Nhặt những điều tử tế

GN - Có những việc làm nhỏ của những con người bình thường, người ở trong hoàn cảnh ngặt nghèo đã gợi lên một niềm tin cuộc sống, rằng sự tử tế, tình thương và chia sẻ luôn có sẵn trong mỗi người, và điều đó làm nên sự cao quý của nhân phẩm - đáng tôn vinh...

KV.1.jpg
Thầy Phước Lộc lì xì, đem niềm vui bất ngờ đến người vô gia cư trong thời khắc giao thừa

Góp nhặt yêu thương, để mọi người đều có Tết

5 năm nay, cứ vào chiều 30 Tết, với sự hướng dẫn của ĐĐ.Thích Lệ Minh, chùa Thiện Mỹ, các bạn trẻ đến Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM chúc Tết các bệnh nhân không được xuất viện về nhà sum họp với gia đình. Mặc dù mỗi phần quà chỉ có bánh, sữa và bao lì xì 100 ngàn, nhưng trong thời khắc và hoàn cảnh đặc biệt, kèm những lời ái ngữ, cảm thông, nụ cười hoan hỷ đã đem đến sự an ủi cho người bệnh.

Bác Hoa, quê ở tỉnh Long An, nghẹn ngào bộc bạch: “Nhận được quà vui lắm, mừng lắm. Tui không có đi chùa mà nay mấy ngày Tết, bệnh nằm ở viện thế này, có ông thầy ghé thăm, tui vui mà không biết diễn tả sao hết”. Một bệnh nhân khác, cũng đang điều trị bệnh tại đây xúc động bày tỏ: “Tết năm nào tui cũng đi chùa, năm nay bệnh nằm ở đây coi như là không đi được. Mấy nay tui buồn vì chuyện đó. Hôm nay, chiều 30 Tết, thấy bóng dáng thầy đến tặng quà, cho tui quyển kinh nhỏ để đọc, tui mừng lắm”.

Vào thời khắc giao thừa vừa qua, trên đường đi lễ chùa, chúng tôi bắt gặp hình ảnh ĐĐ.Thích Phước Lộc cùng cô bác Phật tử xuống đường tặng quà, lì xì đầu năm mới cho những người vô gia cư ở khu vực chợ Kim Biên, Q.5, TP.HCM. 200 phần quà chỉ trong vòng 15 phút đã phát sạch trơn cho người già, trẻ nhỏ cơ nhỡ. Nhận được quà, ánh mắt người nào cũng vui vẻ, hạnh phúc tràn đầy hiện rõ trên gương mặt. Thương nhất là những người đến sau, biết rằng thầy không còn quà để phát, họ chắp tay trang nghiêm, chỉ xin thầy cho cái lộc, với niềm tin rằng, có lời chúc và “cái hên” của thầy, năm mới sẽ may mắn hơn năm cũ. “Nay tui 82 tuổi rồi mà không nhà cửa gì hết, con cái cũng không, đi lượm ve chai sống. Cái lộc thầy cho 100 ngàn, tui để dành lấy hên, đói lắm thì tui mới xài”, nghe bác nói mà thương lại càng thương.

Từ ngày 20 đến mùng ba Tết, vòng quanh các bệnh viện: Chợ Rẫy, Phạm Ngọc Thạch, 115, Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2, sáng nào người viết cũng bắt gặp hình ảnh bệnh nhân nghèo chờ đoàn cơm từ thiện của Sư cô Chúc Phúc (Phật đường Phước Huệ, Q.5) đến phát cơm. Hỏi ra mới biết, có những người ăn cơm chay của Sư cô Chúc Phúc suốt cả thời gian điều trị bệnh, ngày nào cũng đến nhận cơm, rồi trở nên thân quen. Thương nhau, quý mến nhau, đến ngày xuất viện, mặc dù là mùng ba Tết, nôn về nhà lắm nhưng chú Hai Lên, quê tận Cần Thơ vẫn nán lại, chờ Sư cô đến nói một tiếng cảm ơn rồi mới về quê.

Chú bảo: “Ở bệnh viện nuôi con, không có Sư cô thì vợ chồng cũng không biết lấy gì ăn. Ăn cơm chay mười ngày suốt, rồi nghe lời Sư cô niệm Phật, hồi hướng cho con, nhờ vậy mà giờ con mới hết bệnh, mừng lắm, biết ơn lắm. Lúc bệnh tật, ở Sài Gòn lạ nước, lạ cái may mà có Sư cô”.

Bài học làm người tử tế từ những người khắc khổ

Ngày mùng ba Tết, tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, chúng tôi bắt gặp hình ảnh ấm áp tình người, như câu nói: “Người với người sống để yêu nhau”. Mặc dù không quen biết, nhưng trước hoàn cảnh của anh Trực, do sanh khó, con vừa mới được sanh ra đã phải chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 2, vợ vừa sanh, sức yếu điều trị ở Bệnh viện quận 9. Hai vợ chồng đến Sài Gòn sống không người thân, thấy anh Trực một mình phải chạy đi chạy lại hai nơi vừa lo cho vợ, vừa lo cho con, người nhà bệnh nhân cùng phòng ai cũng thương, gồng gánh phụ anh hết sức có thể. Rồi đến khi bác sĩ báo con anh Trực khó qua khỏi, người động viên, người đi tìm mạnh thường quân giúp dùm anh tiền thuốc than, chạy chữa.

“Người em như sụp đổ, quỵ ngã, có nhiều lúc em không biết gì luôn, may mà có mọi người lúc nào cũng giúp em, mặc dù không thân thích gì hết. Chắc là do lúc trước em làm từ thiện, cũng có tặng gạo cho người khó hơn mình mà không tính toán chi nên giờ em khổ, Phật trời xoay chuyển cho người giúp em”, anh Trực nói mà nước mắt cứ chảy dài trên gò má rám nắng.

KV.2.jpg


Cả người trao và người nhận đều nở nụ cười hoan hỷ

Nghèo khó, khắc khổ, trong túi chỉ còn 600 ngàn nhưng khi chúng tôi biếu anh tiền, phải ép mãi, anh mới nhận. Bước chân ra về mà chúng tôi ám ảnh mãi lời anh nói: “Con em giờ không qua khỏi rồi, em chỉ xin đủ khoản tiền lo cho con những ngày cuối cùng ở bệnh viện. Em không dám lấy tiền của mọi người cho, để dành cứu những bé khác, còn có cơ hội sống”. Trong sự bất lực, hoàn cảnh đớn đau nhất, có khi mất cảm giác không biết gì, nhưng anh Trực vẫn giữ cho mình lối sống tử tế, không tham lam, không lợi dụng tình thương của mọi người và còn biết nghĩ cho người khác - đó là điều khiến người viết đau đáu trong lòng.

Bài học về sự tử tế của người nghèo chưa dừng lại ở đó. Đêm mùng ba Tết, theo chân các bạn trẻ phát quà cho người vô gia cư, nghe tiếng: “Bà ơi, con biếu quà bà ăn Tết muộn”, một cụ già đang nằm dưới dạ cầu Nguyễn Văn Cừ, quận 5, ngồi bật dậy, vui vẻ nói: “Thiệt là cảm ơn nhưng tui vừa được một nhóm lì xì rồi nên giờ khỏi cho tui. Để dành phần quà đó, cho người chưa có gì trong đêm nay đi cô, chú”. Bà từ chối quà rồi, vẫn không quên gửi gắm: “Ở các mái hiên đằng trước, có nhiều người khổ như tui mà hổng biết có ai cho gì chưa, cô chú chịu khó qua bên đó, nếu chưa có gì, xin cho họ chút ít”.

Thấy mọi người gật đầu dạ, ánh mắt của bà sáng lên niềm hạnh phúc. Bà cảm ơn không ngớt, cho đến khi mọi người rời đi mới thôi. Những người vô gia cư, sống vất vưởng dưới mái hiên nhà người ta, đa số đều nghèo thiệt nghèo, nhưng trong số họ, có người sống không tham lam, rất tử tế! Khi gặp, trò chuyện với những “nhân vật” đặc biệt này, chúng tôi xúc động biết bao. Họ không có tài sản vật chất nhưng lại dám kiên quyết: “Chỉ nhận một phần quà là đủ”!

Từ chối nhận quà, nhận tiền là điều mà không phải bất cứ người nào cũng có thể làm được, nhất là với người nghèo khó, rơi vào tình cảnh éo le, khó ngặt. Vậy đó, mà hai trong những nhiều người chúng tôi tình cờ gặp, lại gợi lên niềm tin sự tử tế luôn có sẵn trong mỗi người, và có một đức tin, một sức sống mãnh liệt. Tiếp xúc với họ, qua hành xử của họ cho thấy rằng, cuộc sống này dẫu nhiều thử thách, cám dỗ nhưng nếu chúng ta muốn, vẫn luôn có thể đàng hoàng làm người tử tế!

Chuyển Tết từ Sài Gòn về miền quê

Đọc bài viết “Ngày nào bình an, ngày đó là Tết” trên số tất niên báo Giác Ngộ, cảm thương trước hoàn cảnh và mến hiếu đạo của bà Võ Thị Quỳ (Long An), Phật tử Trần Đình Sơn qua báo Giác Ngộ nhờ trao niềm vui bất ngờ cho gia đình bà Quỳ ăn Tết.

KV.3.jpg
Bà Quỳ bất ngờ với số tiền Tết do bạn đọc báo gửi biếu


Nhận được 2 triệu đồng, bà Quỳ vui mừng đếm từng tờ, đếm xong, bà “bấn loạn” hỏi liên tiếp: “Mô Phật, ai mà cho tui nhiều dữ vậy? Người nào tốt bụng vậy? Cho tui nhiều vầy, rồi người ta còn tiền ăn Tết không?”.

Khi chúng tôi cho biết, số tiền này từ một Phật tử ở Sài Gòn tặng, bà xúc động, nói từng chữ, nghèn nghẹn: “Tết này là cái Tết lớn nhất từ hai chục năm nay. Cho tui gửi lời cảm ơn trăm ngàn lần đến bác đã tặng tiền cho gia đình tui”.

Và năm nay, cái Tết đủ đầy đã bất ngờ đến với gia đình bà Quỳ, như bà đã từng ao ước: Tết bàn thờ có hoa, có bánh, có trái cây, có đầy đủ thức ăn để cúng ông bà, tổ tiên và gia đình được ăn sướng trong những ngày Tết.

Bài, ảnh: Khánh Vy

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày