Ông Nguyễn Phúc Nguyên: “Yêu cầu trưng dẫn giấy chứng nhận Phật tử là điều không có gì phiền hà”

Ông Nguyễn Phúc Nguyên: “Yêu cầu trưng dẫn giấy chứng nhận Phật tử là điều không có gì phiền hà”
0:00 / 0:00
0:00
GN - Gần đây, dư luận quan tâm và tiếp tục phản ánh về tòa soạn Báo Giác Ngộ xung quanh việc khai tôn giáo trong thủ tục làm căn cước công dân. Nhiều ý kiến cho rằng yêu cầu đó là làm khó, gây phiền hà cho người dân, đặc biệt đối với đồng bào Khmer.

Phản ánh với Báo Giác Ngộ, Hòa thượng Danh Lung, Ủy viên Thư ký Hội đồng Trị sự, Phó Chánh Văn phòng 2 Trung ương GHPGVN, thuộc Phật giáo Nam tông Khmer cho biết “Người Khmer ở Nam Bộ đã theo đạo Phật từ hàng ngàn năm qua, họ cũng chỉ có Phật giáo là tôn giáo chính mà thôi… Phật tử Khmer chỉ đến chùa làm lễ chỉ quy y Tam bảo, mãi về sau này, cùng với sự tiếp biến văn hóa, Phật tử Khmer mới được thầy bổn sư cho pháp danh nhưng vẫn không có giấy tờ nào kèm theo cả. Chính vì vậy, nếu đòi hỏi một giấy tờ kèm theo thì mới được chứng nhận là tín đồ đạo Phật hay Phật tử sẽ gây nên khó khăn cho đồng bào Khmer”.

Tại một số nơi, khi khai mục 7 trong tờ khai căn cước công dân cơ quan chức năng yêu cầu tín đồ đạo Phật phải trình giấy chứng nhận Phật tử. Để cung cấp thêm thông tin và cái nhìn đa diện cho bạn đọc về vấn đề này, Giác Ngộ đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Nguyễn Phúc Nguyên, Vụ trưởng Vụ Phật giáo thuộc Ban Tôn giáo Chính phủ:

Thưa ông Vụ trưởng Vụ Phật giáo - Ban Tôn giáo Chính phủ, vừa qua, theo phản ánh từ thực tế, trong việc cấp/ đổi căn cước công dân mới, cơ quan chức năng tại một số địa phương yêu cầu người dân muốn khai tôn giáo là Phật giáo thì phải có giấy chứng nhận Phật tử do GHPGVN cấp. Có quy định cụ thể nào trong luật hoặc văn bản pháp quy đối với việc này hay không?

- Thứ nhất, chúng tôi xin được nói rõ là hiện nay, phần Tôn giáo không còn thể hiện trên căn cước công dân mẫu mới nữa, mà đây chỉ là một mục trong tờ khai đề nghị cấp căn cước công dân. Trên tờ khai này có rất nhiều thông tin, thông tin về tôn giáo chỉ là một trong số đó, thể hiện ở mục 7. Vấn đề này đã được các ngành chức năng và phía công an bàn thảo nhiều lần trước khi đi đến quyết định bỏ mục Tôn giáo trên mẫu căn cước công dân mới, còn phần thông tin về tôn giáo nằm trong tờ khai căn cước công dân sẽ được đưa vào dữ liệu quốc gia do Bộ Công an quản lý.

Ảnh tác giả

Ở góc độ thủ tục hành chính, việc yêu cầu những giấy tờ chứng minh như trên là điều hết sức bình thường. Cơ quan chức năng của Nhà nước không gây khó khăn gì trong việc này mà chỉ làm theo đúng quy định thôi.

Nguyễn Phúc Nguyên, Vụ trưởng Vụ Phật giáo - Ban Tôn giáo Chính phủ

Thứ hai, về mặt nguyên tắc, khi khai thông tin công dân như vậy, có một số địa phương đồng ý với lời khai và sự cam kết cung cấp thông tin chính xác từ cá nhân nhưng cũng có địa phương đề nghị người khai phải có giấy chứng nhận kèm theo. Đây là điều hết sức bình thường. Giả sử như khi mình nói bản thân đã tốt nghiệp cấp 3, nếu cần thiết, người ta có thể yêu cầu mình trưng dẫn bằng tốt nghiệp để làm căn cứ cho dữ liệu đó. Nguyên tắc là không có địa phương nào không cho người dân khai Phật giáo hay không, chỉ có điều nếu khai tôn giáo là Phật giáo thì người khai phải chứng minh được mình là tín đồ Phật giáo.

Hiện nay, Hội đồng Trị sự GHPGVN đã triển khai đến Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương cũng như các địa phương đề nghị cấp giấy chứng nhận quy y cho Phật tử. Cho nên, trong quá trình khai thông tin căn cước công dân, nếu trưng dẫn giấy chứng nhận này các cơ quan chức năng sẽ hoàn toàn đồng ý, không có vấn đề gì cả.

Trường hợp cần phải trưng dẫn giấy chứng nhận quy y Tam bảo / chứng nhận Phật tử để được ghi nhận tôn giáo là Phật giáo, phía Nhà nước có yêu cầu pháp quy cụ thể nào đối với các giấy tờ này hay không?

- Khi làm tờ khai căn cước công dân, cuối tờ khai bao giờ cũng có phần ký cam kết. Khi ký cam kết, trong trường hợp cần phải xác minh, cơ quan chức năng có thể yêu cầu người khai mang bản gốc để đối chiếu. Đó là điều hết sức bình thường trong các tờ khai, bất cứ cái gì cũng thế, bao giờ cũng có câu tôi cam kết những lời khai trên đây là đúng sự thật, nếu không tôi sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Ảnh tác giả

Nếu đòi hỏi một giấy tờ kèm theo thì mới được chứng nhận là tín đồ đạo Phật hay Phật tử sẽ gây nên khó khăn cho đồng bào Khmer.

Hòa thượng Danh Lung, Ủy viên Thư ký Hội đồng Trị sự, Phó Chánh Văn phòng 2 Trung ương GHPGVN

Thưa Vụ trưởng, đối với những người dân không có chứng nhận quy y Tam bảo hoặc chứng nhận Phật tử nhưng có nguyện vọng được ghi nhận tôn giáo là Phật giáo thì có được chấp thuận không?

- Một tôn giáo khi công nhận tín đồ của mình thì phải có cơ sở căn cứ, điều này cũng được quy định rõ trong Hiến chương GHPGVN. Theo tôi, yêu cầu trưng dẫn giấy chứng nhận Phật tử là điều không có gì phiền hà. Mình là Phật tử thì khai thông tin mình là Phật tử và trưng dẫn chứng nhận mình là Phật tử. Việc cấp giấy chứng nhận Phật tử không phải là việc phát sinh thêm mà lâu nay đã phải có rồi mới đúng.

Tôi xin nói rõ hơn vấn đề này trên hai góc độ. Một là ở góc độ niềm tin, tinh thần, mình không cần phải chứng minh mình theo đạo Phật khi cái tâm, cái tình của mình đã gửi gắm nơi đạo Phật. Mình theo đạo Phật, đó là quyền cá nhân và không cần phải chứng minh với bất cứ ai rằng tôi là như thế cả. Ngược lại, ở góc độ thủ tục hành chính, việc yêu cầu những giấy tờ chứng minh như trên là điều hết sức bình thường. Cơ quan chức năng của Nhà nước không gây khó khăn gì trong việc này mà chỉ làm theo đúng quy định thôi.

Ngày 18-3, Công an TP.HCM tổ chức thông tin một số vấn đề liên quan đến cấp thẻ căn cước công dân gắn chip. Tại đây, Thiếu tướng Trần Đức Tài, Phó Giám đốc Công an TP.HCM, khẳng định việc khai tôn giáo nào trong mục 7 tờ khai căn cước công dân là quyền tự do của mỗi công dân.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày