 ngàn/người, cứ nhân với số người và số lễ mà tính cho… sòng phẳng”. Thế là gia đình các cậu đành bóp bụng chi trả theo yêu cầu của thầy. Lo hậu sự cho ngoại xong, gia đình ngồi lại chuyện trò tổng kết, ai cũng lắc đầu ngao ngán, có người than vãn về cách tính công “chặt chém” của thầy H.

Cách đây mấy tháng, nghe hung tin thầy tụng H. bị trúng gió và chết vào ban đêm ngoài bến đò ngang ở huyện Quảng Điền (Thừa Thiên - Huế), gia đình phải ra đem ông về lo hậu sự. Một người cao niên trong làng từng biết đến “lai lịch cúng kiếng” của ông, thì cười mỉa: Ông ấy chết yểu ở tuổi 58 là do “tham đắm” nên phải trả giá đấy, mấy chú ạ!

3. Vợ chồng anh trai tôi làm ăn ở miền Nam, kinh tế cũng khấm khá hơn nhiều so với làm nông ở quê. Khoảng 7 năm trước anh về thăm nhà, trong mâm cơm đoàn tụ gia đình anh có hứa sẽ xây mộ cho hai chú (em ruột của anh), vì nhìn xung quanh đa phần đã mồ cao mả đẹp, mà các chú thì nằm ở địa thế thấp trũng. Cũng chính vì lời hứa đó mà nhiều năm qua ba tôi (82 tuổi) cứ thấp thỏm đợi chờ và mong việc xây mộ sớm thành hiện thực.

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, lời hứa của anh cũng chỉ là lời hứa. Ba tôi thì tỏ ra trách móc, nghi ngờ (còn các chú đang an nghỉ nơi chín suối có trách anh không thì tôi đành chịu). Nhưng có điều rõ ràng đang hiển hiện: Công việc làm ăn, kinh doanh của vợ chồng anh bị “xuống cấp” trầm trọng, toàn chuyện rủi ro xảy ra, con của anh thuở trước ngoan hiền, giờ đây lại ăn chơi phá phách… Tất cả làm cho anh chị thêm tiều tụy thân hình, ốm đau thường xuyên.

Từ câu chuyện “lời hứa” của anh năm nào, tôi liên tưởng đến câu: “Nói lời thì giữ lấy lời/Đừng như con bướm đậu rồi lại bay”, và tôi nghĩ, lời hứa với cõi âm lại càng nên thận trọng. 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày