Như Lai “vẫn là con người cũ”

GN - Trong đoàn rước chào đón Thế Tôn lần đầu trở về thăm lại Kapilavatu (Ca-tỳ-la-vệ) đầy đủ cả hoàng tộc, triều thần và dân chúng. Duy chỉ vắng mặt một người, nàng Yasodhara (Gia-du-đà-la) cao quý. Vì nàng biết rằng:

“Nếu trong thời gian Thái tử vắng mặt, những năm tháng ròng rã ấy, ta lõm khuyết đức hạnh, ta mòn vẹt thủy chung thì Thái tử sẽ không đến thăm ta; bằng ta là một viên ngọc ma-ni không tì vết thì chính Thái tử phải đến thăm ta dù Ông ấy có là một bậc Chiến thắng vĩ đại chăng nữa”.

Và quả thật “Ông ấy” đã đích thân đến thăm nàng, “Ông ấy” dịu dàng bảo:

“Này Yasodhara! Như Lai vẫn không khác xưa lắm đâu! Như Lai vẫn là con người cũ đó thôi! Nhưng bây giờ, tâm Như Lai thanh tịnh hơn, trí Như Lai quang rạng hơn…”.

Một Bậc Chánh đẳng giác với hình ảnh “không khác xưa” - “con người cũ” mà thôi.

chonkhanh.jpg

Và tôi vốn dĩ cũng không tìm một Như Lai cưỡi mây đạp gió, hay không trông chờ một Thế Tôn hô phong hoán vũ, hóa giải nỗi khổ của chúng sanh bằng huyền thuật, bằng cơ chế ban-cho. Tôi vẫn yêu Đức Phật trong từng trang kinh thanh thoát, một Đức Phật với bước chân bụi vân du mỗi sáng ôm bình bát khất thực. Tôi muốn giữ mãi hình ảnh của một Như Lai biết đói (ăn cả cám ngựa) biết khát, chân vẫn chảy máu vì đạp gai nhọn, bị tổn thương bởi sự bất hòa trong giáo đoàn vốn dĩ là nơi hòa hợp, thanh tịnh.

Một Như Lai “không khác xưa lắm đâu”, “vẫn là con người cũ” chỉ khác là sự thanh tịnh và sáng suốt như mảnh gương không vương một hạt bụi nào để cho vạn pháp soi mình trong ấy, chẳng vương chẳng bận.

Và lúc ấy tôi mới có thể thấy được Pháp thân Phật luôn hiển hiện quanh đây, trong lời chào của bình minh rồi hối hả (ăn-mặc-ngủ-nghỉ) cho kịp với ngày, đến khi màn đêm buông xuống gửi lời tạm biệt. Nếu chỉ thấy một Thế Tôn nguy nguy đức tướng, diễm lệ trang nghiêm ngự tòa sen nơi bảo điện, không thấy Người vẫn còn vân du ngoài kia, đang rải đầy những bài học quý giá xung quanh mình thì không khéo mình chỉ là “Khách phong trần nổi trôi theo dòng năm tháng…” mà thôi.

Bạn tôi ơi, những người cùng rung động con tim trên những trang kinh Phật. Phải chăng “Sau gần ba ngàn năm, giáo pháp leo lên đỉnh cao đã bắt đầu tụt dần xuống bên kia dốc núi…” (Triều Tâm Ảnh).

Là những người cùng nép mình trong bóng mát dưới cội bồ-đề, trách nhiệm của mình lớn lắm dù bạn là Tăng hay tục, đó là góp phần giữ gìn sự hoàn mỹ tinh khôi vốn có của pháp Phật. Những cơn cuồng phong dư luận cứ liên tiếp đổ bộ trên cánh đồng Phật pháp vốn yên bình không tranh đấu, và đau làm sao khi trong những vết cắt chia rẽ ấy có cả bàn tay của những người con Phật!

“Đừng tin vào bất cứ điều gì vì văn phong tốt đẹp, đừng tin vào bất cứ điều gì vì tập quán lưu truyền, đừng tin vào bất cứ điều gì vì được nhiều người nhắc đi nhắc lại, đừng tin vào bất cứ điều gì vì uy tín của bậc Đạo sư… hãy tin vào những gì các người hiểu, thấy có lợi ích cho mình và người khác. Đó mới là mục đích tối hậu cho sự thăng hoa của con người và cuộc đời. Hãy lấy đó làm chuẩn”.

Khi còn vội vã tin, vội vã giận dữ và góp phần náo nhiệt trong những cơn bão dư luận ấy, biết đâu vô tình mình đang “mang lửa vào nhà”, chính lửa này sẽ thiêu đốt dần mòn sự an bình trong tâm ta. Khi còn vội vã, cũng nghĩa là mình chưa thấm tương chao. Biết đường còn xa, xa lắm!

Chơn Khánh

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày