Phân biệt giữa Chỉ & Định

GN - Định samādhi không phải là Chỉ samatha. Chỉ samatha không phải là Định samādhi. Tuệ paññā không phải là Quán vipassanā. Quán vipassanā không phải là Tuệ paññā.

ngoi thien.jpg

Chỉ samatha là Phương-pháp-tu-tập tâm, tức vun bồi định an chỉ vắng lặng, với đề mục là khái niệm tục đế...

Nếu đồng nhất hai phạm trù samatha (Chỉ) với samādhi (Định) làm một - đều dịch là Định/Thiền định, và nếu đồng nhất hai phạm trù vipassanā (Quán) với paññā (Tuệ) là một - đều dịch là Tuệ, thì sẽ dẫn đến một loạt các suy diễn sai lầm lời Phật dạy, để rồi không hiểu và chỉ trích lời hướng dẫn của các vị thầy theo cỗ xe thuần quán suddha-vipassanā-yānika cho là họ bác bỏ Định khi tu tập Tuệ, trong khi thực ra họ chỉ không tu tập Chỉ samatha để có Định samādhi của pháp tu Chỉ mà thôi, nhưng họ trực tiếp ngay lập tức vun bồi Không định - Suññata samādhi, Vô tướng định - Animitta samādhi,  Vô nguyện định - Appaṇihita samādhi và Tuệ paññā thông qua tu tập Quán vipassanā.

Nếu phân biệt rõ ràng, Chỉ samatha là Phương-pháp-tu-tập tâm, tức vun bồi định an chỉ vắng lặng, với đề mục là khái niệm tục đế, khác với Định samādhi là Mức-độ-tập-trung, tức mức độ cận định và an chỉ định /các tầng thiền jhāna, đạt được với đề mục [1] hoặc là tam tướng: khổ - vô thường - vô ngã trong trường hợp tu Quán vipassanā, [2] hoặc là các khái niệm tục đế trong trường hợp tu Chỉ samatha, thì sẽ hiểu được rõ là  Định samādhi có mặt trong cả hai trường hợp khi tu tập Chỉ samatha hoặc khi tu tập Quán vipassanā, chứ không phải chỉ có mặt khi tu tập Chỉ samatha.

Nếu phân biệt được rõ ràng như vậy, thì sẽ hiểu và dịch sang tiếng Việt đúng đắn lời hướng dẫn của các vị thầy theo cỗ xe thuần quán suddha-vipassanā-yānika là họ không cần tu tập Chỉ samatha chứ không phải là không cần tu tập Định samādhi, mà ngược lại họ vẫn nhấn mạnh vào việc tu tập Định samādhi - trong trường hợp này để viên mãn Tuệ dẫn đến giải thoát rốt ráo, họ tu tập:

- Không định - Suññata samādhi: Định (samādhi) được vun bồi, tu tập bởi pháp thiền Quán (vipassanā) với đề mục là đặc tính Vô ngã (anattā) của tất cả các pháp: Hành giả chỉ như lý tác ý ngũ uẩn là vô ngã, tác ý tất cả trống không, không có tự ngã, không có ngã sở, không có ngã mạn - vì tất cả không thể điều khiển, làm chủ theo ý muốn của bất kỳ ai cả, chúng chỉ có mặt khi các yếu tố nhân duyên khác có mặt, và sẽ không có mặt khi các yếu tố nhân duyên khác không có mặt. Định này dẫn đến một trong ba cửa giải thoát là Không giải thoát - Suññato vimokkho.

- Vô tướng định - Animitta samādhi: Định (samādhi) được vun bồi, tu tập bởi pháp thiền Quán (vipassanā) với đề mục là đặc tính Vô thường (anicca) của tất cả các pháp hữu vi: Hành giả chỉ như lý tác ý ngũ uẩn là vô thường, không tác ý đến tất cả các tướng, tác ý vô tướng giới - vì tất cả luôn biến chuyển, thay đổi không đứng yên, không cố định trong bất cứ hình tướng nào. Định này dẫn đến một trong ba cửa giải thoát là Vô tướng giải thoát - Animitto vimokkho.

- Vô nguyện định - Appaṇihita samādhi: Định (samādhi) được vun bồi, tu tập bởi pháp thiền Quán (vipassanā) với đề mục là đặc tính Khổ (dukkha) của tất cả các pháp hữu vi: Hành giả chỉ như lý tác ý ngũ uẩn là khổ, không tác ý bất kỳ sự khát khao, ham muốn, ước nguyện điều gì - vì tất cả đều là khổ và dẫn đến khổ. Định này dẫn đến một trong ba cửa giải thoát là Vô nguyện giải thoát - Appaṇihito vimokkho.

Chánh định trong Bát Thánh đạo chính là ba loại Định samādhi đạt được do phương pháp tu tập Quán vipassanā nêu trên, chúng còn có tên chung là Định (tầng thiền) minh sát - Vipassanājhana hoặc Định đặc tướng - Lakkhaṇūpanijjhāna.

Chánh định chắc chắn không phải là bốn tầng thiền jhāna đạt được do phương pháp tu tập Chỉ samatha với các đề mục khái niệm tục đế. Bốn tầng thiền jhāna này sẽ là tiền đề vững chắc cho các hành giả xuất khỏi Định samādhi đạt được do pháp tu Chỉ samatha này (tức thay đổi đề mục từ khái niệm tục đế sang đề mục thực tại chân đế) để chuyển sang Quán vipassanā đối với các hành giả theo cỗ xe samatha-yānika (Chỉ samatha trước Quán vipassanā sau).

Hành giả theo cỗ xe suddha-vipassanā-yānika (Thuần Quán) thì không cần phải xuất khỏi Không định, Vô tướng định, Vô nguyện định mà vẫn tiếp tục vun bồi Tuệ cho đến khi viên mãn, chuyển sang Thánh Định lấy Niết-bàn làm đối tượng, đắc Đạo - Quả các bậc Thánh.

Viên Phúc Sumangala

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày