Nhiều người tử nạn do mưa lũ

Tính đến chiều 12-9, tại Nghệ An, mưa lớn đã làm 3 người chết, trong đó có hai mẹ con chị Vi Thị Mùi (42 tuổi) và con gái Vi Thị Dung (12 tuổi), ở xã Thạch Ngàn, H.Con Cuông đang trên đường qua suối, bị lũ cuốn trôi.

Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Bình Thuận cho biết, trong hai ngày qua, mưa lớn đã gây thiệt hại nặng nề trên địa bàn tỉnh. Tại H.Tánh Linh, 12 căn nhà tốc mái, 35 căn nhà bị ngập, hư hỏng gần 800 ha lúa; ngã đổ 32 ha cây điều, 54 ha cao su. Tại TP.Phan Thiết, tàu cá BTh 99826 chở 4 thuyền viên bị đánh chìm, rất may do gần bờ nên các thuyền viên đều được cứu sống. 

1ngaplut2.jpg

Việc xả lũ hồ Yên Mỹ đã gây ngập nặng cho H.Nông Cống - Ảnh: Ngọc Minh

Cùng ngày, tại khu vực thôn Phú Sơn, xã Hàm Mỹ, H.Hàm Thuận Nam, em Phan Thị Duy Uyên (17 tuổi, học sinh Trường Nghiệp vụ năng khiếu thể thao Bình Thuận) cùng 2 người bạn trên đường về nhà đã bị mưa lũ cuốn trôi. Đến 14 giờ cùng ngày, lực lượng cứu hộ tìm được xác em Uyên. 2 người bạn của Uyên bị nước cuốn dạt vào gốc cây nên may mắn sống sót.

Đến sáng qua, thi thể hai mẹ con chị Mùi và ông Hoàng Văn Quý (42 tuổi) ở xã Nghĩa Yên, H.Nghĩa Đàn bị nước cuốn trôi cũng đã được tìm thấy. Mưa lũ đã làm 7 nhà dân bị sập, 31 nhà bị sạt lở, gần 1.000 ngôi nhà bị ngập nước, một xe ô tô 7 chỗ ở xã Nghĩa Hồng, H.Nghĩa Đàn đậu bên đường cũng bị nước lũ cuốn trôi. Một số hồ đập nhỏ và vừa ở các huyện miền núi bị tràn và vỡ, khiến hơn 9.000 ha lúa, 5.172ha ngô và hoa màu bị nước nhấn chìm. Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN) Nghệ An, đợt mưa lũ này đã gây thiệt hại hơn 365 tỉ đồng.

Thanh Hóa thiệt hại 385 tỉ đồng

Tính đến chiều 12-9, mưa lớn đã khiến 714 hộ dân bị ngập; gần 6.500 ha lúa mùa bị mất trắng, hơn 6.000 ha bị ngập; hàng ngàn héc-ta hoa màu bị ngập úng, hư hỏng. Một hồ đập thủy lợi nhỏ bị vỡ, 6 hồ đập thủy lợi bị tràn; hàng chục ngàn mét khối đất đê điều, đường sá, hồ đập, kênh mương bị nước lũ cuốn trôi... Ước tính thiệt hại lên tới 385 tỉ đồng.

Ngọc Minh

Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Lâm Đồng cho biết, tại H.Đạ Tẻh, đêm 7-9, chị Trần Thị Vân (35 tuổi) bị chết do lũ cuốn. Trước đó, anh Nguyễn Đình Trung (25 tuổi) bị sét đánh chết.

Mưa lũ làm 180 hộ dân và hàng trăm héc-ta hoa màu ở các xã An Nhơn, Quốc Oai, Triệu Hải và thị trấn Đạ Tẻh bị ngập nặng, ước tính thiệt hại hơn 5,2 tỉ đồng. Ở H.Cát Tiên, mưa lũ nhấn chìm 270 ha lúa, 230 căn nhà, gần 15km đường giao thông, 4 cầu tạm bị lũ cuốn trôi; ước tính thiệt hại gần 2,5 tỉ đồng.

Những ngày qua, mưa và gió xoáy đã làm ngập úng, gãy, đổ hàng trăm héc-ta lúa chuẩn bị thu hoạch tại Quảng Bình.

Do ảnh hưởng của những đợt sóng biển dâng cao liên tiếp trong thời gian qua nên một số điểm ở tuyến đê biển Tây và đê biển Đông bị sạt lở nghiêm trọng, có những đoạn chỉ còn khoảng 4-5m nữa là hết thân đê.

Cụ thể, tuyến đê biển Tây (đoạn từ cống Rạch Dinh đến Hương Mai thuộc xã Khánh Tiến, H.U Minh, Cà Mau) sóng biển tác động gây sạt lở một đoạn gần 2 km; phía nam cống Lung Ranh cũng bị sạt lở một đoạn trên 230m; tuyến đê biển Đông đoạn Gành Hào - Đất Mũi bị sóng biển cuốn trôi hàng chục km.

11ngaplut.jpg

Hàng trăm ngôi nhà chìm trong lũ - Ảnh: N.Minh

Ngày 12-9, các tỉnh Nam đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to đến rất to. Lượng mưa đo được tại Thanh Hóa và Nghệ An tính đến trưa cùng ngày phổ biến từ 200-300mm. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết, mưa lũ tiếp tục diễn biến phức tạp trong vài ngày tới. Lũ trên các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh tiếp tục lên. 

Dự báo, sáng nay 13-9, mực nước trên sông Bưởi tại Kim Tân có khả năng lên mức báo động (BĐ) 1, trên sông Cả tại Dừa lên mức BĐ2, tại Nam Đàn lên trên mức BĐ2 khoảng 0,3m. Nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập ứng ở vùng trũng, đồng bằng các tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An vẫn đang ở mức BĐ.

Dân nghèo khốn khổ vì hồ thủy lợi và mưa lũ

Do mưa lớn kéo dài liên tục từ ngày 9 đến12-9, khiến các huyện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa xảy ra một đợt lụt đồng trên diện rộng. Tại huyện Tĩnh Gia, Quảng Xương, Nông Cống, Như Thanh, Triệu Sơn..., nhiều hộ dân lâm vào cảnh trắng tay khi lúa mùa đang trong kỳ trổ bông bị ngâm sâu trong nước.

Ngày 12-9, chúng tôi trở lại xã Tượng Sơn, H.Nông Cống (Thanh Hóa), nước lũ vẫn còn ngập sâu trên địa bàn toàn xã. Đây là xã bị thiệt hại nặng nề nhất trong đợt lũ này. Nguyên nhân là do mưa lớn cộng với việc xả lũ của hồ thủy lợi Yên Mỹ từ đêm 9-9.

Ông Lê Xuân Chung, Bí thư chi bộ thôn Phú Triều, xã Tượng Sơn than thở: “Nếu ông Chủ tịch UBND huyện không kịp thời lên ngăn việc xả lũ ở hồ Yên Mỹ, thì chắc chắn hậu quả của ngập lụt còn lớn hơn nhiều, không khéo còn dẫn tới chết người. Bởi lẽ, toàn bộ khu vực này nằm lọt thỏm ở giữa như một cái lòng chảo mà một bên là núi và một bên là đê ngăn lũ thuộc địa bàn H.Tĩnh Gia”.

Được biết, do mưa lớn, nước trong hồ Yên Mỹ vượt quá cao trình thiết kế, vì vậy để đảm bảo an toàn cho hồ, đơn vị quản lý hồ là Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi sông Chu đã cho xả lũ từ 20 giờ ngày 9-9, với tốc độ xả đạt 82m3/giây.

Đến sáng 10-9, trước sự phản ứng quyết liệt của ông Nguyễn Văn Thuấn, Chủ tịch UBND H.Nông Cống, đơn vị quản lý hồ mới cho đóng van xả vào lúc 9 giờ sáng ngày 10-9. Việc xả lũ hồ Yên Mỹ cộng với mưa lớn đã khiến 1.491ha lúa mùa và hàng trăm nhà dân ở Nông Cống bị chìm trong nước lũ. Trong đó, 100% diện tích lúa và hoa màu của xã Tượng Sơn bị mất trắng hoàn toàn.

Ngọc Minh

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

GNO - Chùa Long Hoa (Q.8) phối hợp UBND, Uỷ ban MTTQVN Q.8, các mạnh thường quân tổ chức trao 300 phần quà đến các hộ đồng bào dân tộc, hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Q.8 vào ngày 16-4.

Thông tin hàng ngày