Nhớ Tết

Nhớ cây bưởi, nhớ hàng cau, bánh chưng, hành muối, nhớ màu thịt đông.
Hoa đào nở rực sắc hồng, cùng nhau sum họp chén nồng no say. (Phạm Trường Thi, Liên bang Nga)

Mỗi lần Tết đến xuân sang,
Lòng dân xa xứ nhớ làng nhớ quê!
Năm nay cũng lại không về,
Gia đình chẳng được đề huề với nhau.

Nhớ cây bưởi, nhớ hàng cau,
Bánh chưng, hành muối, nhớ màu thịt đông.
Hoa đào nở rực sắc hồng,
Cùng nhau sum họp chén nồng no say.

Mong cho năm mới gặp may,
Dồi dào sức khỏe, ngày ngày tươi vui.
Chúc anh, chúc chị, chúc tui (tôi),
Cả năm tấn tới, không lùi bước chân!

(Chúc mừng năm mới - An khang thịnh vượng)

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa, xin tặng các bạn đọc.

Xin chào tất cả các cô, các chú, anh chị làm báo VnExpress. Trước tiên tôi muốn nói một lời cảm ơn rất sâu sắc đến các cô chú và anh chị đã tổ chức một cuộc thi đầy ý nghĩa và thực sự là đã động chạm đến vấn đề nóng hổi nhất, đáng quan tâm nhất của những người dân Việt xa xứ như chúng tôi. Chúc các cô, các chú, anh chị một năm mới: an khang, thịnh vượng, dồi dào sức khỏe và công tác tốt, chúc cho những người đang ở xa như tôi có một cái Tết thật đầm ấm giống như ở nhà vậy!

Tôi hiện là sinh viên du học ở thành phố Astrakhan, Liên bang Nga, cũng đã lâu rồi chưa được về quê ăn Tết cùng gia đình. Cứ mỗi dịp Tết đến, tôi lại có một cảm giác nhớ nhà đến da diết… Năm đầu tiên xa nhà, phải ăn Tết trên đất khách, thực sự là nhớ gia đình kinh khủng. Tôi thèm được về nhà, thèm được cùng gia đình trong bữa cơm tất niên ấm cúng, được ăn một miếng bánh chưng, miếng dưa hành, miếng giò mỡ… những món ăn đặc trưng của ngày Tết, những món mà nếu ngày thường ăn, chắc chắn không thể ngon bằng ăn vào dịp Tết được.

Dường như ngày Tết có một hương vị đặc biệt, khi ta ăn một món ăn, hay khi ta nâng một ly champagne cùng gia đình thì có cảm giác lâng lâng khó tả. Tôi biết là mỗi người đã trải qua những cái Tết khác nhau, nhưng tôi tin rằng, hương vị Tết của mọi người có nét chung rất lớn! Chẳng thế mà cứ mỗi dịp Tết đến tất cả chúng ta, những người con đất Việt đều thấy xốn xang, rộn ràng trong lòng, đi đâu cũng nói cười hớn hở hơn, gặp nhau chào nhau thân thương hơn vì có hương vị Tết.

Tôi nhớ lại những ngày ăn Tết cùng gia đình, lúc các học sinh, sinh viên được nghỉ cũng là lúc các chợ Tết bắt đầu họp đông đúc. Người người, nhà nhà đổ ra chợ Tết để mua sắm. Bố mẹ thì đi mua mấy nải chuối, quả bưởi, quất, trứng gà, hay có thêm quýt, cam, nho… để bày mâm ngũ quả, rồi sắm cả những vật dụng mới, quần áo mới nữa. Còn trẻ con thì chỉ chăm chăm vào hàng đồ chơi, bóng bay...

Ngày 30 tháng chạp, cả nhà ngồi gói bánh chưng, người thì chẻ lạt, người rửa lá, lau lá, người thì gói bánh, vừa gói vừa nói chuyện, vui ơi là vui. Sau đó thì đặt bánh lên chất, bố mẹ tôi và các chị còn nấu xôi, luộc gà, chuẩn bị mâm cỗ để cúng gia tiên, cứ rảnh rỗi lại ngồi quanh bếp lửa trông bánh chưng. Nói chung là tất bật cả đêm nhưng ai nấy đều thấy hạnh phúc. Đến đúng thời khắc giao thừa, cả nhà quây quần bên mâm cơm tất niên, rồi bố mẹ mừng tuổi cho các con, căn dặn các con phải phấn đấu học tốt để sau này có tương lai hơn...

Tôi còn nhớ năm tôi học đại học năm nhất, lúc về nghỉ Tết đã mua cho bố, mẹ mỗi người một cái áo làm quà bằng số tiền ít ỏi của sinh viên, lúc tặng mà nhận thấy rõ ánh mắt ngời lên hạnh phúc của bố mẹ. Không phải hạnh phúc vì được tặng quà đâu, mà là hạnh phúc vì con trai mình giờ đã trưởng thành hơn, đã biết lo cho bố mẹ rồi!

Chúng tôi ở Nga dịp Tết cũng cố gắng tạo ra không khí Tết cho giống với ở nhà như gói bánh chưng,làm giò mỡ, làm cành đào giả bằng cành cây và giấy màu… Được cái có các chị em sinh viên nữ khéo tay, nên làm cành đào giống y như thật. Ở chỗ tôi có hơn 100 sinh viên và nghiên cứu sinh, chia làm các nhóm nhỏ để ăn Tết với nhau, mỗi nhóm khoảng hơn chục người, các nhóm nấu ăn riêng và làm cành đào riêng, làm xong còn khoe nhau, so sánh xem của nhóm nào đẹp hơn.

Trước lúc giao thừa khoảng nửa tiếng, mọi người tranh thủ gọi điện về nhà cho bố mẹ, hỏi han động viên và chúc Tết bố mẹ, rồi gọi cho cả một số người thân, các thầy cô giáo. Đến đúng giờ khắc giao thừa (12 giờ đêm ở nhà, chỗ chúng tôi là 8giờ tối), tất cả các nhóm cùng bật champagne, bật “Happy new year” và cùng nâng cốc, hô vang “Chúc mừng năm mới” và trao cho nhau những lời chúc tốt đẹp. Một số chị em nữ khi nghe thấy tiếng nhạc “Happy new year” thì òa khóc, bởi nghe thấy bài hát ấy lại giấy lên không khí Tết ở nhà. Chúng tôi cùng quây quần bên mâm cơm tất niên, cùng nói chuyện vui vẻ, rồi có khi còn hát cả những bài hát về Tết nữa. Có lần một người tự nhiên hát lên bài hát “Xuân này con không về” làm tất cả mọi người chết lặng, và ngay sau đó xua tay không cho người đó hát nữa!

Tôi đến Nga vài năm rồi nên cũng dần quen cảm giác xa gia đình , được cái thời bây giờ có hệ thống thông tin liên lạc rộng rãi tiện lợi nên cũng bớt nỗi nhớ nhà. Hàng ngày tôi thường dành một thời gian nhất định để đọc báo, cập nhật thông tin từ Việt Nam. Cứ đến gần Tết thì các bài báo của VnExpress viết về Tết cổ truyền tôi không bỏ qua một bài nào cả. Đọc báo, rồi suy nghĩ về nhà, tưởng tượng lại những năm ăn Tết với gia đình, lòng mong cho cả nhà được mạnh khỏe, bình an, có một cái Tết vui vẻ, và rằng chỉ một vài năm nữa thôi, sau khi học xong, tôi sẽ được về nhà, được đón những cái Tết đầm ấm cùng bố mẹ, anh chị em trong gia đình.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày