“Phải vui gánh những gánh nặng đang gánh mà không mơ gánh những gánh nặng chưa gánh”

Chư tôn đức giáo phẩm trong một lần khánh tuế Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh tại chùa Vạn Đức - Ảnh: Bảo Toàn
Chư tôn đức giáo phẩm trong một lần khánh tuế Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh tại chùa Vạn Đức - Ảnh: Bảo Toàn
0:00 / 0:00
0:00
GN - Hòa thượng Thích Giác Toàn là một trong những vị giáo phẩm được suy cử đảm nhiệm Phó Trưởng ban Trị sự Thành hội Phật giáo TP.HCM sau khi thành lập, lúc mới 33 tuổi, trẻ nhất trong các vị Phó ban thời bấy giờ.

Tôi có nhân duyên được gắn bó với Phật giáo TP.HCM từ năm 1976 thông qua tổ chức Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước TP.HCM. Trong 2 năm 1980 - 1981, tôi tham gia Ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam - một bước ngoặt quan trọng trong tiến trình đi đến hiệp thương và thống nhất Phật giáo nước nhà vào ngày 7-11-1981. Đến năm 1982, Thành hội Phật giáo TP.HCM được thành lập, do Hòa thượng Thích Trí Tịnh làm Trưởng ban Trị sự đầu tiên.

Sơ khởi, TP.HCM chỉ có 17 quận huyện, sau đó mở rộng lên 24 quận / huyện rồi cho đến ngày nay phát triển xây dựng TP.Thủ Đức và 21 quận / huyện. Phật giáo TP.HCM đã gắn liền song song với sự hòa nhập và phát triển chung của Sài Gòn - Gia Định - TP.HCM.

Hòa thượng Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học VN, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM, Phó Tổng Biên tập Thường trực Báo Giác Ngộ, Trưởng ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái Khất sĩ
Hòa thượng Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học VN, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM, Phó Tổng Biên tập Thường trực Báo Giác Ngộ, Trưởng ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái Khất sĩ

Năm 1984, Hòa thượng Thích Trí Tịnh được suy cử đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Hòa thượng Thích Thiện Hào tiếp nối đảm nhiệm vai trò Trưởng ban. Tôi tham gia Ban Trị sự Phật giáo thành phố với trách nhiệm là Phó ban ở khóa I, rồi Phó ban kiêm Chánh Thư ký vào những năm 1987-1990. Sau năm 1990 cho đến năm 2012 tôi chỉ đảm nhiệm công tác Phó ban phụ trách Văn hóa và thành lập Tổ in ấn. Những nhiệm kỳ đầu tiên là thời bao cấp, nên hoạt động của Phật giáo thành phố cũng có nhiều hạn chế do thời duyên.

Đến năm 1997, sau khi Hòa thượng Thích Thiện Hào viên tịch, Hòa thượng Thích Trí Quảng đảm đương vai trò Quyền Trưởng ban Trị sự Phật giáo TP.HCM liên tục nhiều nhiệm kỳ cho đến ngày nay. Theo đà phát triển và hội nhập, Phật giáo thành phố đã có những chuyển biến rõ rệt. Hòa thượng Thích Trí Quảng đã bắt kịp xu thế, định hướng và lãnh đạo phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực. Ngài đã nêu cao tinh thần lý tưởng dấn thân đưa đạo vào đời, phát triển bền vững ngôi nhà Phật giáo TP.HCM. Tại nhiệm kỳ IX, mặc dù Hòa thượng đã lớn tuổi nhưng sự điều hành, thúc đẩy và xông pha của Hòa thượng, trong hình dung của tôi ngài như một vị tướng lĩnh hùng dũng.

Có thể nói, Phật giáo thành phố là ngọn cờ tiên phong với hàng ngàn ngôi chùa, cơ sở tự viện, tịnh thất, niệm Phật đường... và hàng chục ngàn Tăng Ni tu tập hành đạo. Minh chứng sống động cho sự phát triển đó là công tác giáo dục và hoằng pháp. Từ các lớp Sơ cấp Phật học đến trường Cao – Trung Phật học và nhất là sự hình thành phát triển của Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM đã trở thành một trung tâm hàng đầu, quy tụ số lượng Tăng Ni tham gia học và giảng dạy đi đầu cả nước.

Ngọn cờ tiên phong ấy còn nổi bật với những tấm gương sáng ngời đạo hạnh của các bậc tôn đức tiền hiền. Trong đó, năm 1963, Phật giáo gặp pháp nạn, ngọn đuốc của Bồ-tát Thích Quảng Đức đã tỏa sáng. Sự kiện ấy đã nêu cao tinh thần vô úy, tự tôn của người con Phật. Ngài đã phát đại bi tâm, tự nguyện thiêu thân bằng tất cả tâm lực của mình; tâm lực ấy chính là bi, trí, dũng được gửi trọn nơi trái tim bất diệt của ngài, dù có trong lửa lớn ngàn độ cũng không cháy được trái tim ngài. Bồ-tát Thích Quảng Đức đã thắp lên ngọn đuốc từ, bi, hỷ, xả của Phật giáo TP.HCM trong công cuộc giáo dục, hoằng pháp. Bằng hình thức này hay hình thức khác, Tăng Ni đã cùng một hướng đi lên, xương minh đạo pháp, phát triển Phật giáo trong lòng thành phố.

Thời kỳ đảm nhiệm Phó ban kiêm Chánh Thư ký Thành hội, tôi được phân công đi một số quận (huyện) dự họp, nhất là các vùng ven như Hóc Môn, Củ Chi... về mỗi nơi vài ba tháng, hàng tháng họp với Ban Đại diện các quận (huyện) để gần gũi, lắng nghe và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tại mỗi địa phương.

Kỷ niệm mà tôi mãi không quên đó là khoảng thời gian được cùng làm việc với Hòa thượng Thích Thiện Hào. Ngài rất chăm chỉ và chuyên cần, mỗi sáng cứ đúng 7 giờ là có mặt tại văn phòng, nhiều lúc tôi cố tình đi sớm hơn nhưng khi đến nơi thì ngài cũng đã có mặt. Hòa thượng bị lãng tai và tôi cũng bắt đầu có chứng bệnh ấy, nên khi Hòa thượng mong muốn tôi tiếp tục công việc văn phòng thêm nhiệm kỳ nữa nhưng tôi buộc lòng xin nghỉ, vì sợ rằng bệnh duyên sẽ làm ảnh hưởng đến công việc chung của đại chúng.

Có lần Hòa thượng nói với tôi: “Mấy Thượng tọa giờ dở quá, tôi từ ngày ở trong bưng biền về tới giờ không có đi khám bệnh lần nào hết”, mình nghe vậy mới thấy Hòa thượng lớn tuổi nhưng sức khỏe rất bền bỉ, dẻo dai; mình trẻ hơn mà cứ bệnh này bệnh kia, thấy thật hổ thẹn. Tôi vẫn nhớ như in sự điềm đạm, chăm chỉ, năng lực tập trung tư duy của ngài. Cuộc đời của ngài là bài học sống động cho hàng hậu thế noi theo.

Hòa thượng Thích Giác Toàn cùng với Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Hào và Đại lão Hòa thượng Thích Huệ Hưng
Hòa thượng Thích Giác Toàn cùng với Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Hào và Đại lão Hòa thượng Thích Huệ Hưng

Ngày nay, Hòa thượng Thích Trí Quảng làm liên tục nhiều nhiệm kỳ, các vị Hòa thượng, Thượng tọa Phó ban, Chánh Thư ký tiếp nối qua các nhiệm kỳ sau này, tôi thấy các vị điều động nhiều cuộc họp, cuộc lễ rất gian nan, mình cũng từng ở trong chỗ cực ra mới thấy người làm việc lúc nào cũng phải đương đầu, cứ tưởng càng ngày sẽ càng quen, càng dễ chứ hóa ra mỗi ngày công việc mỗi mới sẽ có những cái khó khăn mới nhất định.

Tổ chức Lao động thế giới có quy định chọn độ tuổi phục vụ cho cộng đồng, xã hội đến một thời điểm nhất định nào đó sẽ phải nghỉ hưu. Trong Phật giáo, theo Hiến chương cũng có những quy định cụ thể như thế. Nhiệm kỳ này, Giáo hội quyết tâm đổi mới để đưa đạo vào đời phù hợp với xu hướng thời đại. Đánh giá khách quan, tôi thấy chư tôn đức có tấm lòng, tâm huyết phụng sự đạo thì vị nào đi tu cũng giống nhau hết chỉ là xê dịch mạnh yếu chút thôi, một khi có tuổi thì cái thân này cũng không cưỡng lại được. Nên bây giờ chư tôn đức đến tuổi quy định thì nhường lại cho thế hệ trẻ tiếp nối.

Nói là trẻ, nhưng mấy anh em đi du học, hoặc đã hoàn thành xong các chương trình cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ... thì phần lớn cũng đã ngoài ba mươi, bốn mươi, nhiều anh em đã ở tuổi “tri thiên mệnh”..., so với ở ngoài đời thì đã là trung niên, tuổi hưu cũng đã kề bên. Tuy nhiên, trong đạo thì lấy đạo đức làm nền tảng, tức là lấy sự tích lũy, công năng, tu tập dày dặn để làm chuẩn mực. Vì có phẩm hạnh, đức độ thì mới có thể nhiếp hóa, độ chúng, cho nên trẻ hóa nhân sự mà gánh vác Phật sự theo tôi thì cũng là chuyện hiển nhiên, quan trọng là lựa chọn được những vị tài đức và phân công sao cho xứng tầm với năng lực của từng vị để đúng người, đúng việc, đúng sở trường.

Tôi rất tin tưởng và kỳ vọng vào đội ngũ nhân sự kế thừa trong tương lai. Tại thời điểm mới, người mới thì chắc chắn sẽ đương đầu gánh vác với những công việc mới, quan trọng là phải có sự trải nghiệm, rút kinh nghiệm những tồn đọng hạn chế đã vướng phải, cộng với tinh thần trách nhiệm cao sao cho công việc được chu toàn. Cái gì mình gánh vác không xong, chu toàn không được thì có thể giữ im lặng hoặc tùy hỷ, phát tâm ủng hộ mọi người làm, bảo trợ cho các hoạt động được thành tựu.

Một buổi họp tại trụ sở tòa soạn Báo Giác Ngộ khi báo được chuyển giao về cho Thành hội Phật giáo TP.HCM chủ quản
Một buổi họp tại trụ sở tòa soạn Báo Giác Ngộ khi báo được chuyển giao về cho Thành hội Phật giáo TP.HCM chủ quản

Đức Phật có dạy: “Phải vui gánh những gánh nặng đang gánh mà không mơ gánh những gánh nặng chưa gánh”, chỉ có khi đụng việc rồi mới thấy cái nào dễ hay khó, cho nên khi gánh vác trách nhiệm nào thì phải vui và làm sao cho trọn vẹn trách nhiệm mà mình đã đảm nhận, có như vậy mới chu toàn được phận sự của mình dù bất kỳ ở vị trí nào.

Tôi mong rằng các vị thường trực hay là ủy viên, cho đến các vị trụ trì tại các trú xứ cũng nên có cái nhìn tổng thể, đóng góp tích cực mỗi ngày chăm lo cho ngôi nhà chung của Phật giáo thành phố. Người gánh vác hiện diện cho mỗi nhiệm kỳ chắc chắn sẽ phải đương đầu với cái mới mỗi lúc một nhiều hơn; mỗi vị sẽ có nhân duyên, hạnh nguyện, tâm lực và trí lực khác nhau, mỗi người hãy tùy nghi đóng góp sức mình cho tiền đồ Phật giáo.

Mỗi vị lãnh đạo với các cương vị khác nhau, cốt yếu cần phải cố gắng hết lòng lắng nghe tâm tư, nguyện vọng tại địa phương, kịp thời giải quyết sao cho đúng tầm, thỏa đáng thì mới tạo được niềm tin vững chắc trong lòng Tăng Ni và đồng bào Phật tử các giới. Mình được Tăng Ni tin tưởng giao phó trách nhiệm, tức là mình đang đại diện cho giới Phật giáo, do đó làm gì cho Phật giáo được bình lặng, yên ổn và phát triển thì công đức được gieo trồng rất lớn.

Đây là kinh nghiệm quý báu của chư tôn đức tiền hiền tôi muốn gửi gắm đến tất cả Tăng Ni và Phật tử. Tôi xin kết lại bằng bốn câu thơ sau:

Bốn ngàn năm hay bốn mươi năm

Quê hương đẹp mãi ánh trăng rằm

Núi rừng, trời biển hương hoa thắm

Hỷ, xả, từ, bi nghĩa thậm thâm.

Tôi mong rằng tất cả sẽ lấy đức từ, bi, hỷ, xả của đạo Phật dấn thân trong đời, dù ở vị trí nào, dù còn làm việc hay không làm việc, vì mình vẫn luôn hướng đến sự phát triển tốt đẹp cho Phật giáo TP.HCM nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung. Đây là ý nghĩa thậm thâm cao nhất của đạo Phật để làm phương châm phụng sự cho đạo và đời.

Hòa thượng Thích Giác Toàn, sinh năm 1949; hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học VN, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM, Phó Tổng Biên tập Thường trực Báo Giác Ngộ, Trưởng ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái Khất sĩ.

Hòa thượng là một trong những vị tham gia Ban Trị sự Thành hội Phật giáo TP.HCM lúc thành lập, được suy cử đảm nhiệm Phó Trưởng ban lúc mới 33 tuổi, trẻ nhất trong số các vị Phó Trưởng ban, và là một trong những Phó Trưởng ban còn tại thế. Hòa thượng nguyên Phó Trưởng ban Trị sự Thành hội khóa I, nguyên Phó Trưởng ban kiêm Chánh Thư ký Ban Trị sự Thành hội khóa II (1987-1990), nguyên Phó Trưởng ban kiêm Trưởng ban Văn hóa, sáng lập Tổ In ấn và Phát hành thuộc Thành hội Phật giáo TP.HCM.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng Thích Lệ Trang chủ trì, phát biểu tại buổi họp mở rộng - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM sẽ không nhận hoa, phẩm vật chúc mừng tại các hội nghị sắp tới

GNO - Đó là thông báo của Hòa thượng Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM trong buổi họp mở rộng của Ban Thường trực Ban Trị sự TP với các ban chuyên môn trực thuộc, Ban Trị sự TP.Thủ Đức, 21 quận huyện nhằm triển khai các hoạt động Phật sự cuối năm Giáp Thìn, vào sáng nay, 14-12, tại Việt Nam Quốc Tự.
Tìm người thân

Tìm người thân

Cháu Minh Đạo đã đi khỏi nhà và không có liên lạc với gia đình trong hơn 3 ngày qua. Vì những biểu hiện tâm lý có phần chuyển biến không tích cực, nên phải thường xuyên theo dõi trị liệu. Gia đình chúng tôi mong được sự giúp đỡ của chư tôn đức Tăng Ni và quý Phật tử tại các tự viện...

Thông tin hàng ngày