Những người mẹ của gần 200 em bé mồ côi ở chùa Đức Sơn

Chăm lo cho gần 200 đứa con nuôi, 24 sư cô của chùa Đức Sơn, thuộc thôn Cư Chánh, xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy (Thừa Thiên Huế) luôn tâm niệm một điều: “Không để bất kỳ cháu bé nào trong chùa phải đi làm con nuôi”.

DSC_1601.JPG

Nhiều cháu bé đến đây với nhiều hoàn cảnh khác nhau, bị bỏ rơi, mồ côi... - Ảnh: Báo TT-Huế

Hơn hai mươi năm qua, chùa Đức Sơn đã mở rộng vòng tay để đón nhận những đứa trẻ bị bỏ rơi không nơi nương tựa về để nuôi dạy, ăn học thành người. Những người mẹ của chùa Đức Sơn ấy không phải là ai khác, chính là các sư cô của chùa.

Đảm nhiệm cùng một lúc hai lớp mẫu giáo 29 em và 40 em đang học cấp 1 nhưng sư cô Thích nữ Liên An vẫn luôn nở nụ cười thân thiện và ánh mắt trìu mến.Trước đây, gia đình sư cô rất nghèo khó. Ngay từ nhỏ, sư cô Liên An đã thích được đi tu nhưng gia đình không cho phép. Mãi sau này, khi ba mẹ mất đi, sư cô Liên An đã xin được vào chùa đi tu theo đúng ý nguyện.

cd83conhi1_jpg.jpg

Sư cô Liên An trong một giờ với các em lớp mẫu giáo

Nhân duyên đưa sư cô đến làm người mẹ của hơn 50 đứa trẻ mồ côi, từ đó sư cô gắn bó với những đứa trẻ như chính con đẻ của mình. Ngày nào cũng vậy, cứ đến giờ đi ngủ, những đứa trẻ thiếu thốn tình cảm lại được các sư chăm lo, bù đắp bằng những lúc thả màn, đắp lại chăn, những đứa nằm quay ngang ngửa thì các cô lại bế xoay lại cho các con có một giấc ngủ ngon.

Trong khi các con còn đang chìm sâu trong giấc ngủ thì những người mẹ nơi cửa Phật lại phải lo lắng, dọn dẹp hết những gì mà bọn trẻ bày ra để sáng mai chúng nó lại có một chỗ chơi sạch sẽ.

toquocvn_1_VLFZ.jpg

Ni trưởng Minh Tú với các cháu nhỏ mồ côi được nuôi dưỡng tại chùa - Ảnh: Toquocvn

“Nhiều hôm đang ngồi tụng kinh, những đứa trẻ mới đến chưa quen cuộc sống trong khuôn khổ lại khóc thét lên, chúng tôi không làm sao tĩnh tâm được”, Ni trưởng Thích nữ Minh Tú, trụ trì chùa Đức Sơn cho biết.

Khi hỏi về nỗi vất vả của các sư, sư Minh Tú không giấu nổi niềm tự hào: “Mình đi tu hướng Phật nên làm những công việc nhỏ nhặt này thì có vất vả gì đâu, ngược lại mình còn thấy vui hơn là đường khác vì mình đã nuôi nấng, dạy dỗ các em nên người để bớt đi các tệ nạn sau này cho xã hội”.

toquocvn_2_VUJC.jpg

Các cháu được nuôi dưỡng ở chùa những không cạo đầu như người tu - Ảnh: Toquocvn

Mỗi em đến nương tựa cửa Phật đều có một hoàn cảnh khác nhau, do vậy những người nuôi các cháu cũng như làm dâu trăm họ. Những em do gia đình nghèo quá không có đủ điều kiện nuôi cũng mang đến nhờ chùa nuôi giúp. Những em bố mẹ chết hết, hay bố mẹ bỏ nhau… cũng mang con đến đây.

Hầu hết những em này đều hiểu biết về hoàn cảnh của mình nên các em rất ngoan, không quấy rối, phá phách. Giờ đây với các sư cô, sự thành công lớn nhất là được vun đắp cho các con khôn lớn nên người. 190 cháu, cháu nào cũng được học hành tử tế.

Khi hỏi về thành quả trong học tập, Ni trưởng trụ trì Minh Tú chia sẻ: “Các cháu trong chùa đều rất ham học. Hiện, chùa đã có tới 22 cháu học các trường Trung cấp, Cao đẳng và Đại học. Những cháu không có khả năng học, nhà chùa lại đưa đi học nghề để sau này các cháu đỡ khổ”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

GNO - Chùa Long Hoa (Q.8) phối hợp UBND, Uỷ ban MTTQVN Q.8, các mạnh thường quân tổ chức trao 300 phần quà đến các hộ đồng bào dân tộc, hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Q.8 vào ngày 16-4.

Thông tin hàng ngày