Thành phố Cheb thuộc tỉnh Karlovy Vary nằm ở miền Tây Cộng hòa Czech. Cheb có 38.000 dân và bên cạnh còn có 5.000 bà con người Việt hiện đang sinh sống và làm ăn. Thành phố Cheb giáp biên giới với CHLB Đức và đi vào bằng bốn cửa khẩu: Vojtanov, Aš, Pomezí và gần nhất là cửa khẩu Svatý Kříž.
Vùng đất gần cửa khẩu này cũng là trung tâm của châu Âu.
Bà con Việt ta quanh năm buôn bán, chăm lo xây dựng cơ sở vật chất để có một cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Tuy vật chất tạm ổn nhưng đời sống tinh thần còn đơn điệu. Đặc biệt là đời sống tâm linh vô cùng thiếu thốn.
Ai cũng tha thiết hướng về quê hương, về đạo Phật - một tôn giáo truyền thống và cổ kính của dân tộc. Những năm gần đây, bà con ở Czech nói chung và Cheb nói riêng được sự quan tâm của Nhà nước và T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam, của Đại sứ quán Việt Nam tại CH Czech cùng sự quan tâm của T.Ư Hội Phật tử VN tại CH Czech.
Vì vậy hàng năm có các đoàn của T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam sang chăm lo cho đời sống tâm linh của cộng đồng.
Đã từ lâu, Phật tử và bà con yêu mến đạo Phật ở TP.Cheb và các vùng lân cận khát khao có được mảnh đất thuộc sở hữu của người Việt Nam để xây dựng lên đó một ngôi chùa cho cộng đồng chúng ta có nơi thờ cúng, là chỗ dựa tâm linh.
Thì bây giờ hiện hữu ngay trước mắt mọi người một ngôi chùa đang được ngày đêm hình thành bởi tâm lực, vật lực, tài lực của biết bao con tim và khối óc. Ôi! Phải chăng đây cũng là nhờ nhân duyên phật pháp và nhờ các yếu tố tâm linh được hội tụ đầy đủ.
Chùa được mang tên GIÁC ĐẠO. Giác là khai tâm, khai trí. Đạo là đạo Phật – đạo Phật là một tôn giáo của tình thương và trí tuệ, lấy từ bi làm chất liệu xây dựng lên cuộc sống, lấy giác ngộ làm ngọn đèn soi sáng hướng đi. Đức Phật là bậc tối thượng chánh đẳng chánh giác.
Trong khuôn viên chùa Giác Đạo trang nghiêm pho tượng mẹ hiền Quan Thế Âm Bồ Tát cứu khổ cứu nạn. Mẹ che chở ôm ấp những ngưởi con của đất Việt tần tảo chịu khó một nắng hai sương. Các con của Mẹ kinh doanh để vừa tạo kinh tế cho mình, vừa tạo cho nước nhà - thật là dân có giàu thì nước mới mạnh.
Trong những lúc công việc làm ăn rất khó khăn, trước sự suy thoái của toàn cầu, có một đại thí chủ đã cung tiến toàn bộ khuôn viên 2.400 mét vuông đất để dựng lên ngôi chùa không những cho thế hệ này, mà còn cho nhiều thế hệ mai sau của cộng đồng.
Phải chăng vì nhớ ông cha ta có câu «Xây chùa, tạc tượng, đúc chuông Trong ba việc đó thập phương nên làm » nên thí chủ Trần Văn Đang và phu nhân - Tổng Giám đốc Trung tâm Thương mại AsiaDragon Svatý Kříž – Cheb đã phát tâm công đức?
Đây cũng là trung tâm thuơng mại rất mạnh, có đông người Việt Nam đang sống và kinh doanh. Một lòng tâm thành - giữa lúc trung tâm thương mại đang vào mùa, ông bà Tổng Giám đốc đã gác mọi công việc, gửi các con thơ ở lại để cùng bay về TP.Hồ Chí Minh nhờ quý thầy tư vấn, tạc tượng Phật, đúc chuông, làm mõ cho chùa.
Khi biết tin ông bà Tổng Giám đốc cung tiến đất và xây dựng chùa cho cộng đồng, thì như truyền thống ở quê hương ta «Con giàu một bó, con khó một nén» hay «Một nén cũng thơm, một tiền cũng quý», rất nhiều bà con cô bác, anh chị cùng các tổ chức Hội Phật tử, Hội Người VN, Hội Phụ nữ VN, Hội Văn học Nghệ thuật, Trường Mầm non Sen Việt, các công ty xa gần, từ Cheb, Praha tới Plzen và nhiều thành phố khác trên toàn CH Czech đều xin được cùng đóng góp.
Ông bà Tổng Giám đốc cùng các Phật tử đã viết thư thỉnh nguyện Đại đức Thích Trí Chơn làm trụ trì chùa Giác Đạo. Và ngưòi thầy luôn đến với đất Cheb bao năm đã hoan hỷ nhận lời. Vậy là bà con ta, chùa ta sẽ lại có bóng dáng người thầy thân kính.
Cách đây năm năm, Đại đức Thích Trí Chơn, Cố vấn Hội Phật tử Việt Nam tại CH Czech đã đến với đất Cheb. Bằng đạo hạnh và tâm đức sâu dày, thầy đã kiên trì lặng lẽ gây dựng, dìu dắt Chi hội Phật tử Việt Nam tại TP.Cheb và các vùng lân cận. Thầy không nề hà đường sá đêm hôm, trời tuyết lạnh lẽo, tới thuyết pháp cầu kinh tại những văn phòng nhỏ hẹp, tại cả những quán ăn đơn sơ nơi biên giới xa xôi này. Những ngày đó đạo Phật còn khá xa lạ với bà con. Có những buổi tối chỉ thưa thớt vài chục người nghe, thầy vẫn thản nhiên ân cần chia sẻ với bà con, vẫn ấm áp chuông mõ, vẫn ngân nga lời kinh. Và lòng từ bi, đức hy sinh vì chúng sinh của vị thầy đã tự lúc nào lay chuyển được tâm đạo nơi bà con ta. Nhờ đâu mỗi cuộc lễ tại đất Cheb ngày nay có hàng nhiều trăm người hỷ hả, có cờ Phật tung bay, có ngàn hoa rực rỡ, đèn nến lung linh? Nhờ đâu đạo Phật tới được với bao gia đình đất Cheb, nhờ đâu thành phố ta đã có niệm Phật đường An Lạc ấm cúng nay lại thêm chùa Giác Đạo khang trang? Con đường chúng ta đang đi tới Đạo thênh thang, ai mà làm sao quên được người cặm cụi dọn cỏ, lát đá những ngày đầu? Làm sao quên tri ân người thầy đã lặng thầm bao ngày tháng gieo mầm Phật pháp nơi đây?
Trong những ngày này, công việc thi công cho kịp lễ khánh thành chùa ngày càng khẩn trương. Trên công trường rộn rã tiếng cưa, tiếng búa, tiếng người cười nói rộn ràng. Ngôi chùa sẽ được khánh thành vào dịp Đại lễ Vu Lan - mùa Báo hiếu. Ngoài những ý nghĩa lớn lao đã có, chùa Giác Đạo khánh thành còn trùng vào dịp cả nước đang hướng về Đại lễ Nghìn năm Thăng Long - Hà Nội, vào dịp lần đầu tiên chúng ta tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo Thế giới tại Việt Nam.