Phật cứu độ chúng nhân thiên và hàng Nhị thừa

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Kinh Vô lượng nghĩa là tất cả các kinh do Đức Phật Thích-ca nói trên cuộc đời này và chúng ta coi đó là kinh Pháp hoa dù là kinh Nguyên thủy, hay kinh Đại thừa. Vì chúng ta tu Pháp hoa gọi là tu Nhất thừa nghĩa là chỉ có một con đường duy nhất, từ chúng sanh tiến đến quả vị Phật, không có sai khác.

Nói chính xác, các pháp môn sai khác đều hướng về một là Nhất Phật thừa và từ một, mà nhìn rộng ra, có nhiều pháp môn tu. Về ý này, Phật nói Tam thừa là phương tiện, nhưng cuối cùng quy về Nhất thừa, nghĩa là ai tu cũng thành Phật, người thành Phật trước, người thành Phật sau. Nếu có căn lành và niềm tin thực tập các pháp Phật thì tất cả các pháp này đều hướng về Vô thượng Chánh đẳng giác, đó là Nhất thừa của kinh Pháp hoa, còn Tam thừa là quyền tức phương tiện của Phật thì có nhiều. Kể cả Đức Phật xuất hiện trên cuộc đời, hay Phật vào Niết-bàn cũng là phương tiện của Phật.

Tu theo kinh Pháp hoa, câu hỏi đầu tiên của chúng ta là tại sao Đức Phật hiện hữu trên cuộc đời, Phật xuất hiện trên cuộc đời để làm gì và Phật nhập diệt, Ngài về đâu?

Khi thái tử Sĩ-đạt-ta sanh ra, tiên A-tư-đà đã thấy Đức Phật hiện hữu bên trong thái tử, nên ông vội sụp lạy là ông lạy vị Phật ẩn bên trong thân của thái tử. Nghĩa là ông biết được con người thật của Sĩ-đạt-ta bên trong là Phật, nên Ngài tu chắc chắn sẽ thành Phật.

Nhìn về Phật như vậy và quán tưởng ngược lại mình để xem ta là ai. Trước khi ta sanh ra, ta là ai, ở đâu và ta sanh ra rồi, ta hiện hữu trên cuộc đời thì thân này có phải là ta không và sau khi chết, ta về đâu? Phải nhận ra con người thật của mình, nếu không thì tu suốt đời không được gì.

Phật dạy phải tìm hiểu con người thật của mình và con người thật này nằm bên trong con người giả. Chỉ vì chúng ta chấp thân giả này là mình, nhưng thực sự nó không phải là mình. Thật vậy, trước khi sanh, mình không có thân này. Phải mượn cha mẹ sanh ra, mình mới có thân này, là cha mẹ tạo cho mình thân này, còn con người thật của mình nằm bên trong. Ví như cha mẹ may cho mình chiếc áo ngũ uẩn, mình mặc vô rồi nói đó là mình. Nhưng do nghiệp của cha mẹ và nghiệp của mình tạo nên giả thân này.

Phật nói giả thân không thật, vì nay nó còn, mai nó chết. Cái gì thật thì phải bất biến, mà có chết là giả rồi. Nhưng quan trọng là trong thân giả có cái thật ở bên trong, nên tu hành, phải cố gắng tìm cái thật bên trong mình.

Thực tế cho thấy ngày nay có những đứa trẻ thần đồng có hiểu biết mà người lớn không biết. Nhưng nó lớn lên, tánh linh của nó bị mất lần. Nếu biết tu thì sẽ giữ được tánh linh này liên tục. Nhưng không tu, bị cuộc đời nhồi nhét khôn dại khiến tánh linh mất luôn; nói cách khác, bị ngũ uẩn ngăn che làm cho những gì tốt đẹp của mình ở đời trước mất lần.

Riêng tôi có điều lạ, khi còn là nghiên cứu sinh ở Nhật, tôi đem một số sách vô thư viện, nhưng tôi không cần đọc hết, chỉ đọc đề tựa hoặc coi thêm mục lục, tôi tự cảm nhận được thâm ý của tác phẩm và tác giả. Có khả năng thiên phú này, mới học lên cao được. Nếu không, thì phần nhiều học chậm, học đâu biết đó thôi. Còn có tánh linh giúp mình có tầm hiểu biết mở rộng cho đến biết được những điều không học, thậm chí biết cả đời trước.

Thật vậy, tôi nhận ra điều này qua sự thông minh vượt bậc của Phật Thích-ca. Khi Ngài mới 9 tuổi, vua Tịnh Phạn mời các ông thầy giỏi nhất đến dạy. Thái tử hỏi những sách mà ông thầy chưa từng nghe tới, huống chi là đọc. Và Ngài hỏi ông thầy định dạy ngôn ngữ nào trong 36 thứ ngôn ngữ mà Ngài kể ra vanh vách. Ông thầy khiếp quá, sụp lạy, không dám dạy thái tử! Đó là trí tuệ độc nhất vô nhị của con người thật bên trong thái tử Sĩ-đạt-ta.

Thiết nghĩ trên đời này, không ai giống ai, vì nghiệp thiện hay ác của từng người khác nhau, tánh linh của từng người khác nhau. Vì vậy, Phật bảo nhìn bề ngoài của giả thân để biết phần nào con người thật bên trong của họ. Tu hành, thành tựu được pháp Phật thì nhìn người, biết họ đang nghĩ gì, họ tới với mình để làm gì… Và tìm người có ý nghĩ tốt, làm được việc gì thì Phật mới dạy. Vì vậy, Phật mở ra Tam thừa để độ hàng nhân thiên. Tuy nhiên, không phải Phật độ được tất cả mọi người. Đối với con người có tánh người, Phật mới dạy, nhưng dưới con người thì rất khó dạy, vì họ đâu nghe được.

Thực sự con người có tánh người thì họ phải có lòng thương. Phật nói với họ rằng từ đây đến suốt đời, không được sát hại chúng sanh. Nếu giữ được như vậy là tánh thiện bên trong, tức tánh thương người phải có mới dạy pháp này được. Đối với người ác thích giết hại, họ lấy sự giết hại làm vui, làm sao dạy pháp không sát sanh. Thí dụ vua Bảo Đại, đâu phải ông không có ăn, nhưng ông lên dinh Buôn Ma Thuột đi săn để thấy con chó săn rượt bắt hươu nai, chúng hoảng sợ chạy trối chết làm ông thấy vui và bắt được chúng rồi hành hạ chúng, lấy đó làm vui là tánh ác bên trong thấy người khác khổ mới vui.

Tánh ác bên trong có, làm sao họ làm thiện. Tánh thiện bên trong có sẵn rồi, chỉ cần khơi dậy thôi. Tôi đi học, thấy người ta đứng câu cá, giựt con cá bay lên hư không, thấy nó run rẩy khiến mình cảm thấy thương nó và mình cũng cảm giác đau giống như nó vậy.

Căn lành có mới đi tu được. Từ căn lành, mình theo Phật, nhìn xa thấy tất cả chúng sanh vì ăn mà giết hại nhau. Con hổ đói bắt giết con nai ăn thịt, nhưng khi nó no rồi thì dù có cả đàn nai, nó cũng không bắt.

Vì ăn mà giết hại nhau, nhưng nâng lên một bước nữa, thấy con người ác thiệt, không phải vì ăn mà giết, như đã nói, vì họ lấy việc sát hại làm thú vui.

Xa hơn, có tánh ác muốn giết một người cho đến tìm mọi cách giết nhiều người càng tốt. Vì thế, loài người mới có chiến tranh, từ chiến tranh bộ lạc đến chiến tranh quốc gia, lan rộng đến chiến tranh thế giới. Lịch sử cho thấy Đệ nhất thế chiến và Đệ nhị thế chiến đã giết chết biết bao nhiêu người. Như vậy, chúng ta thấy con người ác hơn con thú, không ăn cũng giết, không phải vì đói, vì cần ăn cũng giết.

Ác ma muốn tất cả mọi người làm nô lệ nó, không theo thì nó giết. Ác ma luôn đấu với Phật, tức ác ma ra đời, cũng có Phật và Bồ-tát ra đời.

Phật ra đời cũng chỉ cứu độ hàng Nhị thừa và hàng nhân thiên. Hàng nhân thiên có căn lành, biết thương người, không gian tham, trộm cướp, không tà dâm, không nói dối trá, con người thật bên trong của họ là con người tốt. Phật chỉ độ những người tốt thôi. Làm sao độ được những người ác, vì nói khác là nó giết liền. Nhưng không giết được Phật, vì Phật biết hết rồi và Ngài có đủ phương tiện để hóa giải tâm ác và việc ác của họ. Khi nào mình thành Phật mới không sợ kẻ ác. Chưa thành Phật phải nhờ Hộ pháp Long thiên che chở để mình thoát nạn.

Tu hành cần quan sát bên trong thân tứ đại hàm chứa cái gì, vì tâm bên trong sẽ hiện ra tướng bên ngoài và bên ngoài tác động ngược lại tâm bên trong, tức thân tâm tác động qua lại, kinh gọi là tâm sanh pháp và pháp sanh tâm. Con người bên trong sợ hãi sẽ hiện tướng sợ hãi. Tâm bên trong bình tĩnh sẽ hiện tướng bình tĩnh. Tâm hiền lành hiện tướng hiền lành. Tâm hung dữ hiện tướng hung dữ. Nhìn tướng bên ngoài mà biết tâm họ bên trong, tức biết họ là ai.

Vì thế, thấy họ là Phật, Bồ-tát, Thánh nhân, mình gần gũi. Thấy họ là tà ma quỷ quái, mình tránh và nhờ Hộ pháp xử họ thôi, mình không có khả năng, không nên đụng với họ. Ở chùa mình thờ hai ông Kim Cang, ai muốn đấu thì đấu với hai ông đó. Bồ-tát Quan Âm rất hiền, nhưng đấu với ác ma, Ngài phải hiện làm Tiêu-diện đại sĩ. Ngài có 32 ứng hóa thân, nên Ngài cũng có đủ những đấu pháp tương ưng để xử ác ma. Mình chỉ có một thân, nên họ hại mình dễ dàng.

Mình nhìn thấy tướng người, biết được một phần họ nghĩ gì, muốn làm gì. Thấy họ muốn tu, mới dạy họ tu được, nhưng họ không muốn tu thì không có cách nào để bảo họ tu. Câu chuyện giữa Mục-kiền-liên và Duy-ma-cật cho thấy ý này. Mục-kiền-liên giảng Tứ Thánh đế cho những thanh niên dòng Sát-đế-lợi rằng cuộc đời này là khổ, sanh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ… Họ không nghe, bỏ đi. Duy-ma-cật nói thầy dạy như vậy là sai. Thầy không quán nhân duyên, họ không muốn thoát ly sanh tử mà thầy dạy như vậy thì sao họ nghe theo. Thầy phải quán sát họ muốn gì, có khả năng làm gì, theo đó dạy. Nếu họ có khả năng làm thương gia thì dạy họ cách kinh doanh phát đạt, hoặc họ có khả năng làm chính trị, dạy họ cách trị nước an dân.

Thực tế cho thấy Lý Khánh Vân nuôi Lý Công Uẩn, cạo đầu và bắt tu. Nhưng anh này đâu muốn tu, còn phá đến mức ăn luôn chè cúng ông địa, rồi nói ông địa bằng đất làm sao ăn chè được. Lý Khánh Vân nói anh này khó dạy, nhưng Thiền sư Vạn Hạnh bảo rằng dạy anh ta làm sư là không đúng, vì anh có khả năng làm vua, hộ trì Phật pháp. Ngài Vạn Hạnh đưa anh về, dạy văn võ, dạy cách trị nước an bang, về sau trở thành ông vua có tài đức.

Điều quan trọng phải nhìn thấy con người thật, Lý Khánh Vân không thấy con người thật của Lý Công Uẩn, nhưng Vạn Hạnh thấy biết con người thật của người này là chân mạng đế vương.

Trên bước đường tu, ta nhìn bề ngoài lần đến nhìn bề trong của người, giữa họ và mình có mối quan hệ nào đó, ý nghĩ của họ và mình gặp nhau thì mới chia sẻ hiểu biết được và giúp đỡ nhau được. Giống như hai thanh đồng mới truyền điện được, còn thanh gỗ và thanh đồng làm sao truyền điện được. Thực tế cho thấy hai người ác gặp nhau liền rủ nhau đi ăn cướp, nhưng hai người thiện có sự cảm thông với nhau thì dắt nhau đi chùa dễ dàng.

Phật nói chỉ có hàng nhân thiên độ được, còn hàng khác, Ngài không thể độ. Ác ma còn chống Phật, làm sao độ, họ có nghe đâu mà độ. Hàng nhân thiên là con người thật hiền lành, ráng giữ Tam quy ngũ giới thì đời đời không đọa xuống.

Theo ác ma, trước mắt có thể giàu có, nhưng về sau thì tù tội, chết chóc. Phật dạy, người lương thiện nghe được, người ác không thể nghe Phật. Họ chỉ muốn bằng mọi cách có nhiều tiền. Tôi có người bạn đạo Công giáo, anh này thương kính tôi, nhờ tôi chỉ cách giúp đỡ người em nghèo. Vì anh gửi một ngàn đô cho nó lập nghiệp, nhưng nó ghi số đề, mất hết tiền. Tôi bảo người khôn không đưa tiền cho người cờ bạc. Có thương thì cho đủ sống, hay thiếu một chút nhưng còn sống được, để làm việc gì đó thôi, còn cho họ làm thủ kho thì coi chừng mất hết. Độ người, cứu người rất khó, không biết dễ mắc họa.

Phật nói Ngài ra đời chỉ độ con người, vì Ngài nói, họ nghe được, nhưng người này phải là người hiền. Người ác thì không được Phật độ. Cao hơn một bước là chư thiên ở cõi trời cũng được Phật độ. Phật dạy chư thiên thập thiện nghiệp đạo là thân không sát sanh, không trộm cướp, không dâm dục; miệng không nói hung ác, không nói thêu dệt, ý không tham, không giận, không si mê. Đó là mười điều lành giữ trọn thì chết cũng về trời.

Trời sanh xuống làm người, nhưng bản chất khác người. Ở thế giới này là ngũ thú tạp cư, có đủ thành phần sanh vô đây, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, a-tu-la, người, trời đều có ở đây. Gọi là tiên mắc đọa vô loài người, nhưng họ đặc biệt có thân hình đẹp đẽ, có dáng di nhẹ nhàng như mây bay và thân tiết ra mùi hương…

Tất cả các loài sanh vô loài người, nhưng tánh bên trong của họ còn. Phật nói anh có dáng dấp và có cuộc sống là chư thiên nên cố gắng giữ gìn thập thiện giới để sau khi xả bỏ thân người thì trở về cõi trời. Vì gốc là chư thiên nghe Phật nói pháp này, họ chấp nhận được. Sở dĩ họ có gia đình, vợ con, vì thân vật chất của họ do cha mẹ dâm dục sanh ra, nên họ bị tác động vật chất nhưng không mê, nghĩa là thân họ có dâm, nhưng tâm họ không có dâm.

Phật nói trúng ý các ông tiên mắc đọa, nên họ tu theo Phật là Phật độ chư thiên về các tầng trời. Và Phật cũng độ con người tái sanh cõi lành. Đó là ý nghĩa Phật độ chúng nhân thiên.

Ngoài ra, Phật độ hàng Nhị thừa, họ muốn ra khỏi sanh tử, nhưng không biết cách tu. Mỗi ông thầy ngoại đạo chỉ một cách hành hạ thân xác như nhịn đói, đứng một chân, nhìn mặt trời, hay đốt lửa lạy… Điển hình là Ưu-lầu-tần-loa Ca-diếp lạy lửa cả đời mà chẳng được gì. Phật mới tới, hỏi họ tại sao lạy lửa. Ông nói vì đốt lửa thấy lửa bay lên, nên lạy lửa để nó dẫn mình lên trời. Phật đã lên trời rồi và chia sẻ cho họ cách tu lên trời, Ngài bảo lạy lửa đâu lên trời được. Hay họ tin rằng xuống sông Hằng tắm để hết nghiệp. Lửa đốt, khói bay lên rồi cũng rớt xuống. Còn cá, tôm, rùa ở sông Hằng cả đời nhưng không hết nghiệp. Tu như vậy là mê tín. Các ông này thấy Phật nói đúng, vì các ông đã tu cả nửa đời mà có được gì đâu.

Phật dạy các ông này là chúng Nhị thừa phải tập pháp tu thiền Tứ niệm xứ sẽ được an lạc thì Phật sẽ dạy các pháp khác. Các ông thực tập Tứ niệm xứ là quán thân bất tịnh, quán thọ thì khổ, quán thân vô thường, quán pháp vô ngã. Cuối cùng, tâm không còn nghĩ gì là đạt được vô ngã thì bên kia của vô ngã sẽ thấy Phật.

Như vậy, Phật độ là phải tới chỗ cửa Không, Phật mới dẫn mình đi được. Mình còn ở cửa “Có”, ở sanh tử thì làm sao thấy Phật được. Ở đây dù làm gì cũng không thấy Phật, nhưng mình có căn lành, quán Không đạt đến pháp vô ngã, tức mọi cái trên cuộc đời sanh diệt không có thật, vì con người do tứ đại hợp thành và có thân vật chất thì có xúc chạm, có suy nghĩ, hiểu biết, nhưng tư tưởng đi đến vô ngã, tất cả không có gì là trống không. Ý này được kinh Pháp hoa diễn tả là ra khỏi nhà lửa đến bãi đất trống là Không. Mình tu phải tới chỗ này.

Vì vậy, còn ở cánh cửa sanh tử thì khổ não vô lượng, nhưng qua cửa Không, mình thấy Phật. Vì mình ở sanh tử còn có thân, nên có tiếc nuối thân mạng mới lo sợ rồi sanh ra đủ thứ phiền não. Nhưng mình không sợ, không ham muốn, tức tâm trống không là tâm yên tĩnh thì tâm mình lọt qua thế giới Niết-bàn có Phật, Bồ-tát ở đó. Nói thì đơn giản, nhưng sự thật là giữa hai thế giới sanh tử và Niết-bàn có lằn ranh rất nhỏ khó xuyên qua được.

Ưu-lầu-tần-loa Ca-diếp đã tu lâu, cốt yếu là ông muốn ra khỏi sanh tử, ông không còn ham muốn gì. Vì vậy, Phật dạy ông quán Tứ niệm xứ, chỉ một đêm, ông chứng được pháp này, lọt vào cửa Không mới thấy Phật và La-hán. Ông thuộc chúng Nhị thừa là con Phật mà chạy lạc vô nhà lửa, nên Phật hiện thân vô nhà lửa để cứu thoát các ông này thôi. Còn người khác khổ đau không chạy ra khỏi nhà lửa được, vì họ còn tham, sân, si, không đến cửa Không, không thấy Phật, không tiếp cận với Phật được thì làm sao Phật dẫn họ thoát ra nhà lửa.

Tuy nhiên, trên bước đường tu, mình có căn lành sanh vô đây là chạy lạc vô thế giới sanh tử, nên mình luôn nghĩ đến Phật và muốn thoát ly sanh tử thì có ý nguyện đó mới gặp Phật, Phật mới độ được. Bây giờ không có Phật hiện thân trên cuộc đời này, nhưng mình tu theo kinh Pháp hoa, tụng kinh Pháp hoa và nhập Pháp hoa tam muội, tới cửa Không, thì thấy Phật, lọt vô thế giới Phật và sống trong thế giới Phật, tâm mình hoàn toàn thanh tịnh.

Thâm nhập lý này, mỗi ngày tôi tụng kinh, niệm Phật, lạy Phật, tức nghĩ nhiều về Phật, không nghĩ nhiều về thế giới này. Còn hiện hữu thì làm gì ích lợi cho cuộc đời, ai có duyên, mình giúp đỡ.

Ra nhà lửa đến bãi đất trống là cắt sạch khổ não, tức tâm mình không buồn phiền, không oán giận, không ham muốn, thì tâm lắng yên, trống vắng được kinh Pháp hoa thí dụ là bãi đất trống. Tâm mình ra chỗ trống vắng này mới gặp Phật, gọi là những tâm hồn lớn gặp nhau, ví như người sáng mắt mới thấy nhau được. Còn lúc trước, tâm bị ngũ uẩn ngăn che, nhưng hạ màn ngũ uẩn, mắt được sáng mới thấy Phật.

Ý này trong kinh Pháp hoa, phẩm Như Lai thọ lượng thứ 16 nói rằng những người con Phật (trong đó có mình) uống lầm thuốc độc làm mất bản tâm và nghe cha chết, sợ hãi mới uống thuốc của cha cho, được lành bệnh thì thấy cha trở lại.

Ở trong sanh tử không thấy Phật, nhưng ra khỏi sanh tử thì thấy Phật. Ở cuộc đời này, ai cũng như ai, nhưng sau khi xả thân, mọi người theo nghiệp thọ báo mà sanh vào thế giới tương ưng. Vì vậy, mình từ thế giới Phật sanh lại thì chết, mình trở lại thế giới Phật.

Biết như vậy, trở lại câu hỏi đã đặt ra là trước khi sanh, mình là ai, hiện giờ ai là mình và sau khi chết, mình về đâu. Mình trả lời rằng trước khi sanh, tôi là Thanh văn, hay là Bồ-tát, hay là gì đó ở trong thế giới Phật. Vì thế, dù ở cuộc đời này, lòng tôi vẫn nghĩ đến Phật, hoài niệm về Phật. Ý thức sâu sắc rằng tôi từ thế giới Phật sanh lại đây, nên tôi nghĩ đây là quán trọ, chỉ ở một thời gian thôi và mãn duyên, tôi trở về thế giới Phật.

Còn nếu những người mới ở địa ngục sanh lên thì cuộc sống của họ đầy khổ đau. Phật nói họ cũng tu được, nhưng phải nhớ đến cái khổ vô cùng của địa ngục mà họ mới thoát ra được, nên không dám làm ác để phải trở lại địa ngục nữa. Nhưng đa số người cứ tạo ác hoài, nên họ đi ra đi vô địa ngục liên tục.

Mình từ thế giới Phật sanh lại, thì hết duyên ở đây, mình về thế giới Phật được. Sống theo pháp Phật dạy và định hướng như vậy, chết về Phật được.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thượng toạ Thích Tĩnh Triệt

Đồng Tháp: Ban Trị sự GHPGVN tỉnh có tân Trưởng ban sau khi Hoà thượng Thích Chơn Minh viên tịch

GNO - Nguồn tin của Báo Giác Ngộ, ngày 14-11, Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự thay mặt Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN đã ấn ký Quyết định số 444/QĐ-HĐTS bổ nhiệm Thượng tọa Thích Tĩnh Triệt làm Trưởng ban Trị sự kiêm Trưởng ban Tăng sự GHPGVN tỉnh Đồng Tháp.

Thông tin hàng ngày