Như Nguyện & tấm lòng thơm thảo

Như Nguyện (bìa phải) và Xuân Cảnh đến thăm,
Như Nguyện (bìa phải) và Xuân Cảnh đến thăm,
Mùa Vu lan đến, các bà mẹ là người hạnh phúc nhất bởi những ngày sum vầy bên những đứa con hiếu thảo với bao lời chúc sống an vui. Thế nhưng có những bà mẹ già bất hạnh có con nhưng chẳng được diễm phúc gần con hoặc những người mẹ chẳng còn nơi nào để nương tựa lúc tuổi đã xế chiều.

Mùa Vu lan đến, các bà mẹ là người hạnh phúc nhất bởi những ngày sum vầy bên những đứa con hiếu thảo với bao lời chúc sống an vui. Thế nhưng có những bà mẹ già bất hạnh có con nhưng chẳng được diễm phúc gần con hoặc những người mẹ chẳng còn nơi nào để nương tựa lúc tuổi đã xế chiều. Mỗi ngày qua đi với nỗi buồn càng thêm nặng trĩu trong đôi mắt vốn đã mờ đục. Rồi có một ngày, các mẹ bỗng nhận được quà tặng” từ cuộc sống bởi những bữa cơm nghĩa tình từ những tấm lòng của cô cậu xa lạ còn rất trẻ...

Gặp Phạm Như Nguyện lần đầu tiên khi em là    một trong những “người tốt việc tốt” của quận 8 được TP tuyên dương. Lúc đó, Nguyện là người được chọn giao lưu tại hội trường Nhà hát TP, trông Nguyện nhỏ nhắn và có giọng nói khá điềm đạm, hiền lành với chiếc áo xanh tình nguyện. Khó ai biết rằng cô gái trẻ ấy đã trải lòng ra với nhiều mảnh đời qua công tác thiện nguyện đầy ý nghĩa tại địa phương: mở lớp dạy Anh văn miễn phí cho 12 trẻ em nghèo, vận động thanh niên bỏ học vào học lớp phổ cập, dành tiền tiết kiệm của mình tặng cho 2 thanh niên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hỗ trợ dụng cụ học tập cho học sinh nghèo trong khu phố và là thành viên nòng cốt trong đội “Bữa cơm tình thương” cho người già neo đơn. Và, điều khá thú vị Nguyện đang là sinh viên khóa VII của Học viện PGVN tại TP.HCM.

Tham gia hoạt động tại Hội Chữ thập đỏ phường 11, là ủy viên Ban Chấp hành Đoàn phường kiêm luôn Bí thư khu phố 1, nên Nguyện khá bận rộn. Thế nhưng, công tác của “bữa cơm tình thương” cho các cụ già thì Nguyện luôn có mặt bởi lẽ “không những tụi em mang bữa cơm đến cho các cụ mà còn mang cả niềm vui mà các cụ mong đợi”.

Như Nguyện chia sẻ: “Bữa cơm tình thương thành lập từ năm 2003 xuất phát từ phong trào bữa cơm dinh dưỡng cho người già neo đơn tại địa phương. Các anh chị trong Đoàn Thanh niên phường nhận thấy các cụ cần sự chăm sóc thường xuyên hơn. Vậy là các anh chị tập họp nhau lên kế hoạch giúp đỡ nhưng kinh phí của phường không có, rất may được anh Diệp là một mạnh thường quân giới thiệu đến chùa Lâm Quang và Sư cô trụ trì TN.Huệ Tuyến nhận lời cho các cụ cơm hàng ngày. Em bắt đầu tham gia đội đưa cơm cho người già từ năm 2004”. Thành viên của đội đưa cơm được tập họp từ nhiều nhóm: UBND phường 11, phòng cháy chữa cháy, phường đội và nhóm học sinh sinh viên.

Nguyện nói công việc của nhóm cũng rất đơn giản là chia mỗi nhóm 2 người mỗi ngày đến chùa nhận cơm rồi đến tận nhà các cụ già, bệnh yếu không có người chăm sóc để các cụ ấm lòng. Dù công việc đơn giản vậy nhưng các bạn đều có tình thương đối với các cụ thì mới duy trì công tác cho đến ngày nay. Và đã có 15 địa chỉ, trong đó có một anh bị mất sức lao động và một người bị bệnh tâm thần được ấm lòng nhờ những bữa cơm chay đạm bạc như thế.

Hôm chúng tôi cùng với em sinh viên Hồ Xuân Cảnh và Như Nguyện đến thăm cụ Huỳnh Thị Mai, 86 tuổi tại hẻm Tùng Thiện Vương, căn nhà chừng 15m2 bừa bộn chén bát, vật dụng xung quanh một chiếc giường đơn. Cụ Mai nói, cụ ngồi một chỗ từ 8 năm nay vì một chân bị tai nạn không tiền chạy chữa, nên cứ cứng đờ ra không co lại được. Cụ mừng rỡ nói: “Gặp tụi con đây thì bà như trẻ đi vài tuổi”. Cụ Mai có một con gái, nhưng chị ấy lại mang bệnh tâm thần nên tâm tính lúc này lúc kia, hiện nay chị đi rửa chén mướn ở đâu đó nên cụ sống một mình thui thủi. Lúc trước mang cơm đến cho cụ, sau biết của nhà chùa cho thì cụ không dám nhận, sợ tội. Vậy là bữa cháo, bữa cơm cho qua ngày. Thường thì cụ tự nấu cháo ăn với sữa “chứ cơm bây giờ ăn không vô”, cụ nói.

Hỏi Nguyện công việc có vất vả không, Nguyện chỉ cười. Hiện giờ, Nguyện có thêm một “đồng minh” là em sinh viên năm nhất Trường Đại học Văn Hiến Hồ Xuân Cảnh. Tới đợt, hai chị em chở nhau trên chiếc xe máy đi nhận cơm rồi đi phân phát từng nhà “có lúc thấy mệt nhưng mà làm việc có ích nên em thấy vui lắm”. Xuân Cảnh chia sẻ như thế. Còn với Nguyện, công việc này đã gắn bó từ lâu nên đã quen, Nguyện nói có lúc đi học ở HVPG buổi sáng đến trưa phải tất tả chạy về cho kịp giờ đưa cơm, nhiều khi bị dầm mưa tầm tã. Vậy mà khi đến nơi, thấy các cụ đang chờ, bao mệt nhọc đều bay biến hết. Nguyện cho biết: “Chúng em rất hiểu tâm lý các cụ luôn sống trong sự cô đơn vì thiếu vắng con cháu nên nhóm không chỉ mang đến bữa cơm thơm thảo mà còn thỉnh thoảng chia nhau đến trò chuyện, quét dọn nhà cửa giúp các cụ có thêm niềm vui”.

Nguyện cho rằng mình có cái duyên rất lạ, từ năm 2002 tự nhiên Nguyện thích ăn chay và trường chay luôn chứ thật sự lúc đó không hề biết ông Phật là ai. Nhưng có điều khi đang học ở trường, Nguyện rất thích môn Triết. Sau đó, qua báo chí Nguyện biết Hòa thượng Thích Nhất Hạnh về Việt Nam và có những buổi giảng pháp, vậy là Nguyện theo nghe. Biết Đức Phật là một con người lịch sử và đạo Phật là đạo của khoa học nên Nguyện càng khao khát được tìm hiểu. Nguyện lặn lội đi học các lớp giáo lý dành cho Phật tử và qua báo chí, Nguyện may mắn biết được khóa VII HVPG tuyển sinh cả cư sĩ. Nguyện thi, trúng tuyển và trở thành sinh viên của Học viện. Hỏi Nguyện có ý định làm gì với tấm bằng cử nhân Phật học sẽ nhận được, Nguyện cười: “Nếu sau này có duyên em sẽ làm gì đó nghiêng về kiến thức Phật học em đã học và em có tâm nguyện sẽ tìm hiểu, nghiên cứu sâu hơn về đạo Phật”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày