Quản lý học trong kinh A Di Đà

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
GNO - Trong Phật giáo, có một cõi nước Tịnh độ của Ðức Phật mà mọi người luôn hướng đến, cầu sinh về đó. Vị giáo chủ của cõi nước này là Ðức Phật A Di Ðà, Ngài là vị chuyên gia quản lý rất xem trọng việc bảo vệ hệ sinh thái, rất khéo léo trong việc quy hoạch xây dựng và vô cùng am hiểu cách giáo dục nhân dân.

Nếu một người lãnh đạo điều hành xứ sở đạt được nền chính trị ổn định, kinh tế phồn vinh, giáo dục, văn hóa phát triển hưng thịnh, có phong tục tập quán, tín ngưỡng tốt đẹp, xã hội yên ổn, trị an, cuộc sống nhân dân đầy đủ, hòa thuận, hạnh phúc với những tháng ngày không buồn lo, v.v… thì chắc chắn, mọi người trên toàn thế giới đều ngưỡng mộ người lãnh đạo đó và mong muốn được sống ở quốc gia mà họ điều hành.

Trong Phật giáo, có một cõi nước Tịnh độ của Ðức Phật mà mọi người luôn hướng đến, cầu sinh về đó. Vị giáo chủ của cõi nước này là Ðức Phật A Di Ðà, Ngài là vị chuyên gia quản lý rất xem trọng việc bảo vệ hệ sinh thái, rất khéo léo trong việc quy hoạch xây dựng và vô cùng am hiểu cách giáo dục nhân dân.

Từ những ghi chép trong kinh A Di Ðà, chúng ta có thể biết rằng, Ðức Phật A Di Ðà đã quản lý thế giới Cực lạc của Ngài một cách trật tự hợp lý, xây dựng trang nghiêm hơn nhiều so với bất kỳ quốc gia tiên tiến nào trên thế giới.

Do đó, với phương pháp quản lý của Ðức Phật A Di Ðà, nơi này chắc chắn đủ điều kiện cho tất cả các nhà lãnh đạo trên thế giới học hỏi. Vì vậy, xin được nêu ra một số nội dung chính như: Bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên, tổ chức nơi cư trú khoa học, đời sống kinh tế, kiện toàn hệ thống nhân sự, bình đẳng giáo dục, chung sống hòa hợp.

1- Bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên

Hiện nay, cả nhân loại đang đề cao việc bảo vệ môi trường, bảo vệ thế giới tự nhiên. Thật không sai khi nói rằng, Ðức Phật A Di Ðà là vị chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực này.

Căn cứ theo miêu tả trong kinh A Di Ðà, môi trường tự nhiên của thế giới Cực lạc rất trang nghiêm, tráng lệ, có “bảy tầng lan can, bảy hàng lưới giăng, bảy hàng cây quý, chung quanh đều trang trí bốn báu”. Hơn nữa, Cực lạc còn có “ao chứa bảy báu, nước tám công đức đầy ắp dồi dào, cát vàng óng ánh ngập tràn đáy ao”, có “hoa sen trong ao, to như bánh xe, có đủ sắc màu, ánh sáng như xanh, vàng, đỏ, trắng, v.v… tỏa hương thơm thanh khiết vi diệu”.

Từ những ghi chép trong kinh A Di Ðà, chúng ta có thể biết rằng, Ðức Phật A Di Ðà đã quản lý thế giới Cực lạc của Ngài một cách trật tự hợp lý, xây dựng trang nghiêm hơn nhiều so với bất kỳ quốc gia tiên tiến nào trên thế giới.

Dựa theo những miêu tả này, chúng ta có thể hình dung được rằng Ðức Phật A Di Ðà đã quy hoạch thiên nhiên của thế giới Cực lạc giống như một công viên tuyệt đẹp. Tại đây, cây xanh cao to, thẳng tắp nhiều vô số, được trồng theo hàng lối, cắt tỉa gọn gàng đẹp đẽ, khắp núi rừng thung lũng không có một cây nào bị chặt phá.

Tại thế giới Cực lạc, Ðức Phật A Di Ðà quản lý, quy hoạch tài nguyên nước khiến nước “có đủ tám công đức”, có những tính chất như sau: 1. Lắng gạn trong sạch; 2. Trong trẻo mát lạnh; 3. Hương vị ngon ngọt; 4. Nhẹ nhàng mềm mại; 5. Thấm nhuần tươi mát; 6. An hòa (yên ổn hòa nhã); 7. Trừ được đói khát; 8. Tăng trưởng thiện căn. Nước ở đây luôn tuôn chảy trong sạch, không bị ô nhiễm bởi các chất bẩn, độc hại do các nhà máy xả ra.

Ngoài ra, Ðức Phật A Di Ðà cũng chú trọng tới việc quản lý tài nguyên không khí. Ngài làm cho nơi này không có khói đen do ô-tô, xe máy thải ra, mà chỉ có những bông sen to bằng bánh xe, khoe đủ màu sắc, lay động nhẹ nhàng, dưới làn gió mát, trong lành ở khắp nơi.

Ở nơi đây, còn có nhiều loài chim với năm màu sắc lộng lẫy, bay lượn trên bầu trời. Chúng “ngày đêm sáu thời, đều hót lên âm thanh tao nhã” làm cho tâm người nghe luôn được thanh tịnh và thư thái.

Tiếng chim hót như hòa vào trong lời pháp ngữ, trong âm thanh thuyết pháp của những người tu tập. Tiếng hót của chúng còn diễn giảng về Phật pháp như: “Ngũ căn, Ngũ lực, Thất Bồ-đề phần, Bát Thánh đạo phần, v.v…”. Âm thanh này khiến người nghe tự nhiên phát khởi tâm “niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng”.

Có thể nói, Ðức Phật A Di Ðà rất coi trọng việc bảo vệ thiên nhiên và môi trường. Cho nên, Ngài quản lý cõi Cực lạc không có một tiếng ồn hay bụi bẩn, không bị mất cân bằng sinh thái, không có thiên tai, hỏa hoạn, lũ lụt, mưa bão, sóng thần và động đất.

Chính vì Ðức Phật A Di Ðà đã đặt hết tâm sức của mình để quản lý thế giới Cực lạc, làm cho nó trở nên vô cùng trang nghiêm đẹp đẽ, nên chúng sinh trong thế giới Ta-bà đều khao khát được về nơi đó.

Ðiều này cũng giống như tất cả các nước có ngành du lịch phát triển trên khắp thế giới ngày nay, họ không tiếc công sức, tiền bạc cho việc bảo vệ các di tích lịch sử văn hóa và duy trì môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên nên nước của họ đã thu hút được rất nhiều người từ khắp nơi đến du lịch hoặc nhập cư sinh sống. Tuy vậy, những điều họ làm còn kém xa so với những điều mà Ðức Phật A Di Ðà đã làm ở thế giới Tây phương Cực lạc.

Cho đến thời đại ngày nay, mọi người mới hiểu rằng cần phải chú ý đến việc bảo vệ môi trường cũng như quan tâm hơn đến hệ sinh thái của trái đất. Trong khi đó, ngay từ mười kiếp trước, Ðức Phật A Di Ðà đã rất chú trọng việc phát huy tích cực vấn đề bảo vệ môi trường. Không chỉ là một chuyên gia bảo vệ môi trường có tầm nhìn xa mà Phật A Di Ðà còn thực hiện một cách chắc chắn, toàn diện và triệt để trong việc bảo vệ môi trường của thế giới Cực lạc. Cho nên, người làm công tác quản lý, bảo vệ môi trường như các vị bộ trưởng và quần chúng quan tâm đến vấn đề này đều phải nên học hỏi từ Ngài.

2- Tổ chức nơi cư trú khoa học

Ðức Phật A Di Ðà không chỉ là chuyên gia bảo vệ môi trường vĩ đại mà Ngài còn là một kiến trúc sư kiệt xuất. Ngài xây dựng nên thế giới Cực lạc “đất toàn vàng ròng”, hơn nữa còn có “bảy tầng lan can, bảy hàng lưới báu” cho đến đình đài, lầu các, bậc thềm, v.v… bao quanh bốn phía, khắp nơi được trang hoàng từ nhiều trang sức như vàng bạc, lưu ly, pha lê, xà cừ, xích châu, mã não, v.v…

Có thể nói, những quang cảnh nơi đây đều trang nghiêm mỹ lệ, trùng trùng điệp điệp, hùng vĩ nguy nga. Chất lượng kiến trúc và những vật liệu sử dụng cho các công trình đều rất đặc biệt, vượt xa những nơi khác.

Vì Ðức Phật A Di Ðà kiến tạo nên cõi Tịnh độ với môi trường sống chất lượng cao cho nên nơi đây luôn được mọi người tìm đến và hy vọng trở thành cư dân của cõi này.

Ðiều này xem ra cũng giống như người lao động đi tìm việc làm trong xã hội hiện nay. Trước tiên, họ tìm hiểu môi trường làm việc mình quan tâm là tốt hay xấu, nếu tốt thì đua nhau đến, mong muốn được tuyển dụng trở thành nhân viên của công ty đó.

Thực ra, với sự tiến bộ của công nghệ trong thời đại hiện nay thì mức sống của người dân đã được nâng cao hơn rất nhiều. Hầu hết mọi người đều sống trong những tòa nhà cao tầng, sàn nhà được trải thảm hoặc lát đá hoa cương, cũng không kém gì được dát vàng như thế giới Cực lạc. Trong nhà đều có sẵn mọi thứ hiện đại như: Máy điều hòa, bếp ga, lò nướng, bếp điện, tủ lạnh, v.v… tất cả những điều này khiến mọi người cảm thấy như bản thân đang sống trong thế giới Cực lạc vậy. Nhưng thế giới Cực lạc vẫn hơn hẳn các thế giới khác về nhiều mặt. Bởi xưa nay, ở thế giới Cực lạc không có người đi “thuê nhà” cũng không có tình trạng người “vô gia cư” lang thang không có nhà để về. Ở nơi này, ai ai cũng là “người có mái ấm” cho nên mọi người yên tâm sống tự tại và cùng tu tập.

Hơn nữa, trong thế giới Cực lạc không có các công trình xây dựng bất hợp pháp, hoặc tự phát không có quy hoạch cụ thể. Ở đây chỉ có những lan can bảy báu được xây dựng quy củ và thống nhất như đã đề cập trước đó. Tất cả những kiến trúc ở thế giới này như cung điện, lầu gác, v.v… đều được bảo vật bao quanh cả.

Quan điểm xây dựng đô thị của Ðức Phật A Di Ðà là thiết kế quy hoạch một thế giới trang nghiêm, rộng lớn với kiến trúc mang vẻ đẹp tầng tầng, lớp lớp, hùng vĩ huy hoàng và còn có sự kết hợp rạng rỡ của bảy báu.

Từ những tòa nhà nguy nga và tráng lệ ở thế giới Cực lạc, chúng ta thấy được Ðức Phật A Di Ðà thực sự là một kiến trúc sư quy hoạch đại tài. Vì thế, ngày nay, chúng ta có thể tham khảo việc xây dựng và quy hoạch từ kinh A Di Ðà để kiến thiết nên môi trường cộng đồng giống như ở cõi Tịnh độ Cực lạc.

Ðặc biệt, ở thế giới Cực lạc này, Ðức Phật A Di Ðà rất ưu tiên giải quyết vấn đề nhà ở của người dân bởi “có tề gia thì mới có thể trị quốc”. Ðây chính là điều mà con người ngày nay nên học hỏi từ Ngài.

Hiện nay, trên thế giới, bất kỳ cường quốc kinh tế nào cũng đều cần phải ổn định tình hình nội bộ trong nước, rồi sau đó mới phát triển kinh tế và mở rộng ngoại giao. Ðể được như vậy thì trước hết đất nước đó phải tạo điều kiện cho mọi người dân sống và làm việc trong hòa bình. Nếu không có an ninh thì muôn nhà làm sao có thể sinh sống và làm việc tốt được? Ngoài ra, đất nước đó cần phải xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, v.v… cho ổn định, bền vững, rồi sau đó mới có thể tiến hành mọi hoạt động khác được.

Do đó, việc xây dựng nhà ở cho người dân như thế nào, lập kế hoạch phát triển đô thị ra sao, đều là những vấn đề mà người lãnh đạo quốc gia cần phải suy nghĩ và lưu tâm nhiều hơn nữa.

3- Ðời sống kinh tế

Con người muốn tồn tại thì trước hết phải được ăn no mặc ấm. Ðây là nhu cầu thiết yếu, cơ bản nhất của cuộc sống. Tục ngữ có câu: “Dân xem thức ăn như trời”. Nhưng đằng sau cuộc sống vật chất đầy đủ, thỏa mãn, con người còn cần phải có đời sống tinh thần nội tâm, nhất là đời sống tín ngưỡng tôn giáo. Ðời sống tinh thần có phong phú, cuộc sống mới thực sự hạnh phúc.

Việc “muốn quần áo thì có quần áo, muốn cơm ăn thì có cơm ăn” ở thế giới Cực lạc có ý nghĩa gì? Ðó chính là mọi người không còn phải bận rộn vì ba bữa cơm, ở nơi đây, khi muốn điều gì chỉ cần nghĩ đến thì điều đó liền được thỏa mãn, no đủ: từ các cảm xúc, cho đến mắt, tai, mũi, lưỡi, v.v…. Ðối với y phục, tất cả quần áo đều rất nhẹ nhàng, gọn gàng với những chất vải như nhung, lanh, lụa quý, mùa hè thì mát, mùa đông lại ấm. Mọi nhu cầu của mọi người ở nơi này đều có thể đạt được, không lo thiếu hụt.

Ngoài việc sống sung túc về vật chất, thì đời sống tinh thần của mọi người tại nơi này cũng rất phong phú. Mỗi buổi sáng thức dậy, họ đều đem “nhiều hương hoa, y phục quý báu cúng dường mười phương hằng sa số chư Phật”, cho đến khi tới giờ ăn mới quay trở về. Ðể đi lại giữa các nơi họ đều tự do bay lượn, muốn đi đến đâu thì họ sẽ bay đến đó, rất thuận tiện và không bao giờ xảy ra các sự cố giao thông.

Một ngày sinh hoạt của người dân ở thế giới Cực lạc diễn ra như sau: Sau khi ăn xong, đi dạo, ngắm cỏ cây hoa lá khiến cho trong lòng thư thái. Tiếp đó, họ thực hiện công việc tu tập như “niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng” rồi cùng mọi người hợp lại để thảo luận về Phật pháp.

Có thể thấy, Ðức Phật A Di Ðà đã chăm lo rất tốt cho đời sống của người dân nơi đây, từ cơm ăn, áo mặc, nơi ở, đi lại, tu học và giải trí. Ðặc biệt, tại thế giới Cực lạc, không có vật nào là của riêng, hay là thuộc quyền sở hữu của riêng ai, tất cả đều được chia sẻ công khai. Ở nơi này, mọi người không bị kinh tế chiếm hữu, không có cuộc sống khốn khó, cũng không phải lo lắng về trạng thái suy thoái kinh tế, hoặc các vấn đề như sự lên xuống, rớt giá của giá cổ phiếu.

Có thể nói, Ðức Phật A Di Ðà là một chuyên gia kinh tế hàng đầu, vì Ngài đã hoàn thiện rất tốt công việc quản lý kinh tế của cõi Tịnh độ. Quan trọng hơn nữa, người dân ở cõi Tịnh độ có quyền tự do ngôn luận và tư tưởng, họ có thể thoải mái thảo luận về chân lý. Cho nên, bên cạnh đời sống vật chất phong phú, thì họ càng chú trọng đến việc thăng hoa về mặt tinh thần.

Việc sắp xếp, quản lý, chăm lo cả đời sống vật chất và tinh thần ở cõi này cũng đã nói lên quy luật: Một đất nước kinh tế phát triển, cần chú ý đến việc nâng cao trình độ nhân văn, dân trí, bởi vì văn hóa là linh hồn, là động lực phát triển của một đất nước.

Giống như một số nền văn minh cổ xưa trên thế giới để lại những di sản làm chúng ta ngày nay phải ngưỡng mộ và thán phục. Nếu như họ không có nguồn văn hóa nội hàm, cũng như không có tinh thần văn hóa thì sẽ không có được điều này.

Vì vậy, những người lãnh đạo đất nước nên học hỏi từ Ðức Phật A Di Ðà, giải quyết vấn đề của người dân phải thật sự dân chủ và công bằng, như vậy mới thu phục được lòng dân. Ðặc biệt, người lãnh đạo cũng phải coi trọng xây dựng văn hóa, làm giàu nội hàm tinh thần của nhân dân. Khi có được cơ sở hạ tầng nhân văn, và kiến trúc thượng tầng bền vững thì đất nước đó sẽ trở thành cường quốc trên thế giới.

4- Kiện toàn hệ thống nhân sự

Rất nhiều người thường nói chuyện với tôi về các vấn đề quản lý, tôi nói rằng người hiểu rõ nhất về quản lý chính là Ðức Phật A Di Ðà. Chúng ta cũng thấy điều khó quản lý nhất trên đời này, chính là con người. Công việc này tưởng chừng dễ làm, nhưng lòng người rất khó quản lý. Thế mà ở cõi Tây phương Cực lạc của Ðức Phật A Di Ðà, con người là “người có đủ điều lành, họp lại một nơi”. Ðức Phật A Di Ðà không chỉ phải quản lý nhiều người mà Ngài tập trung những “người có đủ điều lành” lại một chỗ, bởi họ là người luôn tôn trọng lẫn nhau, yêu thương nhau, gắn bó chăm sóc lẫn nhau, v.v…

Ðiều này đã chứng minh, Ðức Phật A Di Ðà không chỉ là một chuyên gia bảo vệ môi trường, một kiến trúc sư bậc nhất, một nhà kinh tế tài giỏi mà còn là một chuyên gia quản lý nhân sự kiệt xuất trong việc lãnh đạo, hướng dẫn muôn người.

Ðức Phật chỉ dạy tất cả chúng sinh không phân biệt thượng căn hay hạ căn1, chỉ cần xưng niệm danh hiệu của Ngài “nhất tâm bất loạn”. Vì vậy, chúng sinh sống trong thế giới Cực lạc đã đạt đến trạng thái bất thoái chuyển, là cảnh giới “không lay động” trong đạo nghiệp của họ. Họ đều là những người có đủ điều lành, không rơi vào ba đường ác. Vì an ninh công cộng nơi đây được quản lý rất tốt, không có sự bức hại của người ác và những điều xấu xa, mọi người không phải lo sợ bất cứ điều gì, họ đều được sống vô tư trong bình yên, và tương trợ lẫn nhau, nên không cần phải nhờ đến cảnh sát.

Tại sao Ðức Phật A Di Ðà có thể dẫn dắt chúng sinh về cõi Cực lạc?

Có thể lý giải là, đầu tiên bởi vì chúng sinh trong thế giới Cực lạc đều “từ hoa sen sinh ra”, không phải sinh ra từ thân thể trong bào thai, nên không có vướng mắc giữa tình yêu và dục vọng của nam nữ và không có sự phân biệt giữa người thân và không thân. Mọi người đều rất hòa thuận, không có sự chiếm hữu về kinh tế, không ích kỷ, không tham lam, không hơn thua, không ghen tỵ lẫn nhau, v.v… Ngoài ra, còn một nguyên nhân quan trọng khác là hệ thống nhân sự của cõi Tịnh độ toàn diện và đầy đủ.

“Chín phẩm liên hoa” hay “chín phẩm vãng sinh” ở tại thế giới Cực lạc có ý nghĩa gì? Ðó chính là, tùy theo trình độ tu tập của mỗi chúng sinh mà phân thành chín phẩm vị như: Thượng phẩm thượng sinh, thượng phẩm trung sinh, thượng phẩm hạ sinh; Trung phẩm thượng sinh, trung phẩm trung sinh, trung phẩm hạ sinh; Hạ phẩm thượng sinh, hạ phẩm trung sinh, hạ phẩm hạ sinh. Ở chín tầng lớp có thứ tự và quy tắc, mọi người không chỉ an cư lạc nghiệp, tu tập cho riêng mình mà còn thêm nỗ lực tinh tiến để đạt mục tiêu và tầng bậc tu tập.

Ðiều này cũng tương tự với hệ thống quản lý nhân sự nhà nước hiện hành, việc nâng ngạch chính thức được tiến hành theo quy định, có chế độ và quy tắc, tự mỗi người đều phải tuân thủ, không vi phạm. Ðồng thời, mọi người đều là người một nhà, hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau, hòa đồng, thương yêu, tôn trọng lẫn nhau. Tuy có sự khác biệt nhưng mọi người đều sống rất bình đẳng, tuy có những hạn chế, nhưng những việc này dần được khắc phục, quản lý theo một phương thức thống nhất.

Do đó, giữa các cá nhân và xã hội có mối quan hệ hài hòa, tự nhiên sẽ hình thành một cõi Phật Tịnh độ - nơi chung sống của các bậc Hiền đức và Thánh hiền. Ðiều này đã cho thấy, chỉ cần một quốc gia hay một đoàn thể với thể chế kiện toàn thì có thể phát triển thuận lợi, hài hòa. Ðây là một điểm quan trọng không thể xem nhẹ trong quản lý học.

5- Bình đẳng giáo dục

Như đã nói, cho dù là thượng căn, trung căn hay hạ căn, ai muốn vãng sinh về Cực lạc Tịnh độ thì điều kiện tiên quyết là “không thể thiếu phần nhân duyên, phúc đức”.

Chúng ta muốn vào được cõi nước Cực lạc phải thông qua việc tuyển chọn nhân tài của Ðức Phật A Di Ðà. Ai có đủ ba hành trang là “tín, hạnh, nguyện” thì Ngài mới thu nhận.

Không phải chỉ có tín tâm, mà chúng ta còn phải có nguyện lực, nhất là phải có năng lực niệm Phật, niệm đến khi “nhất tâm bất loạn”, như trong bản kinh A Di Ðà đã nói: “Nếu có thiện nam tín nữ nào trì niệm danh hiệu Ðức Phật A Di Ðà từ một ngày, hai ngày, ba ngày, bốn ngày, năm ngày, sáu ngày và bảy ngày, niệm đến nhất tâm bất loạn thì khi người đó sắp lâm chung, Ðức Phật A Di Ðà và tất cả các bậc Thánh sẽ hiện ra trước mặt người đó. Khi người ấy lâm chung, tâm không động loạn thì được vãng sinh về cõi nước Cực lạc của Ðức Phật A Di Ðà”. Vì vậy có thể thấy, tu theo Ðức Phật A Di Ðà là việc không hề dễ dàng, với rất nhiều điều kiện.

Tuy nhiên, một khi chúng ta đến được thế giới Cực lạc, Ðức Phật A Di Ðà sẽ giống như hiệu trưởng trường đại học, không ngừng tổ chức giảng dạy đạo pháp để đào tạo người tài. Vì thế, câu kinh: “Người có đủ điều lành hợp lại một nơi” chính là nói việc tập hợp và giáo dục nhân tài từ khắp nơi trên thế giới.

Ðặc biệt, Ðức Phật A Di Ðà rất coi trọng giáo dục đời sống, giáo dục toàn diện về các mặt đạo đức, tri thức, thể chất, đoàn thể, âm nhạc và hội họa. Hơn nữa, còn có giáo dục thông qua giải trí để mọi người có thể tu học và hành trì tự tại thoải mái.

Như trước đã đề cập, người dân ở cõi này “ăn xong đi kinh hành”, “mỗi người đem nhiều hương hoa, y phục quý báu cúng dường mười phương hằng sa số các Ðức Phật”, v.v…. Ðức Phật A Di Ðà giảng dạy, mọi người cùng nhau thực hành, nghiên cứu, du lịch, kết bạn và học hỏi lẫn nhau. Mỗi ngày, họ không chỉ cùng nhau niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng không ngừng nghỉ mà ngay cả những loài chim ở đó luôn hót vang lời pháp, cho đến võng lưới, cây báu ở khắp nơi đều phát ra những âm thanh vi diệu khiến người dễ nhập vào thắng cảnh. Ở cõi này mọi người sẽ không bao giờ cảm thấy tịch mịch, cô đơn hay cứng nhắc chút nào.

Ngoài việc Ðức Phật A Di Ðà đích thân hướng dẫn giảng dạy thì nơi này còn có các vị đại Bồ-tát luôn là bạn đạo ở gần bên. Ngoài các vị Bồ-tát sớm chiều trợ giúp như Bồ-tát Quán Thế Âm, Bồ-tát Ðại Thế Chí thì vẫn còn rất nhiều vị Bồ-tát khác đều là những giảng sư, khách mời với đủ các đức tính “từ, bi, hỷ, xả” vì mọi người tham gia hướng dẫn, giảng giải những nghĩa lý để tăng trưởng thêm tín tâm.

Có thể nói, các phương pháp tu tập ở thế giới Cực lạc đều được giải thích rõ ràng, cũng giống như những người lãnh đạo trong công ty, công sở, cần phải hướng dẫn rõ ràng để cấp dưới làm theo. Ðây là một điểm rất quan trọng trong quản lý.

Ngoài những điều này ra, thế giới Cực lạc không những là nơi cho người thượng, trung, hạ căn đến sinh sống, mà còn có những người có thể “mang theo nghiệp vãng sinh”2. Tất cả mọi người ở nơi này, đều có cơ hội đạt được “không thoái chuyển”, đạt tới quả vị cao nhất là “cửu phẩm thượng sinh” có thể “hoa nở thấy Phật ngộ vô sinh”.

Bởi vì cuộc sống tại thế gian không viên mãn cho nên mới có câu: “Con người mấy ai sống đến trăm tuổi, mà lại lo sầu ngàn năm”. Vậy nên, sự thù thắng của thế giới Cực lạc khiến người ta có hy vọng, có mục tiêu và có tương lai, là nơi “cho người ta hy vọng, cho người ta niềm tin, cho người ta hạnh phúc, cho người ta thuận lợi”. Ðây chính là khía cạnh sáng giá nhất trong cách quản lý của Ðức Phật A Di Ðà.

6- Chung sống hòa hợp

Rất nhiều nước trên thế giới hiện nay, luôn ca ngợi tự do và dân chủ, họ coi trọng dư luận, tổ chức bầu cử công khai, thực hiện việc thay thế các chính đảng, v.v…. Tuy nhiên, những đất nước đó vẫn xảy ra những sự đối đầu và tranh chấp, cùng những vụ việc bất công.

Tuy chính trị, xã hội của cõi Tịnh độ, không tự hào về tự do dân chủ nhưng mọi người lại hòa hợp làm việc với nhau, hòa thuận chung sống, cùng nhau tồn tại thịnh vượng. Nơi đây có Ðức Phật A Di Ðà làm trung tâm lãnh đạo và có “sự chuyển giao thế hệ” cho Bồ-tát Quán Thế Âm và Bồ-tát Ðại Thế Chí sẽ tiếp quản công việc này của Ngài.

Tại cõi Tịnh độ này, không có tranh chấp đảng phái, cũng không có phần tử xấu, nguy hiểm. Như đã nói trước đó, điều kiện để vào cõi Tịnh độ rất nghiêm ngặt, phải là người có đủ ba hành trang là “tín, nguyện, hạnh” và trì niệm danh hiệu Phật phải đạt được đến mức “nhất tâm bất loạn”. Cũng giống như, nếu ai đó muốn nhập cư vào nước khác sinh sống thì phải được sự đồng ý của Chính phủ. Có như vậy mới ngăn chặn được những người có thể sẽ gây rắc rối ngay từ đầu.

Trong thế giới Cực lạc, không có đảng phái đối lập, nên không cần tranh giành lẫn nhau, mọi người đều đoàn kết nhất trí, đồng tâm hiệp lực. Nhưng điều này không có nghĩa thế giới Cực lạc là độc đoán, mà nó là hiện thân của nền chính trị dân chủ tuyệt đối. Tính đặc sắc tại cõi Tịnh độ này chính là nhất tâm niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, được lấy ra từ trong “Ba bậc chín phẩm”, đây là quy định của thế giới Cực lạc.

Vì cõi Tịnh độ Cực lạc không có năm cõi hỗn tạp, không có ba đường ác như Ðịa ngục, Ngạ quỷ, Súc sinh, cho nên, tuy có sự khác biệt về tầng lớp thứ tự, nhưng mọi người đều có đời sống bình đẳng, công bằng và chính nghĩa. Nói cách khác, mọi người ở cõi Tịnh độ Cực lạc đều là người có đủ điều lành, không có kẻ xấu ác bức hại, không có tranh đấu chính trị, không có tai nạn giao thông, cùng những âm mưu chiếm đoạt nam nữ, v.v… Vì vậy, phương pháp điều hành quản lý sáng suốt của Ðức Phật A Di Ðà ở cõi Cực lạc, rất đáng để chúng ta nghiên cứu học hỏi.

Ðức Phật A Di Ðà không chỉ triệt để thực hiện nền chính trị dân chủ, mà còn rất coi trọng giao lưu quốc tế. Ngài không chủ trương bế quan tỏa cảng, mà còn khuyến khích mọi người ra ngoài hoạt động. Người dân ở cõi này, mỗi ngày, họ đều dọn dẹp tươm tất, sau đó đi dâng nhiều hương hoa, y phục quý báu cúng dường mười phương hàng tỷ chư Phật. Ðiều này được chính Ðức Phật A Di Ðà và các vị Phật khác đều hết lòng khen ngợi tán thán.

Như trong kinh A Di Ðà, Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni nói rằng, Ngài tán thán công đức không thể nghĩ bàn của Ðức Phật A Di Ðà, giống như các vị Phật ở các phương khác như: Ở thế giới phương Ðông có các vị Phật như: A Súc Bệ Phật, Tu Di Tướng Phật, Ðại Tu Di Phật. Ở thế giới phương Nam có các vị Phật như: Nhật Nguyệt Ðăng Phật, Danh Văn Quang Phật, Ðại Diệm Kiên Phật. Ở thế giới phương Tây có Vô Lượng Thọ Phật, Vô Lượng Tướng Phật, Vô Lượng Tràng Phật. Ở thế giới phương Bắc có Diệm Kiên Phật, Tối Thắng Âm Phật, Nan Trở Phật. Ở thế giới phương Trên và phương Dưới có các vị Phật như Phạm Âm Phật, Tú Vương Phật, Hương Thượng Phật, Sư Tử Phật, Danh Văn Phật, Danh Quang Phật, v.v… Các vị Phật trong mười phương này, sau cùng sẽ trở về đến chỗ Ðức Phật Thích Ca. Tất cả các vị Phật này đều có bản hoài giống như Ðức Phật Thích Ca, do đó, mới có nhiều thế giới cõi Phật.

Phương pháp quản lý thế giới Cực lạc của Ðức Phật A Di Ðà sẽ khiến cho thế giới không có sự lẫn lộn của ba đường ác, chỉ còn là nơi tập hợp những người thiện lành. Như vậy, các thế giới trong tương lai không những được hòa bình mà hy vọng có thể biến đổi thế giới Ta-bà thành một thế giới thanh tịnh và thuần khiết. Ðây là phương pháp quản lý “một thế giới chung” mà thời đại bây giờ chúng ta cần học nhất từ Ðức Phật A Di Ðà.

Ðặc biệt, điều đáng nói là Ðức Phật A Di Ðà đã triệt để thực hiện quan niệm “chung sống hòa hợp”, coi tất cả chúng sinh trong pháp giới là một thể và chủ trương mọi người nên cùng nhau chung sống tốt lành, phát triển thịnh vượng.

Mặt khác, ngày nay, tuy chúng ta đang thực hiện xã hội hóa và toàn cầu hóa, nhưng trên thế giới vẫn xảy ra những cuộc chiến tranh liên miên giữa các quốc gia. Thậm chí là ngay cả trong một đất nước nhỏ bé cũng có những cuộc nội chiến, mọi người lừa dối nhau, xã hội có nạn cướp bóc, hỗn loạn khắp nơi.

Nếu muốn chấm dứt những tình trạng xấu như vậy, chúng ta cần phải học hỏi quan niệm “chung sống hòa hợp” của Ðức Phật A Di Ðà để quản lý xã hội và các quốc gia trên thế giới.

Phương pháp quản lý thế giới Cực lạc của Ðức Phật A Di Ðà sẽ khiến cho thế giới không có sự lẫn lộn của ba đường ác, chỉ còn là nơi tập hợp những người thiện lành. Như vậy, các thế giới trong tương lai không những được hòa bình mà hy vọng có thể biến đổi thế giới Ta-bà thành một thế giới thanh tịnh và thuần khiết. Ðây là phương pháp quản lý “một thế giới chung” mà thời đại bây giờ chúng ta cần học nhất từ Ðức Phật A Di Ðà.

Kết luận

Trong suốt 49 năm Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết pháp, bộ kinh A Di Ðà này là kinh điển duy nhất mà Ðức Phật “vô vấn tự thuyết” (không ai thưa hỏi mà Ngài tự giảng). Bộ kinh này giống như một bài báo, một bài du ký, một bài thơ hay một bài văn xuôi.

Mấy mươi năm trước, tôi đã đọc bản diễn dịch các kinh điển Tịnh độ của Hoàng Trí Hải3 và bị cảnh giới, điều kiện sinh hoạt của cõi Tịnh độ Tây phương này thu hút. Và sau đó, tôi bắt đầu đem tâm nghiên cứu về cõi nước đó. Tôi phát hiện ra rằng, bộ kinh A Di Ðà thực tế cũng chính là phương pháp “quản lý học” của Phật A Di Ðà.

Ví dụ, tại thế giới Tây phương Cực lạc của Ðức Phật A Di Ðà, mọi người không chỉ được tận hưởng một môi trường thiên nhiên tươi đẹp, với những đình đài lầu các lộng lẫy được tận hưởng cuộc sống thanh tịnh, an nhàn vui vẻ và hòa thuận; mà còn không phải chịu sự áp bức về chính trị, không bị kẻ ác quấy nhiễu, không gặp khó khăn về kinh tế, không có sự chiếm hữu nam nữ, không có tai nạn giao thông, không có nạn ô nhiễm môi trường sinh thái, không có người lo sầu về việc ăn mặc, không có lo ngại về tuổi già, bệnh tật, không có phân biệt về sắc tộc và cũng không có kẻ oán ghét hay người thù hận.

Ðức Phật A Di Ðà “quản lý” thế giới Cực lạc trở thành “nơi hội tụ tất cả những người có đủ điều lành”. Bất kể là về mặt môi trường tự nhiên, quy hoạch kiến trúc hay thể chế xã hội, thì trên mặt quản lý giữa các cá nhân, có thể nói là Ðức Phật A Di Ðà là chuyên gia sáng suốt nhất, bởi vì Ngài có thể mang lại cho mọi người sự an toàn, thoải mái, yên tâm và ổn định.

Ðức Phật A Di Ðà là một chuyên gia quản lý bậc nhất, chủ yếu là do công đức vô lượng từ chính bản thân Ngài, điều đó được thể hiện qua oai đức từ sáu chữ tên của Ngài.

Ví dụ, ai đó khen ngợi chúng ta thì chúng ta liền nói “A Di Ðà Phật!”. Và ai đó rủa mắng chúng ta thì chúng ta cũng sẽ nói: “Thật là… A Di Ðà Phật!”. Thế thì Ðức Phật A Di Ðà có thực sự là người tốt hay là không tốt? Câu nói: “Niệm Phật phải niệm từ trong tâm, bởi niệm từ tâm chính là Phật, nên chẳng cần tìm kiếm đâu xa” sẽ trả lời cho câu hỏi này.

Niệm Phật có thể làm cho chúng ta cảm thấy thân tâm tự tại, có thể khiến chúng ta tập trung tinh thần, biết mình và hiểu lấy chính mình. Niệm Phật có thể được vãng sinh về thế giới Cực lạc của Ðức Phật A Di Ðà. Ðặc biệt, niệm Phật có thể tạo ra thế giới thanh tịnh ngay trong cõi nhân gian này. Ðây chính là môn học quản lý mà chúng ta rất cần học hỏi theo trong thế giới hiện nay.

Đại sư Tinh Vân

Thích Vạn Lợi dịch

(Trích Quản lý học Phật giáo - Trung tâm Biên phiên dịch tư liệu Phật giáo quốc tế xuất bản)

----------------------------------------------

1 Thượng căn là chỉ cho người tu hành Phật đạo có năng lực đặc biệt hơn người. Hạ căn chỉ cho người có nghiệp duyên nông cạn và đần độn, khó tu tập đạt giải thoát.

2 Người tu pháp môn niệm Phật, nếu chưa đủ điều kiện nhân duyên sinh vào chín phẩm, mà tâm nguyện tha thiết mong cầu sinh qua cõi Tịnh độ, thì được mang theo cả nghiệp đã tạo ở kiếp trước mà vãng sinh.

3Hoàng Trí Hải (1875-1961): Thế danh Khánh Lan, pháp danh Trí Hải, từng du học Nhật Bản, về nước (Trung Quốc) sáng lập Thượng Hải Nam Hoa thư cục, Truờng Ðại học Luật Thượng Hải, v.v… từng nhiều lần nhận huân chương đặc biệt của quốc gia. Ông là đệ tử quy y của Ðại sư Ấn Quang, giảng dạy Phật pháp và diễn dịch năm kinh Tịnh độ.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thiền định làm việc để chữa lành khổ đau của tâm, có thể nói thêm rằng tiến trình chữa cho thân được ảnh hưởng tốt bởi sự thực hành chánh niệm tỉnh giác.

Thiền chữa trị thân tâm

GNO - Bất cứ dược phẩm nào được tìm ra trong thế giới, dù nhiều và đa dạng, không có thứ nào bằng Pháp (trích từ Milindapanha). Ngày nay, những nguyên tắc và những thực hành Chánh niệm (sati) và Thiền quán Minh sát (vipassanà) của Phật giáo đã được áp dụng cho nhiều mặt phức hợp của đời sống hiện đại.
Đức Pháp chủ GHPGVN quang lâm chùa Phật Bửu tưởng niệm Trưởng lão Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Đức Pháp chủ GHPGVN quang lâm tổ đình Phật Bửu tưởng niệm Trưởng lão Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh

GNO - Sáng nay, 5-11 (5-10-Giáp Thìn), Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng - Pháp chủ GHPGVN đã quang lâm tổ đình Phật Bửu (Q.3, TP.HCM) thắp hương tưởng niệm Trưởng lão Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh (1936-2024), Thành viên Hội đồng Chứng minh GHPGVN, Trưởng tông phong Thiền Tịnh đạo tràng, tân viên tịch.  

Thông tin hàng ngày