Nỗi đau

Những đôi mắt trẻ thơ long lanh, ướt đẫm nước mắt và những đôi mắt của người lớn hoang mang vẫn chưa hoàn hồn sau trận động đất kéo dài hơn 1 phút ở Haiti được lan tải trên các báo ngày hôm qua và hôm nay, những hình ảnh thời sự được chụp từ Tây bán cầu, nóng hổi làm nhiều người xót xa.
Người dân ngủ đầy trên những con đường
ở Port-Au-Prince ngày 13-1 - Ảnh: Reuters/Eduardo Munoz

Hôm nay lại đọc tin trên báo mạng: Hơn 500.000 người có thể bị chết trong đống đổ nát ở quốc gia nghèo đói vùng Caribê làm nhiều người nhớ đến thảm họa sóng thần ở châu Á năm 2004 làm chết trên 230.000 người. Thảm họa sóng thần năm ấy cũng vào dịp cuối năm như thế này và cả thế giới đã vào cuộc, chung tay chia sẻ.

Lần này cũng vậy, các nước đã cử các phái đoàn nhân đạo và tuyên bố viện trợ cho Haiti ngay bằng những con số tiền mặt và cơ số thuốc men cho người bị nạn. Động thái ấy cho thấy tính nhân văn trong cộng đồng, tình người được thổi bùng lên sau tai nạn của đồng loại.

Bình thường, nhiều khi người ta không nghĩ đến việc chia sẻ thậm chí còn cố tình gây hấng để đạt được những mưu đồ chính trị, kinh tế nào đó. Như hành động cấm vận của các cường quốc đối với một số nước, hoặc việc đưa ra thị trường những sản phẩm độc hại (hàng hóa Trung Quốc hiện nay)… là hai trong số những biểu hiện của sự không nhân văn. Nhưng, đến khi đồng loại có những nỗi đau nào đó thì nhiều người mới giật mình nhìn lại: sự sống quá mong manh!

Có ai ngộ ra điều hiển nhiên ấy từ nỗi đau của những thảm họa như thế này?

 
Người dân tập trung đào bên dưới những bức tường
đổ nát tìm kiếm những người may mắn sống sót
tại Port-Au-Prince ngày 13-1- Ảnh: Ricardo Arduengo

Nỗi đau đồng loại bao giờ cũng là tiếng chuông có giá trị cảnh tỉnh con người đừng vì cái lợi trước mắt và đừng vô cảm, đứng ngoài cuộc. Và sự thật là vậy, chung tay cho những giá trị nhân văn, có sự ôm ấp nỗi đau và xoa dịu thì dù đó chỉ là ý niệm hay một phút dừng lại để lắng lòng cũng cần thiết.

Năng lượng của sự chia sẻ trước tiên và trên hết là chuyển hóa nỗi đau của chính mình rồi mới đến nỗi đau của người khác. Nỗi đau của những thiên tai, mất mát, chiến tranh… là cơ hội để phản tỉnh con người, để con người hướng tới những giá trị của bình an, hòa bình, chia sẻ…

 
Mọi người tận tình chăm sóc vết thương
cho một thanh niên ngày 12-1 - Ảnh: Frederic Dupoux/Getty Images

Từ nỗi đau này, dù ở cách chúng ta nửa bán cầu nhưng mỗi người Việt trong tinh thần sẻ chia đều có thể gửi một ít năng lượng bình an cho những người bị nạn ở Haiti khi chúng ta nghĩ về họ với một sự sẻ chia chân thành bằng ý niệm!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày