Những mùa Phật đản

GN - Đoàn xe hoa Phật đản chầm chậm lướt qua phố.

Tôi đẩy xe lăn, đưa bà hòa vào dòng người chắp tay đứng nghiêm trang hai bên đường, cho đến khi những chiếc xe hoa khuất dạng. Mắt bà trở nên trong veo, hồn nhiên như trẻ thơ.

Tôi nhớ những mùa Phật đản chưa xa lắm - những mùa Phật đản khi bà còn mạnh khỏe. Khi đó, Phật đản chỉ gói gọn trong ngày rằm tháng Tư, nhưng với nhiều Phật tử, đó là cả một mùa mong đợi.

xe hoa.jpg


Xe hoa mùa Phật đản - Ảnh minh họa: Văn Báu

Phật đản năm ấy, tôi theo bà đến chùa làm công quả. Chùa quê hiền hòa, nằm lặng lẽ bên bờ Vàm Cỏ Đông, khuất sau rặng dầu cổ thụ. Trước đây, ở vùng quê này, một năm chỉ có ba kỳ hội chùa: rằm tháng Giêng, rằm tháng Bảy và rằm tháng Mười. Lễ Phật đản chỉ mới được tổ chức hơn mười năm nay.

Đầu tháng Tư âm lịch, Phật tử tề tựu về chùa, không ai bảo ai, họ đem theo vật dụng để trang trí cho lễ đài Phật đản. Những nan trúc được vót thật kỹ lưỡng, uốn thành cánh hoa, ghép lại thành đài sen; giấy kiếng màu được dán lên, gắn đèn bên trong - lung linh, huyền diệu.

Tôn tượng Phật đản sinh bước trên đài sen nhìn thật hồn nhiên, thanh thoát. Tôi nhớ có lần bà bảo, đứa trẻ nào khi vừa mới sinh ra cũng đều hồn nhiên trong sáng như vậy. Rồi khi lớn lên, trầm luân qua môi trường sống khắc nghiệt, tính thiện có còn giữ được hay không, phụ thuộc nhiều vào thái độ sống của mỗi người.

Bà nói, Phật tử ở các chùa ai cũng phát tâm làm cho xe hoa thật đẹp và ý nghĩa, hoàn toàn không phải vì mục đích thi thố. Tất cả đều xuất phát từ những tấm lòng, những tình cảm của Phật tử dâng lên Đức Phật.

Thời gian trôi qua. Tuổi đời chồng chất. Bệnh tật tuổi già đã làm bà đãng trí. Những chuyến viếng chùa theo đó thưa thớt dần...

Tôi đẩy xe lăn lên con dốc đưa bà vào thăm chùa. Ngôi chùa vẹn nguyên kiến trúc cũ, vẫn lối bài trí theo kiểu xưa. Nhìn về hướng nào cũng chạm vào vùng ký ức. Cây bồ-đề cổ thụ dưới cội có tượng Phật ngồi, năm nào vào cuối tháng Ba lá cũng chuyển sang màu vàng mơ của sắc hoa hoàng lan. Từng đợt gió thoảng qua, những cơn mưa lá rào rào. Lá về với cội. Chồi non lại hồi sinh như quy luật sinh tử…

Hai bà cháu ngồi dưới tàng cây bồ-đề đã phủ đầy lá xanh non mát mắt. Bà nói bâng quơ, như thể dặn dò: “Đời người vô thường lắm, khi còn hít được khí trời thì hãy sống tốt và làm tròn bổn phận của mình đi. Rồi khi duyên với cuộc đời khép lại…, cứ thế thanh thản ra đi như lá về cội…”.

Tôi đẩy xe đưa bà ra phía hậu liêu. Gió từ sông thốc vào mát rượi. Mọi người đang tất bật trang trí xe hoa mùa Phật đản. Tôi nhớ khi còn khỏe, những dịp như thế này, bà luôn kêu tôi ra vườn chọn những cây trúc già, ống suôn đều để đem lên cúng chùa…

Lớp người trang trí xe hoa Phật đản năm đó đều đã già yếu, giống như những chiếc lá bồ-đề ngả sang màu hoàng lan. Lớp con cháu làm xe hoa giờ trẻ trung hơn. Mô hình Đức Phật đản sinh cũng hiện đại hẳn, có thể bước đi khoan thai trên những tòa sen, vầng hào quang lấp đầy.

Lá vàng rồi sẽ an nhiên về cội. Lá xanh sẽ kế thừa nền tảng văn hóa tốt đẹp từ thế hệ ông bà, với niềm tin bất hoại vào Đức Phật và Chánh pháp. Tôi tin thế.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1310 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Chân lý thứ ba rưỡi giữa khổ đau và hạnh phúc tối thượng

GNO - Hạnh phúc chân thật không nằm nơi những gì dễ đổi thay. Tỳ-kheo Thanissaro nhắc nhở chúng ta: nếu còn tìm hạnh phúc trong những điều gắn liền với khổ đau, thì thất vọng chỉ là chuyện sớm muộn. Chỉ khi quay về với nội tâm tĩnh lặng, ta mới chạm được vào an lạc bền vững.
Đoàn khảo sát địa điểm đặt Văn phòng đại diện của GHPGVN tỉnh tại P.Bắc Kạn

Thái Nguyên: Ban Trị sự GHPGVN tỉnh và lãnh đạo liên ngành khảo sát địa điểm đặt Văn phòng Phật giáo

GNO - Chiều 17-7, Thượng tọa Thích Nguyên Thành, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh; bà Đỗ Thị Minh Hoa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận tỉnh làm trưởng đoàn, đã khảo sát địa điểm đặt Văn phòng đại diện của GHPGVN tỉnh tại P.Bắc Kạn.

Thông tin hàng ngày