Dạy con

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1223 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1223 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Tôi bế tắc ‘toàn tập’ khi không thể nào nói chuyện được với con, có ngày không nói nổi đến ba câu. Căng thẳng nhất là khi tôi hỏi “hôm nay học thế nào”, con trả lời lạnh lùng “mắc mệt, không còn gì hỏi nữa hả”, rồi bỏ lên phòng, đóng sập cửa.

Nhưng đó chưa phải là tất cả, ngày phát hiện di chúc con viết, con có ý định muốn tự tử, bầu trời trước mắt tôi tối sầm...

Hôm nay, chia sẻ về câu chuyện của mình, tôi vẫn còn ám ảnh về ngày đó, tôi đã đến chùa trong sự đau khổ, đến các Sư mong xin được phép mầu - nói thật nó mong manh như mò kim đáy bể. Tôi đã tiêu cực nghĩ rằng, nếu có cách, cả hai mẹ con có đường đi thì cùng sống, còn nếu không thì cả hai mẹ con sẽ cùng chết.

Đi tìm những nút thắt?

Tôi đã trút cạn tất cả những uất ức dồn nén, khổ tâm, những thứ mà tôi cho là bất công của cuộc đời với quý Sư. Có lúc tôi gào thét, có lúc khóc tức tưởi, như thể chính quý Sư là người có lỗi với tôi. Tôi cảm ơn quý Sư đã lắng nghe, không trách mà động viên đầy yêu thương, câu nói tôi nhớ mãi: “Còn khóc được, còn kể được là còn cứu được”. Tôi nhìn Sư, lúc đó ánh mắt của Sư thật trìu mến, thật ấm áp, đầy từ bi. Điều mà ngay cả khi làm mẹ, tôi chưa có ánh mắt đó với con mình.

Sư đã pha một bình trà thật to, ân cần rót vào ly sành mẻ ở vành miệng, mời tôi. Sư kể tôi nghe về sự tích cái ly mẻ này, về cuộc đời không toàn vẹn của mỗi người và khích lệ tôi “luôn có con đường cho người dũng cảm đối diện”. Khi tôi thật sự bình tâm lại, Sư đã gợi ý các câu hỏi và để tôi phải tự đi tìm câu trả lời, tự tháo nút thắt cho chính tôi: “Con sợ điều gì nhất. Con muốn cái gì nhất. Cái gì với con là quan trọng nhất”. Trong đầu tôi ngay lập tức nhảy lên đáp án “sợ mất con”, hình ảnh con nghĩ quẩn, tìm đến cái chết để giải thoát, khiến tôi lạnh buốt người.

Phụ huynh đến với quý Sư tìm lời khuyên giáo dục con trẻ - Ảnh: Trần Thế Phong

Phụ huynh đến với quý Sư tìm lời khuyên giáo dục con trẻ - Ảnh: Trần Thế Phong

Tôi tự vấn khi tìm ý nghĩa thật sự của việc học. “Nếu nguyên nhân xuất phát từ áp lực học hành thì liệu mình có đang hiểu đúng về ý nghĩa của việc học hay không” - tôi đã hỏi mình như vậy. Tôi muốn con học tốt là đề cao tinh thần học tập, ý chí phấn đấu vì một ngày mai tươi sáng hơn, nhờ trí thức. Tuy nhiên, thẳng thắn mà nhìn nhận việc học của con dường như đã đánh mất bản chất. Nó bỗng trở thành một cuộc chạy đua mà điểm số nói lên tất cả. Trên đường đua này, thầy cô trở thành huấn luyện viên, ba mẹ trở thành người hướng dẫn và con - đứa trẻ chân trần phải chạy thật nhanh.

Tôi thấy tôi sai vì từ khi bắt đầu cuộc đua đó, tôi đã thay nó chọn lựa tất cả mà chưa từng hỏi nó “có muốn hay không”. Từ món ăn hàng ngày đến mấy giờ ở lớp học thêm, mọi thứ đều nằm trong kế hoạch. Tâm lý sợ thua kém được cài sâu vào tâm trí tôi. Từ đó, tạo thành một áp lực vô hình luôn đè nặng hai vai, trầm cảm cũng đã xuất hiện ở con tôi.

Lúc này, tôi bắt đầu hỏi về câu chuyện trách nhiệm thuộc về ai. Về cha mẹ? Người làm công tác giáo dục? Hay bản thân đứa trẻ? Câu trả lời chính là ở tất cả khía cạnh nhưng lỗi lớn nhất ở tôi - là mẹ đã sai khi quá “phát-xít” ép buộc con cái, dồn con vào cảnh quá đáng thương.

Khi yêu thương đủ lớn

“Mẹ ngồi cùng con nhé” - tôi bắt đầu câu chuyện với con như vậy. Đứa con 14 tuổi của tôi giả điếc không trả lời. Tôi thông báo với con về việc mình sẽ xin việc khác, hiện tại sẽ là nghỉ việc, lý do “mẹ sẽ đồng hành cùng con, vì với mẹ chẳng có việc gì quan trọng hơn con cả”. Tôi nhớ, lúc đó con đã giãy nãy lên: “Thôi đi. Bà làm thế tôi càng chết sớm hơn”. Nếu như trước đây thì tôi sẽ quát lại con, đó là điều chắc chắn, nhưng lần này tôi không nói gì, chỉ dùng ánh mắt từ bi nhìn con, lòng đau như cắt.

Tôi định nghĩa lại ý nghĩa việc học, sau là thay đổi trong tư duy, đi đến hành động. Tôi nói với con: “Con học được bao nhiêu thì học, miễn có môn con thích”. Con trả lời trong bất cần: “Uống lộn thuốc hả”. Cũng dễ hiểu, vì điều đó hoàn toàn không có trong từ điển của tôi trước đó.

Nói là làm luôn, ngày hôm sau, đón con học trong trường về, thay vì cho ăn uống rồi đưa đến lớp học thêm, tôi đã chở con đến thẳng trung tâm mua sắm, ăn uống. Ngày cuối tuần cũng không học thêm gì cả, tôi đưa con đi đường sách, đi uống cà-phê, đi mua sắm, hai mẹ con chụp hình cho nhau, dù có lúc con không hợp tác hoặc gượng gạo. Khi không đưa con đi học thêm nữa, thời gian trống con phát triển tự nhiên nhiều hơn, nét mặt cũng bớt căng thẳng hơn.

Ba tháng đầu con vẫn không nói chuyện với tôi, phải từ tháng thứ tư, bền bỉ và kiên trì, con mới cho tôi đến gần với nó hơn. Trong bốn tháng đó với tôi không dễ dàng, khóc rồi tự chùi nước mắt, tự trách. Có lúc sắp bỏ cuộc, tôi tự mần mò đọc chú Đại bi chỉ xin một điều đủ nghị lực để đi cùng con, kèm theo là những lời sám hối.

Từ một ngày nói chuyện với tôi không quá ba câu, con chuyển sang nói chuyện nhiều hơn. Con chuyển từ xưng hô “tôi không muốn bà” sang “mẹ ơi con nói cái này”, thậm chí con còn chủ động nhắn “chiều nay mẹ đến đón con trễ vì con họp nhóm, đến sớm mẹ chờ cực”. Hôm nay, con sống rất tình cảm, học lớp 9 nhưng nghiêm túc định hướng về ngành nghề yêu thích, quan trọng hơn là điều gì con cũng chia sẻ với mẹ, hỏi ý kiến mẹ, kể cả việc “cảm nắng” bạn cùng lớp.

Sau tất cả, tôi nhận ra rằng, với con cái, việc quan tâm, thấu hiểu là yếu tố phải được cha mẹ ưu tiên hàng đầu. Tâm lý những người trẻ rất dễ xao động, tuy nhiên, để dẫn đến hành động dại dột vẫn là do những áp lực dồn nén lâu ngày. Chỉ khi phụ huynh thực hiện thật sự nghiêm túc dành tình thương cho con thì mới ngăn được các hiểm họa và không phải nói hai từ vô nghĩa “giá như”.

Nếu có một thông điệp, tôi muốn gửi đến phụ huynh trẻ, trong trường hợp bế tắc nhất khi dạy con, đừng bỏ cuộc và bình tĩnh tìm cách phù hợp. Nếu bản thân không có cách, hãy tìm một lời khuyên từ chuyên gia hoặc quý Sư am hiểu tâm lý. Khi được trao “keyword - chìa khóa” phù hợp, đúng lúc, bạn sẽ kịp hành động, xoay chuyển tình huống, trước khi quá muộn.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Khái quát về Mandala

Khái quát về Mandala

GNO - Mandala là tiếng Phạn, Hán ngữ phiên âm là Mạn đồ la, Mạn đà la, Mạn tra la và Hán ngữ dịch nghĩa là Đàn, Đàn tràng, Đạo tràng, Luân viên cụ túc, Tụ tập v.v…

Thông tin hàng ngày