Phạm chung trong đời sống văn hóa, tôn giáo của người Nhật

Chuông chùa Nhật Bản, giống như chuông chùa của các nước khác, được đánh từ bên ngoài bằng chày hoặc thanh xà treo chứ không phải bằng một quả lắc bên trong.
Chuông chùa Nhật Bản, giống như chuông chùa của các nước khác, được đánh từ bên ngoài bằng chày hoặc thanh xà treo chứ không phải bằng một quả lắc bên trong.
NSGN - Phạm chung ( bonshō, 梵鐘), cũng được gọi là điếu chung ( tsurigane, 釣鐘) hay đại chung ( ōgane, 大鐘), là những chiếc chuông lớn được nhìn thấy trong các ngôi chùa Phật giáo trên khắp Nhật Bản, dùng để thỉnh mời các Tăng sĩ tập họp hành lễ và để phân định các mốc thời gian trong ngày.

Thay vì sử dụng một quả lắc bên trong, phạm chung được đánh từ bên ngoài, sử dụng một cái chày cầm tay hoặc một thanh xà treo.

Những chiếc chuông thường được làm bằng đồng, sử dụng hình thức đúc khuôn tiêu hao. Chúng thường được làm tăng âm và trang trí bằng nhiều loại núm, dải nổi và chữ khắc. Những chiếc chuông sớm nhất thuộc loại này ở Nhật Bản có niên đại khoảng năm 600 TL, và chúng có một số đặc điểm giống như những chiếc chuông cổ của Trung Quốc. Âm thanh vang vọng và lan tỏa của chuông truyền đi một khoảng xa đáng kể, do đó chúng được sử dụng làm tín hiệu, điểm giờ và báo thức. Ngoài ra, tiếng chuông còn được nghĩ là có những đặc tính siêu nhiên; ví dụ, người ta tin rằng tiếng chuông có thể vọng xuống đến địa ngục.

Phạm chung đóng một vai trò quan trọng trong các nghi lễ Phật giáo, đặc biệt là vào dịp đón mừng năm mới và lễ hội Bon. Trong suốt chiều dài lịch sử Nhật Bản, những chiếc chuông này gắn liền với những câu chuyện và truyền thuyết, cả hư cấu, chẳng hạn như chuông Benkei của chùa Tam Tỉnh (Miidera/三井寺); lẫn lịch sử, chẳng hạn như chuông chùa Phương Quảng (Hōkō-ji/方廣寺). Ở thời hiện đại, phạm chung trở thành biểu tượng của hòa bình thế giới.

Nguồn gốc

Phạm chung vốn có nguồn gốc từ biên chung (henshō, 編鐘), một nhạc cụ cung đình cổ xưa của Trung Quốc bao gồm nhiều chiếc chuông có âm điệu. Có một chiếc chuông bổ sung lớn hơn, và chiếc chuông này cuối cùng được phát triển thành phạm chung, được sử dụng như một dụng cụ điều chỉnh và triệu tập người nghe tham dự buổi biểu diễn biên chung. Theo truyền thuyết, chiếc phạm chung sớm nhất có thể đã từ Trung Quốc đến Nhật Bản ngang qua ngả bán đảo Triều Tiên. Nihon Shoki ghi lại rằng Ōtomo No Satehiko đã mang ba chiếc chuông đồng về Nhật Bản vào năm 562 như những chiến lợi phẩm từ Goguryeo.

Sự thi công

Phạm chung được đúc nguyên khối bằng hai khuôn, một lõi và một vỏ, theo một quy trình hầu như không thay đổi kể từ thời Nara (710-794). Phần lõi được làm bằng gạch xếp chồng lên nhau, trong khi phần vỏ được làm bằng ván. Đây là một tấm ván lớn, phẳng, có hình dạng giống như mặt cắt ngang của chiếc chuông, được quay quanh một trục thẳng đứng để tạo hình cho đất sét dùng làm khuôn. Sau đó, các dòng chữ và hình trang trí sẽ được chạm khắc hoặc ấn vào đất sét. Lớp vỏ tiếp giáp với lõi đủ tạo ra một khe hẹp, và đồng nóng chảy được đổ vào đó ở nhiệt độ trên 1.050°C. Tỷ lệ của hợp kim thường là khoảng 17:3 đồng và thiếc; hỗn hợp chính xác (cũng như tốc độ của quá trình làm mát) có thể làm thay đổi tông màu của sản phẩm cuối cùng. Sau khi kim loại nguội và đông đặc, khuôn được loại bỏ bằng cách đập vỡ, do đó mỗi chiếc chuông cần phải có một khuôn mới. Quá trình này có tỷ lệ thất bại cao; chỉ có khoảng 50% vật đúc thành công trong lần thử đầu tiên mà không có vết nứt hay khuyết điểm.

Về truyền thống, lễ đúc chuông thường đi kèm với việc tụng kinh Phật, có thể kéo dài vài giờ. Những mảnh giấy ghi lời cầu nguyện, những nhánh dâu tằm linh thiêng và các lễ vật khác được thêm vào đồng nóng chảy trong quá trình đúc.

Chuông chùa gồm một số bộ phận sau:

Ryūzu (竜頭/long đầu), tay cầm hình rồng ở trên chuông, dùng để mang hoặc treo chuông.

Kasagata (笠形/lạp hình), chóp hình vòm của chuông.

Chi/nyū (乳/nhũ), phần lồi xung quanh phần trên của chuông giúp gia tăng độ vang của chuông.

Koma no tsume (駒爪/câu trảo), vành dưới.

Tsuki-za (撞座/tràng tọa), núm chuông, một điểm được gia cố làm nơi đánh chuông. Nó thường được trang trí bằng họa tiết hoa sen hoặc hoa cúc.

Tatsuki (竜貴/long quý), dải trang trí ngang.

Mei-bun (銘文/minh văn), dòng chữ khắc (thường ghi lại lịch sử của chiếc chuông).

Shu-moku (手木/thủ mộc), chày hay thanh gỗ treo dùng để đánh chuông.

Một số chuông giữ lại các vết đường kẻ xuất hiện từ các mối nối trong khuôn; chúng không bị loại bỏ trong quá trình trang trí mà được xem như một khía cạnh tạo nên vẻ đẹp tổng thể của chiếc chuông. Hình dáng và âm thanh của chiếc chuông phù hợp với tính thẩm mỹ truyền thống của người Nhật.

Âm thanh

Chuông chùa Nhật Bản, giống như chuông chùa của các nước khác, được đánh từ bên ngoài bằng chày hoặc thanh xà treo chứ không phải bằng một quả lắc bên trong. Âm thanh của chuông bao gồm ba phần. Đầu tiên là atari, âm thanh được tạo ra do sự tác động của chày vào chuông. Một chiếc chuông được làm tốt phải tạo ra âm thanh trong trẻo, rõ ràng, vang xa. Âm thanh ban đầu ngay sau đó được theo sau bởi tiếng oshi, tức âm thanh tiếp tục vang lên sau khi đánh chuông. Âm thanh này có cường độ cao hơn và là tiếng rền trầm, du dương; nó kéo dài đến mười giây. Cuối cùng là okuri, tức tiếng vọng được nghe thấy khi độ rung của chuông tắt đi, có thể kéo dài đến một phút. Ngoài ra còn có các âm bội du dương liên tục được nghe thấy trong suốt tiếng chuông. Những âm sắc đa dạng này tạo nên một mô tả cao độ phức tạp.

Âm trầm và tiếng vọng sâu của chuông cho phép âm thanh truyền đi rất xa; một phạm chung lớn có thể được nghe cách xa tới 32km vào một ngày trời trong. Cao độ của chuông được người tạo ra nó đánh giá cẩn thận, và sự chênh lệch 1 hertz ở tần số cơ bản có thể yêu cầu chuông phải được đúc lại từ đầu.

Phạm chung được đặt trong các ngôi chùa, thường là trong một tòa nhà hoặc tòa tháp đặc biệt được gọi là lầu chuông (shōrō, 鐘楼)
Phạm chung được đặt trong các ngôi chùa, thường là trong một tòa nhà hoặc tòa tháp đặc biệt được gọi là lầu chuông (shōrō, 鐘楼)

Chức năng và ý nghĩa

Phạm chung được đặt trong các ngôi chùa, thường là trong một tòa nhà hoặc tòa tháp đặc biệt được gọi là lầu chuông (shōrō, 鐘楼/chung lâu). Chúng được sử dụng để đánh dấu các mốc thời gian trong ngày, và để báo cho chư Tăng Ni biết các thời khóa tu tập và sinh hoạt. Trong Phật giáo, tiếng chuông được xem có tác dụng làm lắng dịu phiền não và tạo ra bầu không khí thích hợp cho việc thiền định. Vì hình dạng của chúng (với vai nghiêng và đế phẳng), những chiếc chuông được xem là tượng trưng cho Đức Phật ngồi và do đó rất được kính trọng; những người đánh chuông trước tiên sẽ đảnh lễ chuông ba lần, giống như trước một tượng Phật.

Ở Nhật Bản, âm thanh vang vọng của chuông cũng được sử dụng để cảnh báo các cơn bão sắp xảy ra và như một sự báo động chung. Bởi vì tiếng chuông có thể được nghe thấy ở khoảng cách xa nên đôi khi nó cũng được sử dụng cho các mục đích báo hiệu khác; có ghi chép về việc chuông được sử dụng để liên lạc quân sự từ thời chiến tranh Nguyên Bình/Genpei (1180-1185 TL). Các phiên bản nhỏ hơn sau đó được đúc để sử dụng trên chiến trường, vì những chiếc chuông lớn quá nặng và khó vận chuyển. Những chiếc phạm chung nhỏ hơn này chủ yếu được sử dụng làm chuông báo động về các cuộc tấn công của kẻ thù; mệnh lệnh được đưa ra thì thường sử dụng trống và tù và.

Như một phần của lễ đón năm mới ở Nhật Bản, người dân thường xếp hàng để đánh chuông trong một nghi lễ được gọi là Joyanokane (除夜の鐘, Chuông năm mới); 108 tiếng chuông tượng trưng cho việc thanh tẩy nhân loại khỏi 108 cám dỗ trần thế. Trong lễ hội Bon, một loại phạm chung đặc biệt được gọi là Đại cửu bảo đại chung (ōkubo-ōgane, 大久保大鐘) được gióng lên. Chiếc chuông này được treo phía trên một cái giếng, và người ta tin rằng âm thanh của chiếc chuông sẽ vang vọng xuống giếng rồi đi vào âm phủ để triệu mời linh hồn người chết. Vào cuối lễ hội, một phạm chung khác, được gọi là Tống chung (okurikane, 送鐘, chuông tiễn đưa), được gióng lên để tiễn các linh hồn trở về và tượng trưng cho sự kết thúc mùa hè.

Trong Thế chiến thứ hai, vì nhu cầu về kim loại dành cho chiến tranh gia tăng nên nhiều chiếc chuông bị nấu chảy. Vì vậy những chiếc còn sót lại thường được xem là những hiện vật lịch sử quan trọng. Hơn 70.000 chiếc chuông (khoảng 90% số phạm chung còn tồn tại vào thời điểm đó) đã bị phá hủy theo cách này. Tuy nhiên, vào thời kỳ hậu chiến, việc đúc chuông gia tăng mạnh và đến năm 1995, số lượng chuông chùa ở Nhật Bản đã trở lại mức như trước chiến tranh.

Vào nửa sau của thế kỷ XX, Hiệp hội Chuông Hòa bình Thế giới được thành lập ở Nhật Bản, với mục đích tài trợ và đúc chuông đặt khắp thế giới như biểu tượng của hòa bình. Phạm chung cũng được đúc sau các thảm họa thiên nhiên như trận động đất và sóng thần Tōhoku năm 2011; một số cộng đồng bị ảnh hưởng đã đặt làm chuông để tưởng niệm sự kiện này.

Phạm chung đôi khi được sử dụng làm nhạc cụ trong các sáng tác hiện đại. Âm thanh được thu lại của những chiếc chuông chùa đã được sử dụng trong tác phẩm Olympic Campanology của Mayuzumi Toshiro, được sử dụng trong lễ khai mạc Thế vận hội Olympic Tokyo năm 1964. Một chiếc chuông chùa cũng được sử dụng trong các buổi biểu diễn vở Lamia của Jacob Druckman, ở đó chuông được đánh lên khi được đặt trên một chiếc trống định âm. Các nhà soạn nhạc đôi khi sử dụng chuông chùa để thay thế âm thanh của dàn nhạc cồng chiêng.

Một vài trường hợp đáng chú ý

- Chiếc phạm chung lâu đời nhất được biết đến (và chiếc chuông cổ nhất trên thế giới vẫn còn được sử dụng) là chuông Okikicho ở chùa Diệu Tâm (Myōshin-ji), được đúc vào năm 698. Chuông lớn nhất là chiếc chuông ở Tri Ân viện (Chion-in), được đúc vào năm 1636 và nặng 70 tấn. Nó cần đến một đội gồm 17 người để đánh.

- Vào thế kỷ XVII, phạm chung cũng là biểu tượng cho cương vị của một ngôi chùa; việc sở hữu chiếc chuông biểu thị quyền sở hữu ngôi chùa liên quan. Kết quả là chuông thường xuyên bị đánh cắp; người ta cho rằng vị anh hùng dân tộc Benkei đã kéo chiếc chuông nặng ba tấn của chùa Tam Tỉnh (Mii-dera) lên núi Tỷ Duệ (Hiei). Những vết xước sâu trên chiếc chuông Benkei, hiện được trưng bày ở chùa Tam Tỉnh, theo truyền thuyết được cho là kết quả của việc Benkei đã đá chiếc chuông suốt chặng đường đưa nó trở lại ngôi chùa khi ông phát hiện ra rằng nó không còn kêu. Chuông Benkei cũng gắn liền với vị anh hùng huyền thoại Tawara Tōda, người đã tặng nó cho chùa Tam Tỉnh. Chiếc chuông này là món quà mà ông nhận được từ vị thần rồng Ryūjin, sau khi ông cứu vị thần này khỏi một con rết khổng lồ.

- Sau khi chùa Phương Quảng (Hōkō-ji) bị thiêu rụi vào đầu thế kỷ XVII, Toyotomi Hideyori đã tài trợ xây dựng lại ngôi chùa vào năm 1610 và đặt làm một chiếc chuông lớn. Dòng chữ trên chiếc chuông đã khiến Tokugawa Ieyasu tức giận; Tokugawa trở thành Mạc phủ (shōgun) sau khi giành quyền lực từ gia tộc Toyotomi khi cha của Hideyori là Hideyoshi qua đời. Tên của vị Mạc phủ (Tokugawa/家康/gia khang) ở trên dòng chữ “Kokka ankō” (国家安康/quốc gia an khang) được cho đã bị tách ra bởi chữ an (安). Tokugawa cho rằng Toyotomi đang ám chỉ rằng muốn có hòa bình thì cần phải “tách” Tokugawa ra. Sau đó, ông sử dụng vấn đề này như một cái cớ để gây chiến với gia tộc Toyotomi, dẫn đến cuộc bao vây Osaka và cuối cùng là Toyotomi bị tiêu diệt.

- Khi Thiếu tướng Matthew Perry đến Nhật Bản, ông đã tặng cho Nhật Bản một chiếc phạm chung bằng đồng. Được đúc bởi những người thợ làm chuông từ gia tộc Suwa ở tỉnh Higo, nó hiện được lưu giữ trong bộ sưu tập của Viện Smithsonian.

- Chuông của chùa Tây Tân Tỉnh Đại Sư (Nishi-Arai Daishi) ở Tokyo đã bị đưa đi vào năm 1943 để lấy đồng phục vụ cho chiến tranh. Thủy thủ đoàn của USS Pasadena đã phát hiện nó trong một đống phế liệu và mang nó sang Mỹ như một chiến lợi phẩm, rồi tặng nó cho thành phố Pasadena; hội đồng thành phố đã trả lại chiếc chuông cho Tokyo vào năm 1955. Tương tự với chiếc chuông chùa Hoàng Bách San Vạn Phúc (Manpuku-ji), được đưa đến Hoa Kỳ trên tàu USS Boston sau chiến tranh. Tuy nhiên, trong trường hợp này, chính quyền Sendai đã cho phép chiếc chuông ở lại Boston như một biểu tượng của tình hữu nghị giữa hai thành phố.

- Chuông Hòa bình Nhật Bản tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York được Nhật Bản tặng vào năm 1954 như một biểu tượng cho hòa bình thế giới. Nó được tạo tác bằng cách sử dụng kim loại tái chế từ tiền xu và huy chương do các nhà tài trợ trên toàn cầu cung cấp. Những chiếc chuông tương tự thể hiện sự cam kết vì hòa bình thế giới có thể được tìm thấy ở nhiều khu vực dân sự, bao gồm cả Công viên Tưởng niệm Hòa bình ở Hiroshima. Năm 1995, thành phố Oak Ridge, Tennessee, đã đúc một chiếc chuông hòa bình nặng bốn tấn - bản sao của một trong những chiếc chuông ở Hiroshima - và đặt ở trung tâm thành phố như một phần của lễ kỷ niệm 50 năm thành lập và để tăng cường quan hệ với Nhật Bản. Trên chuông Hữu nghị Oak Ridge có ghi ngày tháng liên quan đến mối quan hệ của Oak Ridge với Nhật Bản (uranium được sử dụng trong quả bom nguyên tử ở Hiroshima được sản xuất tại Oak Ridge). Năm 1998, một người dân địa phương đã kiện thành phố về chiếc chuông, cho rằng đó là biểu tượng của Phật giáo và vi phạm luật pháp địa phương cũng như Hiến pháp Hoa Kỳ. Vụ kiện được phán quyết có lợi cho thành phố Oak Ridge.

Nguồn: academia.edu

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tác giả, Phật tử Nguyễn Tường Bách

Sáng mai 28-12: Tác giả Nguyễn Tường Bách sẽ thuyết trình về Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á

GNO - Nguyễn Tường Bách - tác giả, dịch giả của nhiều cuốn sách được nhiều người đọc yêu thích như Mùi hương trầm, Lưới trời ai dệt, Đêm qua sân trước một cành mai, Đạo của vật lý, Con đường mây trắng ... - sẽ có buổi trò chuyện và giao lưu xoay quanh chủ đề “Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á”.

Thông tin hàng ngày