Phá hạ và vấn đề tuổi đạo

Ảnh: Bảo Toàn/BGN
Ảnh: Bảo Toàn/BGN
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Hạ lạp, còn gọi là tăng lạp, pháp lạp, pháp tuế, pháp hạ, giới lạp, tọa lạp… là chỉ cho số năm an cư kết hạ (cũng gọi là kiết hạ - BT) của Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni. Từ xưa đã có thông lệ căn cứ vào tuổi hạ này để phân định vị trí cao thấp, thứ tự lớn nhỏ.

Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Nghĩa Tịnh (635-713), thông lệ ấy hoàn toàn không có căn cứ trong Luật tạng. Ghi chép của Nghĩa Tịnh trong Nam hải ký quy nội pháp truyện sẽ cho chúng ta thấy điều đó.

Nghĩa Tịnh viết: “Phá hạ không trở thành nhỏ. Những Tỳ-kheo phá hạ chỉ đơn thuần là không đủ tư cách nhận được mười điều lợi [từ việc an cư]. Còn xét về vị trí, không có lý do gì để hạ thấp tuổi đạo của họ. Làm sao có thể chấp nhận được rằng một Tỳ-kheo đã từng nhận được sự tôn kính trước đây, bây giờ phải tỏ lòng kính trọng theo thứ tự ngược lại với những người thọ giới sau mình? Cách ứng xử theo thói quen như thế có thể đã thành thông lệ, chứ vốn chẳng có gì làm căn cứ. Nếu [một Tỳ-kheo] nương hạ an cư mà nhận lời mời ra ngoài cương giới, liệu có phạm lỗi nghiêm trọng như kiếm sống bằng nghề trộm cắp chăng? Cho nên, cần phải xem xét vấn đề này cho tường tận và càng không được bỏ qua những nguyên do.

Vị trí của một Tỳ-kheo phải căn cứ vào ngày họ thọ giới [Cụ túc] để phân biệt lớn nhỏ. Ngay cả khi vị Tỳ-kheo mất hạ [vì những lý do nào đó], cũng không được hạ thấp vị trí của họ bằng cách đẩy họ xuống vị trí thấp hơn. Tìm kiếm trong Luật tạng Phật chế định không thấy có quy định nào như thế, vậy ai là người trước đây đã khởi xướng việc này1?”.

Đoạn ghi chép trên đây cho phép chúng ta hình dung ra quan điểm an cư kết hạ của cộng đồng Tăng lữ vào thế kỷ thứ VII Tây lịch, thời của Nghĩa Tịnh. Theo đó, Nghĩa Tịnh đã nêu lên một thực trạng rằng, trong cộng đồng Tăng lữ (có thể là cộng đồng Tăng lữ tại Trung Quốc vào triều Đại Đường), đã căn cứ vào việc kết hạ an cư để tính tuổi đạo và sắp xếp vị trí, phân chia thứ bậc cao thấp lớn nhỏ cho một Tỳ-kheo. Điều này, Nghĩa Tịnh cho là không đúng, bởi sau khi đi qua hơn 30 quốc gia tại Ấn Độ và các nước vùng biển phía Nam, học tập nghiên cứu chuyên sâu về Luật tạng tại tu viện Na-lan-đà hơn 10 năm, ông không thấy quy định nào như vậy. Việc tính tuổi đạo phải được căn cứ vào ngày thọ giới Cụ túc chứ không căn cứ vào mùa an cư.

Nếu một Tỳ-kheo an cư nửa chừng mà bị phá hạ hay mất hạ vì một lý do nào đó thì chỉ đơn giản là không đủ tư cách nhận được mười điều lợi [từ việc an cư] chứ không ảnh hưởng đến tuổi đạo.

Nghĩa Tịnh đã nêu lên một thực trạng rằng, trong cộng đồng Tăng lữ (có thể là cộng đồng Tăng lữ tại Trung Quốc vào triều Đại Đường), đã căn cứ vào việc kết hạ an cư để tính tuổi đạo và sắp xếp vị trí, phân chia thứ bậc cao thấp lớn nhỏ cho một Tỳ-kheo. Điều này, Nghĩa Tịnh cho là không đúng, bởi sau khi đi qua hơn 30 quốc gia tại Ấn Độ và các nước vùng biển phía Nam, học tập nghiên cứu chuyên sâu về Luật tạng tại tu viện Na-lan-đà hơn 10 năm, ông không thấy quy định nào như vậy. Việc tính tuổi đạo phải được căn cứ vào ngày thọ giới Cụ túc chứ không căn cứ vào mùa an cư.

Vấn đề phá hạ

Phá hạ, còn gọi là phá an cư, là vi phạm các điều thuộc quy chế an cư mà Luật đã thiết định, chủ yếu là rời khỏi trú xứ hay ra khỏi cương giới đã thiết lập bằng pháp yết-ma. Có hai trường hợp: Phá hạ hợp pháp và phá hạ không hợp pháp.

Phá hạ hợp pháp là do trú xứ an cư có những tai nạn bất giờ xảy đến, buộc các Tỳ-kheo đang an cư ở đó phải rời khỏi trú xứ. Có tám trường hợp tai nạn xảy đến mà Tỳ-kheo rời khỏi trú xứ an cư được xem là phá hạ hợp pháp, đó là: nguy hiểm phạm hạnh, nguy hiểm vì kho tàng, quỷ phá hoại, rắn độc, thú dữ, giặc cướp, thiếu thốn các nhu cầu và phá Tăng2.

Phá hạ không hợp pháp là tự mình rời khỏi phạm vi trú xứ an cư mà không có duyên sự, không có tác pháp đúng pháp.

Ngoài hai trường hợp trên đây, nếu vì lợi ích của Phật tử tại gia hay vì duyên sự chính đáng, Tỳ-kheo có thể ra khỏi phạm vi trú xứ an cư đã quy định với hai thể thức được cho phép, đó là ra khỏi trú xứ an cư trong thời hạn bảy ngày trở lại và thời hạn từ 7 ngày đến 40 ngày trở lại, bằng cách tác pháp thọ nhật và được Tăng tác pháp yết-ma thọ nhật. Các trường hợp ra khỏi trú xứ an cư như vậy không được xem là phá hạ. Cụ thể như trong Luật tạng đã quy định.

Vấn đề nhận lời mời ra ngoài cương giới an cư

Nghĩa Tịnh đặt vấn đề, rằng liệu một Tỳ-kheo “nương hạ an cư mà nhận lời mời [ra ngoài cương giới] thì có phạm lỗi nghiêm trọng như kiếm sống bằng nghề trộm cắp không?” (依夏受請,盜過容生?). Đặt vấn đề như vậy cho thấy, vào thời Nghĩa Tịnh, ắt hẳn đã phát sinh quan điểm: Đang an cư mùa hạ mà nhận lời mời của thí chủ đi ra ngoài khỏi cương giới là hành vi phạm tội nghiêm trọng, bị xem như kiếm sống bằng cách trộm cắp. Quan điểm này xem ra quá khe khắt! Nghĩa Tịnh cho rằng, quan điểm này không đúng, vì không có bất kỳ văn bản Giới luật nào quy định như vậy, ngược lại, như đã nói trên, Tỳ-kheo vì lợi ích cho Phật tử tại gia hay vì duyên sự chính đáng có thể rời khỏi trú xứ an cư, với thời hạn từ 7 ngày trở lại và tối đa là 40 ngày, với điều kiện được Tăng tác pháp yết-ma thọ nhật3.

Tuy nhiên, cách đặt từ ‘dung’ (容) giữa hai danh từ ‘sinh’ (生) và ‘quá’ (過) đã dẫn đến ba cách hiểu khác nhau.

Theo Cao Nam Thuận Thứ Lang (Takakusu Junjiro), ‘dung’ là động từ, nên 盜過容生 là mệnh đề khẳng định, ông dịch: “Khi đang an cư kết hạ mà chấp nhận lời mời ra ngoài, đó cũng là một lỗi lớn như việc ăn cắp”4.

Nhà nghiên cứu Li Rongxi cũng hiểu tương tự: “Việc một Tỳ-kheo chấp nhận lời mời đặc biệt của thí chủ để đi ra ngoài trong mùa an cư là một lỗi nghiêm trọng tương đương với việc kiếm sống bằng cách trộm cắp”5.

Nếu vì lợi ích của Phật tử tại gia hay vì duyên sự chính đáng, Tỳ-kheo có thể ra khỏi phạm vi trú xứ an cư đã quy định với hai thể thức được cho phép, đó là ra khỏi trú xứ an cư trong thời hạn bảy ngày trở lại và thời hạn từ 7 ngày đến 40 ngày trở lại, bằng cách tác pháp thọ nhật và được Tăng tác pháp yết-ma thọ nhật. Các trường hợp ra khỏi trú xứ an cư như vậy không được xem là phá hạ. Cụ thể như trong Luật tạng đã quy định.

Cả hai cách hiểu đều cho thấy vấn đề nghiêm trọng của việc ra khỏi cương giới an cư, xem đó là hành vi lỗi lầm, một lối sống tà mạng, như sống bằng nghề trộm cắp. Song, không có Luật nào nói như vậy cả! Và Nghĩa Tịnh cho rằng, quan niệm sai lầm như vậy đưa đến cách ứng xử với một Tỳ-kheo đi ra khỏi cương giới an cư là hạ thấp vị trí của họ, xem họ đã mất tuổi đạo, nên đẩy họ xuống hàng hạ tọa. Cách ứng xử này là theo thói quen và có thể đã trở thành thông lệ (thời Nghĩa Tịnh, và biết đâu đến nay vẫn còn!), chứ vốn chẳng có gì làm căn cứ.

Học giả Hoa Đào (華濤) xem từ ‘dung’ là phó từ, biểu thị phản vấn, ông diễn đạt: “假如某位比丘坐夏期間受請外出,其罪過難道會大如令人偷盜?”6 Nghĩa là: “Giả sử trong hạn kỳ an cư kết hạ, nếu một Tỳ-kheo nào đó nhận lời mời của thí chủ mà ra ngoài cương giới, liệu Tỳ-kheo ấy có mắc phải lỗi lầm nghiêm trọng như một người trộm cắp chăng?”. Cách hiểu này phù hợp văn phạm tiếng Hán và cũng phù hợp cách đặt vấn đề của Nghĩa Tịnh. Bởi theo Luật tạng, việc ra khỏi phạm vi trú xứ an cư là được phép trong hai trường hợp đã nói trên. Trong trường hợp phá hạ, dù là phá hạ hợp pháp hay phá hạ phi pháp, Tỳ-kheo chỉ mất mười điều lợi ích của an cư mà thôi chứ không hề có chuyện mất tuổi hạ, và càng không nên xem đó như là một lỗi lầm nghiệm trọng, một lối sống như hành nghề trộm cắp.

Câu chuyện sau đây được ghi trong Đại phẩm (Mahāvagga) cho thấy việc nhận lời mời của thí chủ đi ra ngoài cương giới an cư không có gì là sai trái cả.

“Bấy giờ, ở xứ Kosala, cư sĩ Udena xây dựng một trú xứ dành cho các hội chúng, rồi phái sứ giả đến gặp các Tỳ-kheo thưa rằng: ‘Xin các Đại đức hãy đi đến. Tôi muốn cúng dường vật thực, muốn nghe pháp và muốn nhìn thấy các vị Tỳ-kheo’.

Các Tỳ-kheo đã trả lời: ‘Này gia chủ! Đức Thế Tôn đã quy định rằng: Sau khi đã an cư mùa mưa, không nên đi ra ngoài’.

Cư sĩ Udena cảm thấy muộn phiền và phàn nàn khi các Tỳ-kheo không đáp lại lời thỉnh mời. Sự việc này được trình lên Đức Thế Tôn. Do nhân duyên này Đức Phật chế định: Này các Tỳ-kheo! Ta cho phép đi khi được thỉnh mời với công việc có thể giải quyết trong vòng 7 ngày, nhưng không nên đi khi không được thỉnh mời”.

Luật đã cho phép, “vậy ai là người trước đây đã khởi xướng việc này?” Đó là câu hỏi mà Nghĩa Tịnh đã nêu lên cách đây 13 thế kỷ, và chúng ta ngày nay cần xem lại những quy định về tuổi hạ xem có phù hợp với giới luật Phật chế định hay không.

Vấn đề tuổi đạo

Theo ghi nhận của Nghĩa Tịnh: “Tại các nước ở vùng biển phía Nam hay tại Ấn Độ, những người xuất gia khi mới gặp nhau lần đầu, họ sẽ hỏi: ‘Đại đức bao nhiêu hạ?’. Người kia sẽ trả lời: ‘Chừng đó hạ’. Nếu cùng tuổi hạ, sẽ hỏi tiếp thọ giới vào mùa nào. Nếu cùng mùa, sẽ hỏi tiếp thọ giới vào ngày nào. Nếu cùng ngày, sẽ hỏi tiếp thọ giới trước hay sau giờ Ngọ. Nếu cả hai cùng thọ giới trước giờ Ngọ thì sẽ hỏi về chiều dài của cái bóng [mặt trời đã đo được hôm đó]. Nếu chiều dài của cái bóng có sự khác biệt, vai vế lớn nhỏ giữa hai người được xác định. Nếu chiều dài của cái bóng bằng nhau thì địa vị hai người ngang nhau. Trong trường hợp này, thứ tự chỗ ngồi được sắp xếp theo nguyên tắc ưu tiên người đến trước, vị Tăng tri sự sẽ có trách nhiệm phân chia thứ bậc cho người đến trước”7.

Như vậy, tuổi đạo được tính từ ngày thọ giới Cụ túc. Cách tính hạ lạp là từ ngày thọ giới cho đến khi hoàn thành khóa an cư kết hạ đầu tiên. Sau đó, mỗi năm cứ đến ngày Tự tứ là thêm một tuổi đạo. Tuổi đạo rất quan trọng đối với sinh hoạt của cộng đồng Tăng lữ, bởi căn cứ vào đó mà phân định lớn nhỏ, giữ gìn tôn ti thứ lớp. Luật tạng dạy, “một Tỳ-kheo được xác định lớn tuổi đạo hơn bằng việc đo bóng mặt trời vào thời điểm thọ giới Cụ túc thì đáng được nhận sự lễ lạy của các Tỳ-kheo nhỏ hơn”8.

----------------------------------------

1 Theo Căn bản thuyết Nhất thiết hữu bộ bách nhất yết-ma, quyển 9, an cư có 10 lợi ích, là: lợi ích của y áo, lợi ích của ăn uống, lợi ích của ranh giới, lợi ích đã lập quy ước, lợi ích của y chỉ, lợi ích của Tăng-già, lợi ích của Tỳ-kheo, lợi ích được nhận trực tiếp, lợi ích từ nơi Đức Bổn sư một đời hành hóa.

2 Căn bản thuyết Nhất thiết hữu bộ tỳ nại da an cư sự, ĐTK/ĐCTT, T24, n0. 1445.

3 Xem Bách nhất yết-ma, ĐTK/ĐCTT, T24, p.471c13.

4 Nguyên tác: “For if, when observing the Varsha, one accepted an invitation outside, it is as great a fault as theft”, J. Takakusu, A Record of the Buddhist Religion as Practised in India and the Malay Archipelago, Oxford, Clarendon press, 1896, p.21.

5 Nguyên tác: “The acceptance of a special invitation to a monk to go out during the summer retreat is as serious an offense as to earn a living by theft”, Li Rongxi, A Record of the Inner Law Sent Home from the South Seas, Berkeley: Numata Center for Buddhist Translation and Research, 2000, p.21.

6 華濤,《南海寄歸內法傳》, 高雄,佛光山宗務委員會,1997,頁 46。

7 ĐTK/ĐCTT, T54, n0. 2125, p.219c27.

8 ĐTK/ĐCTT, T54, n0. 2125, p.221c11.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày