Những người nên và không nên tiêm vắc-xin Johnson & Johnson

Những người nên và không nên tiêm vắc-xin Johnson & Johnson
0:00 / 0:00
0:00
Nhóm chuyên gia Tư vấn Chiến lược về Tiêm chủng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo người dưới 18 tuổi không tiêm chủng Covid-19 bằng vắc-xin một liều Johnson & Johnson.

Vắc-xin Johnson & Johnson (J&J) (hoặc vaccine Janssen) là vắc-xin Covid-19 một mũi đầu tiên và duy nhất trên thế giới được WHO xếp vào danh sách sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.

Ưu thế của vắc-xin J&J là cơ chế một liều, yếu tố then chốt khi nguồn cung đang hạn chế. Vắc-xin có thể được bảo quản trong tủ lạnh thông thường, ở nhiệt độ 2,2-7,7 độ C, không cần đến tủ đông siêu lạnh như sản phẩm của Pfizer.

Nhóm Chuyên gia tư vấn chiến lược về tiêm chủng của Tổ chức Y tế Thế giới (SAGE) đã đưa ra những khuyến nghị tạm thời về việc sử dụng vắc-xin J&J, theo hướng dẫn cập nhật cuối tháng 6-2021.

Ai nên được tiêm chủng trước?

Cũng như mọi vắc-xin phòng Covid-19, nhân viên y tế có nguy cơ phơi nhiễm cao và người cao tuổi cần được ưu tiên tiêm chủng.

Khi có thêm vắc-xin, cần bổ sung các nhóm ưu tiên tiêm chủng khác.

Những ai khác có thể tiêm chủng vắc-xin?

Các bệnh đi kèm (bệnh nền) được nghiên cứu trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba bao gồm bệnh phổi mạn tính, bệnh lý về tim, béo phì nặng, đái tháo đường, bệnh gan và nhiễm virus gây suy giảm miễn dịch ở người HIV.

SAGE cho rằng cần phải có thêm các nghiên cứu ở người bị suy giảm miễn dịch, nhưng người trong nhóm này có thể được tiêm sau khi được cung cấp thông tin và tư vấn.

Những người đang sống chung với HIV có nguy cơ cao hơn mắc Covid-19 nặng. Hiện, có ít số liệu an toàn trên những người nhiễm HIV trong các thử nghiệm vắc-xin lâm sàng. Do đó, người nhiễm HIV cần được tư vấn để cân nhắc lợi ích và rủi ro trước khi tiêm chủng.

Có thể tiêm chủng vắc-xin cho người từng mắc Covid-19. Tuy nhiên, do nguồn cung vắc-xin hạn chế nên những người này có thể hoãn tiêm phòng khoảng 6 tháng kể từ thời gian bị nhiễm bệnh.

Hiệu quả vắc-xin trên phụ nữ đang cho con bú được đánh giá là tương tự với người trưởng thành khác. Và họ không cần phải dừng cho con bú trong quá trình tiêm vắc-xin.

Phụ nữ mang thai có nên tiêm chủng không?

SAGE khuyến cáo sử dụng vắc-xin Covid-19 ở phụ nữ mang thai khi lợi ích của việc tiêm chủng cho phụ nữ mang thai lớn hơn nguy cơ tiềm ẩn. Để giúp phụ nữ mang thai đưa ra đánh giá này, cần cung cấp thông tin cho họ về nguy cơ mắc Covid-19 trong thời kỳ mang thai cũng như lợi ích của việc tiêm chủng trong bối cảnh dịch tễ của địa phương, và những hạn chế hiện tại về số liệu an toàn ở thai phụ.

SAGE không khuyến cáo xét nghiệm chẩn đoán mang thai trước khi tiêm chủng. Nhóm chuyên gia cũng không khuyến cáo trì hoãn việc mang thai hay đình chỉ thai vì lý do tiêm phòng Covid-19.

Ai không nên tiêm chủng vắc-xin?

Những người có tiền sử dị ứng nặng với bất cứ thành phần nào của vắc-xin không nên dùng loại vắc-xin này; Người bị sốt trên 38,5 độ C nên hoãn tiêm chủng đến khi hết sốt; Người dưới 18 tuổi.

Vắc-xin Covid-19 một liều có hiệu quả và an toàn?

SAGE đã đánh giá kỹ lưỡng dữ liệu về chất lượng, độ an toàn, hiệu quả của vắc-xin J&J và khuyến nghị sử dụng nó cho người trên 18 tuổi. Vắc-xin này cũng đã được Cơ quan Dược phẩm Châu Âu (EMA) và Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) xem xét, chứng minh là an toàn để sử dụng.

Nhóm chuyên gia của WHO nhấn mạnh vắc-xin J&J an toàn và hiệu quả trong việc bảo vệ con người khỏi nguy cơ rất nghiêm trọng của Covid-19 như tử vong, bệnh nặng, nhập viện. 28 ngày sau tiêm, vắc-xin J&J có hiệu quả 85,4% trong việc giảm tình trạng diễn biến nặng và 93,1% với nhập viện. Trong các thử nghiệm lâm sàng, hiệu quả chống nhiễm nCoV của liều duy nhất của vắc-xin J&J ở các trường hợp diễn biến vừa và nặng là 66,9%.

Ngoài ra, vắc-xin này chống lại được nhiều biến chủng nCoV mới như B1.351 (được xác định lần đầu tiên ở Nam Phi) và P.2 (được xác định lần đầu ở Brazil).

Tuy nhiên, vắc-xin không có tác dụng ngăn người tiêm bị nhiễm virus. Do đó, sau tiêm chủng, người dân vẫn phải tuân thủ các nguyên tắc phòng, chống dịch khác.

Bộ Y tế ngày 15-7 phê duyệt có điều kiện vắc-xin Janssen, còn gọi Johnson & Johnson, phục vụ nhu cầu cấp bách phòng, chống dịch tại Việt Nam.

Công ty TNHH Johnson & Johnson (Việt Nam) là đơn vị đề nghị phê duyệt, cung cấp dữ liệu an toàn, chất lượng và hiệu quả tính đến ngày 3-7.

Vắc-xin điều chế bằng công nghệ vector virus giống với AstraZeneca, nhưng virus vô hại được sử dụng là adenovirus 26. Hai cơ sở sản xuất là Janssen Pharmaceutica NV (Bỉ) và Janssen Biologics B.V (Hà Lan).

Đây là loại vắc-xin Covid-19 thứ 6 được Việt Nam phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng chống dịch. 5 loại vắc-xin trước đó được phê duyệt gồm: AstraZeneca, Sputnik-V, Pfizer, Sinopharm và Moderna.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tịnh khẩu

Tịnh khẩu

GNO - Tôi được biết, trong các pháp môn tu tập của Phật giáo có đề cập đến tịnh khẩu. Tuy vậy, trong đạo tràng an cư của chúng tôi có một vị lập hạnh không nói hoàn toàn, có điều gì cần thì ra dấu hoặc ghi ra giấy mà thôi. Tôi nghe khá nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này. Phật giáo quan niệm về vấn đề này thế nào?

Thông tin hàng ngày