Ông lão tham tu

GN - Mỗi năm, dịp cuối năm là tôi được phép rời trường để về với ngôi chùa Viên Minh thuộc huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam. Chùa tôi nằm ở miền núi, dân cư thưa thớt, nhưng khá nhiều Phật tử có tín tâm.

Chiều hôm ấy, tôi thấy có một lão già chống chiếc gậy làm bằng tre lồ ô cằn cỗi, lê từng bước vào chùa. Trông lão khoảng 90. Khi đó tôi đang tưới mấy chậu kiểng để chuẩn bị cho xuân mới, lão nhìn tôi với ánh mắt lạ lẫm như lần đầu tiên mới gặp, nói chào chú, rồi hỏi, sư phụ có ở chùa không? Tôi chỉ vào phòng khách. Lão tiến vào trong, sau chừng năm mười phút, lão ra về.

Kể từ ngày ấy, cứ mỗi buổi chiều chùa lại có thêm một ông lão đến đánh chuông tối, rồi ở lại để đánh chuông khuya, xong thì lo nấu nước để sẵn cho sư phụ pha trà. Ngày nào cũng thế, lão đến chùa đánh chuông hai thời tối và khuya một cách đều đặn.

Một hôm, lão đến muộn chừng 5 phút, lúc này có anh thanh niên trạc 27 tuổi cũng đến xin sư phụ đánh chuông. Khi anh đang loay hoay cung kính lễ dưới chân Đức Từ Phụ, thì ông lão đến. Thông thường lão đốt nhang, lễ Phật, mở tất cả cánh cửa của chánh điện rồi mới thỉnh chuông. Đằng này, thấy có người sắp giành việc của mình, lão không kịp chuẩn bị những điều căn bản quen thuộc ấy mà chống gậy đi thẳng từ ngoài cổng vào chỗ chuông U minh, cũng không kịp bật điện, vội vàng như thể sợ mất đi cơ hội. Những tiếng chuông ông đánh khởi đầu vang vọng trong không trung làm anh thanh niên hốt hoảng, sau vài phút trấn tĩnh tiến về phía lầu chuông thì nhận ra ông lão với chất giọng khàn khàn của tuổi đèn sắp tắt vang vọng trong đêm tối:

“Hồng chung sơ khấu bảo kệ cao âm, thượng thông thiên đường hạ triệt địa phủ. Nam-mô U minh giáo chủ cứu khổ bổn tôn, cứu bạt minh đồ đại nguyện Địa Tạng vương Bồ-tát…”.

chuong.jpg

Ảnh minh họa

Giọng lão cất lên càng tha thiết bao nhiêu thì lại càng gieo vào lòng anh thanh niên sự uất ức bấy nhiêu. Bởi nhẽ, với anh, ai đánh chuông cũng được, tuy nhiên, ít nhiều phải có sự tế nhị một tí, chứ không phải giành giật như vậy.

Sau thời chuông, anh thanh niên có ý trách móc lão, nghe lão nói một câu làm người viết cũng tâm đắc: “Này cậu, tôi đã già rồi, còn mấy hơi nữa đâu, sao cậu giành ‘tu’ với tôi làm chi?”. Câu nói này của lão mộc mạc, chân thật đến độ anh thanh niên cũng cười xòa hoan hỷ.

Cũng kể từ khi ấy, việc đánh chuông dường như là của lão, dù lão đến muộn hay sớm, mọi người đều chờ đợi, không ai dám giành “tu” với lão mà thêm tội nghiệp lão, bởi lão còn bấy nhiêu hơi nữa đâu!

Nghe câu “tôi đã già rồi, còn mấy hơi nữa đâu, sao cậu giành ‘tu’ với tôi làm chi?” thoát ra từ miệng lão, tôi thấy mình cũng đã hoang phí thời gian thật nhiều, sớm muộn tôi cũng sẽ như lão nói ra câu này với hàng hậu bối. Bây giờ, tôi biết ơn lão lắm. Cũng từ câu nói chân chất này, tôi cảm thấy quý lão nhiều hơn, bởi tôi nghĩ, đời người như một áng mây chiều lơ lửng chẳng biết về đâu, khi ta đến thế gian này với hai bàn tay trắng, cuối cùng cũng trở về với nắm xương khô, lợi danh, địa vị, vợ con, nhà cửa… cũng sẽ để lại hết, hành trang ra đi lúc này đây chỉ còn là nghiệp lực, tùy theo nghiệp thiện hay ác mà được tái sinh về cảnh giới thiện lành hay khổ đau.

Nhớ lại lời Đức Phật dạy trong kinh Tứ thập nhị chương, khi Ngài hỏi một vị Sa-môn:

- “Mạng người được bao lâu?”

Ðáp rằng: "Thưa, trong khoảng vài ngày”.

Ðức Phật dạy: “Ông chưa hiểu Ðạo!”.

Lại hỏi một vị Sa-môn khác: “Mạng người được bao lâu?”.

Ðáp rằng: “Thưa, trong khoảng một bữa ăn”.

Phật bảo: “Ông chưa hiểu Ðạo”.

Lại hỏi một vị Sa-môn khác: “Mạng người được bao lâu?”.

Ðáp rằng: “Thưa, trong khoảng một hơi thở”.

Phật tán thán: “Lành thay! Ông đã hiểu Ðạo rồi vậy!”.

Quả thực, từ đoạn kinh này, Đức Phật đã dạy cho chúng ta hãy nhớ rằng mạng người chỉ trong hơi thở, thở vào mà không thở ra, hoặc thở ra mà không thở vào được nữa thì xem như đã vãng sinh rồi, nghĩa là đã về đến thế giới bên kia. Lời dạy từ Đức Phật, mà đem đối chiếu với câu trả lời của ông lão ở trên quả thực không sai - chín mươi tuổi, con số mà rất ít người hưởng trọn, đến lúc này đây cái quý không còn ở vật chất thô thiển, mà ở sức khỏe, đặc biệt là việc tinh cần tu tập để chuẩn bị hành trang độc lộ kế đến, gọi là vô thường rình rập trên từng chân tơ kẽ tóc, bởi mạng người chỉ trong hơi thở mà thôi, cần phải nỗ lực tu tập kẻo muộn.

Tuy nhiên, không phải ai cũng rõ được quy luật sinh diệt mong manh, cứ ngỡ ta sống khỏe hoài. Cũng có khi đã hiểu mà không thể tu được, vì cuộc sống bận bịu, xa hoa lôi kéo, hoặc ỷ lại tuổi còn trẻ mà quên đi việc tu hành là cần thiết, để đến khi tóc bạc da nhăn, đi đứng không vững nữa mới chịu hồi đầu. Vậy thử hỏi, chúng ta cứ mãi chờ đợi đến lúc gần đất xa trời mới gắng sức tu thì có kịp chăng? Nếu ai cũng chờ như lão thì thật đáng thương!

Nhưng, cũng từ câu chuyện lão, mặc dù lúc sắp lìa khỏi thế giới này mới có cơ hội tu tập, song không phải vậy là thừa, mà thật đáng quý và trân trọng. Dân gian có câu: “có còn hơn không, có chồng hơn ở giá”. Tôi chỉ chọn vế đầu để mà chia sẻ: “có còn hơn không”, tức có đi chùa tu tập, dù có muộn màng còn hơn là cả cuộc đời chưa hề biết gì về Phật pháp, vậy cũng uổng phí một kiếp người.

Cũng từ câu chuyện trên, với góc nhìn của một người học Phật, tôi nghĩ rằng, mỗi người chúng ta đã có cái duyên lớn được làm người, đủ tứ chi, và may mắn hơn nữa được gặp gỡ giáo pháp Đức Phật, hạnh ngộ chư Tăng thì hãy quý và trân trọng. Việc tu hành không phải đợi đến lúc xế chiều như lão mà hãy phát nguyện tu tập khi còn sức khỏe, minh mẫn, hoặc càng trẻ thì càng tốt. Vì chỉ có lúc trẻ, khỏe, minh mẫn, thì ta mới có khả năng chạm sâu hơn với lời Phật dạy, để hiểu được giá trị hay ích lợi thiết thực từ lời dạy của Ngài mà ứng dụng vào đời sống của mình. Còn để đến lúc xế chiều thì “tu” với ý nghĩa  sợ chết, để cầu phước... thì vô tình đã làm sai đi ý nghĩa của đạo Phật. Bởi, đạo Phật luôn đem lại nguồn an lạc, hạnh phúc ở thế giới này, hiện tại này chứ không phải tu để chờ đợi khi về cõi bên kia.

Đồng thời, tu tập, ta cũng phải nhớ rằng tu hành không phải giành giật, mà là chuyển hóa thân tâm, khi chưa tu thì tham lam, giờ tu thì ít tham hơn, khi chưa tu ta sân hận, si mê… giờ  tu rồi ít sân hận, ít si mê hơn. Nhờ đó từ từ chuyển hóa, thay đổi những tập tính xấu xa, ích kỷ, nhỏ mọn, bằng lòng từ, bi, hỷ, xả.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày