Nhấp ngụm trà xuân

GN - Tôi thường nghĩ về Tết không phải ở nồi bánh chưng, vại dưa hành hay mứt gừng mứt bí. Cũng không phải là mâm cao cỗ đầy hay những lời chúc tụng đầy khách khí. Tôi nhớ Tết trong những lần ngồi đun nước cho bố pha trà tiếp khách đến chơi nhà.

nhapngumtraxuan.jpg

Không phải kiểu vừa đun vừa chạy chơi đâu đó thỉnh thoảng mới ngó dòm. Nước pha trà phải được đun bằng củi khô giòn không ươi ưởi ướt cũng không mục nát. Phải là thứ củi nhóm lên là cháy đều lửa nước mới không ai khói. Nên người đun cũng phải chú tâm để chất thêm củi vào bếp, tránh lúc đun lúc không, lúc đỏ lửa lúc lại tro tàn lạnh bếp. Nước đun cũng phải sôi sùng sục mới đổ phích để pha chè. Đun mà chưa sôi là người uống vừa nhấp môi đã biết. Tôi từng nhiều lần ham chơi đun nước qua loa. Bố phải đổ cả ấm trà trước cái lắc đầu của khách. Năm mới như thế là mất dông, là câu chuyện đầu năm bị ngắt quãng giữa chừng. Đàn ông quê tôi thích mời nhau chén trà hơn ly rượu. Trà càng uống càng tỉnh càng tình, rượu càng uống càng say.

Ngày xưa quê tôi nhà nào cũng trồng trà xanh. Nhiều thì có bán mà ít thì chỉ đủ dùng. Năm nào cũng đốn cành để mùa xuân trà ra nhiều búp non mơn mởn. Ngày xưa chưa có máy làm trà nên phải tự sao. Tranh thủ buổi tối lúc các con ngồi vào bàn học là mẹ cũng gắng xong công việc lặt vặt trong nhà, để xuống bếp nhóm lửa sao trà trên một chiếc chảo to. Trà sao phải đều tay, đều lửa. Sao đi sao lại nhọc bao nhiêu công mới có nổi ấm chè. Giờ tiện hơn nhiều, hái trà về là mang đi sao thuê nên lưng mẹ bớt đau và tay cũng bớt đen vì nhựa trà. Nhưng dù được chế biến từ phương pháp thủ công hay hiện đại thì trà vẫn giữ được hương vị cũ. Ấy là bố tôi nói vậy chứ tôi thì đã bị cà-phê và các loại nước giải khát bán đầy trên thị trường làm loạn vị giác lâu rồi. Đến cả việc đun nước pha trà giờ cũng có bếp ga, ấm điện. Chỉ có những người cùng ngồi nhấp ngụm trà quê bên nhau là vẫn thế. Tấm ân tình mộc mạc khiến vị trà càng thêm đậm đà.

Tôi phải lòng cái màu nước trà xanh trong đáy cốc. Những người đàn ông quê tôi biết thưởng thức trà từ khi lá còn xanh đến khi pha, khi hãm. Ngày xuân ngồi với chén trà nước xanh trong có thể soi vào đáy mắt khóe môi những lời tình tự. Hỏi nhau chuyện trăm năm đã chuẩn bị đến đâu? Lúa ngoài đồng có tốt? Chăn nuôi có được giá hay không? Sức khỏe dạo này thế nào? Trái gió trở trời hai đầu gối có còn đau nhức? Có người cười vui nhưng cũng có người vừa đưa tay lau nước mắt. Cha mẹ già mới mất, con cái lỡ sa chân vào chốn bùn lầy, vợ chồng sống với nhau nửa đời người không trọn nghĩa thủy chung… Chuyện thế thái nhân tình nghẹn đắng nơi cổ họng. Nhiều khi không biết phải an ủi nhau thế nào đành thở dài nhấm một ngụm trà xuân. Đời người quay quanh một chén trà xanh. Thoắt đó mà tôi đã bước sang tuổi ba mươi. Thoắt đó mà mái đầu bố tôi đã bạc. Hết Tết, bã trà vun đầy những gốc cây cảnh trước nhà. Khách đến chơi đã thưa vắng dần. Ngoài đồng rộn tiếng máy cày cho một mùa vụ mới. Nhưng những chén trà vẫn ấm nồng mỗi sớm mai hay đêm khuya vắng. Thức cùng đời người nhắc bao chuyện buồn vui…

Vũ Thị Huyền Trang

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

GNO - Thầy và trò hay sư phụ và đệ tử là những người có nhân duyên quyến thuộc đạo pháp nhiều đời. Mỗi người đều có trách nhiệm và bổn phận khác nhau. Chu toàn phận sự của mình thì Phật pháp mới xương minh, tứ chúng thập phương an ổn.

Thông tin hàng ngày