Nhức nhối nạn mất cắp cổ vật trong chùa

GN - Sau một thời gian lắng xuống, thời gian gần đây tình trạng mất cắp cổ vật trong các chùa lại rộ lên ở nhiều địa phương miền Bắc. Từ cái bát hương, hạc, tượng Phật, lộc bình, lư hương, chuông đồng...  đều trở thành đích ngắm của những kẻ đạo chích.

Vấn nạn đạo chích nơi chùa chiền

Chỉ tính từ đầu năm 2014 đến nay đã liên tiếp nhiều ngôi chùa ở miền Bắc bị mất cắp cổ vật. Trong mấy ngày đầu năm Giáp Ngọ, chùa Đa Sỹ thuộc quận Hà Đông, TP.Hà Nội bị mất trộm những cổ vật, đồ thờ quý trăm năm tuổi.

anh 1 co vat.JPG
Các tượng thờ cổ trong chốn thiền môn là đích ngắm của đạo chích - Ảnh chỉ mang tính minh họa

Chỉ trong vài tháng, kẻ trộm đã đột nhập vào chùa Đa Sỹ đến 3 lần. Đó là, vào ngày 30 -11-2013, bị đánh cắp đỉnh thờ và bốn bát hương cổ - đều là những cổ vật có từ thời nhà Nguyễn. Ngày 27-1-2014, bị mất tiếp sập gụ được đặt tại nhà lưu niệm.

Theo người dân tại đây, vào khoảng 2-3 giờ sáng hôm đó, họ nghe thấy tiếng chó sủa và tiếng ô-tô đi vào làng rồi đỗ cạnh chùa, nhưng vì đã khuya và nghĩ đó là công việc của chùa nên cũng không ai để ý. Đến ngày 2-2-2014 (tức mồng 3 Tết Giáp Ngọ), chùa lại mất tiếp một chiếc đỉnh thờ cổ nữa tại nhà vuông.

Trước đó cách đây vài năm, kẻ trộm cũng đã đột nhập chùa và lấy đi 10 pho tượng quý gồm các tượng Phật và tượng Thánh cổ. Mặc dù Công an quận Hà Đông đã vào cuộc điều tra từ lâu, thế nhưng đến nay chưa tìm ra được một chút manh mối nào.

Vào tháng 1-2014 tại xã Phù Lưu (huyện Ứng Hòa - Hà Nội) liên tiếp xảy ra hai vụ trộm cổ vật ở chùa Phù Lưu và đình Phù Lưu Hạ. Sau khi đột nhập, kẻ trộm đã “khoắng” sạch tất cả những cổ vật có giá trị bên trong bao gồm rất nhiều đồ thờ cúng, đặc biệt là quả chuông đồng nặng 103kg được coi là báu vật của chùa Phù Lưu.

Bắc Giang là địa phương nhức nhối nhất về nạn trộm cắp cổ vật. Tại xã Vân Hà - huyện Việt Yên vào tháng 2-2014, kẻ trộm đã vượt tường vào chùa Thổ Hà (di tích lịch sử-văn hóa quốc gia) lấy đi pho tượng cổ Thích Ca bằng chất liệu đồng đen có niên đại hàng trăm năm. Những kẻ trộm sử dụng thủ đoạn khá tinh vi, chúng trải cát xuống nền chùa để khi đặt tượng đồng không phát ra tiếng động.

Cũng vào tháng 2-2014, kẻ trộm đã phá tường đột nhập vào chùa Ninh Khánh ở thị trấn Nếnh (huyện Việt Yên), lấy cắp 2 pho tượng Tam Thế có niên đại thế kỷ XIX. Trước đó, vào tháng 9-2012 chùa này đã bị mất cắp 2 tượng Di Lặc và Ca Diếp đều có tuổi gần 200 năm. Ngay sau khi phát hiện, nhà chùa báo chính quyền và công an địa phương, nhưng từ đó đến nay, số phận các pho tượng cổ vẫn “bặt vô âm tín”.

Ông Nguyễn Hữu Phương, Giám đốc Ban Quản lý di tích tỉnh Băc Giang cho biết, tính từ đầu thế kỷ XXI đến nay, toàn tỉnh Bắc Giang xảy ra hơn 50 vụ mất cắp trong di tích, kẻ gian đã lấy gần 300 di vật, cổ vật, trong đó chủ yếu là tượng, sắc phong, câu đối, bát hương cổ.

Nạn mất cắp rộ lên nhiều vào năm 2001-2003. Những vụ việc điển hình phải kể đến như năm 2003 chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng) bị mất 6 pho tượng Phật. Ngày 5-6 -2001 tại chùa Khám Lạng, huyện Lục Nam, trộm lấy mất 1 pho tượng Di Lặc cao 70cm, nặng 30kg bằng gỗ sơn son thếp vàng có niên đại từ thế kỷ XVII và cũng chỉ 12 ngày sau, chùa này lại bị mất trộm 2 pho tượng A Nan và Ca Diếp bằng gỗ sơn son thếp vàng ở thế đứng cao khoảng 1,1m, nặng 30kg.

Ngày 23-7-2003 tại chùa Vĩnh Nghiêm ở xã Trí Yên, huyện Yên Dũng mất 6 pho tượng có giá trị nghệ thuật điêu khắc thuộc hàng đẹp nhất miền Bắc, gồm: 1 pho Quan Thế Âm Bồ-tát cao 1,3m, nặng 50kg bằng gỗ; 4 pho A Nan, Ca Diếp, Văn Thù, Phổ Hiền cao 1,75m bằng gỗ nặng hơn 100kg, sơn màu cánh gián, trong tư thế đứng, tà áo bay; và 1 pho Quan Âm mười hai tay ở tư thế ngồi, tay chắp trước ngực cao 1,2m, nặng 60kg.

Ngày 3-6-2003 tại chùa Ðình Sàn (xã Phương Sơn, huyện Lục Nam) mất liền một lúc 7 pho tượng: Thế Chí, Quan Âm, Thế Tôn, Di Ðà, Di Lặc, Kim Ðồng, Ngọc Nữ cùng 1 đạo sắc phong. Cùng ngày tại chùa Bến Mỹ Hà, huyện Lạng Giang, mất 5 pho tượng Tam Thế cùng 1 bát hương. Ngày 3-7-2003 tại chùa Linh Sơn, xã Dương Ðức, huyện Lạng Giang, mất 7 pho tượng và 1 chân đèn nến…

Với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, tình trạng mất cắp cổ vật ở tỉnh Bắc Giang lắng dịu trong những năm 2004-2009. Thế nhưng những năm gần đây do sự chủ quan của các đình chùa, nên nạn mất cắp cổ vật đình chùa đang gia tăng trở lại. Những vụ việc lớn phải kể đến như năm 2009, tại chùa Bổ Đà mất 6 pho tượng gỗ; chùa Cao Lôi ở xã Ninh Sơn (Việt Yên) mất 10 tượng cổ. Tháng 3-2010, kẻ trộm đã lấy đi 2 tượng Phật ở chùa Linh Sơn và 3 pho tượng cổ ở chùa Phúc Sơn thuộc huyên Yên Dũng.

Tỉnh Hưng Yên cũng là một trong những địa phương nóng về mất cắp cổ vật, theo tổng hợp chưa đầy đủ thì từ năm 2009 đến nay trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 8 vụ mất cắp cổ vật, đồ thờ cúng ở các chùa. Nổi cộm nhất là di tích chùa Nễ Châu ở thành phố Hưng Yên đã ít nhất xảy ra 3 lần bị mất trộm, có lần bị mất cùng lúc năm pho tượng cổ. Năm 2008, kẻ gian bẻ chấn song cửa vào lấy đi tất cả đồ thờ có giá trị. Cuối năm 2011, giữa ban ngày kẻ gian giả làm người đi cúng lễ lấy cắp một pho tượng Ngọc Nữ và một chiếc mõ cổ có kích thước to lớn một sải tay người ôm mới hết.

Sau phần lớn các vụ việc mất cắp xảy ra, đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra tung tích những kẻ trộm. Hầu hết những cổ vật sau khi bị đánh cắp đều khó có cơ hội tìm lại được, vì chúng được bán người này sang người khác, từ tỉnh này sang tỉnh khác, thậm chí được bán cho người nước ngoài rồi di chuyển đến tận những đất nước xa xôi.

Theo PGS.TS Nguyễn Lân Cường - Phó Tổng Thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam, mỗi cổ vật đều có gốc tích và ý nghĩa lịch sử, văn hóa riêng gắn liền với một địa danh, một vùng đất nào đó. Đối với những cổ vật đang được cất giữ, thờ cúng tại các đình chùa, di tích văn hóa - lịch sử thì chúng chính là bảo vật, là linh hồn của những di tích đó. Bởi vậy, một khi những cổ vật này bị mất đi, những đình chùa sẽ như bị bắt mất “linh hồn”.

Gian nan bài toán bảo vệ di tích

Theo ông Nguyễn Hữu Phương, lực lượng của Ban Quản lý di tích cấp tỉnh rất mỏng, trong khi phải quản lý hàng ngàn đình, chùa, miếu nên không thể bố trí nhân lực trông coi từng di tích. Mặt khác, về mặt pháp lý chưa có một quy định trách nhiệm rõ ràng cho cấp nào hay cơ quan nào quản lý trực tiếp, dẫn tới việc buông lỏng trong việc bảo vệ di tích, cùng với sự thiếu ý thức giữ gìn di sản văn hóa của địa phương đã tạo kẽ hở cho nạn trộm cướp cổ vật hoành hành.

anh 2 co vat.jpg
Nạn mất cắp các cổ vật ở các chùa vẫn tiếp diễn liên tục,
được báo động mà chưa có giải pháp bảo vệ an toàn - Ảnh chỉ mang tính minh họa

Mặc dù khi được Nhà nước xếp hạng, ngành văn hóa tỉnh đều yêu cầu thành lập Ban quản lý di tích cơ sở nhưng, không ít vị cán bộ cơ sở coi việc bảo vệ di tích không phải trách nhiệm của mình, mà là của các Tăng Ni Phật tử. Đa phần các xã, thị trấn giao cho các cụ cao tuổi, thủ từ, thủ nhang hoặc sư trụ trì trông coi, việc chi trả thù lao cho người trông coi, bảo vệ di tích hầu như chỉ là “tùy tâm”, nên họ chưa tận tâm bảo vệ. Trong khi đa phần người dân thì bàng quan vì cho rằng: chùa chiền là nơi thờ tự linh thiêng nên không ai dám vào ăn cắp. Dẫn đến cổ vật trong đình chùa trở thành miếng mồi ngon cho bọn đạo chích, đến khi để xảy ra mất cắp cổ vật, không biết quy trách nhiệm cho ai.

Phần lớn các vụ mất trộm cổ vật trong các đình chùa, sau cả chục năm vẫn chưa tìm được thủ phạm để trừng trị trước pháp luật dẫn đến tính răn đe trong công tác đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này chưa cao. Mặt khác, thị trường buôn bán cổ vật đang sôi động, nhu cầu sưu tầm, buôn bán cổ vật ngày càng cao khiến tình hình trộm cắp thêm phức tạp.

Để ngăn chặn nạn trộm cắp cổ vật trong đình chùa, cần phải có sự phối hợp của nhiều cấp, ngành. Trước hết, ngành công an cần tăng cường công tác phối hợp, tích cực đấu tranh, đưa một số vụ việc ra ánh sáng để tạo tính răn đe. Ngành văn hóa cần tổ chức đánh dấu, xây dựng bản ảnh nhận dạng di vật, cổ vật để khi phát hiện mất cắp, sẽ dễ dàng phát hiện ra chúng khi xuất hiện trên thị trường buôn bán cổ vật. Thực tế trước đây ngành văn hóa đã có ý tưởng phối hợp cùng cơ quan công an tổ chức đánh số bảo mật cho hiện vật, nhưng vì nhiều lý do đến nay chưa thực hiện được.

Về phía các cấp chính quyền cơ sở cần quan tâm hơn nữa đến việc bảo vệ đình chùa, cần có chế độ thù lao thỏa đáng cho những người trông coi, thành viên Ban Quản lý di tích cơ sở, đồng thời gắn trách nhiệm rõ ràng cho từng người. Công an địa phương cần tăng cường chủ động nắm tình hình về số lượng cổ vật, giá trị của các cổ vật, đồ thờ tự tại các di tích lịch sử, đền, chùa... trên địa bàn để có phương án bảo vệ thích hợp. Lực lượng công an cơ sở cần thường xuyên tổ chức tuần tra ban đêm tại khu vực xung quanh các di tích lịch sử. 

Điều quan trọng hơn nữa là chư Tăng trụ trì các ngôi chùa cần phải nâng cao hơn nữa ý thức bảo vệ đồ thờ tự bằng các biện pháp cụ thể như gia cố các cửa ra vào, tường rào bảo vệ chùa, lắp đặt hệ thống camera giám sát và cảnh báo, cắt cử người canh gác bảo vệ chùa.
Chu Minh Khôi

_____________

* Bạn đọc có ý kiến hay giải pháp, chia sẻ về vấn nạn này, hoan hỷ gửi bài vở về baogiacngo@yahoo.com. Tòa soạn chào đón các phản hồi và tin, bài cộng tác của quý vị!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

NSGN - Hòa thượng Ẩn Sơn có pháp húy là Thành Nhạc, thuộc đời 34 Thiền phái Lâm Tế, theo kệ phái Đạo Mân Mộc Trần. Hòa thượng là vị Tổ khai sơn chùa Long Thiền, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Học giới cho ngài là đệ tử của Hòa thượng Nguyên Thiều Thọ Tông (1648-1728).
Ví dụ mặt trăng

Ví dụ mặt trăng

NSGN - Tỳ-kheo các thầy phải tu tập giống như mặt trăng, như người mới học, khi đi vào nhà người thì phải nhiếp tâm, kiểm thúc thân, biết hổ biết thẹn, luôn khiêm hạ.
Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày