Pakistan với cuộc chiến chảy máu cổ vật Phật giáo

GNO - Thiếu tiền mặt và nhân lực cần thiết, Pakistan đang phải vật lộn để ngăn chặn dòng chảy của hàng triệu đô la từ các vật cổ Phật giáo mà bọn trộm cướp đã đào lên ở vùng tây bắc của đất nước và chuyển lậu cho các thương lái trên toàn thế giới.

Thị trường thương mại chợ đen các cổ vật nhập lậu là một vấn đề toàn cầu mà một số chuyên gia ước tính có trị giá hàng tỷ đô la mỗi năm. Mục tiêu chính của thị trường này là các nước nghèo như Pakistan nơi có một di sản văn hóa phong phú nhưng không có nguồn lực để bảo vệ.

Pakistan Smuggling Buddha.JPEG-0a0ae.jpg

Cuộc chiến bảo vệ các cổ vật Phật giáo ở Pakistan đầy cam go - Ảnh: AP

Các cuộc khai quật bất hợp pháp đã cướp đi của Pakistan một nguồn tiềm năng quan trọng về doanh thu du lịch, vì đây là biểu tượng có giá trị tinh thần của đất nước, và hủy đi cơ hội của các nhà khảo cổ trong việc tìm tài liệu lịch sử nơi các địa điểm nghiên cứu.

"Chúng tôi đang phải đối mặt với một vấn đề nghiêm trọng bởi vì Pakistan là một đất nước rộng lớn, và chúng tôi có nguồn tài nguyên rất ít ỏi", ông Fazal Dad Kakar, người đứng đầu bộ phận của chính phủ về khảo cổ học và bảo tàng nói. "Chúng tôi không có nhân lực để giám sát hàng trăm địa điểm Phật giáo và tu viện trong cả nước, hầu hết đều nằm cô lập trong các thung lũng".

Trong số các địa điểm này phải kể đến thung lũng Swat, một khu vực miền núi xanh tươi nằm ở phía tây bắc đã từng là một phần của Gandhara, vương quốc Phật giáo quan trọng trải dài trên khắp Pakistan và Afghanistan ngày nay, hơn 1.000 năm trước.

Cảnh sát đã bắt giữ một xe container lớn tại thành phố cảng miền nam Karachi vào tháng 7 năm nay đang cố gắng vận chuyển lậu về phía bắc gần 400 hiện vật ra khỏi đất nước.

Khoảng 40% trong số đó là những hiện vật chính gốc, bao gồm gần 100 tác phẩm điêu khắc Phật giáo có niên đại lên đến 1.800 năm tuổi trị giá hàng triệu đô la, ông Qasim Ali Qasim, giám đốc khảo cổ học và bảo tàng tỉnh ở miền nam Sindh cho biết.

Không thể xác định chính xác số lượng cổ vật Phật giáo đã được đưa ra khỏi phía tây bắc Pakistan trong vài thập kỷ đầu tiên sau khi đất nước giành được độc lập từ Anh vào năm 1947, ông Malik Naveed, một cựu cảnh sát trưởng tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, nơi có thung lũng Swat tọa lạc, nói.

Điều đó đã được thay đổi vào năm 1975 khi chính phủ thông qua một bộ luật. Nhưng Kakar, giám đốc khảo cổ học liên bang, cho biết luật pháp rất khó thực thi do thiếu vốn, và những người bị bắt ít khi nhận những hình phạt nặng, do đó không đủ sức để răn đe.

Cảnh sát đã bắt giữ một số người có dính líu đến vụ tịch thu ở Karachi vào tháng Bảy nhưng họ vẫn chưa được chính thức buộc tội.

Hai người đàn ông bị bắt giữ hồi tháng 10 năm ngoái với tội danh khai quật tượng Phật tại một địa điểm ở Swat chỉ bị phạt khoảng 50 đô la mỗi người, ít hơn nhiều so với mức hình phạt tối đa một năm tù giam và phạt tiền hơn 800 đô la mà họ có thể nhận, Syed Naeen, một công tố viên nhà nước trong khu vực, nói.

Người buôn bán các tác phẩm nghệ thuật ở Manhattan, Subhash Kapoor, đang bị quản thúc tại nước láng giềng Ấn Độ do bị cáo buộc buôn lậu hàng triệu đô la đồ cổ của Ấn Độ, Pakistan và Afghanistan và ông này đã bán bộ sưu tập của mình cho các viện bảo tàng và tư nhân ở New York và bán qua internet, theo các nhà điều tra cho biết.

Thay vì đào bới các cổ vật Phật giáo, một số người Pakistan đã tập trung vào việc làm các bản sao, chẳng hạn như những người bị bắt giữ tại Karachi, họ thường cố gắng làm giả giống như thật - mặc dù thực tế điều này cũng là bất hợp pháp ở trong nước. Nhiều hoạt động bí mật xung quanh địa điểm Phật giáo cổ Taxila, một đoạn đường ngắn lái xe từ thủ đô Islamabad, đang diễn ra.

"Tôi đã học được từ người trong làng từ thời thơ ấu và có thể giả mạo bất cứ thứ gì bằng cách sử dụng xi măng, đá nhỏ, một số màu sắc và hóa chất", ông Deen Salahud, người làm việc xa nhà ở một ngôi làng gần Taxila, nói.

Một học sinh trung học bỏ học 30 tuổi đã liên lạc với AP thông qua chủ một quán trà trong khu vực và đã giới thiệu một mẫu đồ tạo tác của mình, đó là một bức tượng nhỏ đầu của Đức Phật. Anh cho biết gần đây anh đã nhận được một đơn hàng từ một người đàn ông ở Sri Lanka đặt làm một bức tượng “Đức Phật khổ hạnh” cao hơn 91cm và dự kiến ​​sẽ kiếm hơn 200 đô la trong việc này.

Người dân địa phương bán các cổ vật Phật giáo đánh cắp từ các địa điểm ở phía tây bắc có lẽ kiếm được nhiều tiền, nhưng nó gần như không đáng gì so với những gì mà những người trung gian kiếm được. Họ chỉ nhận được trung bình ít hơn 1% giá bán sau cùng của một hiện vật, trong khi trung gian và các đại lý nhận được đến 99%, theo cựu giám đốc Học viện Công lý và Tội ác Liên vùng Liên Hiệp Quốc (U.N. Interregional Crime and Justice Research Institute), Sandro Calvani, cho biết.

Kakar, giám đốc khảo cổ học liên bang, đã cố gắng ngăn chặn nhà bán đấu giá Christie ở New York bán một bức tượng "Đức Phật khổ hạnh" từ thế kỷ thứ 3 hoặc 4 hồi năm ngoái cũng như hàng chục các di tích Phật giáo khác mà ông tuyên bố là được nhập lậu bất hợp pháp từ Pakistan.

Christie vẫn tiếp tục và bán bức tượng trên với giá gần 4,5 triệu đô la và đã yêu cầu Pakistan cung cấp bằng chứng về các tuyên bố của mình, nhà đấu giá cho biết.

Kakar cho biết ông đã thành công hơn với hai lô hàng hiện vật Phật giáo từ Dubai và Tokyo đã bị thu giữ bởi cơ quan hải quan của Hoa Kỳ vào năm 2005. Ông đã có thể chứng minh các tác phẩm điêu khắc này đến từ Pakistan bằng cách phân tích tuổi và thành phần của đá, và Hoa Kỳ đã trả lại chúng cho Pakistan.

Neil Brodie, một chuyên gia nghiên cứu về buôn bán cổ vật bất hợp pháp tại Đại học Glasgow, cho rằng điều quan trọng là các cơ quan có thẩm quyền cần gây áp lực đối với các sưu tập tư nhân và bảo tàng có nhu cầu đối với các di tích cổ xưa đang thúc đẩy thị trường chợ đen. Một số bảo tàng, đặc biệt là ở Ý và Anh, đã trở nên sốt sắng trong việc ngăn ngừa các cổ vật đáng ngờ về mặt lịch sử, nhưng người Mỹ thì lại có nhiều việc hơn để làm, ông nói.

“Bạn đang đánh mất những dữ liệu khảo cổ trên mặt đất bằng cách đào lên và phá hủy những di tích này", Brodie nói.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày