Những con đường chạy qua "miền nhớ"

GNO - Nhớ những con đường thênh thênh mình đi trong nắng mai, những đợt lá trút cho mùa sang, cho cây thay áo mới và cho lòng mình nôn nao. 

wtimcholac.jpg
Nhớ những con đường có những mảnh đời nghèo ơi là nghèo, để rồi khi đọc mẩu quảng cáo này mình đã chạnh lòng. Thương! - Ảnh: T.Q

Chất thơ, chất lãng mạn của mình được dưỡng nuôi từ những câu hát ru ngọt ngào của mẹ được sống lại qua những hình ảnh như thế. Vì vậy, nhớ những con đường cũng là nhớ mẹ, nhớ giọng hát ru, giọng ca cải lương, bài chòi ngọt xớt của mẹ đã cho mình những ngôn ngữ giàu chất thơ, để mình vào đời có chất liệu mà bươn chãi. Và nhớ mẹ là nhớ quê, nhớ câu hát quen quen ngày xưa bé: 

Ngó lên Hòn Kẽm đá dừng
Thương cha nhớ mẹ quá chừng bạn ơi
Thương cha nhớ mẹ thì về
Nhược bằng thương cảnh, nhớ quê thì đừng

Và nhớ… những con đường mang tên những anh hùng, những người đã ngã xuống từ ngàn xưa cho đến hôm nay - như một huyền thoại để mình của hôm nay sống trong yên bình, mỗi sớm mai có thể pha một tách trà, ngồi đọc một cuốn sách, một bài báo trong sự thong dong, vô lo. Nhớ những cái tên gắn liền với những điều mầu nhiệm như Thích Quảng Đức, Trần Nhân Tông, Đinh Tiên Hoàng… Những cái tên đã đi vào lịch sử của hàng ngàn năm cho đến bây chừ.

Nhớ tên những anh hùng cũng là nhớ về lịch sử, nhớ trong sự biết ơn thành kính về tổ tiên người Việt đã gìn giữ cho đất này xinh tươi. Nếu ai đó thiệt bụng nhớ, thiệt bụng biết ơn thì sẽ nguyện với lòng là sống không tì vết, không vì cái riêng của mình mà tổn hại đến nhân dân, đến dân tộc, đến anh linh tiên tổ. Tiếc là người ta ít nhớ đến những con đường, ít nhớ những tên người, tên đất có người đã ngã xuống, đã lấy khí tiết làm đầu; vì thế người ta đã bôi lọ nghẹ lên mặt mình trong hình ảnh đại diện cho dân tộc nên cũng chẳng khác nào bôi lọ nghẹ lên sắc màu đất nước…

Tôi nhớ những con đường, cũng là nhớ về những lần lang thang trên những cung đường mới, những công trình thế kỷ như hầm Thủ Thiêm, đại lộ Võ Văn Kiệt hay Nguyễn Văn Linh, những khu phố mới biểu trưng cho sự hiện đại của một góc phố Sài thành nơi quận 2, quận 7… Và nhớ cả mùi hương hoa sữa, hoa mai chiếu thủy hay cái mùi quen thuộc của chính mình, của ai đó len lỏi vào gió, vào không khí trong cảnh người đi đầy phố. 

Đêm, ghi dấu những vòng xe, vòng đời, nhớ những người lang thang nơi gầm cầu, góc phố, những người không nhà ngủ quặt quẹo bên phương tiện mưu sinh là chiếc xích lô, đôi quang gánh…

Chao ôi, phận đời đôi khi cũng lắm truân chuyên, đôi khi cũng lắm nỗi niềm. Những phận đời chỉ biết những đồng tiền lẻ và biết từng bữa cơm với vài thứ mắm muối kho qua bữa, những phận đời nghèo ơi là nghèo, có khi giá trị sinh mạng của họ không bằng một chú chó đi lạc trên mẩu quảng cáo mà tôi vừa đọc. Thương…

Và nhớ… là nhớ lan man, nhớ lung tung, bởi nỗi nhớ vốn là tâm hành dắt dẫn mình đi đến bất tận, vô chừng, từ đông sang tây, từ cổ đến kim mà có khi mình chẳng kiểm soát được bao giờ. Vì thế mới có việc một lúc nào đó ta bấm lia, bấm lịa cái tin đầy ướt át, vừa bấm, nước mắt vừa tuôn như mưa, để rồi ta kịp thắng lại, không gửi và để nó nằm trong thư nháp… Đôi khi ta đã gửi, và lòng không bình yên, bởi nỗi nhớ vô chừng, bởi mình quên thực tại mình là ai, mình đang có gì… 

Thôi thì, tại những con đường, có lẽ vì hôm đó ngoài đường người ta đi đông quá, hoa bán đầy đường, nên làm mình nhớ thôi. Chỉ là khoảnh khắc nên mình sẽ lại an bình.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày