Nhật ký từ bệnh viện dã chiến: Vu lan ở tuyến đầu

Một góc Bệnh viện Dã chiến thu dung số 12 - TP.Thủ Đức
Một góc Bệnh viện Dã chiến thu dung số 12 - TP.Thủ Đức
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Công việc tất bật, nhiều khi con chẳng có thời gian, nhưng lâu lâu nghe vài F0 nói nhớ gia đình, nhớ ba má, con cũng chạnh lòng theo nỗi nhớ của họ và… cũng thấy thương mình.

Bệnh viện Dã chiến thu dung số 12, ngày 18-8-2021. Con viết cho ba má từ bệnh viện dã chiến, nơi từng ngày dành giật sự sống cho hàng ngàn bệnh nhân F0, nơi hàng ngày đội ngũ tuyến đầu luôn quên đi bản thân mình vì sức khoẻ và sự bình an của hàng triệu người dân thành phố.

Công việc tất bật, nhiều khi con chẳng có thời gian, nhưng lâu lâu nghe vài F0 nói nhớ gia đình, nhớ ba má, con cũng chạnh lòng theo nỗi nhớ của họ và… cũng thấy thương mình!

Vào đến nơi này, con luôn tâm niệm phải gạt bỏ tình riêng để lo cho sự sống người dân ở tuyến đầu. Tâm tư, tình cảm, lý tưởng phụng sự nhân dân phải luôn hướng về phía trước, bởi quay lại phía sau, nhìn thấy ánh mắt ba má ngấn nước, con lại chẳng đành lòng.

Phòng cấp cứu Bệnh viện Dã chiến thu dung số 12 - TP.Thủ Đức

Phòng cấp cứu Bệnh viện Dã chiến thu dung số 12 - TP.Thủ Đức

Sài Gòn những ngày này nắng gắt, lâu lâu lại có mưa ngâu, con chợt nhận ra tháng Bảy đã về rồi. Công việc, chuyện tử sanh giữa đại dịch Covid-19 khiến con không còn tâm trí để nghĩ đến thời gian. Ấy vậy mà khi ý thức được tháng Bảy - mùa Vu lan đã về, trong một niệm bất giác con nhớ nhà kinh khủng, nhớ ba má, nhớ bữa cơm đầm ấm bên gia đình, nhớ những quả bí, hạt bắp má chắt chiu gửi vào miền Nam cho chúng con.

Tuy vậy, con không thể bỏ Sài Gòn lúc này vì đây là quê hương thứ hai, là nơi nuôi dưỡng giới thân huệ mạng, giúp con hoàn thành lý tưởng phụng sự, bồi đắp con đường tri thức, trí tuệ như hôm nay. Con muốn góp một bàn tay cùng Sài Gòn vượt qua khúc quanh này như lời tri ân gửi đến thành phố đáng sống và đáng yêu này.

Vu lan về rồi, lòng con không khỏi bâng khuâng, thương ba má một nắng hai sương lam lũ ở quê nghèo. Từ khi sanh con ra, chưa nhờ được ngày nào đã tình nguyện hiến dâng con trai, con gái của mình cho Phật pháp.

Từ lúc hiểu chuyện, biết làm việc cho đến lúc trưởng thành, con dùng toàn bộ thời gian, tâm sức, trí tuệ để cống hiến cho đạo Pháp, phụng sự xã hội, chăm lo đời sống từ tinh thần đến vật chất của người dân. Đã bao nhiêu lâu rồi, con bỏ quên hai đấng song thân lặng lẽ dõi theo, lo lắng, yêu thương và đi bên cạnh cuộc đời con như thế.

Vu lan năm nay ở tuyến đầu, chẳng hoa hồng, cũng chẳng lễ báo ân. Thương ba má ở quê nhà, ngày ngày lo lắng, cầu nguyện con khoẻ ở chiến trường Covid. Nơi đây, con sẽ lấy bình oxy làm hoa hồng dâng tặng, lấy các trang thiết bị y tế làm lễ hiếu ân, xem những cụ ông, cụ bà làm hai đấng song thân để yêu thương, chăm sóc và ví đồng đội của mình là bạn lữ cùng tham dự. Như thế này đối với con vẫn rất hạnh phúc, vì ngoài kia có biết bao người đang ngậm ngùi lặng lẽ, lau vội giọt nước mắt và tưởng niệm màu hoa trắng đơn côi.

Con tình nguyện dấn thân ở tuyến đầu, mong góp một bàn tay ngăn chăn dịch Covid-19 lây lan, mong cùng đồng đội hạn chế tối đa số lượng người tử vong, để bao mái đầu không mồ côi cha mẹ.

Vu lan ở tuyến đầu không có gì ngoài tình thương dâng tặng và sự quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh, mang đến bình an và hạnh phúc cho tha nhân. Con sẽ nhớ mãi mùa Vu lan đặc biệt này, một mùa Vu lan không có lễ cài hoa nhưng nhiều người đã khóc.

Khóc vì những cuộc chia ly không hẹn ngày gặp lại, khóc vì những khoảng cách địa lý, không thể tương phùng khiến nỗi nhớ khôn nguôi. Mong ba má yên tâm, giữ gìn khoẻ thật tốt, Người cũng hãy là những chiến sĩ ở hậu phương, cùng bà con quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh.

Rồi chúng ta sẽ có lại cuộc sống thanh bình, rồi hạnh phúc sẽ nở hoa, con sẽ trở về khi quê hương không còn Covid-19. Ngày đó chắc không còn xa nữa rồi.

Vu lan giữa đại dịch Covid-19 (12-7-Tân Sửu).

Sư cô TN Nhuận Bình
(Từ Bệnh viện Dã chiến thu dung số 12 - TP.Thủ Đức)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Vài nét về lịch sử Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni

Vài nét về lịch sử Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni

NSGN - Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni được thành lập vào thời Đức Phật và tồn tại cho đến ngày nay. Trong nhiều thế kỷ, những phụ nữ xuất gia đã thực hành, chứng ngộ và giữ gìn lời dạy của Đức Phật, không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân mà còn cho xã hội nơi họ sinh sống.
Ảnh minh họa

Làm sao đưa Phật pháp đến với tuổi trẻ?

GNO - Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các chương trình chánh niệm tại trường học có thể giúp ích, đặc biệt là ở các cộng đồng nghèo, nơi học sinh phải đối mặt với mức độ căng thẳng cao hơn.

Thông tin hàng ngày