Niệm Chết

Niệm Chết

GN - Thấy biết rõ về sự chết của chính thân này để chấp nhận, để xả buông, để nỗ lực hoàn thiện mình hơn.  

Quán niệm về sự chết là một pháp tu căn bản trong Thập niệm (niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới, niệm Thí, niệm Thiên, niệm Dừng nghỉ, niệm Hơi thở, niệm Thân, niệm Chết). Thế Tôn dạy người tu “chuyên cần niệm Chết”, vì chết là một sự thật, ai cũng đang và sẽ chết! Thấy biết rõ về sự chết của chính thân này để chấp nhận, để xả buông, để nỗ lực hoàn thiện mình hơn. Không cần đợi đến lúc tim ngừng đập, mũi ngưng thở thì ta mới chết mà thân này đang chết từng giây, mỗi phút.

“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Hãy tu hành một pháp, hãy truyền bá rộng rãi một pháp. Tu hành, truyền bá rộng rãi một pháp rồi sẽ có danh dự, thành tựu quả báo lớn, các điều lành đầy đủ, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi, sẽ có thần thông, trừ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn. Thế nào là một pháp? Nghĩa là niệm Chết.

Phật bảo các Tỳ-kheo:

- Thế nào là tu hành niệm Chết sẽ có danh dự, thành tựu quả báo lớn, các điều lành đầy đủ, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi, sẽ có thần thông, trừ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn?

Bấy giờ các Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:

- Căn bản các pháp đều do Như Lai nói. Cúi mong Thế Tôn, vì các Tỳ-kheo mà nói diệu nghĩa này. Các Tỳ-kheo được nghe Như Lai nói xong, sẽ thọ trì.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Hãy lắng nghe, lắng nghe và khéo suy nghĩ! Ta sẽ vì các Thầy phân biệt rộng điều này.

Các Tỳ-kheo đáp:

- Xin vâng, Thế Tôn.

Các Tỳ-kheo vâng lời dạy rồi, Thế Tôn bảo rằng:

- Nếu có Tỳ-kheo chính thân, chính ý, ngồi kiết-già buộc niệm trước mặt, không có tưởng khác, chuyên cần niệm Chết.

Niệm Chết nghĩa là chết chỗ này, sanh chỗ khác, qua lại các đường, mạng chết chẳng dừng. Các căn tan hoại, như cây hư mục, mạng căn cắt đứt, tông tộc phân ly, không hình không tiếng cũng không tướng mạo. Như thế, này các Tỳ-kheo, gọi là niệm Chết, sẽ được danh dự, thành tựu quả báo lớn, các điều lành đầy đủ, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi, sẽ có thần thông, trừ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn. Thế nên, các Tỳ-kheo, thường nên tư duy chẳng lìa niệm Chết, sẽ được các công đức lành này. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!

Bấy giờ các Tỳ-kheo, nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

 (Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm Quảng diễn, 

VNCPHVN ấn hành, 1997, tr.61)

Sự chết xảy ra xung quanh ta, mọi lúc mọi nơi trong đời sống hàng ngày. Ai cũng có thể thấy nghe về sự chết, nhất là trong bối cảnh tai nạn giao thông, tai nạn lao động liên tục xảy ra, tử vong do ngộ độc, bệnh tật, chém giết, khủng bố, chiến tranh… xảy ra ngày càng nhiều. Có điều lạ là dường như cái sự đau thương, chết chóc đó chỉ xảy ra cho người, còn ta thì chỉ chấn động một lúc rồi thôi, mọi sự đâu lại vào đấy.

Với ta, đôi lúc cũng thoáng qua suy nghĩ về cái chết, nhưng hình như là còn xa và lâu lắm mới đến cái ngày đen đủi ấy. Thậm chí có người còn tự huyễn là mình không bao giờ chết, có người thì vẫn chấp nhận cái chết nhưng cố không nghĩ về nó. Nực cười nhất là có thời kỳ người ta còn cho việc nói về cái sự thật hiển nhiên của sanh-già-bệnh-chết là bi quan, yếm thế, tiêu cực.

Cũng chính vì không nghĩ đến sự chết nên con người ngày càng tham lam, hung ác, thù hận và si mê. Thậm chí, khi thấy mình đến gần với sự già chết thì người ta càng lo thụ hưởng gấp gáp hơn. Không nghĩ đến sự chết là biểu hiện của vô minh, cội nguồn của vô lượng phiền não và khổ đau. Người tu thì ngược lại, “thường nên tư duy chẳng lìa niệm Chết”. Nhờ luôn nhớ nghĩ về sự chết của chính mình nên cuộc sống trở nên nhẹ nhàng, bao dung và hỷ xả hơn, nhất là “thành tựu quả báo lớn, các điều lành đầy đủ, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi, sẽ có thần thông, trừ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn”. 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày