Phật đản trong mưa

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1150 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1150 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GN - Tri sự đội nón, dắt xe đạp đi ngang qua phòng tôi, nói: Thưa thầy, con ra xóm kêu công. Bây giờ là đầu tháng Tư, mùa mưa bắt đầu, có nghĩa là mùa trồng tỉa.

Hơn một mẫu đất trồng đậu phộng, đang được Viên Nghĩa lái chiếc máy xới điệu nghệ chạy từng đường cày trên mặt đất tơi nhuyễn. Sẽ có một số tay cuốc tiếp theo, đánh mương chia liếp, thành hình chữ nhật, hình tam giác chéo góc tùy chỗ đất giáp mí, rồi một số đẩy xe ba bánh chở phân tro, vôi, đậu phộng giống, nối theo đường ra tiền tuyến. Mấy ngày này phải tỉa từng ấy đất, tranh thủ với những cơn mưa đầu mùa. Hột đậu ủ trong đất, một hai ngày nắng chói chang bắt đầu bực mình đâm mộng, gặp cơn mưa phủ phê là lên mầm xanh tươi. Sáng nào ra thăm đất, nhìn từng vuông đất phủ xanh, lòng thấy hớn hở.

Xong một việc, còn phải chuẩn bị lễ Phật đản, lễ an cư trong những ngày mưa nắng nối nhau. Các em thiếu nhi lo giăng cờ, dựng khuôn hình Phật đản sanh, người trong xóm đạp xe đi ngang qua, thấy hình Phật trẻ thơ tươi cười, sẽ quên bớt nhọc nhằn. Mấy bác mấy thím trong xóm, sau khi phụ quý cô trồng trọt, cấy lúa, nghỉ tay trong vườn, đợi chờ xem con cháu của mình diễn văn nghệ mừng Phật đản, cười theo nếp nhăn đuôi mắt. Có năm mưa sớm, có năm mưa trễ, một vụ nấm tràm đang chờ đợi. Xong công tác dọn đất, làm cỏ, trưa bỏ ngủ đạp xe đi thăm mấy vườn tràm xa. Thấy lâu không về, biết gặp nấm đang đợi nhổ. Người ở nhà đem bao, đem thúng chạy theo dấu, như Trọng Thủy chạy theo lông ngỗng.

Kiểng đổ công tác, tri sự đâu! Phân công cho người ta đi làm chớ. Tri sự chạy theo nấm tràm quên giờ về. Những tai nấm tròn màu nâu đất, cứ từng bước đi là thấy nhú lên từng chùm, không thể bỏ qua. Hôm nay không hái, ngày mai tàn rụi. Người ở nhà tự tính việc với nhau, tri sự về đưa ra bao nấm tràm xin lỗi. Và những cành lan quế hương mỉm cười, thong thả đong đưa theo gió, không kể gì nhân gian buồn hay vui. Kỳ lạ một điều là, những cây lan mình nâng niu, trồng trong chậu, đặt dưới giàn lan sáng thăm chiều tưới, ra hoa chậm, không sung mãn. Mấy cọng lan bỏ mặc trên cây ngoài trời, mưa nắng bao la, bao giờ cũng ra hoa mừng Phật đản. Khó hiểu thiệt!

Tháng Tư có rất nhiều kỷ niệm. Sau khi tối mặt tối mũi với ruộng cấy Thần Nông IR14, với rẫy đất đậu phộng, chờ mưa tưới đều và yên tâm không sợ sâu rầy, giờ thì có thể thưởng thức văn nghệ cây nhà lá vườn. Có khi các em vừa dựng khán đài, giăng cờ treo đèn, đèn ánh chớp chớp như mắt của đêm. Mưa xuống một trận tầm tã, mấy cô mừng vì ruộng rẫy mát êm, mấy em lo vì nếu điệu này thì văn nghệ ai xem, làm sao diễn. Lên chánh điện lạy Phật, Bồ-tát và hì hụi lau dọn, nhìn tuổi trẻ chí thành chắp tay lạy Phật, mấy cô sẽ hy sinh đám đậu cho nắng vài hôm.

Tụi nhỏ rất nôn nao, ngày rằm gần đến, đêm nào ở nhà khách Viên Chiếu cũng rộn ràng ca múa. Cô giáo bò lăn với màn dạy múa của mình. Các em phải đi học, tối mới rảnh, không bao giờ đủ đội hình. Đứa mới vào, nhìn đứa bên cạnh, đưa tay nghiêng người, lỏng chỏng không đều. Mặt mày nghiêm trọng, cô bảo “Cười đi! Diễn phải vui chứ!”. Em cứ mím môi, vì cười sợ thấy răng sún! Trước giờ diễn chính thức, một đội ngũ mấy cô, mấy chị thành phố, đem theo son phấn, thoa, tô, vẽ, chải tóc… Em nào được sửa soạn xong, đẹp, mới, như bước ra từ cổ tích, và từ lúc đó không dám uống nước, không ăn bánh, không dám nhúc nhích vì sợ phai màu.

Vai diễn chính, đỉnh nhất của đêm nay là Thái tử Đản sanh. Chọn được diễn viên bụ bẫm, gan dạ, luyện giọng cho nói không bị đớt, không ngọng. Diễn viên này tự hào ra phết, rủ cả ba mẹ, bà ngoại, mấy dì mấy cậu đến xem, tưng bừng một góc. Mấy nhỏ kia cũng trầm trồ xúm xít. Sân khấu sẵn sàng, một chiếc lều lớn giăng lên cho khán giả là mấy cô nhà mình, và láng giềng nhà quê bồng con dẫn cháu đi xem.

Gần mở màn, trời mưa phất phới. Ôi! Mưa đi xem kịch. Hết thảy mọi người chui vào nhà, nhìn nhau. Năm mười phút mưa tạnh. Thử thách nhau chút xíu. Buổi diễn suôn sẻ, âm thanh ánh sáng hòa hợp. Diễn viên là các trẻ nhỏ bình thường vẫn gặp, ca hát tận tình như ở một nơi quan trọng. Thái tử Đản sanh bước đi cẩn thận trên bảy hoa sen, mặt mày rạng rỡ. Đoàn ca múa vây quanh, tung hoa, tung giấy bông, tung những nụ cười quên răng sún. Vừa đứng yên cho mọi nhiếp ảnh viên chụp hình, quan trọng như đi họp báo. Và cố gắng nói lớn đàng hoàng như kịch bản: “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn”… Át… Át xì, chết rồi, màn này không có trong dự tính.

Ban kéo màn lật đật kéo nhanh, diễn viên bình tĩnh bước ra khỏi bông sen, đi xuống sân khấu. Cậu Út của bé đứng đón, cao giọng “Biểu đừng tắm mưa mà cũng vọc nước, cho bể dĩa”. Nhìn quanh, đâu có cái dĩa nào bể đâu. Má ẵm xuống, cười thật tươi.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình; Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cùng các đại biểu thực hiện nghi thức ra mắt ứng dụng Công dân số TP.HCM

Chính thức ra mắt ứng dụng Công dân số TP.HCM

GNO - Chiều 14-11, UBND TP.HCM tổ chức Lễ ra mắt ứng dụng Công dân số TP.HCM (gọi tắt là app Công dân số) với mục đích kết nối công dân và chính quyền. Dự lễ ra mắt có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình; Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi.
Hòa thượng Thích Lệ Trang phân công một số việc đến Ban Nghi lễ TP.HCM liên quan chuẩn bị cho Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc - Ảnh: H.Giang

Ban Nghi lễ Phật giáo TP.HCM họp mở rộng triển khai hoạt động hướng đến Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc

GNO - Sáng nay, 14-11, tại Việt Nam Quốc Tự (Q.10), Ban Nghi lễ GHPGVN TP.HCM có buổi họp mở rộng với các vị Trưởng ban Nghi lễ thuộc TP.Thủ Đức, 21 quận huyện nhằm triển khai công việc được Ban Nghi lễ T.Ư phân công hướng đến phục vụ Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc do GHPGVN tổ chức tại TP.HCM vào năm 2025.

Thông tin hàng ngày