GN - Cách TP.HCM hơn 170km, tôi phải mất đến hơn nửa ngày đi xe đò, rồi bắt xe ôm mới đến được chùa Huệ Đức của ĐĐ.Thích Đồng Khánh ở xã Mỹ Sơn, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận - nơi nuôi dưỡng gần 50 em bé bị bỏ rơi, mồ côi và bệnh tật.
Vừa đến chùa thì gặp được thầy ngay trước cổng, thầy chạy xe xuống xóm để xem người ta khoan giếng cho Phật tử tới đâu. Hỏi ra mới biết, nơi đây vào mùa khô thường hay thiếu nước, khoan tới 70-80m mà vẫn không được giọt nước nào. Nhờ có Phật tử hỗ trợ khoan giếng cho chùa, rồi hỗ trợ một số bà con xung quanh, thầy chịu trách nhiệm “giám sát” công trình.
Thầy Thích Đồng Khánh như người cha gần gũi
bên các trẻ mồ côi ở Trường Mầm non Huệ Đức - Ảnh: ND
Quê ở miền Trung nhưng vô Nam từ nhỏ, thầy xuất gia năm 14 tuổi ở chùa Sơn Linh (xã Xuân Sơn, Bà Rịa-Vũng Tàu). Sau đó, thầy lên Sài Gòn học Trung cấp Phật học ở chùa Thiên Minh (huyện Thủ Đức, nay là Q.9) và học Đông y ở Viện Y học Dân tộc.
Khi ra trường, thầy về làm ở Tuệ Tĩnh đường Đại Tòng Lâm, Bệnh viện Xuyên Mộc, phát nguyện đi công quả mỗi chùa ba tháng. Cho tới khi về chùa Huệ Đức, thầy thấy đời sống bà con còn nhiều khó khăn nhưng biết tin kính Tam bảo, chùa nhỏ lợp bằng ván, vẫn chưa có ai trông coi, Phật tử ngày nào cũng lên chùa năn nỉ thầy ở lại để hướng dẫn họ tu học. Thương vùng đất khó khăn, Phật tử thuần thành và mến đạo, nên thầy nhận lời và bảo Phật tử lên bạch với thầy y chỉ sư là HT.Thích Đồng Huy. “Hòa thượng hoan hỷ và đồng ý ngay”, thầy hoan hỷ chia sẻ.
Đầu tiên, thầy xây dựng phòng thuốc để khám chữa bệnh cho bệnh nhân và bà con trong xóm, “sau này khi nhận nuôi các bé, tôi dành thời gian để chăm sóc các cháu, nên không làm thuốc nữa vì sợ có những bệnh gây truyền nhiễm cho các cháu”, thầy nói.
Nuôi trẻ cũng là một cách tu
Khi số lượng các cháu ngày càng đông, để đảm bảo chăm sóc chu đáo, thầy xin phép mở Trường Mầm non Huệ Đức, thuê các cô về chăm sóc, nuôi dưỡng các bé từ 18 tháng đến 2 tuổi. Còn các bé một hai tháng tuổi thì để các cô Phật tử công quả chăm sóc phụ với thầy. Trường cũng nhận chăm sóc các bé là con của Phật tử ở xung quanh, chỉ phụ tiền ăn hàng tháng, nhiều bà con nghèo quá thì chùa không lấy tiền.
Nói về nhân duyên nhận nuôi các bé là do Trung tâm Nuôi trẻ mồ côi khuyết tật Long Đạt ở thị xã La Gi không còn tiếp tục hoạt động nên họ đem lên 5 cháu nhờ thầy nuôi giúp. Sau đó, hễ nghe ở đâu có trẻ bị bỏ rơi là thầy đến nhận về nuôi.
Các bé ở đây đến từ nhiều tỉnh, nhiều bé không có cha mẹ, hoặc cha đi lấy vợ, không có nơi ăn học. Nhiều trường hợp bị bỏ thùng mì, bao ni-lông, bỏ rương,…. một số bé bị bệnh down, chất độc da cam, động kinh. Chăm sóc cũng vất vả lắm “nhưng tôi nghĩ, mỗi cháu đến đây là đã có cái duyên sâu sắc nhiều đời nhiều kiếp với mình rồi. Các cháu cũng rất có phước báu nên mới được nương nhờ cửa Phật”, thầy tâm sự.
Chăm sóc cho đàn con gần 50 bé, nào tiền ăn, tiền học, tiền thuốc, “nên thỉnh thoảng cũng thiếu cái này, thiếu cái kia. Có nhiều lúc trong chùa không còn gì, tôi phải chạy xe xuống các chùa lớn xin gạo, mỗi lần xin là viết đơn… Nhưng chẳng sao, khó mới dễ tu. Mình tu lôi thôi thì đói ráng chịu, cứ thật tu thì chư thiên, long thần hộ pháp sẽ hộ trì”, ĐĐ.Thích Đồng Khánh hoan hỷ khi kể về những khó khăn.
Vì thế mà chùa chỉ để bảng tên cho Phật tử khỏi bị lạc đường, trong chùa cũng không có thùng phước sương.
Càng khó càng dễ tu
Thầy sống rất giản dị, gần gũi với các cháu, phòng của thầy cũng đơn giản, ngoài bàn Phật, có lẽ bàn thờ thân mẫu là được để ở nơi trang trọng nhất. Thầy mất mẹ khi còn nhỏ, nên có lẽ thấu cảm và rất thương các cháu.
Ở chùa, thầy dạy các bé học kinh, học luật, bé nào thích đi tu thì cho đi. “Tùy duyên của mỗi bé, mình không ép, cháu nào hợp với cái gì thì mình tạo điều kiện hết sức”.
Trong mỗi lần họp chúng, thầy hay lấy những tấm gương vượt khó trên các báo, đọc cho các cháu nghe, rồi từng cháu lên nói những khuyết điểm, những điều mình làm chưa tốt trước mọi người để sửa đổi.
“Tâm nguyện lớn nhất của tôi là mong cho mấy cháu sau này trưởng thành, thành tài. Ngoài ra, việc tu tập là chính yếu. Tất cả những thứ ngoài thân rồi cũng vô thường, giả tạm, nên mình phải lo tu tập, nhiều biểu hiện tham-sân-si vi tế trong mình nổi lên mà mình không kiểm soát được là rất nguy hiểm”, thầy nói.
Chùa Huệ Đức được xây dựng theo hình thức chắp vá, Phật tử cúng dường được bao nhiêu thì xây bấy nhiêu, thầy không bận tâm nhiều về vật chất. Khi chúng tôi đến, chùa đang sửa lại trường mầm non do mái tôn cũ đã bị thấm nước mỗi khi mưa, nhưng cũng đang lỡ dở. Thầy bảo: “Khó thì thật sự có nhiều cái khó, nhưng cứ coi như là không đi, đừng nhìn cái khó, nếu đầy đủ quá thì việc tu tập của mình cũng không dễ. Phật dạy “thiểu dục tri túc,” suy nghĩ kỹ, cái gì cứ cho là đủ thì đủ. Những cái khó đưa vào việc tu tập rất hay, nếu không vượt qua thì tu không có giá trị”.
Trong cuộc trò chuyện, gương mặt thầy luôn thể hiện niềm an lạc và vững chãi về con đường thầy đã chọn và những việc thầy đang làm. Dù rằng, thật sự hiện tại chùa cũng đang khó khăn nhiều mặt.
_______________
* Đọc thêm 3 bài trong loạt bài:
Bài 1: Đại đức về núi lập chùa, cưu mang học trò ăn học
Bài 2: Rộng lòng đón những mầm non côi cút
Bài 3: Mái ấm của vị thầy ở chùa Long Thạnh