GN - Wat Khunaram (chùa Khunaram) tọa lạc phía Tây Hua Thanon và Tây nam bãi biển Lamai, đảo Koh Samui. Mặc dù wat Khunaram không phải là một trong những ngôi chùa đẹp và hùng vĩ nhất của Thái Lan, nhưng là nơi rất đáng để mọi người đến hành hương, chiêm bái vì nơi đây có thờ nhục thân bất hoại của một vị Tăng sĩ - ngài Loung Pordaeng.
Hình ảnh nhục thân bất hoại của ngài Loung Pordaeng (1894 - 1973)
Ngài Loung Pordaeng sinh ra trong một gia đình quý tộc tại vùng Koh Samui vào năm 1894 với tên gọi Dang Piyasilo. Giống như bao nhiêu người nam Phật tử khác ở Thái Lan, vừa bước qua tuổi 20, Dang Piyasilo đã xuất gia tu học trong vòng 2 năm, sau đó trở lại cuộc sống đời thường và kết hôn với một người con gái cùng quê. Dang Piyasilo đã có một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc và có được 6 người con. Sau này, khi các con khôn lớn, Dang Piyasilo đã xuất gia trở lại, năm ấy Dang Piyasilo được 50 tuổi, và phát nguyện cống hiến phần thời gian còn lại của cuộc đời mình cho Phật pháp. Lúc này ngài được được đặt pháp danh là Phra Kru Samathakittikhun. Sau một thời gian ở Bangkok để học thiền và học giáo pháp, ngài Phra Kru Samathakittikhun đã trở lại Koh Samui và chuyên tâm thực hành thiền định trong hang động, sau đó trở về wat Khunaram, đảm nhiệm chức vị trụ trì.
Ngài rất giỏi về thiền tập và giáo pháp, nên từ khi ngài trụ trì wat Khunaram, rất nhiều người đã đến với ngài để cầu học, và ngài thọ nhận nhiều đệ tử. Khi bước sang tuổi 79, biết sắp phải từ giã cõi đời, ngài gọi các đệ tử đến và dặn rằng: Sau khi ngài qua đời, nếu nhục thân ngài bị phân hủy thì hãy đem đi hỏa thiêu. Còn nếu nhục thân ngài không bị phân hủy thì hãy đặt trong lồng kính và thờ tại wat Khunaram để các thế hệ sau nhìn vào nhục thân ngài mà tăng thêm lòng tin và chuyên tâm thực hành giáo pháp của Phật.
Trong tuần cuối cùng trước khi từ giã cõi đời, ngài Loung Pordaeng ngưng tất cả mọi sự nói năng, ăn uống, chuyên tâm hành thiền và nhập vào trạng thái chánh định cho đến khi ngừng thở. Và ngài đã ra đi trong tư thế thiền tọa. Vâng theo lời ngài chỉ dạy trước lúc qua đời, sau một thời gian tổ chức tang lễ, nhận thấy nhục thân ngài không hề bị phân hủy, các đệ tử đã giữ nhục thân ngài nguyên trạng trong tư thế thiền tọa và đặt nhục thân ngài vào một lồng kính phụng thờ.
Như vậy, ngài Loung Pordaeng viên tịch ở tuổi 79, năm ấy là năm 1973. Gần 40 năm trôi qua, nhục thân ngài vẫn bất hoại với thời gian, chỉ có đôi mắt ngài do nhãn cầu bị khô nên đã bị lọt sâu vào bên trong, do đó chư Tăng đã dùng kính râm đeo lên.
Giờ đây, khi đến thăm wat Khunaram, khách hành hương, Phật tử vẫn được chiêm bái nhục thân của ngài trong tư thế thiền tọa như lúc ban đầu.
Nhìn chính diện nhục thân ngài Loung Pordaeng
Wat Khunaram (chùa Khunaram) tọa lạc phía Tây Hua Thanon và Tây nam bãi biển Lamai, đảo Koh Samui
Thường thì sau khi chết, thân xác của con người nhanh chóng bị phân hủy trong môi trường nóng và ẩm thấp. Tuy nhiên, đâu đó vẫn tồn tại một vài nhục thân bất hoại sau khi chết, và điều này thường chỉ xảy ra đối với các bậc tu hành. Một số người cho rằng đây là một phép màu.
Người khác thì cho rằng, với lối sống ít tiêu thụ thực phẩm nên sự trao đổi chất diễn ra thấp, dẫn đến giảm bớt nhu cầu về oxygen, cộng với các kỹ thuật thiền định của ngài Loung Pordaeng là lời giải thích cho việc nhục nhân ngài có thể giữ nguyên tư thế thiền tọa và bất hoại với thời gian.
Đối với người dân Thái Lan nói riêng và người Phật tử nói chung, mọi người rất kính trọng nhục thân của bậc chân tu, được chiêm bái nhục thân của các vị là một diễm phúc, là phước báo lớn. Và họ quan niệm rằng, chết là một cơ hội tốt để được tái sinh vào kiếp sau và có một đời sống tốt lành hơn.
Kể từ khi nhục thân của ngài Loung Pordaeng được tôn thờ tại wat Khunaram, khách hành hương và Phật tử trong và ngoài nước đến viếng chùa và chiêm bái nhục thân ngài ngày càng đông.
Đặc biệt, từ khi đảo Ko Samui được khai thác và phát triển mạnh về du lịch, thu hút đông đảo du khách phương Tây đến du lịch, thì wat Khunaram càng trở thành một điểm đến hấp dẫn. Có người đến viếng chùa vì kính ngưỡng và muốn được chiêm bái nhục thân của ngài, có người đến thăm vì tò mò. Hình ảnh nhục thân bất hoại của ngài đem đến cho mọi người một cái nhìn sâu sắc về đạo Phật và văn hóa Thái Lan.
Minh Nguyên tổng hợp
* Đọc thêm:
>> Chuyện kể về Hòa thượng gốc Việt lưu nhục thân
>> Nhục thân Hòa thượng gốc Việt trên đất Thái