Nồng ấm nghĩa Ân sư

Ân đức tổ thầy là một trong Tứ trọng ân thể hiện nét đẹp truyền thống hiếu hạnh chốn thiền môn. Hình ảnh người thầy khả kính luôn là chỗ dựa vững chãi, là nơi nương tựa, là chốn trở về đầy thân thương và ấm áp.

Trong ngôi nhà của Bụt, ân sư trở thành bóng mát, là cội bồ đề trong suốt hành trình tìm đến lẽ chân như của người học Phật. Tình cảm đó như suối nguồn giải thoát trong lành tưới tẩm tâm hồn, làm thăng hoa mạch sống Đạo pháp. Và, mỗi độ Vu lan, hình ảnh ân sư lại trở về thân thương trong trái tim người con Phật, dù còn là trẻ thơ hay khi tóc đã ngả màu...

Ni sư TN.Như Đức, trụ trì thiền viện Viên Chiếu (huyện Long Thành, Đồng Nai): "Thầy đã chuyển hóa được con người tôi"

ansu-1.gif

Hạnh phúc dưới bóng thầy.TS Thích Thanh Từ (trái)

NS.Như Đức có duyên gặp Sư ông Thanh Từ lần đầu tiên vào năm 1968 tại chùa Dược Sư. Lúc này, NS vẫn còn là một Phật tử. Về sau, khi có ý định xuất gia, NS cũng đến thỉnh ý Sư ông và nhận được nhiều lời khuyên chân tình. Nhưng, mãi đến năm 1974, NS mới chính thức cầu pháp với Sư ông Thanh Từ ở Bát Nhã. Từ đó, NS.Như Đức thường xuyên được thầy dạy bảo với tư cách là một học trò. Những giờ dạy đạo của Sư ông mà NS cảm nhận được là những điều thật đơn giản nhưng ở đó chứa đựng sự chí thành, nung nấu người học trò ý chí vươn đến cứu cánh giải thoát, tự mình phát triển khả năng hóa giải khổ đau. Đặc biệt, cách ứng xử của Sư ông vừa nghiêm khắc vừa gần gũi nhưng hết sức thực tế như những bài học của Sư ông vậy. NS cho rằng, càng học lâu với Sư ông thì NS mới cảm nhận hết những điều tưởng chừng đơn giản nhưng lại hết sức ý nghĩa đó.

“Sau năm 1975, Sư ông đã sắp đặt cho tôi về Viên Chiếu, những năm tháng đó kinh tế khó khăn, thầy hướng dẫn chúng tôi cách làm ruộng, gặt lúa, trồng cây… Là người đầu tiên khởi xướng thành lập một nông thiền vừa tự túc vừa tu học, Sư ông dạy cho chúng tôi những bài học về gương các vị Tổ sư Trung Hoa, theo đó phải biết kết hợp làm việc và tu học để trong thời buổi khó khăn tâm mình mới không bị xáo động, mới giữ vững được tín tâm. Tấm lòng của Sư ông đối với học trò, đối với Ni chúng rất chí thành; những lúc tình hình nội viện khó khăn, thầy ở Chơn Không cũng thường ăn uống rất đơn giản để chia sẻ với chúng tôi. Sau này có điều kiện tu tập nhiều, thực tập nhiều thì chúng tôi thấy càng tu càng tỉnh giác. Điều hạnh phúc với chúng tôi là trong suốt hơn 30 năm qua lúc nào cũng được thầy dạy bảo, hướng dẫn qua những bài học đơn giản không bao giờ cũ đó. Do đó, cái tâm của chúng tôi bớt đi tạp niệm do được nuôi dưỡng thường xuyên bằng những nguồn Pháp tinh túy nhất của thầy. Khi mình càng đào sâu thì nhận thấy tự tin ở mình, dần dần có sự chuyển hóa chính mình, có niềm tin để tự nhận thấy khả năng có thể vượt được chướng ngại bên ngoài. Sự chuyển hóa đó giúp mình tin vào chính mình”, NS tâm sự.

NS.Như Đức cũng chia sẻ một cảm giác rất thực: “Ngày xưa mới học Thiền mình chỉ tin Sư ông còn bây giờ thì mình cảm thấy tự tin vào mình. Đó là sự chuyển hóa nội tại từ nguồn pháp của thầy”. Nên, con đường của sư ông là con đường giúp học trò trưởng thành, tự lực, đó là điều đáng quý nhất. “Sau này, thầy càng lớn tuổi, tình cảm của thầy trò có sự chuyển đổi. Hồi nhỏ tôi rất sợ thầy, tuy rất kính, rất quý nhưng nay thì thấy thầy rất dễ thương. Bây giờ, thầy cũng ít dạy dỗ, có thể thầy thấy tôi có sự trưởng thành hơn. Tôi mang tình của người con đối với cha già, luôn kiếm những chuyện gì đó vui vui để nói với thầy. Tình cảm của thầy trò bây giờ trở nên nhẹ nhàng, gần gũi hơn”.

Nhiều kỷ niệm với Sư ông đã theo suốt cuộc đời tu học của NS, đó là những buổi cùng làm ruộng với Sư ông, những đợt công tác Phật sự bị trễ giờ, những lúc bị “rầy” nhẹ… vì lẽ đã hẹn với Sư ông thì phải đúng giờ. Nhưng, những kỷ niệm đó đã cho NS nhiều bài học quý, là cái “roi đánh nhẹ” để mà nhớ, điều đó thật sự có ích giúp chuyển hóa lớn trong tâm thức và đời sống tu học. NS chia sẻ: “Có lần lên thăm thầy, nhìn thấy tóc ai cũng bạc, thầy nói: “Con Đức sao giờ tóc bạc, già quá thầy biết kêu mấy con bằng gì?”. “Mô Phật, thầy cứ gọi con như ngày xưa”. Đối với tôi, thầy không bao giờ gọi bằng NS, hay Sư cô (SC) mà thầy thường gọi là con, hoặc con Đức. Do vậy mà lúc nào tôi cũng cảm nhận được sự gần gũi và tình cảm của thầy dành riêng cho”.

Tuy ít có thời gian gần gũi, cận kề chăm sóc nhưng NS có sự thông cảm với Sư ông, đặc biệt khi đã là người có trách nhiệm với Ni chúng thì sự thông cảm đó càng nhiều hơn. NS còn nhớ lời dạy của Sư ông: “Mấy con muốn theo làm đệ tử của thầy thì phải chuyển cái tâm rộng lớn”, chính điều này đã giúp NS trong cuộc đời tu tập: phải chuyển tâm tùy hỷ, tùy thuận giảng dạy, độ cho chúng sanh.

Đối với NS.Như Đức, điều ảnh hưởng nhiều nhất từ Sư ông là hạnh tu rất nghiêm túc, đối xử với Phật tử luôn từ bi. Đến bây giờ, dù tuổi đã cao nhưng Sư ông vẫn giữ thời khóa tu tập, công phu cùng với đại chúng. “Khi thầy lớn tuổi thì tính tình càng đơn giản hơn, dễ tính và càng tinh tấn hơn. Bị bệnh phải vào bệnh viện, thầy cũng mang theo bồ đoàn để ngồi thiền. Tôi rất ân hận là khi gần thầy nhưng chưa bao giờ hỏi: thầy khỏe không, thầy có mệt không mà luôn đòi hỏi ở thầy, thắc mắc, bắt thầy phải giải thích điều này điều kia”, NS.Như Đức chia sẻ.

Ni sư TN.Như Ngọc, trụ trì chùa Linh Bửu (Q.4): "Đời sống tu tập của thầy như tên gọi"

ansu-2.gif

NS.TN Như Ngọc, trụ trì chùa Linh Bửu, Q.4 gặp được Sư bà TN.Tịnh Hạnh vào năm 1964, lúc đó Sư bà đang làm quản chúng ở chùa Từ Nghiêm. Về sau, Ni sư cầu pháp với Sư bà, thời gian này tuy không cận kề chăm sóc nhưng NS.Như Ngọc vẫn cảm nhận được tấm lòng và sự theo dõi của Sư bà. Mãi cho đến năm 1989, NS.Như Ngọc theo lời khuyên của thầy và được trở về chùa Bồ Đề giúp sư bà trông nom Ni chúng. Lúc này, tình thầy trò mới thật sự gần gũi. NS.Như Ngọc nói vui: “Thầy là đệ nhất tinh tấn” bởi lẽ dù có đi Phật sự các tỉnh về rất khuya nhưng 3 giờ sáng thầy đã dậy chuẩn bị thời công phu. Nên, dù các Ni trẻ đôi lúc có chểnh mảng nhưng thấy Sư bà tinh tấn quá thì cũng “hoảng”.

NS.Như Ngọc cho biết: “Tên của thầy là Nguyễn Thị Chơn, pháp danh Tịnh Hạnh nên cuộc đời tu tập của thầy cũng đúng như tên gọi đó. Tính cách thầy rất chân thật, đệ tử dù lớn hay nhỏ đều không phân biệt mà đối xử luôn công bằng, đặc biệt đối với Phật tử thì rất từ bi, độ lượng. Ai đến nhờ Phật sự, gia sự gì thầy cũng đích thân đi, dù có xôi cách mấy. Tính cách và sự độ lượng, buông xả đó làm tôi rất phục thầy. Cả đời sống tu tập của thầy đúng như chính cái tên của mình”.

Ở chúng Bồ Đề, nhưng Sư bà có 18 năm làm Hóa chủ ở trường hạ chùa Kim Liên, mọi oai nghi, tế hạnh, sống lục hòa, luật tạng… Sư bà rất nghiêm khắc nhắc nhở, chỉ dạy. Song, ai gần sư bà cũng cảm nhận được sự chân thật, buông xả và luôn hoan hỷ… cũng như một đời sống thiền môn thật đơn giản, không cầu thị. NS.Như Ngọc cho rằng, Sư bà có cách đối xử với chúng Ni rất nhẹ nhàng, không bao giờ la rầy vô cớ mà lúc nào cũng từ tốn. Nhưng, Sư bà rất phân minh, rành rẽ, luôn luôn ứng xử trong lục hòa nên Ni chúng rất phục. Sư bà từng tâm sự với NS.Như Ngọc: “Khi thầy đi tu thì mẹ cũng tu theo”, bởi lẽ Sư bà đã độ được mẹ ruột của mình theo con đường tu tập. “Thầy đã không còn ai thân thích nên với các con thầy coi như con ruột. Vì vậy mà con hãy cố gắng giúp thầy lo cho đại chúng Ni”.

Sống gần gũi, chăm sóc Sư bà Tịnh Hạnh đã mấy mươi năm nhưng có một điều đặc biệt mà NS.Như Ngọc nhận thấy “rất lạ” là Sư bà không bao giờ đi chợ và không nghe chuyện của người ngoài. Sư bà bảo chợ là nơi lao xao, dễ cuốn tâm người ta vào nhu cầu vật chất không cần thiết. Mà, người tu thì cần vật chất để làm gì! Còn chuyện thế sự cũng dễ làm tâm xao lãng. “Vì lẽ đó mà đời sống của thầy chỉ có cái đơn để ngả lưng và vài bộ y đệ tử may cho chứ chưa bao giờ thầy tự may cho mình”.

Bây giờ ở vào tuổi 83, mùa hạ này Sư bà làm Thiền chủ tại trường hạ Vĩnh Phước (Q.12). Nhập hạ ba tháng, Sư bà chụp một tấm ảnh chân dung thật lớn gởi về chùa Bồ Đề (Q.4) rồi gọi điện hỏi mấy cô: “Đã thấy thầy về thăm chùa chưa?” rất hoan hỷ, rất nhẹ nhàng. Hiểu được ý tứ của Sư bà nên tất cả đại chúng thấy cái gì làm cho Sư bà vui thì đều thuận theo.

Ni sư TN.Huệ Từ, trụ trì chùa Giác Tâm (Q.Phú Nhuận): "Thầy là người nghiêm khắc"

ansu-3.gif

Đối với Ni sư Huệ Từ, Sư bà TN.Huyền Huệ là người khá nghiêm khắc và oai nghi chuẩn mực lưu xuất từ thân khẩu ý giáo của Người có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời tu tập của NS ngày nay.

Trước khi xuất gia, NS.Huệ Từ đã có khoảng một năm làm Phật tử cận kề bên Sư bà và được dạy bảo như là một đệ tử xuất gia thực thụ. “Thầy đã dạy cho 10 huynh đệ chúng tôi hầu hết các bộ kinh bằng chữ Hán, bộ nào cần thuộc thầy bắt phải thuộc, mỗi ngày học từ sáng tới chiều. Hôm sau, thầy bắt huynh đệ lên trả bài. Nhờ vậy mà chúng tôi ai cũng rất chăm chỉ và tinh tấn. Khi thầy đã nhận thấy tinh tấn và am tường nhiều bộ kinh, thầy mới quyết định cho thế phát xuất gia”, NS.Huệ Từ nhớ lại.

Hình ảnh gương mẫu trong công hạnh tu tập của Sư bà in đậm trong trí nhớ của NS.Huệ Từ. Không bao giờ Sư bà bỏ một thời công phu hay không cùng chúng dùng quả đường. Đặc biệt, tế hạnh oai nghi, Sư bà dạy rất nghiêm khắc. NS cho biết: “Khi ở Hải Ấn, ngoài học gia giáo ở chùa, chúng tôi được thầy cho đi học tại chùa Bồ Đề, chùa Giác Ngộ. Chỗ học thì xa nhưng thầy không cho đi xe đạp, cứ huynh đệ cùng đi bộ với nhau mà đi phải đúng với oai nghi, ra tới đầu đường rồi cùng bắt xe ngựa, đến điểm xuống rồi lại đi bộ vào lớp học. Ý thầy, cho đi như thế mới ra một “Tăng đoàn”. Tôi còn nhớ, mỗi khi chúng tôi vui đùa, quen miệng gọi chị xưng em, thầy nghe thì bắt phạt, dạy phải gọi sư huynh, sư đệ”.

Cứ thế, hành trình học tập của huynh đệ tại chùa Hải Ấn cứ nối tiếp nhau, từ hai thời công phu, Tỳ ni, 24 oai nghi cho đến Thập Thiện, Pháp Hoa, Tứ Niệm Xứ, Hoa Nghiêm… đều phải thuộc và thông hiểu hết ngữ nghĩa. Khi NS.Huệ Từ thọ Tỳ kheo ni và đi học tại Ni trường Từ Nghiêm (Q.10), sau đó bắt đầu “dấn thân”, gieo duyên tại Biên Hòa (Đồng Nai) với nhiều hoạt động Phật sự tại đây, “thế mà ý thầy chẳng ưng” vì lẽ “người tu thì phải hạn chế tiếp xúc với môi trường bên ngoài, để tránh cái tâm xao động, bị thế sự cuốn đi”.

“Thế nhưng, không vì cái sự chẳng ưng của thầy mà thầy bỏ tôi. Mỗi bước đi của tôi đều có sự theo dõi và chỉ bảo của thầy. Cũng như trong Phật sự có điều gì bối rối tôi đều về chùa thỉnh ý của thầy và nhờ thầy chỉ bảo thêm. Vì vậy mà thầy trò có một sự gắn kết và hiểu nhau rất nhiều dù thật sự tôi ít có thời gian gần gũi, chăm sóc thầy”, NS.Huệ Từ chia sẻ.

Hình ảnh Sư bà Huyền Huệ đã ảnh hưởng nhiều đến sự tu tập cũng như trong suốt quá trình đi tìm chân lý giác ngộ của NS.Huệ Từ bởi đức độ, hạnh từ, quá trình tu tập và sự nghiêm khắc của một người thầy. Từ khi thâu nhận đệ tử và nhận lãnh trách nhiệm lớn của một người thầy, NS.Huệ Từ cho rằng mình cũng bị ảnh hưởng của Sư bà, luôn lấy công phu tu tập của Sư bà làm gương cho đệ tử và nhiều bài học về oai nghi, tế hạnh của Tỳ kheo ni, nội quy của Ni trường xưa quý Sư bà đã từng dạy dỗ mình để dạy cho đệ tử.

Có lẽ thời gian gắn bó và hạnh phúc nhất của NS.Huệ Từ là gần đây NS có nhiều thời gian hơn để thường xuyên thăm viếng, thỉnh ý Sư bà qua công tác của Phân ban Đặc trách Ni giới. Ngay cả tham gia vào công tác của Phân ban, lúc đầu Sư bà không đồng ý tham gia vì lẽ “thầy đã lớn tuổi rồi”. Vậy là NS.Huệ Từ và NS.Nhật Khương phải “vận động” hết mấy ngày, Sư bà mới thuận. Nghe nói vài chuyện của chư Ni cần quý Sư bà chỉ dạy, vậy là Sư bà cứ rưng rưng “thương cho tụi nhỏ”.

Bước vào tuổi 86, Sư bà Huyền Huệ vẫn còn rất minh mẫn lại hay nói lời từ tốn, khiêm cung nên bất cứ ai có cơ duyên gần gũi cũng đều mang cảm giác như đàn con xa trở về quây quần bên bóng mẹ.

Sư cô TN.Trúc Liên, tịnh xá Ngọc Diệp (Q.3): "Thầy luôn là tấm gương cho Ni chúng"

ansu-4.gif

Chúng tôi (NV) đã từng nhiều lần được hầu chuyện với Sư bà TN.Tràng Liên, mà ấn tượng trong lần gặp đầu tiên là Sư bà rất hiền từ, tiếp xúc thân thiện và có nhiều ưu tư về oai nghi, tế hạnh của lớp Ni trẻ Khất sĩ. Sư bà bảo rằng “Đã đi tu thì phải nhận điều thiệt về mình”. Song, trong cảm nhận của chúng tôi, đó là cả một tấm lòng tận tụy vì tương lai của một thế hệ Ni trẻ. Bằng giọng nói đặc trưng Nam Bộ, Sư bà kể chuyện, từ chuyện thân sinh Tổ sư Minh Đăng Quang cho đến khi xưa Sư bà là con cầu con khẩn rồi được cha gởi đi tu ra sao, những ngày đầu cầu đạo, những ngày tháng cùng Ni trưởng Huỳnh Liên đi hóa đạo cực khổ như thế nào... Câu chuyện của Sư bà cứ nối tiếp nhau, chuyện xưa cho đến chuyện nay với rất nhiều cung bậc cảm xúc, nhiều trăn trở và cả những kỳ vọng. Sư bà bảo: “Tui rất ít ngủ, cứ lo chuyện này chuyện kia trong đạo”.

Tấm gương phản chiếu từ Sư bà là người rất nghiêm khắc và có đời sống của người xuất gia lấy đạo tu hạnh từ bi làm đầu. Đặc biệt, Sư bà luôn sống cuộc sống rất giản dị không tìm cầu và rất tinh tấn. Thế nên, đệ tử của Sư bà ai cũng nương theo đó mà tu học và hướng đến con đường giải thoát. Theo Sư cô TN.Trúc Liên, cả cuộc đời của Sư bà đều nương theo bộ Chơn Lý của hệ phái Khất sĩ mà làm gương cho Ni giới trẻ hệ phái. Đó là tấm gương sống rất sống động, độ lượng và từ bi. Sư bà luôn dạy dỗ về oai nghi, tế hạnh và trách nhiệm của một người Ni và cách đối nhân xử thế. Trong những bài học đó, đức hạnh, giá trị của đời sống tu học: “Đừng hướng ngoại, đừng tìm cầu và phải biết đền đáp tứ ân” luôn được Sư bà nhắc nhở.

Sư cô TN.Trúc Liên cho biết: “Thầy tuổi đã cao nhưng có Phật sự gì thầy cũng đi, dù đi rất xa. Sức khỏe kém, chân thầy bị đau khớp, đi lại khó khăn nhưng đi về đã trễ rồi, nhiều đêm thức rất khuya vậy mà 3 giờ sáng đã thấy thầy dậy công phu. Thầy bảo để làm gương cho Ni chúng. Những lúc như thế, đại chúng rất thương và xúc động”. Trong nhiều kỷ niệm cùng với Sư bà, SC TN.Trúc Liên nhớ nhiều nhất là những buổi ngồi thiền xong thì Sư bà lại kể chuyện cho Ni chúng. Sư bà rất thích kể chuyện tu của ngày xưa rồi so sánh với ngày nay, mong muốn giới Ni trẻ đừng buông lung, mà hãy tinh tấn, hướng tâm đến sự tầm cầu giải thoát, giác ngộ.

***

Đời sống thiền môn luôn chứa đựng những câu chuyện đẹp về tình nghĩa thầy trò rất sống động và đầy cảm xúc. Ở đó là cả một đời sống tu tập tận hiến cho Phật pháp, cho con người, có công năng hóa giải mọi khổ đau và phiền não. Trong thế giới hội tụ hương sắc đức hạnh này, nhiều thế hệ học trò - cả tại gia và xuất gia - hạnh phúc được đắm mình trong nguồn năng lượng an lành, rũ bỏ những ràng buộc trần cảnh ngoại duyên, nương bóng tổ thầy, tiến tu thành tựu đạo nghiệp…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Toàn cảnh khai mạc Hội nghị Diễn đàn châu Á - Bác Ngao 2024

Thượng tọa Thích Đức Thiện tham dự Hội nghị Diễn đàn châu Á - Bác Ngao 2024

GNO - Nhận lời mời của Hiệp hội giao lưu Văn hóa và Tôn giáo Trung Hoa, Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc, đoàn đại biểu GHPGVN do Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự dẫn đầu đã tham dự Hội nghị Diễn đàn châu Á - Bác Ngao (BFA) 2024 diễn ra từ 26 đến 29-3-2024 tại Hải Nam, Trung Quốc.

Thông tin hàng ngày