Nơi chở che những phận đời côi cút

GN - Nằm lọt thỏm trong rừng cao su xanh mát, heo hút và vắng bóng người, tiếng đọc kinh, tiếng gõ mõ vang vọng của 26 chú tiểu được nuôi dưỡng tại tịnh thất Quan Âm (xã Tân Hiệp, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) vào thời kinh chiều nghe thật thanh bình, xóa tan đi cái tĩnh lặng nơi đây.

SC.Thích nữ Diệu Thông, trụ trì tịnh thất là người giáo dưỡng các chú tiểu với nhiều hoàn cảnh khác nhau. Vốn xuất thân trong gia đình Phật tử thuần thành, có nhiều anh chị em xuất gia, SC.Thích nữ Diệu Thông đủ duyên lành xuất gia tại chùa Hội Khánh, huyện Mỹ Luông, tỉnh Đồng Tháp.

H1 - xa hoi.JPG

Các chú tiểu được giáo dưỡng tại tịnh thất Quan Âm

Sau khi học xong Phật học ở chùa Dược Sư (TP.HCM), thấy mình có duyên ở mảnh đất này, năm 2009,  Sư cô về đây lập thất, chủ yếu là để tu tập. Ban đầu, Sư cô không có ý định nuôi trẻ nhưng do Phật tử gửi đến, rồi nhiều em bị bỏ rơi nhờ chùa nuôi dưỡng, thế là cô nhận nuôi.

“Với tâm niệm nuôi những em có duyên với mình và không nuôi đông, vì tôi nghĩ nuôi đông chỉ cho ăn mặc được thôi nhưng dạy dỗ khó lắm. Ở trong chùa làm gì thì làm, tôi phải giúp các em khắc ghi hình bóng của Phật pháp và tinh thần đạo Phật. Vì thế, tôi chỉ nuôi ít và dạy dỗ các em chu đáo, còn cảm hóa các em hay không là tùy nhân duyên nữa”, SC.Thích nữ Diệu Thông cho biết.

Sư cô chia sẻ thêm: “Thời buổi bây giờ, con nít khôn ngoan theo tính cách của thế gian, mình cứ đem tinh thần Phật pháp dạy các em hấp thụ nhiều thì tốt. Sau này, các em lớn lên, ra đời thì cũng có một chút gì đó tinh thần, việc làm theo Phật pháp để tránh bớt đi những gánh nặng của thế gian”.

Chính vì thế, ngoài việc cho các em tu tập theo thời khóa của chốn thiền môn thì vào những ngày cuối tuần, Sư cô hướng dẫn thêm cho các em về các kinh như: Tứ thập nhị chương, Pháp hoa…

Ở đây, có em chỉ còn ba hoặc mẹ, hoặc ba mẹ mất phải ở với bà. Gia đình khó khăn nên gửi vào chùa, thỉnh thoảng khoảng 1,2 năm thì người thân tới thăm. Cũng có khi, họ đến xin các em về khi hoàn cảnh gia đình đã khá giả hơn.

Ở tịnh thất, Sư cô tự may đồ cho các em mặc; ốm đau Sư cô đều tự mình chở các em đi bệnh viện. Các bé học mẫu giáo thì có người chở đến trường, còn những em lớn hơn Sư cô để các em tự đi. Hiện nay, ở tịnh thất, em nhỏ nhất 18 tháng tuổi và lớn nhất là 13, 14 tuổi.

Để nuôi dạy các em chu toàn, Sư cô cũng thường xuyên làm thêm các công việc như: làm nhang, làm chao, lựa bọc ni-lông cho vựa ve chai để kiếm tiền lo sinh hoạt phí. Nhiều năm trước không ít lần Sư cô phải về chùa Pháp Vân (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) để nhờ quý huynh đệ, thầy tổ tại đây hỗ trợ thêm lương thực, thực phẩm.

Hiện tại, việc nuôi dạy các bé đã đi vào ổn định, có một số Phật tử biết đến tịnh thất nên thỉnh thoảng cũng có hỗ trợ. Sư cô tâm sự, nhiều em được nuôi trong chùa nhưng cũng ngỗ nghịch lắm, lúc trước Sư cô có nuôi hai em, một em có mẹ, một em không mẹ không cha. “Từ năm lớp 8 đến lớp 10, em quậy, các sư cô điên đầu, quậy mà cả xã đều mệt, tôi gửi em cho quý thầy để dạy. Ở với thầy được ít lâu, sau đó em cũng ra đời. Rồi cho em đi học bổ túc, vừa làm vừa học, giờ thì vẫn ghé chùa thường xuyên, dù em không còn ở chùa”, Sư cô tâm sự.

Cuộc trò chuyện thỉnh thoảng bị đứt quãng bởi những câu hỏi, lời “mắng vốn” của các chú tiểu, cũng như lời nhắc nhở của SC.Diệu Thông, khi các em chạy nhảy… quên việc.

Trong ánh nắng còn sót lại của cuối ngày, chúng tôi chào Sư cô trụ trì ra về trên con đường xanh thẳm, heo hút rợp bóng cao su. Thấp thoáng, mái chùa vang vọng tiếng chuông ngân, nơi chở che những phận đời côi cút...

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày