Ngoài ra, Hội hoa xuân còn có nhiều hoạt động diễn ra liên tục tại hai khu Tết xưa và Tết nay từ ngày 12 - 20.2.2010 (nhằm ngày 29 tháng chạp năm Kỷ Sửu đến mồng 7 tháng giêng Tết Canh Dần).
Tết nay: nhiều nét mới
Giới trẻ sẽ hào hứng với những trò chơi mạo hiểm mới: đu bạch tuộc, xiếc mô tô bay, và những hoạt động vui chơi trên hồ nước được đầu tư mới như: thuyền kayak, thuyền bay, xuồng cao su…
Nhiều trò chơi mới phục vụ du khách vào dịp Tết Canh Dần
|
Năm nay, mồng một Tết nhằm vào ngày Lễ Tình nhân 14.2 nên Ban tổ chức Hội hoa xuân đã đưa ra chương trình Hái lộc đầu xuân cùng với Hoa tình yêu tại vườn xuân với nhiều phần thưởng đặc biệt cho các đôi nam thanh nữ tú tham dự.
Tại khu Tết nay còn diễn ra cuộc thi tài năng nghệ thuật Xuân và Tuổi trẻ do Ban tổ chức Hội hoa xuân phối hợp với Trung tâm Văn hóa TP Đà Nẵng tổ chức, bao gồm các phần thi: Tiếng hát Hội mùa xuân, Người dẫn chương trình, Vũ điệu Xuân, Duyên dáng áo dài và thời trang, khiêu vũ...
Nhiều hội diễn văn nghệ đặc sắc
|
Các em nhỏ từ 6 - 14 tuổi sẽ có cơ hội tham gia phần thi Em hát múa cùng mùa xuân, diễn ra từ 17 - 19.2 (mồng 4 - 6 Tết) và thi vẽ tranh. Toàn bộ số tranh đoạt giải sẽ được bán đấu giá gây quỹ từ thiện.
Ban tổ chức cũng đã bố trí hơn 30 gian hàng trò chơi và khu ẩm thực ngoài trời để phục vụ khách du xuân trong dịp này.
Tết xưa: ấm áp
Khu Tết xưa dựa trên cảm hứng các dân tộc của nước ta, sẽ tái hiện gần như toàn bộ nét văn hóa truyền thống độc đáo.
Tại không gian văn hóa dân tộc Kinh sẽ diễn ra các trận cờ người, long lân quần hội do thầy trò võ đường Kỳ Sơn (Hội An) đảm nhận.
Thi đấu cờ người
|
Một số hoạt động diễn ra tại đây như: diễu hành rối, hội bài chòi, giao lưu thơ nhạc các dân tộc, thi trưng bày mâm ngũ quả, hội chọi chim... hứa hẹn sẽ thu hút nhiều du khách.
Một tháp Chăm sẽ được dựng lên tại không gian văn hóa của dân tộc này, người xem sẽ hiểu thêm về dân tộc Chăm với nghề dệt, nghề gốm và các tiểu cảnh tái hiện lễ hội của người Chăm.
Không gian văn hóa dân tộc Chăm
|
Gần 50 nghệ nhân đồng bào dân tộc Cơ Tu (tại xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) cũng góp mặt trong Hội hoa xuân với các điệu múa Tung tung da da, cũng như trưng bày triển lãm cây nêu Tết, nhà sàn và các vật dụng truyền thống.
Điểm nhấn của khu vực Tết xưa là không gian Bức tranh quê, tái hiện truyền thuyết các loài hoa. Mọi năm, đây là nơi yêu thích của các bạn trẻ ghi lại khoảnh khắc mùa xuân. Một góc “nhà quê” với đầy đủ chòi tranh, lu nước, đàn heo, bầy gà, vườn rau sẽ được dựng lên tại khu vực này.