Những vấn đề liên quan đến Pháp và Tăng: Cần nhiều giải pháp đồng bộ

NSGN - Nói đến đạo Phật, ai cũng phải thừa nhận ba nền tảng quan trọng tạo nên đạo Phật là Phật, Pháp và Tăng, được gọi là Tam bảo. 


tusi 2.jpg
Phật giáo cần bổ sung về quy định pháp phục cho các cấp bậc với các màu phân biệt rõ ràng - Ảnh: internet

Khi Đức Phật còn tại thế, Phật và Pháp luôn ổn định và xuyên suốt nhất quán vì có Bậc Đạo sư soi sáng và xác chứng giáo pháp được nói ra. Chỉ có Tăng là có vấn đề nên các giới luật được chế ra để điều chỉnh hành vi sai lệch của các cá nhân. Sau khi Đức Thế Tôn tịch diệt, bên cạnh những vấn đề liên quan đến Tăng, còn có vấn đề liên quan đến Pháp. Vấn đề của Tăng liên quan đến đạo đức, oai nghi, đến Tăng giả, quản lý Tăng... được Phật chế định các giới luật để làm căn cứ xử lý. Còn vấn đề về Pháp, phần lớn sự khác biệt đều dựa trên niềm tin chứ không phải giáo pháp căn bản mà mọi trường phái Phật giáo đều công nhận như Tứ đế, Thập nhị nhân duyên, Vô ngã... Ngày nay, những vấn đề ấy vẫn đang tồn tại trong Phật giáo Việt Nam và chưa có giải pháp cụ thể nào từ Giáo hội - cơ quan quản lý Tăng Ni duy nhất ở Việt Nam xét về nội bộ. Những vấn đề ấy là gì và phương hướng xử lý ra sao? Ở đây, người viết xin mạo muội có vài gợi ý được rút ra từ kinh nghiệm của các nước Phật giáo Nam truyền.

Thứ nhất nói về vấn đề liên quan đến Pháp. Giáo pháp của Đức Phật về căn bản vẫn được thực hành đúng như Đức Phật đã dạy gồm những giáo pháp về Tứ đế, Thập nhị nhân duyên, Vô ngã, Vô thường, Nhân quả... Tuy nhiên, những giáo lý liên quan đến niềm tin thì không được thống nhất và có lẽ chỉ tồn tại ở các nước Phật giáo phát triển. 

Cụ thể, báo Giác Ngộ số 997 và số 1017 nêu vấn đề “Giáo hội cần chấn chỉnh những giảng sư nói sai kinh điển hay không có địa ngục”. Vấn đề báo nêu nhân trả lời câu hỏi của bạn đọc là có những giảng sư nói không có địa ngục với lý giải rằng địa ngục được thêm vào khi kinh điển được hình thành ở các thời kỳ sau khi Đức Phật Niết-bàn. Bài báo dựa vào kinh điển nói rằng vấn đề địa ngục được ghi chép trong kinh Nikāya và Đại thừa nên cho rằng các vị giảng sư không thể tùy tiện phủ nhận điều này và kính đề nghị Giáo hội quan tâm chấn chỉnh. Bài báo cũng gợi mở rằng những khám phá của các vị giảng sư nếu đúng thì chỉ được công bố khi có hội đồng Phật giáo quốc tế thẩm định. Khi chưa được thẩm định, giảng sư công bố sẽ làm hoang mang cho tín đồ Phật tử nhất là những vị sơ cơ. Ý kiến đề xuất của bài báo là sự cẩn trọng cần thiết cho đoàn thể Tăng và Phật giáo nói chung. 

Báo Giác Ngộ số 1014 nêu vấn đề đới nghiệp vãng sanh nghĩa là mang theo nghiệp mà vẫn được vãng sanh về hạ phẩm hạ sanh của Cực lạc, nhờ nương vào nguyện lực của Phật A Di Đà. Vấn đề này chỉ tồn tại ở các nước có tín đồ tu theo tông Tịnh Độ. Nếu dựa vào kinh A Di Đà, kinh Quán Vô lượng thọ, và kinh Vô lượng thọ thì phần lớn nghiêng về tiêu nghiệp vãng sanh như báo đã phân tích. Tuy nhiên, kinh A Di Đà cũng có đoạn niệm Phật nhất tâm bất loạn thì khi lâm chung được Phật và Thánh chúng tiếp dẫn vãng sanh Tây phương Cực lạc và kinh Vô lượng thọ thì nói chỉ cần niệm danh hiệu Phật mười lần thì nhất định được vãng sanh nhờ nguyện lực gia trì của Phật A Di Đà. Nhiều giảng sư đã phản bác tín niệm đới nghiệp vãng sanh khi đưa ra các tiêu chí trong kinh A Di Đà và kinh Vô lượng thọ và căn bản vẫn là giáo lý nhân quả.

Trong khi các giáo pháp căn bản Phật dạy như Tứ đế thống nhất xuyên suốt thì các kinh Đại thừa như vừa nêu lại có sự bất nhất. Lý do là có yếu tố tha lực xen vào và được lý giải là Đức Phật và Bồ-tát vì lòng từ bi cứu độ chúng sanh. 

Bên cạnh đó, người tín đồ Phật giáo còn được truyền bá tư tưởng dựa vào điểm nóng để biết được vãng sanh qua bài kệ: “Đảnh thánh nhãn sanh thiên, nhơn tâm ngạ quỷ phúc, bàng sanh tất cái ly, địa ngục cước môn/phản xuất”. Bài kệ có nghĩa là khi chết, thân thể nóng ở vị trí nào thì sẽ sanh cõi tương ứng như nóng ở đỉnh đầu sinh về cõi thánh, ở vùng mắt sinh cõi trời, ở vùng ngực sinh ở cõi người, ở vùng bụng sinh ngạ quỷ, ở đầu gối sinh vào súc sanh và ở lòng bàn chân sinh vào địa ngục. Quan điểm này căn cứ dựa trên luận Câu-xá, luận Du-già-sư-địa và Pháp uyển châu lâm. Thế thì cõi thánh là cõi ở ngoài sáu cõi (trời, người, a-tu-la, ngạ quỷ, súc sanh, địa ngục), là cõi riêng hay là cõi của một Đức Phật? Trường hợp các bậc Thánh A-la-hán thì kinh ghi là “Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, các việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa” thì khi tịch diệt thân các ngài nóng ở đâu hay là ngoại lệ? 

Trong kinh Đại bát Niết-bàn, Đức Phật có dạy cho ngài A-nan-da và cũng cho tất cả các đệ tử là sau khi Thế Tôn nhập Niết-bàn (tịch diệt) các thầy hãy căn cứ pháp và luật làm thầy. Như vậy, pháp và luật là cơ sở, là nền tảng để các đệ tử, tín đồ nương theo tu tập vì đó là kim chỉ nam dẫn đường đúng đắn. Thế nhưng, sau khi Phật Niết-bàn kinh điển mới được ghi chép và có rất nhiều kinh, luận được thêm vào thì dựa vào đâu để làm căn cứ tin cậy. Về học thuật nghiên cứu, tài liệu gốc được ưu tiên sau đó mới xét đến các loại tài liệu kế tiếp. Trong tu tập, kinh điển được Phật nói và được đại đa số tôn đức, học giả thống nhất dựa trên nền giáo pháp căn bản của đạo Phật thì phải nên được ưu tiên làm căn cứ.

Đối với các vấn đề liên quan đến Pháp, giải pháp được các nước Nam truyền làm khá bài bản và thành công là dựa trên Tam tạng kinh điển Pāli. Tam tạng kinh là tiêu chuẩn, là thước đo đúng sai khi một vị giảng sư thuyết giảng. Nếu một vị giảng sư nói không có căn cứ trong Tam tạng kinh điển thì hội đồng Tăng-già có thẩm quyền mời đến xử lý. Do đó, rất hiếm khi có trường hợp mâu thuẫn về giáo pháp, giáo lý ở các nước Phật giáo Nam truyền. 

Đối với Phật giáo Việt Nam, bên cạnh Tam tạng kinh bằng tiếng Pāli còn có thêm Tam tạng kinh bằng chữ Hán. Khi dịch sang tiếng Việt, Phật giáo Việt Nam có hai nguồn Tam tạng kinh điển. Để làm cơ sở căn cứ tu học đúng Chánh pháp cho tín đồ người Việt, Giáo hội đang trong quá trình hoàn thiện Đại tạng kinh tiếng Việt. Trong quá trình phiên dịch, Giáo hội cần có một hội đồng thẩm định chọn lọc kinh điển phù hợp với giáo pháp của Đức Phật để phiên dịch và in ấn. Những kinh điển có quan điểm sai biệt nên hạn chế và chỉ để tham khảo nghiên cứu hơn là áp dụng phổ biến cho tín đồ tu học. Khi Đại tạng kinh hoàn thiện, tất cả các giảng sư hay Tăng Ni đều phải dựa trên Đại tạng kinh. Những vấn đề nêu trên Giáo hội cũng phải xử lý thống nhất để không còn xảy ra tình trạng bất nhất mỗi người mỗi ý. Cơ sở giải quyết là ưu tiên dựa trên kinh gốc. Đây là vấn đề các nước Phật giáo Nam truyền đã làm thành công. 

Thứ hai là vấn đề liên quan đến Tăng. Báo Giác Ngộ số 1017 có bài “Trở lại chuyện khách Tăng không mời”. Bài báo nêu vấn đề sư giả đi dự trai tăng, khất thực kiếm tiền. Hiện tượng này hầu như xảy ra ở miền Nam nơi có đông đảo chư Tăng Ni. Bài báo nêu một số giải pháp từ sự phỏng vấn chư tôn đức lãnh đạo nhưng cuối cùng cũng chưa có giải pháp cụ thể hữu hiệu nào. Xét về mặt tổ chức, Phật giáo có đầy đủ các ban ngành nhưng xét về hiệu quả thì có lẽ còn quá khiêm tốn. Vậy thì đâu là giải pháp cho vấn nạn "giả sư" hay "sư giả". 

Về nội bộ, Phật giáo có các ban quản lý Tăng Ni và có cơ sở quản lý Tăng Ni là giấy chứng nhận Tăng Ni. Tăng Ni chính thức phải có giấy chứng nhận và phải ở tự viện hợp pháp. Những vị ra lập am thất để phát triển cơ sở tự viện thì phải có sự đồng ý của bổn sư và Ban Trị sự Phật giáo cấp cơ sở hay ít nhất một trong hai để hỗ trợ. Tăng Ni chưa chính thức (tức chưa có giấy chứng nhận) thì phải nương tựa bổn sư, y chỉ sư, tự viện cụ thể để các vị bổn sư, y chỉ sư có trách nhiệm quản lý giáo dục.

Khi có vấn đề xảy ra như khách Tăng không mời mà đến, khất thực phi pháp, bán nhang… các ban có trách nhiệm được quyền thẩm vấn để xử lý. Những vị tu sĩ thuộc các chùa thì mời bổn sư làm việc khiển trách, còn nếu họ là những người “giả sư” thì giao cơ quan chính quyền xử lý.

Tuy nhiên, chỉ bản thân Phật giáo thì khó giải quyết vấn đề “giả sư” vì các vị giả sư không thuộc quyền quản lý của Giáo hội. Khi họ lợi dụng Phật giáo mà bị phát hiện thì việc xử lý chỉ là đuổi họ ra ngoài tự viện. Do đó, Giáo hội cần phải có sự hợp tác của chính quyền. Phật giáo vận động để nhà nước ra quy định xử phạt hành chính đối với những đối tượng giả sư. Chỉ có chính quyền mới có thẩm quyền thu hồi y áo, phạt cảnh cáo hay phạt hành chánh... Phật giáo là một tôn giáo lớn có đóng góp to lớn cho đất nước và góp phần làm ổn định xã hội, với yêu cầu chính đáng của Giáo hội, thiết nghĩ nhà nước sẽ ủng hộ. Ở các nước Nam truyền, sự hợp tác giữa Giáo hội và nhà nước rất tốt. 

Cũng cần nói thêm, để sinh hoạt Tăng Ni ổn định và trang nghiêm, Phật giáo cần bổ sung về quy định pháp phục cho các cấp bậc với các màu phân biệt rõ ràng. Chẳng hạn chư tôn Hòa thượng mặc áo hậu viền đỏ nơi cổ, chư Thượng tọa áo hậu viền màu đậm nơi cổ, chư Đại đức áo hậu viền vàng nơi cổ.... Qua hình thức màu sắc, ban tổ chức các lễ hội có thể phân biệt mà sắp xếp chu đáo. Ngoài ra, các loại mũ trong các lễ cũng cần quy định cho Hòa thượng, Thượng tọa để khỏi lạm dụng. 

Ý thức rằng đây là vấn đề khó khăn nhưng nếu không có lộ trình để đưa ra các giải pháp khắc phục thì những vấn đề nêu trên khó giải quyết trong Phật giáo. Những ý kiến vừa nêu chỉ mang tính tham khảo. Mong rằng sẽ có nhiều bậc cao minh hiến các giải pháp thiết thực để Phật giáo Việt Nam ngày càng thống nhất và trang nghiêm hơn. 

Thích Hạnh Chơn

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Võ Dũng

Tỳ-kheo-ni Tô-ma

NSGN - Tôi nghe như vầy: Một thời, Đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ. Bấy giờ, Tỳ-kheo-ni Tô-ma2  ngụ tại tinh xá của chúng Tỳ-kheo-ni, ở trong ngự viên, thuộc nước Xá-vệ.
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1272 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Chữa bệnh và giải nghiệp

GNO - Bạn bè tôi cho rằng song hành với việc trị liệu theo y học thì cần nỗ lực chuyển nghiệp bằng cách sám hối thật nhiều và tạo phước thật lớn để hồi hướng mới có thể giải nghiệp và mong khỏi bệnh. Tôi không biết quan niệm này có đúng với Chánh pháp?

Thông tin hàng ngày