GNO - Mẹ đã đi về phía mùa xuân mãi mãi, vào trưa mồng 2 Tết Giáp Ngọ (2014). Sẽ không bao giờ con quên được đêm giao thừa trong bệnh viện, mẹ liên tục kêu đói nhưng con không thể cho mẹ ăn…
Những ngày tháng Chạp
Mẹ tôi lâm bệnh nặng từ giữa tháng Chạp âm lịch năm Quý Tỵ, khi mọi nhà đang hối hả công việc cuối năm để chuẩn bị sắm Tết. Nhà tôi đông anh em, nhưng hầu hết đã ra thủ đô lập nghiệp, chỉ còn lại một gia đình người em sống cùng nhà cha mẹ. Mẹ bị đau bất ngờ, khó thở rồi hôn mê, bệnh viện huyện kết luận bị lao phổi và úng phổi nặng, rất khó điều trị. Trước đó, mẹ bị tiểu đường đã nhiều năm, điều trị ở nhà theo liệu trình của bác sĩ.
Chúng tôi quyết định đưa mẹ lên Hà Nội, vào Bệnh viện Phổi trung ương. Tôi cùng một cô em gái và cậu em út chia nhau ra luân phiên vào bệnh viện chăm sóc mẹ. Điều trị tại Bệnh viện Phổi trung ương chỉ vài ngày, mẹ dần khỏe ra, đã tự đi đứng, tự ăn uống và vệ sinh được. Chiều hàng ngày, tôi dẫn mẹ đi dạo trong khuôn viên bệnh viện theo lời dặn của bác sĩ. Bác sĩ bảo, bệnh của bà cứ điều trị thì sẽ khỏi, không phải lo lắng gì nhé. Chúng tôi vui mừng báo cho họ hàng ở quê biết để họ yên tâm, không cần phải vất vả ra thủ đô thăm nom nữa.
Những ngày 20 đến 25 tháng Chạp âm lịch, liên tục nhiều đoàn từ thiện đến tặng quà bệnh nhân. Đoàn này đi, đoàn kia đến. Nhìn đống quà với gần chục chiếc bánh chưng, nhiều hộp bánh kẹo, mẹ nói vui: nếu Tết này phải ở lại bệnh viện, thì cả chồng bánh này thừa để mẹ con mình ăn Tết rồi, đừng mua sắm gì nữa nhé.
Từ 25 tháng Chạp, khu điều trị nội trú của Bệnh viện Phổi trung ương vắng dần, bởi phần lớn số bệnh nhân được xuất viện. Theo các bác sĩ, dịp cuối năm, những bệnh nhân bệnh nhẹ đều được bệnh viện giải quyết cho về hết, chỉ còn một số ít ở lại do bệnh nặng. Phòng mẹ tôi nằm điều trị, những hôm trước cả 6 giường đều kín bệnh nhân, thì đến ngày này chỉ còn lại mình mẹ. Không còn cảnh ngột ngạt, nhưng một cảm giác trống vắng xâm chiếm. Năm nay có lẽ mình và mẹ sẽ ăn Tết trong bệnh viện - tôi nghĩ vậy. Ngày 27 tháng Chạp, bất ngờ bác sĩ thông báo cho mẹ tôi được xuất viện. Tôi vui mừng, cầm tờ giấy ra viện đem về cho mẹ, trên đó bác sĩ ghi lời dặn: ngày 17-2 (tức 18 tháng Giêng âm lịch) đến khám lại. Đưa mẹ về quê, rồi chúng tôi vội vã trở ra Hà Nội để làm cho xong những công việc mà tôi đã bỏ dở những ngày qua trước khi Tết đến.
Bỗng nửa đêm về sáng 29 Tết, cha tôi điện thoại thông báo rằng mẹ lại hôn mê. Lập tức đưa mẹ lên Bệnh viện Phổi trung ương, vào khoa Cấp cứu. Bệnh viện vắng ngắt, các khoa khác đều cửa đóng then cài, căng-tin cũng khóa cửa im lìm, chỉ riêng khoa Cấp cứu là lúc nào cũng bận rộn người vào ra. Mẹ được thở bằng máy, việc ăn uống phải truyền vào miệng qua một ống luồn qua mũi. Bác sĩ căn dặn, vì hàm lượng đường trong máu của mẹ tăng quá cao, nên không được phép cho ăn bất cứ thức ăn nào khác, chỉ được cho ăn loại dinh dưỡng được bệnh viện cung cấp.
Giao thừa trong bệnh viện
Nhà tôi cách bệnh viện 12km, đến bữa không về nhà, cũng không muốn người nhà vất vả đem cơm, nên ra quán ăn. Chiều ba mươi Tết, để cậu em út trông mẹ, tôi ra phố mua cơm. Nhưng lượn khắp cả chục đường phố, thấy tất cả các hàng cơm, quán ăn đều đóng cửa, chỉ còn những cửa hàng bánh kẹo, đồ chơi, đồ thờ cúng. Lúc ấy mới nhớ ra, Tết thủ đô khác biệt hẳn Tết quê. Nếu như ngày thường, Hà Nội đông đặc người tứ xứ đến mưu sinh, thì Tết đến quê ai người nấy về, để lại thủ đô một quang cảnh vắng lặng đến rợn người. Hàng quán và chợ chỉ hoạt động đến trước giao thừa, sau đó tất thảy đều đóng cửa suốt những ngày Tết. Đặc biệt, người Hà Nội có tục lệ mọi nhà đóng cửa suốt ngày mồng một Tết, không ai ra đường, nên thành phố như chết lặng, họa hoằn lắm mới có chiếc xe máy hoặc xe ô-tô lưu thông trên đường.
Tìm mãi không mua được đồ ăn, tôi đành về nhà ăn vội vã bữa tất niên với vợ con rồi đem cơm vào bệnh viện cho cậu Út. Thời gian nặng nề trôi, giao thừa Giáp Ngọ đang đến gần. Ngoài kia, không khí có lẽ đang sôi động, vui tươi với tấp nập người mặc đẹp đi xem bắn pháo hoa, đi lễ chùa du xuân. Nhưng bên trong cánh cổng bệnh viện, các bác sĩ, điều dưỡng và các nhân viên vẫn quay cuồng với lịch làm việc kín bưng từ sáng đến đêm. Tiếng bíp bíp từ những chiếc monitor theo dõi bệnh nhân vẫn đều đều chạy. Những người nhà bệnh nhân lặng lẽ nhìn nhau, rồi nhìn xuống chai thuốc đang truyền dở như đếm thời gian.
Mười một giờ đêm, một anh người nhà bệnh nhân cùng phòng trải hai chiếc chiếu ra hành lang, rồi hô hào mọi người ai có đồ ăn gì thì góp chung cùng đón giao thừa. Mọi người hưởng ứng nhiệt tình, cùng nhau quây quần. Trong câu chuyện rôm rả, tôi được biết nhiều người nhà bệnh nhân cũng gặp cảnh “khóc dở mếu dở” với Tết Hà Nội. Một chị ở Thái Bình đưa chồng lên cấp cứu từ sáng, vì đi vội nên không đem theo thực phẩm. Thức dùng sắm Tết đều để lại quê hết, chỉ đem theo gói tiền đi, vì nghĩ Hà Nội mua gì cũng có. Thế nhưng lên đến Hà Nội mới biết phố xá nghỉ bán hàng. May mắn, mọi người cùng phòng đã hiểu được hoàn cảnh của nhau, tinh thần nhường cơm sẻ áo được thể hiện. Tại hành lang này trước đó vài giờ cũng đã diễn ra bữa cơm tất niên chung của những người cùng hoàn cảnh, người không có cũng được mời vào ăn cùng.
Không được đón khoảnh khắc thiêng liêng nhất của năm với người thân tại ngôi nhà thân yêu của mình, nhưng nơi đây vẫn ấm áp tình người khi những bệnh nhân, thân nhân chia nhau miếng bánh chưng, miếng dưa hành củ kiệu để biết rằng, giao thừa đang đến gần… Anh Hạnh, ở Hà Nam chia sẻ: “Đây là cái Tết đầu tiên vợ chồng tôi xa nhà. Sáng nay, tôi gọi điện dặn bà gói bánh chưng để thắp hương cho ông bà tổ tiên, nhưng bà bảo, Tết nay bà buồn vì con cái nằm viện, bà cũng già yếu chẳng làm được. Đêm giao thừa chỉ có đĩa trầu cau, thắp hương chay để báo cáo với tổ tiên. Kinh tế gia đình chỉ trông chờ vào 3 sào ruộng, nên Tết đối với gia đình tôi cũng không đủ đầy so với nhiều gia đình khác. Nay vợ mắc phải căn bệnh hiểm nghèo, vẫn đang đấu tranh hàng giờ với tử thần, đồ dùng trong nhà cũng đã bán dần để lấy tiền chạy chữa”. Nghe chuyện, tôi chợt nghĩ về những đoàn từ thiện đến tặng quà bệnh nhân một tuần trước đó. Hành động từ thiện đó thật ý nghĩa và thiết thực, những mong cho bệnh nhân có thêm bánh trái khi đón cái Tết trong bệnh viện. Nhưng thiết nghĩ, họ tặng quà hơi sớm, hầu hết những bệnh nhân sau đó đã xuất viện về quê ăn Tết. Trong khi những bệnh nhân vào viện ngày áp Tết, mới thực sự là những người phải đón Tết trong bệnh viện thì lại không được tặng quà. Trong đó, không ít người thực sự gặp khó khi không kịp và không thể mua được đồ ăn Tết, nếu có đoàn từ thiện nào viếng thăm bệnh viện vào đêm giao thừa thì sẽ thiết thực hơn.
Sau giao thừa, mẹ tôi bỗng tỉnh táo lạ thường. Mẹ ngồi hẳn dậy, kêu bác sĩ gỡ bỏ máy thở ra khỏi miệng. Bác sĩ chuyển cho mẹ từ thở máy sang thở bình ô-xy cho đỡ vướng. Mẹ bảo: “Con ơi! Mẹ đói lắm! Cho mẹ ăn cơm đi!”. Tôi pha dinh dưỡng cho mẹ, thì bác sĩ nhìn thấy, bảo: “Chưa được cho ăn đâu. Tôi nhắc lại, ba tiếng mới được cho ăn một lần, mỗi lần chỉ được một cốc thôi. Chứ cho ăn nhiều như thế, đường trong máu lên, không điều trị được bệnh”. Nhưng mẹ cứ liên tục kêu đói, nhân lúc bác sĩ không có mặt, tôi lén pha dinh dưỡng cho mẹ uống. Mẹ tự tay cầm lấy cốc và uống, chứ không cho tôi đổ vào ống dẫn truyền. Xong, vẫn kêu đói, đòi ăn cơm. Tôi trả lời: Mẹ chưa ăn cơm được mẹ à, chỉ được uống sữa thôi. “Mẹ khỏi rồi mà, cho mẹ ăn cơm đi!”. Mẹ cười cười nói nói. Suốt đêm đó mẹ nói rất nhiều. Tôi thấy mẹ rất tỉnh táo và minh mẫn nữa. Bất ngờ mẹ hỏi: “Bao giờ cho mẹ về quê ăn Tết?”. “Khi nào mẹ khỏi thì con đưa mẹ về, mẹ à”. “Mẹ khỏe hẳn rồi, hết bệnh rồi, con đưa mẹ về đi!”.
Quy y âm cho mẹ
Sáng mồng một Tết, mẹ có vẻ khỏe hơn rất nhiều, tôi mừng rỡ vô cùng. Và mẹ tiếp tục đòi ăn đủ thứ, nhưng tôi vẫn không thể đáp ứng. Nào ngờ đến một giờ chiều, bỗng dưng mẹ nấc lên, dịch phổi trào ra và mẹ bất tỉnh. Lập tức các bác sĩ đuổi hết mọi người nhà bệnh nhân ra khỏi phòng, rồi sau đó đưa mẹ vào phòng cấp cứu đặc biệt. Từ đó, chúng tôi không được vào với mẹ nữa.
Ba anh em chúng tôi chờ đợi mỏi mòn ở ngoài sân bệnh viện trong sự lo lắng đến tột cùng. Nhưng mỗi lần vào đến cửa đều bị bác sĩ ngăn lại, với thông tin mẹ vẫn bất tỉnh. Đến 9 giờ đêm, em gái tôi bảo: Nhìn anh mệt lắm rồi. Anh về nghỉ đi, em chờ ở đây, sáng mai anh ra thay. Tôi về nhà, chìm ngay vào giấc mơ miên man. Tôi thấy mình là một đứa trẻ đang cùng mẹ lần dọc bờ ruộng để bắt cua. Cứ thấy chỗ nào có lỗ là tôi móc tay vào, lôi ra những con cua... Mải miết bắt, khi ngẩng mặt lên chẳng thấy mẹ đâu. Tôi gọi mẹ và tất tả đi tìm. Bỗng thấy trên không trung có một người đàn bà bay lơ lửng trong tư thế ngồi. Đó không phải là mẹ, nhưng gương mặt rất hiền hậu. Bà chỉ tay bảo, con đi theo phía kia để tìm mẹ. Tôi chạy theo, mải miết. Cứ thế chạy, cỏ và bùn dưới chân lúp xúp tưởng như bất tận. Phải rất lâu sau, bỗng tôi thấy mình ở sân bệnh viện. Giữa bệnh viện là một quan tài. Bỗng nhớ ra mẹ đang ốm điều trị ở bệnh viện. Tôi chạy vào tìm bác sĩ, thì bác sĩ bảo, mẹ cậu đã mất, nằm trong quan tài kia. Tôi hoảng hốt và bừng tỉnh. Lúc đó là 5 giờ sáng, tôi vội vớ lấy máy điện thoại, gọi cho cô em gái. Nghe tôi kể giấc mơ, em gái trấn an: Anh bình tĩnh lại đi, mẹ chưa đi đâu, nhưng vẫn bất tỉnh.
Sáng mồng hai Tết, chúng tôi mới được vào thăm mẹ. Mẹ vẫn nằm im bất động. Máy hiển thị huyết áp chỉ 10-30, nhịp tim vô cùng yếu ớt. Đến 11 giờ, bác sĩ gọi chúng tôi lên bảo: Bà sẽ không thể qua được trong vòng vài tiếng nữa, nên đưa bà về làm hậu sự. Lúc làm thủ tục xuất viện, tôi mới chợt nhớ ra hôm đưa mẹ từ quê lên bệnh viện, vội quá, không ai đem quần áo cho mẹ, cũng không đem theo đồ đạc gì. Áo mẹ hiện đang mặc là áo của bệnh viện, giờ phải cởi ra để trả lại. Tôi bèn phóng xe ra phố tìm mua cho mẹ một bộ quần áo mới, thế nhưng chỗ nào cũng đóng cửa im ỉm. Không còn thời gian để về nhà lấy quần áo, tôi đành quay trở lại bệnh viện, cởi áo mình đang mặc để khoác cho mẹ. Tôi sẽ cởi trần về quê. Đây là lần đầu tiên tôi phải cởi trần trong mùa đông.
Năm nào Tết đến cũng rét căm căm, ai cũng phải mặc áo rét dày cộm. Nhưng Tết năm nay thời tiết rất lạ, nóng ấm nên tôi lúc nào cũng chỉ mặc chiếc áo sơ-mi. Chúng tôi thuê xe cứu thương của bệnh viện chở mẹ về quê, thêm một bác sĩ phó khoa cấp cứu và một y tá đi kèm, với điều kiện họ phải luôn bóp bóng bình ô-xy hô hấp cưỡng bức để mẹ phải về đến quê mới tắt thở. Bà bác sĩ phó khoa bảo: Chúng tôi sẽ cố gắng đưa bà về được đến quê rồi bà mới đi. Thế nhưng xe rời bệnh viện chừng 20km thì mẹ tắt thở, lúc đó đồng hồ chỉ 13 giờ 10 phút chiều mồng 2 Tết Giáp Ngọ.
Mẹ đã quy y, đã tìm thấy ánh sáng để tiếp tục hành trình - Ảnh minh họa
Về đến nhà, các cô các bác tôi đã chờ sẵn, họ mở tủ của mẹ tôi ra tìm những bộ quần áo tân thời đẹp nhất để mặc cho mẹ. Trong tủ của mẹ có nhiều bộ quần áo đẹp, nhưng quanh năm mẹ chẳng mặc bao giờ. Tôi cầm quyển kinh Nhật tụng và kinh Hoa nghiêm đọc bên giường mẹ. Muốn làm tang cho mẹ theo những nghi lễ nhà Phật, thì bác tôi băn khoăn: Nếu được thế thì vong linh mẹ con sẽ siêu thoát, nhưng mẹ con chưa quy y có làm thế được không?
Tôi mời Ni sư Thích Đàm Bích - trụ trì chùa Linh Ứng ở thị trấn Thịnh Long về. Và Ni sư đã cử hành nghi lễ quy y âm cho mẹ. Vậy là khóa lễ cầu siêu và lễ quy y đã diễn ra, trước khi nhập quan tôi đặt vào ngực mẹ một quyển kinh Phật và nói thầm: “Nếu mẹ xuống suối vàng, gặp ai hạch hỏi gì thì mẹ cứ đưa quyển kinh này ra và nói rằng tôi là con Phật, mẹ nhé!”.
Mẹ được đặt pháp danh là Diệu Thiện. Suốt trong 49 ngày, ngày nào các Phật tử trong xóm cũng đến để tụng kinh cho mẹ. Với những nhân duyên lúc sinh tiền, với những gì đã diễn ra, con tin linh hồn mẹ đã được siêu thoát về cảnh giới an lành.