Nhờ phòng hộ và xa lìa mà đoạn trừ phiền não

Ảnh: Bảo Toàn
Ảnh: Bảo Toàn
0:00 / 0:00
0:00

"Một thời Phật du hóa ở Câu-lâu-sấu, tại đô ấp Kiếm-ma-sắt-đàm, đô ấp của Câu-lâu… Bấy giờ Đức Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

- Có bảy sự đoạn trừ lậu, phiền não, pháp ưu sầu. Những gì là bảy? 1- Có lậu được đoạn do kiến, 2- Có lậu được đoạn do hộ, 3- Có lậu được đoạn do ly, 4- Có lậu được đoạn do dụng, 5- Có lậu được đoạn do nhẫn, 6- Có lậu được đoạn do trừ, 7- Có lậu được đoạn do tư duy.

2- Có lậu được đoạn trừ do hộ là gì? Tỳ-kheo khi mắt thấy sắc, nếu có phòng hộ nhãn căn thì sẽ do chánh tư duy mà quán bất tịnh vậy; nếu không phòng hộ nhãn căn thì sẽ do không chánh tư duy mà quán là tịnh. Nếu không phòng hộ thì sanh phiền não, ưu buồn. Nếu có phòng hộ thì không sanh phiền não, ưu buồn. Cũng vậy, tai, mũi, lưỡi, thân và ý biết pháp mà có phòng hộ ý căn, thì sẽ do chánh tư duy mà quán bất tịnh, nếu không phòng hộ ý căn thì sẽ do không chánh tư duy mà quán là tịnh. Nếu không phòng hộ thì sanh phiền não, ưu buồn, nếu có phòng hộ thì không sanh phiền não, ưu buồn. Đó là có lậu được đoạn trừ do hộ.

3- Có lậu được đoạn trừ do ly là gì? Tỳ-kheo khi thấy voi dữ thì nên xa lánh, ngựa dữ, trâu dữ, chó dữ, rắn độc, đường hiểm, nhà tiểu, hầm hố, sông ngòi, suối sâu, vách núi, ác tri thức, ác bằng hữu, ác dị đạo, chòm xóm xấu, nơi cư trú xấu, hoặc Tỳ-kheo ở chung một chỗ với các người phạm hạnh, người không nghi ngờ mà khiến nghi ngờ, là những trường hợp phải nên xa lánh. Hãy nên xa lánh tất cả ác tri thức, ác bằng hữu, ác ngoại đạo, ác dị đạo, chòm xóm xấu, nơi cư trú xấu, hoặc Tỳ-kheo ở chung một chỗ với các người phạm hạnh, người không nghi ngờ mà khiến nghi ngờ. Nếu không xa lánh thì khởi sanh phiền não, ưu sầu. Nếu xa lánh thì không phát sanh phiền não, ưu sầu. Đó là lậu được đoạn trừ do ly.

(Kinh Trung A-hàm, phẩm Bảy pháp, kinh Lậu tận, số 10 [trích])

Trong kinh văn, Đức Phật nói đến bảy pháp có thể đoạn trừ lậu hoặc, phiền não. Đoạn trích này chúng ta chỉ đề cập đến pháp “2- Có lậu được đoạn do hộ” và “3- Có lậu được đoạn do ly”.

Hộ là phòng hộ, giữ gìn. Sáu căn tiếp xúc với sáu trần là cơ sở để thức phân biệt, tạo ra yêu ghét. Thông thường, nếu yêu thích thì chạy theo, nếu ghét bỏ thì xua đuổi. Bấy giờ chúng ta bị tâm tham và sân xâm chiếm, chi phối. Nếu có phòng hộ thì nhờ chánh niệm, tỉnh giác và chánh tư duy chúng ta sẽ thấy rõ sự bất tịnh. Bất tịnh ở đây là thấy rõ bản chất vô thường, duyên sinh của các pháp. Nhờ vậy mà không khởi tưởng phân biệt đẹp xấu, yêu ghét nên không sinh phiền não, các lậu hoặc được đoạn trừ.

Ly là tránh xa, tách rời, xa lìa, giữ khoảng cách an toàn. Khi chúng ta chưa thật sự vững chãi để an trú tâm trong mọi hoàn cảnh thì xa lánh những nguyên nhân phát sinh phiền não là thực sự cần thiết. Những người xấu, các loài hung dữ và những nơi nguy hiểm thì cần phải tránh xa. Các biện pháp tránh duyên thích hợp như vậy sẽ tạo ra môi trường sống tốt, yên lành, giảm thiểu những rắc rối, hệ lụy không cần thiết, nhằm thuận lợi hơn cho sự tu học.

Như vậy, phòng hộ sáu căn và tránh xa xấu ác là hai phương cách tu tập căn bản để đoạn trừ phiền não. Lậu hoặc, phiền não vốn vô lượng, nếu biết khéo léo ứng dụng các phương cách đối trị thích hợp vào trong thực tiễn cuộc sống thì có thể thiết lập được an lạc, giải thoát.

Quảng Tánh/Báo Giác Ngộ

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Đoàn từ thiện chùa Thiên Quang cứu trợ tại Myanmar

Chùa Thiên Quang (P.Đông Hòa, TP.HCM) thăm các tu viện, xây 10 căn nhà hỗ trợ người dân Myanmar sau động đất

GNO - Từ ngày 28-6 đến 1-7, đoàn từ thiện chùa Thiên Quang (P.Đông Hòa, TP.HCM), dưới sự hướng dẫn của Ni sư Thích nữ Hương Nhũ, trụ trì chùa đã trực tiếp đến thăm 20 tu viện, xây tặng 10 ngôi nhà tập trung, tặng quà cho 1.103 hộ dân tại Myanmar chịu ảnh hưởng bởi động đất xảy ra vào ngày 28-3.
Tranh minh hoạ tăng nhân Biện Cơ

Biện Cơ - vị tăng nhân tài hoa nhưng bạc phận

NSGN - Một trong những tác phẩm của ngài Huyền Trang (602-664) mang tính cống hiến vĩ đại cho ngành khảo cổ ở Ấn Độ nói riêng và cho cả nhân loại nói chung, góp phần giúp tìm ra những Thánh tích nổi tiếng của Phật giáo tại Ấn Độ, đó chính là tác phẩm Đại Đường Tây Vực ký (大唐西域記).

Thông tin hàng ngày