Nuôi con

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Ngày của Mẹ (Mother's day), thường được tổ chức vào ngày chủ nhật thứ 2 của tháng 5, để chúng ta tôn vinh người mẹ, bày tỏ lòng tri ân với đấng sinh thành. Báo Giác Ngộ trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài viết "Nuôi con" của Ni sư Như Đức như một lời sẻ chia.

Khi bé về thăm chùa chỉ mới độ tuổi biết bò. Ông bà xưa ghi dấu những giai đoạn đầu đời bằng câu nói kinh nghiệm “Ba tháng biết lẫy, bảy tháng biết bò, chín tháng lò dò biết đi”. Chữ “biết” bao hàm quan tâm lo lắng của cha mẹ, cũng là sự góp mặt của bé, từ một động tác đơn giản là tự lật, tự trở mình… cho đến vô số những cái biết sau này.

Những cái biết do tự bé phát triển, đồng thời có cái lo lắng chăm sóc thương yêu của cha mẹ. Chăm sóc thương yêu nhiều thì cái biết của bé hoàn thiện sớm. Cả nhà theo dõi từng cái bò cái đi cái chạy. Cho nên bố mẹ nói chuyện với Thầy, vẫn phải để ý ngó chừng bé đang bò quanh. Bé biết ai là người thân để cười, ai là người lạ để khóc. Cười và khóc là ghi nhận của bé, là ý thức sơ khởi đối với ảnh tượng chung quanh.

Lên non mới biết non cao

Nuôi con mới biết công lao mẫu từ.

Mẹ bé nói rằng: Hiện tại đang nghỉ việc để ở nhà chăm sóc con. Một điều tưởng chừng như đơn giản nhưng không đơn giản ở thế giới phương Tây. Nếu bố mẹ phải đi làm, ở nhà không có ai để gởi, thì bé phải vào chỗ giữ trẻ. Sáng đưa con đến chiều rước về. Không được bồng bế nựng nịu, đó là quy định, vì người ta sợ những đứa bé khác tủi thân.

Tôi rất ngạc nhiên khi nghe điều này. Té ra có những ông bố bà mẹ giao con như giao một hộp đồ, lật đật chạy đi cho kịp giờ làm. Vì thế hình ảnh quyến luyến giữa cha mẹ con cái không được biểu lộ ở nơi chốn công cộng này. Những đứa bé thấy có người cưng chìu sẽ khóc, các cô giữ trẻ sẽ mất thì giờ. Thật là thế giới kỹ nghệ lạnh lùng.

Rồi các bé được nhốt trong một rào chắn an toàn, mỗi đứa ngồi trước món đồ chơi. Tự chơi đến giờ ăn, giờ ngủ. Đồng loạt, không có mè nheo ăn lâu ăn mau. Trẻ thường phải ăn nuốt vội vàng, vì không có ai rỗi rảnh mà đút từng muỗng, đợi nhai từng miếng. Lại như một hình thức bấm nút đều đặn. Mẹ bé nói với tôi: Mấy đứa ở nhà trẻ sớm rất mạnh bạo, nhanh nhẹn, nhưng phản ứng lạnh lùng ích kỷ. Động đến đồ chơi của nó thì nó đánh, nó phải tự bảo vệ nó nên đôi khi mất tính cách trẻ thơ.

Ở nước mình, công nghiệp hiện đại chưa phát triển đến mức đẩy hẳn chúng ta vào đời sống máy móc. May mắn thay, bé vẫn còn được ở nhà với mẹ, hoặc với bà, với chị… Thế giới riêng của bé chưa bị xâm lấn và tước đoạt nhiều. Mai sau lớn lên bé có thấy đây là điều hạnh phúc?

Ăn một chén cơm, đi quanh nhà, thiên nhiên cây cỏ cùng những con vật chung quanh tham dự trong bữa ăn của bé. Mẹ dỗ: Ăn đi con, con Miêu con Ki tới ăn hết bây giờ. Muốn khỏi chán ăn, chị dắt đi kiếm con thằn lằn, con chuột kêu chít chít. Bé khóc, bé làm nư thì tánh hiếu kỳ hiếu khách của bé được gợi ra. Kìa! Có điện thoại của bé! Thế là nín khóc đi tìm điện thoại.

Hoặc: Có khách! A! Có khách! Nín đi con, khóc xấu hổ. Bé nín khe để đợi một ông khách tưởng tượng. Bà nội bà ngoại được rủ vào trò chơi của bé. Bé tập làm bác sĩ khám bệnh khi nghe bà ho… Thế giới chơi đùa của bé kéo dài cho đến khi phải vào trường. Ngày nay thời gian chơi ở nhà của bé ngắn hơn ngày xưa, và có lẽ bé phải tập sống vội vã hơn xưa.

Chúng ta đang ở trong một vòng tròn khép kín. Hình ảnh bé thơ là quá khứ, già nua là tương lai. Già chết trở lại làm bé thơ. Nhưng chúng sanh sanh diệt cũng là bài học Phật pháp. Kinh Niết Bàn, phẩm 16, Đức Phật có đưa một thí dụ về ngôn âm của chư Phật: “Như người mẹ có đứa con khoảng 16 tháng tuổi, chưa có thể hiểu rành tiếng nói. Cha mẹ của bé phải nói tiếng trẻ thơ để dạy con, không thể bảo rằng ngôn ngữ của cha mẹ không chính xác. Chư Phật cũng thế, tùy theo âm thanh của chúng sanh mà nói theo, để dạy bảo khiến an trụ Phật pháp. Chư Phật có dùng ngôn ngữ sai lầm của thế gian cũng không thể bảo chư Phật nói sai…”.

Thí dụ này, các bậc cha mẹ nuôi con đều hiểu rõ. Không vào thế giới của bé làm sao hướng dẫn. Cho nên nhiều khi bố mẹ đâm ra nói ngọng, nói líu lo như chim chích chòe, kể những chuyện thần tiên cóc nhái che dù, thỏ rùa chạy đua để dỗ con. Lúc thì bò theo con, lúc thì làm bộ trốn đâu đó, thân hình cao lớn mà phải nhét vào kẹt cửa, làm bộ sợ hãi khi con bắt gặp…

Đó là theo căn cơ mà lập giáo. Tri thức chúng sanh không thể hiểu giáo lý xa vời nên Phật tùy phương tiện nói những điều gần gũi. Đợi khi lớn khôn, tự chỉnh đốn ngôn ngữ. Lúc đó cha mẹ không còn nói giọng trẻ thơ. Cho nên thời thuyết pháp đầu tiên không nói về Phật tánh, giáo hóa lâu xa căn cơ thuần thục mới nói Phật tánh.

Hình ảnh cha mẹ nuôi con dễ hiểu và dễ cảm động. Kinh Phật thường dùng các danh từ “Phật thương chúng sanh như cha mẹ thương con”, một câu này không cần giải thích. Chúng sanh trong con mắt Phật, Bồ-tát đều là những đứa trẻ thơ khờ khạo.

Kinh Pháp hoa thì dùng hình ảnh bầy trẻ ham vui ở trong nhà lửa, nhà cháy sụp đổ tới nơi mà còn ở trong đó chạy rong. Một lời trách vô cùng thống thiết. Đứa trẻ mà bò gần miệng giếng thì lúc đó chẳng kịp la hay giận, chỉ có tức tốc đến bế nó chạy cho xa. Cho nên còn nói thí dụ được là còn chưa nguy hiểm. Có lẽ vì thế mà chúng ta lơ là chăng?

Kinh Niết Bàn, phẩm Phạm Hạnh còn đưa ra hình ảnh vị đại Bồ-tát khi tu tập Từ Bi Hỉ Xả, được địa vị “Cực ái nhất tử” – xem hết thảy chúng sanh như Con Một. Gia đình nào có một đứa con thì biết điều này.

Như Con Một là như thế nào? Cha mẹ thấy con vui thì vui theo, Bồ-tát thấy chúng sanh làm điều lành cũng vui như vậy. Cha mẹ thấy con gặp hoạn nạn thì buồn rầu không thể làm ngơ, Bồ-tát thấy chúng sanh bị bịnh phiền não các Ngài cũng buồn – xuất huyết bao tử. Chỗ này kinh dùng từ “máu chảy khắp các lỗ chân lông”. Như con nít vọc đất ăn đất… Cha mẹ phải móc ra, Bồ-tát thấy chúng sanh thân miệng ý tạo nghiệp bất thiện phải dùng tay đại trí kéo lôi ra khỏi đường khổ. Cha mẹ thấy con chết cũng muốn chết theo, Bồ-tát thấy hàng chúng sanh đọa địa ngục cũng vào theo để dạy nó phát tâm lành…

Dùng thí dụ cha mẹ đối với đứa Con Một rất yêu quý của mình, tâm tư theo dõi nhớ tưởng không rời, để thấy rằng với chư Phật chúng ta là đứa con đáng thương, luôn luôn được bảo bọc che chở.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày