Những người biết chia sẻ…

GN - Đầu năm, chúng tôi đã gặp gỡ những con người bình dị, để lại sau đó là sự thán phục. Bởi, ở họ đều có hành động và trái tim ấm áp…

“SOS Đà Nẵng”

Những chàng trai trẻ trong độ tuổi 20 ấy vẫn thường rong ruổi khắp thành phố Đà Nẵng để hỗ trợ những người bị gặp sự cố xe hỏng, lủng lốp giữa đêm.

Nhóm SOS Đà Nẵng thành lập chưa được bao lâu nhưng giờ đã có đến hàng chục thành viên chính cùng một mạng lưới cộng tác viên dày đặc, đêm đêm chia nhau canh những chiếc điện thoại, nếu có người báo có sự cố thì họ lại bon bon trên các con đường của thành phố để giúp đỡ.

hinh 1 xh GN 1037.jpg

Nhóm SOS Đà Nẵng hỗ trợ vá xe trong đêm cho người gặp nạn

Anh Trần Thanh Hùng (quê Điện Bàn, Quảng Nam) chia sẻ: “Mình đi từ Đà Nẵng về Điện Bàn nhưng đi giữa đường thì xe bị lủng lốp và trời tối muộn mà mưa nặng hạt, chẳng biết làm thế nào vì đứng đó cả nửa tiếng không có ai ghé vào giúp.

Chợt nhớ ra có đội SOS Đà Nẵng, thế là mình tìm được số điện thoại của nhóm. Lúc đó chỉ biết cầu trời xem có ai đến giúp mình không. Ngay lập tức có cuộc điện thoại lại hỏi rằng mình có còn ở đó không. Thế là đợi khoảng hơn 20 phút, mình thấy 2 thanh niên đến giúp đỡ. Lúc sau mình mới biết hai bạn vừa chạy từ đèo Hải Vân về tận phía Nam TP.Đà Nẵng, cách gần 40km để giúp đỡ mình”.

Ban đầu, mỗi đêm nhóm SOS Đà Nẵng chỉ tiếp nhận và xử lý khoảng 6, 7 trường hợp nhưng giờ đây có đêm cả nhóm chia nhau giúp đến 15 trường hợp. Nhiều nhất là các trường hợp xe bị dính đinh, xịt lốp không đi được, xe hết xăng, đứt dây côn…

Lúc đó, các anh em lại cùng nhau xử lý vá xe, đẩy xe về thành phố. Những ngày cao điểm, các nhóm có khi thức đến 4, 5 giờ sáng để xử lý các trường hợp như vậy.

“Ánh đèn pha cứ loang loáng chói mắt, nhiều đêm mưa nặng hạt nhưng chẳng anh em nào nản chí. Em cũng vậy. Nhận được điện thoại thì chỉ còn biết lo lắng cho người bị nạn trên đường. Với em, công việc này của mình có thêm ý nghĩa, động lực để phấn đấu cho lý tưởng sống giúp đỡ nhau trong cộng đồng”, trưởng nhóm Lê Ngọc Tuấn Anh (SN 1995) chia sẻ.

Nhóm SOS Đà Nẵng bắt đầu hoạt động từ đầu tháng 5-2019 với 6 thành viên và mạng lưới cộng tác viên hỗ trợ. Suốt gần 9 tháng hoạt động, nhóm đã giúp được hơn 500 trường hợp bị tai nạn, hỏng xe. Mỗi đêm, nếu rảnh rỗi thì chỉ có 2, 3 ca cứu hộ, nhưng cũng có đêm nhóm tiếp nhận gần 20 ca liên tục, khiến các thành viên của nhóm chẳng được nghỉ tay.

Thành viên của nhóm đều có chung niềm đam mê du lịch bụi, thích khám phá những cung đường. Và trên những chuyến đi ấy, nhiều lần chứng kiến những trường hợp xe bị thủng lốp giữa đèo, giữa đêm khuya mà không có ai hỗ trợ. Từ đó, các chàng trai đã nảy ra ý định thành lập nhóm cứu hộ này. Thành viên của nhóm SOS Đà Nẵng còn rất trẻ, chỉ trong độ tuổi từ 18 đến 30.

Mỗi người có một nghề, từ đầu bếp, pha chế, IT, tài xế, nhân viên bất động sản, hay đang là sinh viên nhưng anh em sống thương yêu, đùm bọc như người một nhà. Hiểu rõ ý nghĩa của việc giúp người, mỗi thành viên trong nhóm cũng chính là những cây cầu kết nối bạn bè, kêu gọi mọi người cùng tham gia.

Không chỉ tham gia cứu người bị hỏng xe trên đường trong đêm, nhóm SOS Đà Nẵng còn tổ chức rất nhiều hoạt động từ thiện giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

“Hiện tại nhóm đã có trụ sở đặt tại 816 đường Nguyễn Lương Bằng (TP.Đà Nẵng) nên chúng em mong muốn có nhiều người hơn gia nhập nhóm để cơ hội giúp người được nhân lên”, bạn Đặng Ngọc Tiến, thành viên nhóm chia sẻ.

Bánh mì 0 đồng của chàng trai mồ côi

Tiệm bánh mì đặc biệt nằm khuất trong con hẻm nhỏ trên đường Ngô Gia Tự (P.Hải Châu 1, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng) mở bán từ 9 giờ sáng hàng ngày cho đến chiều. Ở đó, chàng trai trẻ chủ tiệm bán ra mỗi ngày từ 150 - 200 chiếc bánh mì thịt xá xíu, chả, dăm bông cho người ăn mặn và tương đậu, bơ, đường cho người ăn chay. Mỗi phần bánh mì có giá… 0 đồng, đều có kèm theo sữa hoặc 1 chai nước suối.

Tiệm bánh mì nhằm hỗ trợ suất ăn cho những người có hoàn cảnh khó khăn, người đi xe lăn, khuyết tật và người bán vé số trên địa bàn TP.Đà Nẵng.

hinh xh 2 GN 1037.jpg

Chủ tiệm Đào Văn Vĩnh trao bánh mì 0 đồng đến người nghèo

Trò chuyện với chúng tôi, chủ tiệm - chàng trai còn khá trẻ tên Đào Văn Vĩnh (27 tuổi, quê tỉnh Quảng Nam) bộc bạch nguyên cớ để đi trên con đường lan tỏa yêu thương của mình, đó chính là chia sẻ khó khăn với sự đồng cảm. Mồ côi mẹ từ nhỏ khi mới 9 tuổi, cha nuôi 4 chị em Vĩnh trong nỗi nhọc nhằn.

Nhưng rồi đến năm 17 tuổi, căn bệnh ung thư cũng đã cướp đi người cha của Vĩnh. Bốn chị em Vĩnh chỉ còn biết tự mình vượt lên số phận bất hạnh, vừa học vừa đi làm thêm.

Vĩnh đã làm tất cả những công việc để có tiền trang trải chi phí ở thành phố, cùng chị gái nuôi 2 đứa em nhỏ. Thi đậu đại học, nhiều lúc Vĩnh đã cắn răng muốn nghỉ giữa chừng vì học phí và rất nhiều thứ tiền khác.

Nhưng rồi, được sự động viên, giúp đỡ của nhiều người, Vĩnh đã hoàn tất đại học. Trải qua nhiều nỗi vất vả nên Vĩnh mở tiệm bánh mì 0 đồng chính là sự chia sẻ và tri ân cuộc đời.

Bà Nguyễn Thị Phấn (64 tuổi, quê Quảng Nam) làm nghề bán vé số chia sẻ: “Những người bán vé số như tôi đi bán ngang qua đây, nên có phần bánh mì này cũng ấm bụng”.

Tiệm bánh mì 0 đồng của Vĩnh được rất nhiều bạn bè, sinh viên đến giúp mỗi ngày. Để xây dựng tiệm bánh mì 0 đồng này, cả nhóm tự bỏ kinh phí chứ không gọi vận động.

Không chỉ bán bánh mì cho những người lao động nghèo, Vĩnh cùng nhóm bạn của mình còn mang bánh mì tới tận tay người bệnh và người nhà bệnh nhân tại một số bệnh viện trên địa bàn TP.Đà Nẵng.

Vĩnh cho biết các cô, chú đến ăn trưa tại tiệm đa phần là người ngoại tỉnh, xa quê ra TP.Đà Nẵng thuê trọ để ở, mưu sinh bằng những công việc rất vất vả.

Vĩnh bảo, nhìn thấy những cô chú, anh chị lao động nghèo được giúp một chút rất nhỏ từng ngày, như là Vĩnh đang báo hiếu cha mẹ, giúp đỡ anh chị vậy.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày