Nằm ở phía Tây Bắc thủ đô, Hồ Tây là một trong những danh thắng đẹp của đất Thăng Long - Hà Nội. Vốn là một đoạn sông Hồng cổ còn sót lại sau khi đã đổi dòng, Hồ Tây rộng khoảng 500 ha, đây không chỉ là địa chỉ du lịch lý tưởng mà nó còn chứa đựng những giá trị văn hóa dân tộc. Nằm bên bờ hồ mênh mang sóng nước, đầy ắp huyền thoại, những công trình văn hóa, di tích danh lam đặc sắc như chùa Trấn Quốc, chùa Kim Liên, đền Quán Thánh, phủ Tây Hồ cùng nhiều ngôi đình, đền, chùa đã được xếp hạng với nhiều hiện vật giá trị tựa như những đóa sen xinh đẹp, làm tôn lên vẻ thơ mộng và lãng mạn của Hồ Tây.
Chùa Trấn Quốc - ngôi chùa cổ nhất Thăng Long
Trấn Quốc được coi là chùa có lịch sử lâu đời nhất của Thăng Long - Hà Nội và cũng là một trong những ngôi chùa cổ nhất của Việt Nam. Chùa được xây từ thời vua Lý Nam Đế (544 - 548) ở bãi bên sông Hồng thuộc phường Yên Hoa (nay là Yên Phụ) với tên là chùa Khai Quốc (mở nước). Đến triều Lê Thái Tông thế kỷ 15, chùa được đổi tên là chùa An Quốc. Năm 1615, bãi sông Hồng bị lở nên dân đã dời chùa về đảo Kim Ngư (đảo Cá Vàng) chính xưa là nền cũ của cung Thúy Hoa nhà Lý và điện Hàm Nguyên thời Trần. Vào đời vua Lê Hy Tông, cuối thế kỷ 17, chùa mới có tên là Trấn Quốc.
Chùa Trấn Quốc
Chùa Trấn Quốc có quy mô khá rộng, kiến trúc của chùa thể hiện tính thẩm mỹ của kiến trúc phương Đông, gắn bó cảnh quan trời nước xung quanh. Vẻ đẹp của chùa là sự kết hợp hài hòa giữa sự uy nghiêm, cổ kính của công trình kiến trúc với vẻ đẹp thanh nhã, yên bình của phong cảnh ven Hồ Tây. Chùa có nhiều pho tượng được tạo tác tỉ mỉ, trau chuốt, đặc biệt tượng Phật Thích Ca nhập Niết bàn bằng gỗ thếp vàng lộng lẫy được đánh giá là bức tượng Niết bàn đẹp ở Việt Nam. Trong khuôn viên chùa Trấn Quốc hiện nay còn có cây bồ đề xum xuê cành lá là quà tặng của Tổng thống Ấn Độ khi ông đến thăm Hà Nội năm 1959.
Cũng giống như hầu hết những ngôi chùa khác trên đất nước Việt Nam, chùa Trấn Quốc có ba nếp nhà chính là tiền đường, nhà thiêu hương và thượng điện nối thành hình chữ Công. Hai bên nhà thiêu hương và thượng điện là hai dãy hành lang. Sau thượng điện là gác chuông. Bên phải là nhà tổ và bên trái là nhà bia. Năm 1998, Hòa thượng Kim Cương Tử - Viện chủ Tổ đình chùa Trấn Quốc đã cho xây bảo tháp lục độ đài sen trong khuôn viên chùa gồm 11 tầng, cao 15 mét. Mỗi tầng tháp gồm 6 ô cửa vòm, có tượng Phật A Di Đà bằng đá quí. Tổng số tượng của tháp là 66 pho và trên đỉnh có 9 tầng đài sen cũng bằng đá quí (cửu phẩm liên hoa).
Nổi tiếng linh thiêng lại là danh thắng bậc nhất kinh kỳ, chùa Trấn Quốc xưa thường là nơi các vua chúa ngự giá đến vãn cảnh và cúng lễ vào những dịp lễ trọng. Chùa Trấn Quốc ngày nay không chỉ là chốn cửa Phật thu hút nhiều tín đồ Phật tử đến hành lễ mà còn là nơi khách tham quan, du lịch trong và ngoài nước tìm đến, để đắm mình trong một không gian cổ kính, chiêm ngưỡng nếp chùa rêu phong đã song hành cùng đất Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Chùa Kim Liên - Bông sen vàng bên hồ
Trong số các đình chùa Hà Nội thì chùa Kim Liên được đánh giá là một trong những ngôi chùa đẹp còn lưu giữ nguyên vẹn nét kiến trúc cổ xưa, đặc sắc nhất Việt Nam.
Chùa nằm trên một doi đất rộng ăn ra Hồ Tây. Đây là địa phận làng Nghi Tàm, Quảng An, quận Tây Hồ hiện nay. Chuyện xưa kể rằng, công chúa Từ Hoa, con vua Lý Thần Tông (1128 - 1138), đã đem cung nữ đến khu vực này trồng dâu nuôi tằm, mở mang một trang ấp đặt tên là trại Tàm Tang. Vua Lý Thần Tông cho dựng cung Từ Hoa ở ngay trang ấp Tàm Tang để công chúa sống. Dần dần, vùng đất này được gọi là Nghi Tàm.
Xưa kia, chùa có tên là Đại Bi, Đống Long hay Từ Hoa. Từ năm 1771, chúa Trịnh Sâm cho tu bổ chùa và đã đổi tên chùa thành chùa Kim Liên. Chùa có tên chữ là “Hoàng Ân tự”. Chùa Kim Liên vừa thờ Phật, vừa thờ công chúa Từ Hoa.
Phong cách kiến trúc của chùa Kim Liên, có lẽ do ảnh hưởng từ nguồn cội là một cung điện và thờ tôn thất nhà Lý, nên mang dáng vẻ cung đình. Bố cục của chùa bao gồm một trục đối xứng từ tam quan đến nhà Tổ. Từ tam quan đi vào một khoảng sân chùa, rồi đến chùa chính gồm ba nếp: chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng, xếp theo kiểu chữ "tam". Bên trong chùa Kim Liên có nhiều pho tượng rất đẹp, mang phong cách điêu khắc thế kỷ 18-19. Chùa còn lưu giữ được một tấm bia cổ hiện dựng phía bên phải cổng chùa trên bệ đá niên hiệu: Thái Hòa tam niên Ất Sửu, tức năm 1445 thời Lê Nhân Tông. Đây là tấm bia cổ nhất ở Hà Nội hiện nay.
Nét bình yên trong chùa
Tam quan chùa là một công trình kiến trúc gỗ độc đáo với 2 tầng, 8 mái, trông như bông sen trên mặt nước Hồ Tây. Trong khi phần lớn tam quan các chùa đều được xây dựng kiểu kẻ chuyền ba cột (hàng cột giữa vừa chịu lực của bộ mái, vừa làm điểm tựa cho bộ khung cửa khi đóng mở) thì ở chùa Kim Liên, tam quan chỉ có một, vì nhà với một cột giữa và từ cây cột đó các con rường xòe ra hai phía đỡ các tàu mái. Khẩu độ của các con rường thu nhỏ dần tới nóc, tạo độ dốc cần thiết cho mái chảy. Các hoa văn được khắc trên vì kèo, đầu cột, đầu mái chùa, chủ yếu là hình hổ phù, lá và hoa sen, hình rồng cách điệu, mây vờn... Đây là lối kiến trúc có từ thế kỷ 17 trở về trước và chỉ phổ biến ở Đàng Trong. Người ta cho rằng, chính vua Quang Trung đã hạ lệnh trùng tu lại chùa, có thể là do một tốp thợ Đàng Trong tiến hành, nên chùa mới có được lối kiến trúc này, khác hẳn so với những ngôi chùa khác ở đất Thăng Long- Hà Nội.
Đền Quán Thánh – nơi thờ tự Thăng Long tứ trấn xưa
Tương truyền đền Quán Thánh có từ đời Lý Thái Tổ (1010 - 1028), thờ Huyền Thiên Trấn Vũ, là một trong bốn vị thần được lập đền thờ để trấn giữ bốn cửa ngõ thành Thăng Long khi xưa (Thăng Long tứ trấn). Bốn ngôi đền đó là: Đền Bạch Mã (trấn giữ phía Đông kinh thành); Đền Voi Phục (trấn giữ phía Tây kinh thành); Đền Kim Liên (trấn giữ phía Nam kinh thành); Đền Quán Thánh (trấn giữ phía Bắc kinh thành). Cùng với chùa Kim Liên và chùa Trấn Quốc, đền Quán Thánh nằm bên cạnh Hồ Tây, tạo nên sự hài hoà trong kiến trúc cảnh quan và trong văn hoá tín ngưỡng đối với cả khu vực phía Tây Bắc của Hà Nội.
Cổng đền quan Thánh
Cổng tam quan đền Quán Thánh uy nghi, đường bệ được dựng trên những tấm đá lớn với gác chuông ở phía trên cùng. Phía trước có bốn cây cột lớn được đắp nổi bằng những hình nghê, phượng và mặt hổ phù... Bước chân qua cổng tam quan là sân rộng, trong sân có bể cá vàng và hòn giả sơn. Trong đền có bức tượng Trấn Vũ đúc bằng đồng đen năm 1667, cao 3,69 m, nặng khoảng 4 tấn. Tượng có hình dáng một Đạo sĩ ngồi, y phục gọn gàng nhưng tóc lại bỏ xõa, chân không mang giày, tay trái bắt quyết, tay phải chống gươm thần có rắn quấn quanh và chống lên lưng rùa. Pho tượng Trấn Vũ được nhiều người biết đến như một tuyệt tác về kĩ thuật đúc đồng của người Việt hồi đầu thế kỉ XVII với những đường nét tinh xảo, điêu luyện.
Những ngày Rằm, Mùng Một, người đến lễ rất đông
Ngoài nghệ thuật đúc đồng, đền Quán Thánh còn nổi tiếng với vẻ đẹp của nghệ thuật chạm khắc gỗ. Trên các bộ phận kiến trúc bằng gỗ của ngôi đền các đề tài như tứ linh tùng, trúc, cúc, mai, cảnh sinh hoạt của trần gian và thượng giới... được chạm khắc một cách tinh xảo mang đậm phong cách nghệ thuật thời Lê.
Trải qua gần một thiên niên kỷ, đền Quán Thánh vẫn còn nguyên vẹn, duyên dáng bên hồ Tây thơ mộng, không chỉ là một công trình có giá trị về mặt lịch sử và kiến trúc, mà còn là nơi sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa nổi tiếng của người dân Hà Nội xưa và nay.
Phủ Tây Hồ - mênh mang huyền thoại
Phủ Tây Hồ thuộc thôn Tây Hồ, nay là phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội. Phủ nằm trên bán đảo lớn của làng Nghi Tàm, nhô ra giữa Hồ Tây. Phủ thờ Bà chúa Liễu Hạnh - một trong những đại diện đạo Mẫu, một trong tứ bất tử của Việt Nam (Sơn Tinh, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Liễu Hạnh).
Tục truyền rằng bà là Quỳnh Hoa, con gái Ngọc Hoàng, vì làm vỡ cái ly ngọc quý mà bị đày xuống trần gian. Xuống hạ giới, bà chu du, khám phá khắp mọi miền, qua đảo Tây Hồ phát hiện nơi địa linh sơn thủy hữu tình, bèn lưu lại mở quán nước làm cớ vui thú văn chương giữa thiên nhiên huyền diệu.
Phủ Tây Hồ
Như tiền duyên xui khiến, Trạng nguyên Phùng Khắc Khoan trong lần đi thuyền dạo chơi trên hồ, thấy cảnh đẹp, bèn ghé vào quán Tiên chúa. Tâm đầu ý hợp, họ cùng vịnh bài thơ “Tây Hồ ngự quán” mà nay vẫn còn lưu truyền mãi. Tiên chúa ở đây trong bao lâu không ai biết, chỉ biết khi Phùng Khắc Khoan trở lại tìm thì không còn. Để nguôi ngoai nỗi nhớ, ông cho lập đền thờ người tri âm. Cái xuất xứ ly kỳ của phủ Tây Hồ là thế.
Tam quan vào cổng Phủ Tây Hồ đắp đao lửa, mái làm giả ngói ống, dưới diềm khắc 4 chữ Hán “Phong đài nguyệt các” (Đài gió gác trăng), câu đối hai bên trụ nói về sự tích Phùng Khắc Khoan gặp Liễu Hạnh.
Phủ chính có quy mô kiến trúc lớn, mặt trước Phủ có cửa tam quan 2 tầng, mái giữa có ghi “Tây Hồ hiển tích” (Dấu để Tây Hồ), được trang trí tỉ mỉ, công phu.
Phần thờ tự theo thứ tự từ ngoài vào: lớp thứ nhất thờ Tam phủ công đồng, Tứ phủ vạn linh và Hội đồng các quan. Lớp thứ hai, thờ Ngọc Hoàng và Nam Tào, Bắc Đẩu, có câu đối ca ngợi thắng cảnh Tây Hồ. Lớp thứ ba thờ Tam Tòa Thánh Mẫu. Trên nóc mái giáp cửa hậu treo đại tự “Mẫu nghi thiên hạ”, hai bên có câu đối bằng gỗ. Lớp trên cùng hậu cung là nơi đặt tượng của bà Liễu Hạnh. Trên cao là bức đại tự “Thiên tiên trắc giáng” và “Mẫu nghi thiên hạ”. Di vật trong Phủ còn khá phong phú với nhiều câu đối, cửa võng, long ngai, bài vị, sập thờ. Cửa cuốn, cửa võng được chạm khắc đẹp, mang nét nghệ thuật thế kỷ XIX.
Khi xây dựng, các ngôi chùa thường được làm theo hướng Tây - hướng của nhà Phật, các ngôi đình thì dựa vào thế đất của làng, vào thân thế của vị thành hoàng ngôi làng thờ phụng. Riêng với các di tích ven Hồ Tây, dường như, việc xem hướng chỉ mang tính tương đối, hầu hết các di tích đều có điểm chung - lấy trung tâm Hồ Tây làm hướng của mình.
Men theo con đường bao quanh Hồ Tây dài gần 20km là hàng chục ngôi đền, chùa, đình cổ kính đã được xếp hạng, với 102 bia đá, 165 câu đối, 140 bức hoành phi, 18 quả chuông cổ, trên 300 pho tượng đồng, gỗ, đá, cùng khoảng 60 sắc phong. Chùa nằm trong những ngôi làng cổ, làng Trích Sài có chùa Thiên Niên thờ bà tổ nghề dệt lĩnh, làng Thụy Khê có chùa Bà Ðanh. Chùa trong làng Tứ Liên, Yên Phụ… chùa bao bọc quanh hồ những nét rêu phong cổ kính. Đền chùa ven Hồ Tây, có những ngôi bề thế và rộng rãi, có những nếp chùa nhỏ bé, nằm khiêm tốn trong những khu vườn xanh lá, nhưng những ngôi cổ tự ấy đều góp phần làm nên nét đẹp đặc biệt, quyến rũ cho Hồ Tây.