Hòa thượng Thích Thiện Minh: “Giá trị cốt yếu vẫn được duy trì”

Chư tôn đức đến tham dự buổi khai mạc triển lãm chào mừng 40 năm thành lập, Đại hội Phật giáo TP.HCM lần thứ X tại Việt Nam Quốc Tự (quận 10) - Ảnh: Bảo Toàn
Chư tôn đức đến tham dự buổi khai mạc triển lãm chào mừng 40 năm thành lập, Đại hội Phật giáo TP.HCM lần thứ X tại Việt Nam Quốc Tự (quận 10) - Ảnh: Bảo Toàn
0:00 / 0:00
0:00
GN - Được quý Hòa thượng lãnh đạo phân công vào vị trí Ủy viên kiêm Phó Văn phòng Ban Trị sự Thành hội nhiệm kỳ II (1987-1990), bản thân tôi thấy rất vinh dự. Mặc dù mình còn trẻ nhưng lại được tin tưởng, giao phó trọng trách quan trọng nên cũng nhận áp lực rất lớn.

Mới ngày đầu về văn phòng làm việc thì các thông tin về Tăng bộ, tự viện không có gì cả, vấn đề thống kê tự viện, Tăng Ni còn chưa hoàn thiện như bây giờ. Với vị trí được giao, tôi phải lặn lội ngày này qua tháng nọ trên chiếc xe đạp của mình, đi đến từng nơi để thu thập thông tin, bổ túc hồ sơ để Ban Trị sự quản lý cho thuận tiện.

Hồi đó, thông tin liên lạc còn chậm trễ, gián đoạn do vấn đề đi lại khó khăn. Việc mang cơm theo ăn dọc đường hay dụng cụ vá xe đạp là điều quá đỗi quen thuộc. Nhiều khi đi giao công văn xa phải xin các vị trụ trì tại đó ở lại qua đêm, thậm chí có chỗ phải đi đò vất vả lắm. Tôi nhớ không lầm thì hồi xưa ở Long Phước, Thủ Đức chỉ có 1 chuyến đò trong ngày nên khi có việc dưới đó phải tranh thủ đi sớm, đi gấp nếu trễ đò thì phải chờ ngày hôm sau.

Hòa thượng Thích Thiện Minh, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.Thủ Đức - Ảnh: Bảo Toàn

Hòa thượng Thích Thiện Minh, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.Thủ Đức - Ảnh: Bảo Toàn

Có lúc mình tới đó rồi lại không gặp trụ trì, coi như mất công sức cả chuyến đi. Chưa kể, giai đoạn đầu một số người còn mang tâm lý nghi kỵ nên cũng hơi trở ngại. Phải mất thời gian trò chuyện, thuyết phục việc mình đang làm là vì Giáo hội, vì sự phát triển của Phật giáo thì họ mới chấp nhận. Đôi khi đi miết mà việc chùa không có ai lo, nhiều chuyến công tác hết cả tháng phải nhờ Phật tử cận sự trông coi chùa. Tín chủ thập phương đến thấy cổng chùa đóng thì ra về nên vật thực trong chùa rất khan hiếm. Mình không thể đáp ứng nhu cầu tâm linh của người ta thì cũng khó nhận được sự hộ trì vật dụng từ họ.

Tôi nhớ lúc bấy giờ kinh phí để hỗ trợ các hoạt động Phật sự là vấn đề nan giải vô cùng. Thời kỳ đầu Nhà nước tài trợ nên thiếu thốn đủ bề, xăng xe không có, đồ văn phòng phẩm thì khan hiếm. Nhiều lúc anh em trong phòng phải tận dụng giấy in công văn bị hư để sử dụng, chẳng được thoải mái như bây giờ. Phải đến giai đoạn Giáo hội chúng ta tự túc thì việc đó mới cải thiện phần nào.

Tuy khó vậy nhưng mỗi người trong ban ai cũng cố gắng đảm bảo hoàn thành tốt công việc vì vinh dự lắm mới được các Hòa thượng lãnh đạo giao phó trọng trách. Nói vậy chứ mình cũng phải trải qua các công việc liên quan từ cấp cơ sở, các Hòa thượng thấy có khả năng, chút ít kinh nghiệm mới gọi về thành phố làm việc. Phải có nền tảng vững chắc thì lúc đó mới có cơ hội ra hỗ trợ Ban Trị sự các hoạt động quản lý, điều hành.

“Vạn sự khởi đầu nan”, đứng giữa khó khăn trăm bề như vậy nhưng với sự lãnh đạo tài tình của quý Hòa thượng như Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Hào, Đại lão Hòa thượng Thích Pháp Lan thì mọi việc đều thuận buồm xuôi gió cả. Các vị lãnh đạo hồi xưa có đạo hạnh cao và làm việc rất nghiêm túc, như Hòa thượng Thích Thiện Hào chẳng hạn, đúng giờ là ngài có mặt ở văn phòng, hết giờ mới về chứ không có chuyện dây dưa trễ nải. Mà cái đáng khâm phục nhất chính là ngài vẫn giữ cái nếp làm việc đó ngày này qua tháng nọ, năm này sang năm kia, một vị lãnh đạo cấp cao của Ban Trị sự mà như vậy thì thật là đáng kính nể.

Khi được làm việc chung với các Hòa thượng mới thấy các lời dạy của quý ngài sao mà đơn giản nhưng lại hiệu quả vô cùng. Hòa thượng Thích Thiện Hào thường nói rằng “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong” để nhắc nhở chúng tôi phải sâu sát thực tế, phải hiểu tâm tư nguyện vọng của Tăng Ni, tự viện mà mình quản lý. Làm quản lý phải hiểu ước muốn của người ta ra sao thì mình mới đáp ứng được, từ đó công việc cũng dễ dàng hơn và tạo sự đoàn kết từ cấp cơ sở mới phát huy hết được sức mạnh của Tăng Ni toàn TP.HCM của mình.

Hay như Hòa thượng Thích Trí Tịnh dạy “Tự mình cởi trói lấy mình” mỗi khi chúng tôi trình bày những khó khăn khi làm việc. Nhờ vậy mà khơi gợi sự suy nghĩ để tìm ra cách giải quyết vấn đề của bản thân, không quá phụ thuộc vào người khác. Nhờ uy đức, kinh nghiệm cũng như tinh thần làm việc đó mà công việc của Ban Trị sự được giải quyết rất nhẹ nhàng. Chúng tôi hồi đó ai cũng nỗ lực, cố gắng hoàn thành Phật sự được giao dù có phải làm ngày làm đêm. Gặp khó khăn không giải quyết được mới báo cáo, chứ không có chuyện chưa làm mà đã thối chí.

Những lời dạy trên của các ngài là kinh nghiệm cho tôi sau này trong các vai trò mà Giáo hội giao phó.

Tôi mong Đại hội Phật giáo TP.HCM lần thứ X tới đây, chúng ta sẽ lựa chọn ra người đứng đầu vừa có đức, có tài và đội ngũ trẻ tâm huyết, hỗ trợ cho Ban Trị sự trong mọi công việc. Làm sao đảm bảo có các chư tôn đức lớn, kinh nghiệm để hướng dẫn các vị Tăng trẻ thoải mái thể hiện năng lực của mình, tránh phạm phải những điều không hay, gây mất uy tín cho Đạo pháp. Có như vậy mới đưa Phật giáo TP phát triển hơn nữa và tiếp tục giữ vững thành quả mà chư tôn đức các nhiệm kỳ trước đã cố công tạo dựng.

Hòa thượng Thích Thiện Minh, sinh năm 1945, Ủy viên Ban Trị sự kiêm Phó Văn phòng Ban Trị sự Thành hội Phật giáo VN TP.HCM nhiệm kỳ II (1987-1990), hiện là Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.Thủ Đức.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày