Phá thai: Một góc nhìn Phật giáo

Phá thai: Một góc nhìn Phật giáo
0:00 / 0:00
0:00
NSGN - Phá thai là một vấn đề đã có từ xa xưa và trở thành một đề tài gây tranh luận gay gắt trong nhiều lĩnh vực khác nhau như đạo đức, chính trị và tôn giáo.

Ở một số nước, luật pháp cho phép được phá thai, trong khi ở một số nước khác, luật pháp ngăn cấm việc làm này. Còn với các tôn giáo, hầu hết đều ngăn cấm hay không tán thành việc phá thai, xem đây là một hành vi phi đạo đức hay một tội ác nghiêm trọng1.

Một số tôn giáo xem việc phá thai là đi ngược lại ý muốn và lời răn của Thiên chúa, bởi vì tất cả mọi đời sống con người là món quà thiêng liêng mà Thiên chúa ban tặng. Tuy nhiên cũng có tôn giáo xem việc phá thai khi thai nhi ở giai đoạn sơ kỳ không phải là một trọng tội hay phi đạo đức2. Nhưng cho dù luật pháp cho phép hay không cho phép, và các tôn giáo ngăn cấm hay không thì phá thai vẫn diễn ra ở khắp mọi nơi và cũng tồn tại từ xưa cho đến nay với nhiều hình thức khác nhau.

phathai (1).jpg
Phá thai là không phù hợp với những nguyên tắc căn bản của Phật giáo.

Trong những tài liệu cổ xưa ở Ấn Độ, ta thấy có đề cập đến vấn đề phá thai. Thuật ngữ trong Ấn Độ giáo chỉ cho việc phá thai là “garbha batta”, nghĩa là “giết chết bào thai”. Ấn giáo xem việc phá thai là một trọng tội, giống như việc giết cha, giết mẹ và trộm cắp. Sử gia Julius J. Lipner viết rằng: “Chúng ta có thể bắt đầu bằng việc chỉ ra rằng những kinh văn sớm nhất xác chứng rằng bào thai ở trong bụng là đặc biệt đáng được bảo vệ và rằng, sự thực, phá thai là một hành động không thể tha thứ được về mặt đạo đức.

Trong Rig Samhita (mà nó thuộc trong số những kinh điển cổ nhất của người Ấn, có thể trước 1200 tr.TL), thần Vishnu được đề cập như là ‘người bảo vệ trẻ tương lai’. Atharva Veda (cũng cổ xưa như Rig Samhita, một vài phần có thể cổ hơn) thể hiện thái độ tương tự đối với trẻ chưa sinh, với hàm ý thêm rằng phá thai được liệt vào trong số những tội ác ghê tởm nhất”3.

Trong một số kinh sách của Phật giáo ta cũng bắt gặp những đoạn văn nói về việc phá thai. Chẳng hạn như trong Luật tạng4, có đề cập đến trường hợp rằng: Có hai người vợ cùng chung chồng, một người thì hiếm muộn trong khi người khác thì dễ dàng mang thai. Khi người vợ có khả năng sinh nở mang thai, người vợ hiếm muộn sinh lòng ganh tỵ vì sợ rằng người kia sẽ chiếm ưu thế khi có con nên đã tìm cách loại bỏ bào thai của bà vợ kia bằng việc sử dụng thuốc độc.

Trong chuyện tiền thân (Jataka) Samkicca, số 530, cũng có đề cập đến quả báo mà những người phá thai phải thọ nhận là đọa vào địa ngục. Luật tạng cũng có giới liên quan đến việc làm này: “Một vị Tỳ-kheo không được cố ý tước đoạt mạng sống của chúng sanh, ngay cho dù đó chỉ là một con kiến. Một vị Tỳ-kheo nếu cố ý tước đoạt đời sống của một con người, cho dù mức độ là hủy hoại một bào thai (gabbha-pātanaṃ upādāya), vị ấy không còn là một người xuất gia (chân thật), không còn là một Thích tử”5.

Từ một quan điểm Phật giáo, phá thai rõ ràng là sai trái bởi vì nó phạm vào những nguyên tắc then chốt của Phật giáo là: không được tước đoạt mạng sống, nguyên tắc không gây hại (ahimsa), và lòng từ bi. Tuy nhiên đối với vấn đề này, không phải giới Phật giáo đều có một cái nhìn thống nhất, xem phá thai là sai trái, đặc biệt trong những trường hợp bào thai ấy là kết quả của việc bị lạm dụng tình dục, loạn luân, hiếp dâm, hay việc duy trì bào thai có thể ảnh hưởng đến tính mạng người mẹ, hoặc bào thai đang mạng bị dị tật. Và ở đây cũng có những câu hỏi được đặt ra trong tranh luận giữa những người chống hay ủng hộ việc phá thai: Khi nào đời sống bắt đầu mà chúng ta có thể thừa nhận đó là một con người? Đời sống là gì? Và chúng ta có thể cân bằng giữa quyền chọn lựa của người mẹ và quyền sống của đứa trẻ chưa sinh như thế nào?

Đời sống bắt đầu từ khi nào?

Khi chúng ta nói đến đời sống bắt đầu từ khi nào là nói đến đời sống của một người ở trong một “kiếp người”. Còn đối với đời sống của một chúng sanh ở trong vòng luân hồi thì không thể nói được sự bắt đầu và kết thúc, bởi vì đời sống của một chúng sanh ở trong vòng luân hồi là một sự tương tiếp bất tận, và ta không biết được đâu là sự khởi đầu và đâu là sự kết thúc của vòng luân hồi sanh tử này.

Các tôn giáo có những quan điểm khác nhau về thời điểm khi nào thì bào thai được xem là mang đời sống một con người. Một vài tôn giáo xem đời sống của một con người bắt đầu vào lúc thọ thai, bởi vì việc “phú hồn” xảy ra vào thời điểm đó. Ấn giáo xem một linh hồn đi vào bụng người mẹ vào thời điểm thụ thai, và như vậy đời sống của một con người bắt đầu từ lúc thụ thai và do đó giết chết một phôi thai cho dù chỉ vài ngày tuổi thì cũng như giết chết một con người đã trưởng thành.

Tuy nhiên, Garbha Upanishad thì lại cho rằng linh hồn nhập vào bào thai vào tháng thứ 7, tức là trước tháng thứ bảy một bào thai chưa thể được xem là một con người đầy đủ mà chỉ thuần túy là một vật thể vật lý. Nhưng Ấn giáo xem quan điểm được đưa ra trong Garbha Upanishad không phải là quan điểm chính thống của Ấn giáo. Còn ở phương Tây, về phương diện khoa học và luật, người ta vẫn còn tranh cãi về một thời điểm khi nào thì một đời sống được xem như một con người bắt đầu và khi nào một bào thai được bảo vệ bằng luật.

Tuy nhiên, thời điểm mà người ta cho là đời sống được bắt đầu chỉ mang tính cá nhân hay nói cách khác là nó tùy vào quan điểm của mỗi người. Nói chung thời điểm được xác định là khi não bộ của bào thai được phát triển để cảm nhận được sự đau đớn, và khi một bào thai có thể sống được bên ngoài bụng của người mẹ.

Và trước thời điểm đó, bào thai chỉ được xem như là một phần của cơ thể người phụ nữ, và phá thai như vậy chỉ như việc cắt bỏ đi một phần của thân thể con người mà không phải là việc giết hại một mạng sống. Nhưng cũng có người cho rằng, một bào thai cho dù ở vào tuần 40, tức là thời kỳ chào đời thông thường, vẫn còn thiếu những đặc điểm thông thường được quy cho con người, và chỉ sau khi sinh và được đặt tên thì mới có thể được xem là một con người6. Bởi vì không có sự thống nhất về thời điểm bào thai được công nhận như là đời sống một con người thực thụ, nên việc phá thai ở một số nước (nơi luật pháp cho phép) được thực hiện giới hạn ở một độ tuổi nào đó của bào thai. Ví dụ ở Anh và Wales, việc phá thai có thể thực hiện khi bào thai dưới 23 tuần tuổi, trong khi ở Pháp là dưới 10 tuần tuổi7.

phathai (3).jpg
Các tôn giáo có những quan điểm khác nhau về thời điểm khi nào thì bào thai được xem là mang đời sống một con người.

Phật giáo xem đời sống của một con người bắt đầu từ lúc phôi thai được hình thành. Và phôi thai được hình thành tại thời điểm nào? Kinh Trung bộ đã miêu tả việc thụ thai như sau: “Chư Tôn giả, chư Tôn giả có biết nhập thai là như thế nào?”

“- Thưa Tôn giả, chúng con biết nhập thai như thế này. Ở đây, mẹ cha phải giao hợp, người mẹ phải trong thời (có thể thọ sanh), hương ấm (gandhabha) phải hiện hữu, ba sự như vậy có hòa hợp, nhập thai mới thành tựu”. (Trung bộ, kinh Assalayana, số 93).

Và một nơi khác cũng trong kinh Trung bộ: “Này các Tỳ-kheo, có ba sự hòa hợp mà một bào thai thành hình: ở đây, cha mẹ có giao hợp và người mẹ không trong thời có thể thụ thai, và hương ấm (gandhabba) không hiện tiền, như vậy bào thai không thể thành hình. Ở đây, cha và mẹ có giao hợp, và người mẹ trong thời có thể thụ thai, nhưng hương ấm không hiện tiền, như vậy bào thai không thể thành hình. Và này các Tỳ-kheo, khi nào cha mẹ có giao hợp, và người mẹ trong thời có thể thụ thai, và hương ấm có hiện tiền; có ba sự hòa hợp như vậy, thì bào thai mới thành hình”. (Trung bộ, kinh Ðoạn tận ái, số 38).

Nhưng một bào thai có thể được xem là một con người không? Ở trong những bản kinh trên chúng ta không thấy đề cập đến điều này, nhưng ở trong Luật tạng (Nam truyền), chúng ta tìm thấy một đoạn ngắn “định nghĩa” về con người; hay nói khác đi là xem đời sống con người được bắt đầu từ khi nào: “Con người có nghĩa: từ sự xuất hiện đầu tiên của tâm, từ thời điểm thức biểu hiện đầu tiên ở trong bào thai mẹ cho đến thời điểm của cái chết, ở đây trong khoảng thời gian ấy vị ấy được gọi là một con người”8. Trong A-tỳ-đạt-ma-câu-xá (Abhidharma-kośa) của Thế Thân (Vasubandhu), một bào thai được xem là một con người ngay cho dù bào thai ấy chỉ mới một tuần tuổi.

Theo những đề cập trên, một bào thai được xem là một “con người” ngay từ khi phôi thai hình thành. Tuy nhiên điều này cũng gây tranh cãi rằng một bào thai có đầy đủ năm uẩn, những thứ cấu thành nên một con người theo quan điểm của Phật giáo hay không. Nói cách khác, một bào thai ở trong giai đoạn đầu có đầy đủ năm uẩn là sắc, thọ, tưởng, hành và thức hay không9. Một số Phật tử phương Tây mà họ cho rằng ý thức không có mặt ở nơi bào thai trước tuần thứ 20, không chấp nhận rằng sự đầu thai xảy ra vào thời điểm thụ thai; và như vậy bào thai trong giai đoạn đầu không thể được xem là một con người.

Một bào thai rõ ràng không phải là một con người phát triển đầy đủ. Nhưng một con người trưởng thành được hình thành nên từ một bào thai. Cũng như một hạt giống không phải là một cái cây với đầy đủ cành lá v.v.., nhưng nếu không có hạt giống sẽ không có một cái cây. Thêm nữa, cho dù đời sống của một con người được bắt đầu từ khi nào đi chăng nữa, thì việc phá thai vẫn là việc tước đoạt đi một mạng sống, cho dù mạng sống ấy chưa phải là một con người trưởng thành. Sự phát triển một con người là một tiến trình, và bất cứ giai đoạn nào trong tiến trình ấy đều có sự quan trọng nhất định; việc loại bỏ “con người” tại bất kỳ thời điểm nào trong tiến trình phát triển ấy đều là việc tước đoạt đi sự sống.

Ở một số nước theo Phật giáo Theravada, có quan điểm rằng mức độ nghiêm trọng của việc phá thai tăng theo độ tuổi hay kích cỡ của bào thai. Quan điểm này xuất phát từ quan niệm rằng tính nghiêm trọng của việc sát sanh dựa vào kích cỡ, trí thông minh và linh tánh của chúng sanh mà người ta giết hại. Ví dụ, việc giết một con muỗi thì ít nghiêm trọng hơn giết một con chó, giết một con chó thì ít nghiêm trọng hơn việc giết một con voi, giết một con voi thì ít nghiêm trọng hơn giết một con người, và nghiêm trọng nhất là giết hại một vị tu sĩ…10. Nhưng quan niệm này gây nhiều tranh cãi, và ở phạm vi sát hại liên quan đến con người lại khó thuyết phục. Chúng ta có thể biện minh rằng việc phá thai thì ít nghiêm trọng hơn việc giết người, nhưng chúng ta không thể nói rằng việc sát hại một đứa bé thì ít nghiêm trọng hơn một người trưởng thành, hay việc sát hại một người ngu tối thì ít nghiêm trọng hơn người tài trí được.

Trong Phật giáo, một hành vi được xem là sát sanh phải hội đủ năm điều kiện sau:

Đối tượng bị giết là một chúng sanh

Người giết biết rõ rằng đó là một chúng sanh

Người giết có ý muốn giết chúng sanh đó

Tìm cách để giết chúng sanh đó

Và chúng sanh đó bị giết chết.

Nếu xét theo năm tiêu chí cấu thành nên một hành vi giết hại này, thì phá thai rõ ràng là một hành vi “giết người”, hay nói chính xác hơn là một hành vi sát sanh. Bào thai, có thể chưa phải là một con người với đầy đủ năm uẩn, nhưng đã là một sinh vật đang sống. Người mang thai nó, chắc hẳn biết đó là một bào thai, một sinh linh đang sống và đang dần phát triển. Người mang thai khi muốn loại bỏ bào thai trong bụng mình là rõ ràng đang muốn giết nó. Người ấy tìm cách để loại bỏ bào thai đó, hoặc tự bản thân mình hoặc nhờ sự giúp đỡ của người khác; như vậy người ấy có sự cố gắng thực hiện hành vi giết hại. Và cuối cùng bào thai bị phá bỏ, tức là sinh linh đó bị giết chết.

Việc loại đi mầm sống do chính mình tạo ra là một việc làm nhẫn tâm. Và nhẫn tâm hơn là khi ta giết một “người” mà “người” ấy hoàn toàn vô tội và không có khả năng tự vệ. Phá thai, trong hầu hết mọi trường hợp là thể hiện sự ích kỷ của người mẹ (hoặc người phối ngẫu và những người khác), bởi vì họ muốn tìm thấy sự lợi thế cho bản thân, hay nói khác đi là muốn “lợi mình” mà không muốn “lợi người”. Việc phá thai, được nghĩ, sẽ giúp họ giành lại sự sống cho bản thân, hoặc thoát khỏi những áp lực hay ràng buộc nào đó, có thể là những áp lực kinh tế hay những trách nhiệm đạo đức. Phá thai nói chung là đến từ ý muốn từ một phía, và “quyền được lựa chọn” của người mẹ đã lấn lướt “quyền được sống” của thai nhi.

phathai (2).jpg
Phật giáo xem đời sống của một con người bắt đầu từ lúc phôi thai được hình thành.

Qua những phác thảo ở trên, cho thấy phá thai là không phù hợp với những nguyên tắc căn bản của Phật giáo. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp - mà kinh sách Phật giáo đã không đặt ra phải nên làm gì - ta cần có cái nhìn linh hoạt hơn với vấn đề này. Chẳng hạn như trường hợp bào thai được chẩn đoán trước là bị dị tật hay khiếm khuyết, thì trong trường hợp này việc quyết định loại bỏ sớm bào thai ấy mặc dù phạm vào giới “không tước đoạt mạng sống”, nhưng có thể không phạm vào nguyên tắc từ bi của Phật giáo. Việc loại bỏ đi bào thai ấy không chỉ là một sự giải thoát cho người mẹ và gia đình của đứa bé tương lai, mà có thể cũng là một sự giải thoát cho chính bào thai ấy.

Hẳn nhiên một bào thai sẽ không nhận thức được ý nghĩa hay giá trị của đời sống, cũng không phát biểu hay thể hiện được nguyện vọng hay quyền được sống của nó, và việc quyết định loại bỏ đi sinh linh ấy cũng đến từ một phía.

Phật giáo không xem những sự vật hay sự việc tồn tại hay xảy ra một cách độc lập hay riêng rẽ. Học thuyết Duyên sinh cho ta biết rằng một vật hay một sự việc có sự liên hệ đến những sự vật hay sự việc khác. Và vấn đề phá thai cũng vậy. Phá thai không chỉ gây tổn hại cho một phía, tức là không chỉ bào thai là phía bị hại, mà người phá thai cũng chịu những ảnh hưởng nhất định. Sự ân hận, dày vò và ám ảnh, những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe sau khi phá thai là những điều có thực đối với người thực hiện hành vi phá thai.

Những buổi lễ “Cầu siêu cho thai nhi” được tổ chức gần đây ở những ngôi chùa Phật giáo Việt Nam đã thu hút nhiều người tham gia, và hầu như họ đều thể hiện sự hối hận và dày vò đối với việc phá thai trước đây của mình đã cho thấy được điều này. Những tổn thương tinh thần như vậy có khi đi suốt với người ấy cả cuộc đời. Đây chỉ là những kết quả mà người phá thai phải thọ nhận trong hiện tại. Còn nếu dựa trên thuyết Nhân quả và nghiệp báo, việc phá thai, với bất kỳ lý do gì, là tạo nên những nghiệp nhân bất thiện và do đó đem lại cho người thực hiện việc làm ấy những kết quả không tốt đẹp trong tương lai.

Phá thai, như vậy, tuy có thể đáp ứng quyền chọn lựa của phụ nữ, nhưng không hẳn có thể giải quyết được hậu quả của vấn đề. Chúng ta có sự tự do, chúng ta có quyền lựa chọn, nhưng chúng ta cần phải có lòng từ bi và phải chịu trách nhiệm với tất cả những hành vi mà mình tạo tác. Như Tỳ-kheo Nyanasobhano nói, “Một phụ nữ có thể thuyết phục bản thân rằng trong trường hợp của cô ấy phá thai là hợp lý, nhưng cô ấy không thể thuyết phục được luật nghiệp”11.

Thích Nguyên Hiệp/Báo Giác Ngộ

_______________

(1) Một vài tôn giáo chấp nhận sự phá thai trong trường hợp bào thai là kết quả của hiếp dâm, loạn luân, hoặc để cứu lấy tính mạng của người mẹ. Trong khi đó, phái Phổ độ nhất vị thuyết (Unitarian Universalist Church) thì lại ủng hộ mạnh mẽ việc phá thai, xem đây là việc tôn trọng quyền riêng tư và quyền lựa chọn của phụ nữ.

(2) Ví dụ như Do Thái giáo. Tôn giáo này tin rằng linh hồn không hiện diện ở bào thai trong 40 ngày đầu. Trong khi những nhà tư tưởng của Hồi giáo thì cho rằng, sau bốn tháng từ khi thụ thai, một bào thai mới được xem là một linh hồn sống. Và vì vậy trước thời điểm này phá thai được cho phép ở trong một số trường hợp, chẳng hạn như bào thai là kết quả của việc hiếp dâm hay việc giữ lại bào thai có thể ảnh hưởng đến tính mạng của người mẹ.

(3) Harold G. Coward, Julius J. Lipner, & Katherine K. Young, Hindu Ethics: Purity, Aboriton, and Euthanasia, New York, State University of New York Press 1989, tr.43

(4) Vinaya III,84.

(5) Vinaya I, 97.

(6) Robert M.Ellis, A New Buddhist Ethics, Lulu.com, USA, 2011, tr.217.

(7) Xem Peter Havey, An introduction to Buddhist ethics, Cambridge University Press, 2000, tr. 315.

(8) The Book of Discipline (Vinaya Pitiaka) Vol. I, I.B.Horner dịch, Luzac & Company, London 1949, tr.126.

(9) Ở đây khi nói đến “con người” là ta nói đến con người ở trong ý nghĩa quy ước, bởi vì sự liên hệ đạo đức ở đây cũng chỉ là một vấn đề quy ước. Còn nói theo học thuyết vô ngã của Phật giáo, con người thực sự chỉ là một hợp thể của những yếu tố khác nhau, và không có một con người thật sự ngoài sự nhóm họp của năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức), cho dù con người ấy chỉ tồn tại dưới dạng một bào thai hay một con người đã trưởng thành.

(10) Xem Peter Havey, An introduction to Buddhist ethics, Cambridge University Press, 2000, tr.316.

(11) Dẫn lại từ Peter Havey, An introduction to Buddhist ethics, Cambridge University Press, 2000, tr.325.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày