Nhân đọc bài “Không thể là chuyện đùa!”, GN 632
GN - “Thầy trò Ðường Tông đi thỉnh... bao cao su”, tên clip do sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực hiện, thoáng nghe thì quả thật như một trò đùa của giới trẻ, nhưng khi nó gắn với một cuộc thi do chính tổ chức Đoàn tổ chức thì không thể đùa nữa! “Tác phẩm” trên gây hại rất lớn vì nó ảnh hưởng tới tôn giáo, văn hóa...
Clip phản cảm của nhóm sinh viên đã được "đánh giá nhầm" - Ảnh chụp lại trên YouTube
Thật đau lòng khi tác phẩm được đánh giá là xuất sắc, phải chăng Ban Giám khảo đánh giá sự “sáng tạo” này xuất sắc vì người trẻ dám đem những bậc giải thoát, danh nhân văn hóa ra cười chê, xúc phạm?
Lắng nghe bạn Vũ Như, độc giả báo Tuổi Trẻ nói về vấn đề này: “Đúng là khi sản xuất những chương trình truyền thông, đặc biệt là đối với những vấn đề nhạy cảm thì nhà sản xuất nên chú ý đến sự phù hợp văn hóa. Một tác phẩm điện ảnh được coi là kinh điển như Tây du ký mà lại bị nhại dưới hình thức truyền thông với mục đích tuyên truyền sử dụng bao cao su thì nên xem xét lại. Và cũng nên lưu ý là những cuộc thi mang tính phổ biến tới cộng đồng thì Ban Tổ chức cần cẩn trọng”.
Một lời chia sẻ chân tình và được coi như là mong mỏi của tôi và tất cả mọi người, những ai đã làm trong công tác truyền thông thì hãy hết sức quan tâm đến vấn đề này, liệu khi ta đã phát sóng thì mức nguy hại sẽ đến đâu và người xem sẽ nghĩ gì, qua những trận cười vô bổ? Đi đúng chuẩn mực đạo đức xã hội, văn hóa - tôn giáo chính là đi đúng con đường của người làm văn hóa.
Bạn Da Minh, độc giả báo Tuổi Trẻ đã tỏ ra vô cùng bức xúc trước sự việc: “Một cuộc thi do một cơ quan Trung ương đứng ra tổ chức, người dự thi lại là giới trí thức trẻ mà lại có nội dung giỡn cợt quá đáng và xúc phạm nặng đến tín ngưỡng tâm linh như vậy thật là đáng thất vọng”. Đáng thất vọng cho những người tạo ra “tác phẩm” và cả người chấm giải! Có câu nói thế này:“Trước khi bạn muốn người khác tôn trọng mình, thì hãy tự mình tôn trọng chính mình”, làm điều đó là đã thiếu tôn trọng mọi người - những người có hiểu biết - nên bị đánh giá phản cảm là lẽ đương nhiên!
Không chỉ là kinh nghiệm
Trên một bài báo đăng ở Tuổi Trẻ ngày 12-3, ông Vũ Thanh Liêm - Giám đốc Trung tâm Thanh thiếu niên miền Bắc (Trung ương Ðoàn), đơn vị quản lý Ngôi nhà Tuổi Trẻ - cũng là đơn vị tổ chức cuộc thi trả lời rằng: “Nếu nội dung không phù hợp thì Ban Tổ chức cần phải rút kinh nghiệm”.
Câu trả lời rất hời hợt và có tỏ vẻ coi thường mọi người, thiếu thiện chí cũng như trách nhiệm đối với sự việc đã xảy ra và bị dư luận phản đối.
Theo tôi thì, kinh nghiệm được xem như một điều đáng quý sau khi xảy ra sự việc, ta cần phải nhìn ra bài học để tránh. Nhưng, ở đây, thiết nghĩ cũng cần một lời xin lỗi của Ban Tổ chức vì đã “đánh giá nhầm” tác phẩm, gây dư luận không hay, tổn thương đến niềm tin của nhiều người.