Không đầy một tháng nữa, ngày kỷ niệm 35 năm Báo Giác Ngộ ra số đầu tiên đã đến (1-1-1976 – 1-1-2011). Những người làm báo và viết báo GN ngoái nhìn lại chặng đường đã đi qua và bâng khuâng nghĩ về lộ trình của Báo Giác Ngộ trong tương lai. "Làm gì cho độc giả và độc giả làm gì cho tờ báo" đó là những gì đau đáu trong đầu của bất cứ người nào đang lãnh sứ mạng cầm viết.
Nhà báo - Giáo sư Jean Calude Murgala, Trưởng khoa Báo chí Đại học Lille (Pháp) đã nói: "Hãy thông tin cho tôi". Câu nói ngắn gọn, hàm chứa đầy trách nhiệm mà cộng đồng người đọc đòi hỏi ở báo chí. Trong bối cảnh hiện nay, có rất nhiều tờ báo, tạp chí ấn hành rộng rãi trong cả nước đáp ứng khá thỏa đáng nhu cầu người đọc. Song, ở thành phố lớn, có những tiêu chí về cuộc sống xã hội, quan hệ con người với con người, cái chung và cái riêng, đạo đức và phi đạo đức… hình như ngày càng mờ nhạt. Tất cả là do có sự di chuyển của cộng đồng xã hội, sự gắn kết và chia cắt những hạnh phúc và bi kịch. Người đọc khi cầm tờ báo trên tay, thường tự hỏi "Có gì mới?". Sau khi có cái gì mới đó rồi, thì cái mới đó hướng về mục tiêu nào và cuối cùng là "cho tôi được những kiến thức gì"?
Báo Giác Ngộ có đối tượng riêng là độc giả Tăng Ni, Phật tử trên khắp các vùng miền thành thị và thôn quê; vùng cao, vùng sâu. So với mật độ dân cư cả nước được thống kê, Tăng Ni, Phật tử chiếm một số lượng đáng kể trên 50%. Hệ thống chùa chiền phong phú, đa dạng và tập quán tín ngưỡng cũng nhiều màu sắc tôn giáo. Đây là một nguồn thị trường độc giả rất lớn mà Báo Giác Ngộ mơ ước được vươn tới phủ khắp. Có một bộ phận độc giả khi tiếp xúc thì cho rằng Báo Giác Ngộ có nhiều thông tin, bài vở hay, bổ ích. Một số khác thì thẳng thắn nói Báo Giác Ngộ chỉ có một vài mục đọc được (Phật học - Tư vấn...), ngoài ra không có gì để đọc.
"Không có gì để đọc" phải chăng là những thông tin trên báo không liên quan đến tôi hoặc không phù hợp với tôi hoặc không đáp ứng cái gì cả? Một cuộc khảo sát tiềm năng đọc sẽ cho thấy phía sau "không có gì để đọc" phải chăng liên quan đến địa phương, vùng miền của người đọc, trong đó có lợi ích cá nhân và tập thể. Và như vậy, chúng ta cần phải biết những khoảng trống và lấp đầy những thông tin mà thị trường này đòi hỏi: khoảng trống này là tình cảm giữa Báo Giác Ngộ và độc giả. Có thể nơi đó, chúng ta chưa kiện toàn đầy đủ một hệ thống cộng tác viên hay một văn phòng đại diện, văn phòng chi nhánh để những nơi này có được sự gần gũi, gặp gỡ, giao lưu giữa tờ báo với bạn đọc, với cộng tác viên và với Giáo hội địa phương. Đây chính là một trong những nguyên tắc thông tin gần gũi "Nói cho tôi những gì liên quan đến tôi". Sự gần gũi về địa lý này cũng là sự gần gũi với độc giả.
Báo Giác Ngộ vận hành đã 35 năm và bằng nhiều cách và nhiều nỗ lực cố gắng, Báo luôn muốn vươn tới rất nhiều địa phương và đến tay từng độc giả qua những nội dung cần thiết thực hơn nữa để phục vụ thông tin sát thực cho người đọc thành thị và người đọc nông thôn, cho địa phương vùng miền có các đồng bào Phật tử sắc tộc…
Nguyên tắc tiệm cận của thông tin là vừa phục vụ, đáp ứng, vừa rà soát để có thể bổ sung những gì cần thiết cho độc giả; giúp cho độc giả, Tăng Ni, Phật tử những lợi ích trong cuộc sống hàng ngày. Ngược lại, người đọc khắp nơi cũng gắn kết với tờ báo, giúp tờ báo loại bỏ những gì không lợi ích và "hãy cho tôi những hướng thông tin, kiến thức mà tôi cần".
Sẽ rất hạnh phúc cho những người viết của Báo Giác Ngộ khi biết rằng những điều mình mang đến cho độc giả là những lợi ích thiết thực của chính họ. Và, đấy là những gì độc giả đang cần chúng ta.