Những chú tiểu ở vùng đất mới

GN - Từ sự hiện diện của các chú tiểu trên vùng đất phương Tây, chính quyền địa phương đã có những điều chỉnh về chính sách, pháp luật để giúp những mầm non Phật giáo này được nhập cư, theo học chương trình giáo dục quốc gia.

Đúng 3g30 sáng, khi tiếng chuông báo thức vang lên, áo lễ chỉnh tề, các chú tập trung nơi chánh điện, đôi bàn chân bước lên những tấm thảm đã được để sẵn, bắt đầu khóa lễ với thời kinh bằng tiếng Tây Tạng và quỳ trước chân dung Đức Phật. Trường học của các chú cũng chính là tu viện Phật giáo. Chương trình giảng dạy tại đây không phải là điển hình của các em học sinh tại bang Prince Edward (Canada).

“Đây là một khởi đầu tốt cho cuộc sống mới”, Thủ hiến bang Prince Edward Wade MacLauchlan, vị lãnh đạo chính quyền cấp cao đã có dịp đến thăm Học viện Quốc tế Nguyệt Quang, một cơ sở đào tạo trực thuộc tu viện Phật giáo tọa lạc tại Little Sands thuộc bang Prince Edward, chia sẻ. “Mối quan tâm của tôi chính là các chú tiểu tập sự được học, được chấp tác trong môi trường thấm đẫm tình thương để phát triển”, ông cho biết. “Giáo dục không phải là việc chúng ta đặt để một thứ gì đó vào một con người mà đó là cách chúng ta cố gắng tạo dựng chúng như thế nào”.

Học viện đã đón nhận các chú tiểu từ Đài Loan, Singapore, Malaysia và Trung Quốc đến thực tập, rèn luyện và nay con số đã lên 300 học viên. Từ những kết quả của học viện, chính quyền địa phương cũng tiến hành các động thái điều chỉnh vào năm ngoái để các chú tiểu có thể tiếp cận nền giáo dục với cương vị là những người tập sự xuất gia. Chính phủ cũng ủng hộ các chương trình thay thế vì nó mang lại lợi ích cho người nhập cư. Những người trên đảo thì vui vẻ chào đón những vị xuất gia trẻ tuổi “đến từ phương xa”.

cacchutieu.jpg

Chú tiểu Xing-Shuo đọc bài kinh đầu buổi học cùng các bạn đồng học tại Học viện Nguyệt Quang

Ni sư Zhen-Ru, người sáng lập tu viện, từng có thời gian tu học với nhiều bậc thầy khả kính ở Tây Tạng. Năm 2006, Ni sư đăng ký thành lập một tổ chức từ thiện với tên gọi Hội Đại Giác (GEBIS) tại British Columbia và cũng nỗ lực rất nhiều cho hoạt động của Học viện.

“Tại sao các chú tiểu nhỏ luôn mỉm cười và trông rất an nhiên?”, thầy Dan, một vị Tăng phục vụ tại học viện, cho biết câu hỏi mà người dân địa phương thường nêu khi trao đổi với thầy. “Có lẽ các chú được nuôi dưỡng và lớn lên trong môi trường an lành của Phật giáo”, thầy chia sẻ.

Nhờ những chính sách mới, Học viện giảng dạy bằng ngôn ngữ địa phương, tiếng Hoa và tiếng Tây Tạng. Gia đình các chú phần lớn là Phật tử thuần thành. Họ không phải trả khoản phí nào để đưa các chú từ quê nhà xa xôi đến với học viện tại Canada.

Tại trường, các chú tiểu thường sinh hoạt đơn giản để thực tập sự khiêm nhường và học cách giúp đỡ những người khác. Cơ sở vật chất của trường được thiết kế ở mức vừa phải, các món ăn dành cho các chú tiểu chủ yếu đảm bảo sức khỏe và không quá cầu kỳ.

Vấn đề được quan tâm lớn của Học viện Nguyệt Quang vẫn là mục tiêu giáo dục. Chính vì lẽ đó, Ni sư sáng lập và Hội đồng sư phạm đã có nhiều cuộc thảo luận nhằm thiết kế chương trình, để qua đó, hướng các chú đến con đường thực tập lời Phật dạy, chuyển hóa bản thân. Hiện tại các chú chưa học nhiều về Anh ngữ nhưng nội dung này sẽ được chú trọng giới thiệu trong những năm tiếp theo. “Nếu trở thành cư dân của đảo và sinh sống ở Canada, Anh ngữ vẫn là điều kiện quan trọng”, thầy Dan khẳng định.

Ngoài ra, học viện cũng mời nhiều vị giáo sư thỉnh giảng để trang bị các môn về xã hội, khoa học nhằm tạo sự phát triển toàn diện cho những người xuất gia trẻ tuổi đang trong quá trình hình thành nhân cách và khả năng tư duy.

Trong quá trình tập sự xuất gia, việc giữ cho tâm trí của các chú tiểu được sáng suốt và thân thể luôn khỏe mạnh cũng là một ưu tư lớn. Học viện đã tính đến cách hướng dẫn các chú về các nội dung này bằng các cuộc trò chuyện thân mật với các bậc thầy lâu năm. Thầy Dan cho biết: “Để luyện tâm như những gì ta muốn, con người thường phải kiềm chế bản thân. Ví dụ nếu bạn bị nghiện chocolate, bạn nên tránh xa cửa hàng bán kẹo trong một thời gian để bạn có thể kiểm soát được tâm ham muốn”.

Khi đến thăm viếng Học viện Nguyệt Quang, ông Thủ hiến MacLauchlan chia sẻ: “Bạn sẽ có những ấn tượng sâu sắc về hướng đi của cộng đồng Phật giáo ở đây. Mọi thứ đang dần hoàn thiện và có những biểu hiện tích cực nhất bằng sự chung tay của nhiều người”.

Một số Bộ trưởng trong Chính phủ Canada có dịp ghé thăm Học viện cũng có cảm nhận như MacLauchlan khi chứng kiến sinh hoạt của các chú tiểu và những biểu hiện của các chú khi ứng xử và chào đón mọi người.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày