Phật đáng giá bao nhiêu?

GN - Ban Tổ chức phát cho mỗi người một túi màu xanh dương đựng đầy mẩu nhôm hình tròn như đồng xu có ghi mệnh giá lớn nhỏ. Người đi chơi hội chợ sẽ dùng những mẩu nhôm này như tiền để mua hàng hóa.

cung duong chu Tang.jpg

Nghe đâu có một doanh nhân đã hứa thu được bao nhiêu tiền nhôm này thì sẽ cúng dường bằng chừng ấy tiền thật để góp phần xây một cây cầu. Chùa Từ Bi nằm bên này sông, có cây cầu thì Phật tử đi chùa được thuận tiện mà bà con thôn xóm qua lại cũng dễ dàng.


Khu ẩm thực trầm trồ món này món kia đẹp mắt quá cho nên khoan khoan đụng đũa để chụp hình cái đã. Nhóm khác í ó, đã húp cạn rồi mà còn muốn chụp hình cái đáy tô để làm chi? Thì cũng post Facebook thay cho lời khen ngon quá chứ sao!

Khu trưng bày hoa rộn ràng rủ rê tạo dáng. Ai chẳng biết đi chùa thì phải trang nghiêm, nhưng trang nghiêm đâu có cấm đẹp xinh, với lại mấy khi có nhiều chậu hoa rực rỡ tụm lại như vầy không chụp hình thì uổng phí. Vậy nên hãy xích lại gần hoa thêm một chút, và thêm cái khăn choàng quanh cổ buông chùng xuống tận gối chân. A ha, cơn gió đúng lúc ghê, khiến cho dải khăn bay phơ phất nhìn khác gì tiên nữ giáng trần. Những cái điện thoại lăng xăng hớn hở ghi lại hình ảnh xinh tươi, chỉ chủ nhân của những chậu kiểng đem hoa đến góp phần làm đẹp sân chùa nín thở hồi hộp vì sợ cây kiểng quý của mình bị dải khăn kia vướng vít lỡ mà đứt ngọn gãy cành…

Tôi ở gian hàng thư pháp, công việc của tôi là mời khách chọn chữ. Ngày hôm qua trong giây phút cao hứng điên rồ (chắc là vì được nhiều người khen viết chữ đẹp quá) ông đồ tuyên bố gian hàng thư pháp sẽ đóng góp một phần tư cây cầu, tới khi hiểu ra mình nói năng quá liều thì đã lỡ mất rồi. Quân tử nhất ngôn tứ mã nan truy nên từ sáng sớm tờ mờ sương tôi đang còn xỏ ống trúc treo từng bức thư pháp lên dây thì ông đồ đã lặp đi lặp lại bên tai tôi “Không phải chỉ giúp người ta chọn chữ thích hợp mà bà còn phải dẻo miệng sao cho họ chịu hào phóng nghe chưa”.

- Tới chùa làm công quả bắt người khác dẻo miệng là sao? - Tôi cà khịa.

- Chỉ là tui không thể làm hai việc cùng lúc - Ông đồ tỉnh bơ - Yên tâm, làm việc thiện thì không bị tội khẩu nghiệp đâu mà lo! Nè, hãy nhắm tới quý bà đeo vòng vàng và quý ông đeo đồng hồ nạm kim cương…

Nhưng quý bà quý ông không quen xài tiền nhôm nên họ cứ cười cười khi móc từng đồng xu từ cái túi màu xanh dương thả vô thùng tùy hỷ với nụ cười kiểu người lớn mà còn được mời chơi trò trẻ con. Mỗi người khách rời đi thì ông đồ bưng thùng tiền lên mà lắc rồi thở phù, sao chẳng thấy nó rung rinh thêm tí nào!

Có nhiều người từ xa lần đầu đến. Sân chùa là nơi tổ chức hội chợ chia thành nhiều khu nên có nhiều rẽ phải rẽ trái, gian hàng thư pháp nằm ngay cổng nên tôi kiêm luôn việc trả lời cho câu hỏi “Lên chánh điện đi đường nào hả?”.

Còn có những câu hỏi khác như là “Xin xăm ở chỗ nào?”, “Xin sớ cầu an ở đâu?”. Nếu trả lời thẳng thừng là chùa-của-mình không làm những chuyện mê tín dị đoan thì chẳng khác nào chê trách người hỏi, vậy nên tôi phải dẻo miệng lái qua chuyện khác, sao cho người ta được hài lòng mà gian hàng thư pháp được thêm khách.

- Thay vì xin sớ cầu an thì dì hãy thỉnh chữ Quán Thế Âm này nè - Tôi nói - Thế nào nhà mình cũng được an yên.

Người phụ nữ nghe chừng xuôi tai bèn kéo vai ông chồng đứng hẳn lại. Bức này chữ Quán Thế Âm màu đen nhánh trên nền giấy màu trắng sữa, bức kia chữ màu tím trên nền giấy bạc, bức nọ chữ màu nâu trên nền màu vàng…

- Mình lấy màu nào hả anh?

Người phụ nữ hỏi rồi trong khi ông chồng đang còn nhìn ngó thì bà tự trả lời luôn:

- Ờ đúng rồi. Học trò thì màu tím là đúng y.

Ông chồng nhướng mắt:

- Mắc mớ gì tới học trò?

- Thì thằng nhỏ nhà mình ham chơi, biết đâu nhờ có Quán Thế Âm ở góc học tập mà nó chịu ngồi yên học hành.

Cô gái trẻ đang ngắm nghía chữ Thọ nghe vậy thì nhìn tôi và hỏi:

- Ông ngoại mình hay đau yếu thì nên thỉnh Phật nào?

Tôi lướt mắt thật nhanh qua mấy sợi dây treo, biết ngay là ông đồ chưa có kinh nghiệm đụng câu hỏi này nên không có sẵn bức thư pháp nào viết danh hiệu Phật Dược Sư.


- Bạn hãy lên chánh điện lễ Phật rồi đi dạo chơi chụp hình - Tôi nói - Đến khi về thì quay lại đây lấy chữ Phật Dược Sư tặng ngoại.

Cô gái lắc đầu:

- Mình đi chùa từ sáng sớm. Bây giờ là về thôi.

- Vậy thì xin đợi ba mươi giây.

Tôi nói và ra hiệu cho ông đồ hãy viết bức thư pháp mới nhanh nhanh. Còn ông đồ thì nhìn cái túi màu xanh dương trong tay cô gái đã xẹp lép chứng tỏ gần cạn tiền. Nuốt xuống tiếng thở dài, ông đồ xổ cơn thất vọng vào tôi:

- Bà tưởng mực viết thư pháp là mực bút bi hả?

A ha, chẳng khác nào chê tôi ngu dốt. Hừm, tôi phải chứng minh mình không dốt bằng cách biết chớp kinh nghiệm ngay lập tức.

- Nè - tôi nói - Vậy thì để khách không phải chờ đợi lâu quá ba mươi giây lỡ họ mỏi chân không thèm đợi nữa thì ngoài danh hiệu Quán Thế Âm và Phật Dược Sư thì hãy viết sẵn nhiều nhiều Phật Di Lặc.

Ông đồ nhướng mắt như định trừng tôi mà rồi toét miệng cười:

- Ờ, lần này công nhận bà có lý.

Y như rằng. Ai chẳng muốn gia đình mình có được nụ cười hỷ xả cho nên chữ Phật Di Lặc nào vừa viết xong chưa kịp khô mực cũng đã có khách chờ sẵn. Và khách hào phóng bốc từng nắm tiền thả vô thùng tùy hỷ. Niềm vui là vô giá bà con ơi!

Nghe tiếng tiền liên tiếp rơi leng keng trong thùng, ông đồ cười tít mắt:

- Có thêm vài đợt khách trả tiền bằng từng nắm như vậy nữa thì…

Vẻ hí hửng của ông đồ ngừng khựng vì tiến đến gian hàng thư pháp là một đám nhóc đầu tóc thắt nơ đung đưa theo nhịp chân tung tăng.

- Bao nhiêu một bức vậy cô?

Hỏi giá trước kiểu này hẳn đã được phụ huynh dạy dỗ cách tiêu tiền sao cho không bị kẻ nào dụ dỗ được! Nhìn những cái túi màu xanh dương trong tay các khách nhí còn phồng căng thì phải biết.

Tôi bày tỏ niềm đồng cảm bằng một cái nháy mắt với ông đồ rồi chỉ tay tới thùng tùy hỷ và nói với khách nhí:

- Tiền bạc không thành vấn đề. Mấy cháu cứ chọn chữ theo ý thích đi. Cháu thích chữ Cha Mẹ màu vàng này không? Hay là màu xanh lá cây?

- Không, cháu không lấy chữ Cha Mẹ đâu - Cô bé cương quyết - Cháu thích một chữ Cha thôi.

Tôi im bặt vì sợ lỡ mình nói gì đó làm tổn thương trái tim bé bỏng không được có mẹ bên cạnh. Rồi thì đôi môi nhỏ xinh phụng phịu phân bua:

- Mẹ cháu hở tí là bắt quỳ úp mặt vô tường. Ghét!

Tôi suýt bật cười, hình dung người phụ nữ khi đứa con mang bức thư pháp về nhà. Ờ, dạy dỗ con cái là điều khó nhất trần đời.

*

Tóc bím thắt nơ hồng lần lượt vén từng bức thư pháp nhìn ngó cẩn thận rồi ngần ngại nhìn tôi.

- Cháu muốn chữ gì để cô tìm giúp cho? - Tôi nói.

- Không có chữ Bà Nội…

- À, cháu đợi một chút ông đồ sẽ viết ngay, mà cháu thích chữ màu gì?

Cô bé áo đầm trắng hớn hở:

- A, mình muốn chữ gì cũng được hả cô?

- … Ờ.

- Cháu muốn chữ Cún Cưng.

Ông đồ ngẩng phắt đầu nhìn khách nhí. Khách nhí hồn nhiên tiếp lời:

- Đó là tên ở nhà của em cháu, nó nhõng nhẽo lắm cô.

Ông đồ thở phì. Tôi nín cười. Bỗng một người đàn ông lao tới:

- Chữ Phật Di Lặc của tôi đã xong chưa?

Vừa kịp khô. Tôi xỏ ống trúc cuộn bức thư pháp lại. Người đàn ông tay này cầm bức thư pháp tay kia thò vô ba lô lục tìm và lấy ra cái túi màu xanh dương, ông bốc một nắm thả vô thùng và thêm một nắm nữa.

- Nếu bà vợ của tôi từ nay bớt nhăn nhó mà chịu cười vui thì sang năm tôi thỉnh thêm một bức riêng cho thằng út, nó giống má nó dễ sợ luôn - Người đàn ông nói.

Cô bé tóc nhổng đuôi gà theo tôi đi tới nơi đang phơi những bức thư pháp danh hiệu Phật vừa viết xong chưa khô mực. Lượt khách nhí tản dần đi, cô bé chần chừ đứng lại nhìn tôi.

- Mình thích ai cười vui thì mình tặng chữ Phật Di Lặc cho người đó hả cô?

Tôi ừ. Có vẻ như cô bé lần đầu tiên tới chùa thì phải. Tôi chỉ tay về tượng Phật Di Lặc ở góc sân. Cô bé gật đầu ra ý đã hiểu.

- Phật Dược Sư là sao hả cô?

Câu hỏi khiến tôi ú ớ, Phật Di Lặc với nụ cười tươi vui dễ thấy dễ hiểu, còn lại thì biết giải thích sao với khách nhí đây? Chẳng lẽ mà hỏi nhà cháu có ai hay đau ốm không!
Tôi lái qua hướng khác:

- Cháu chọn chữ Trí treo góc học tập nè, mà chữ Đức cũng hay, chữ Tuệ nữa...

Cô bé vẫn không thôi:

- Chữ Quán Thế Âm là sao hả cô?

- À… Ngài là vị Phật đem lại sự yên ổn.

- Phật Dược Sư là sao hả cô? - Cô bé lặp lại câu hỏi ban nãy.

Đám khách nhí đi xa dần, còn lại một mình cô bé lẻ loi giữa gian hàng thư  pháp toàn người lớn. Có vẻ như bà mẹ có vấn đề gì đó mà cô bé không muốn bạn bè biết, tôi cẩn thận lựa lời:

- Phật Dược Sư gia hộ sức khỏe cháu à.

Cô bé mở to mắt:

- Vậy cháu muốn tặng mẹ yên ổn và sức khỏe và cười vui thì phải mua cả ba bức luôn hả cô?

Tiếng “mua” vọt khỏi miệng cô bé một cách rành mạch khiến tôi lúng túng, nghe như tôi đang nhân danh làm công quả để kinh doanh danh hiệu các Ngài. Thật là tội lỗi quá đi.

Nhìn tay cô bé mân mê cái túi tiền một cách bối rối như sợ không đủ trả rồi nhìn ông đồ đang bưng thùng tùy hỷ mà lắc lắc, tôi quyết định không dính gì tới tiền nữa. Mặc kệ mọi sự.

- Cô tặng cháu cả ba bức - Tôi nói - Cháu muốn màu nào?

Cô bé chớp chớp mắt cảm kích rồi lí nhí:

- Mẹ cháu bị tâm thần, ba bức thì sợ nhiều chữ quá mẹ cháu càng thêm rối rắm, viết làm sao ít chữ mà vẫn đủ ý nghĩa được không cô?

Ít chữ. Càng ít thì người tâm thần càng dễ đọc và may ra là dễ hiểu nữa. Tôi quay nhìn ông đồ, định gắt lên thôi đừng có lắc cái thùng mà đong đếm hoài, nhưng ông đồ đã đặt thùng tiền xuống từ khi nào và đang viết chữ Phật.

Đúng như ý cô bé, ít chữ nhất, chỉ một, cho người mẹ dễ nhớ.

- Và dễ thốt lời cầu nguyện mỗi khi - ông đồ nói khẽ qua tai tôi - Nói với bé đây là quà tặng, hãy dùng túi tiền tới khu ẩm thực và quà lưu niệm mà vui chơi.

Tôi đem chữ Phật tới chỗ thoáng nhất cho mau khô mực, rồi tôi chọn ống trúc láng bóng đều màu để xỏ dây treo. Xong, muốn nói một câu trân trọng dịu dàng mà chẳng biết nên nói gì, tôi lặng im trao bức thư pháp cho cô bé.

- Cháu cảm ơn - Cô bé lí nhí.

Thật bất ngờ, cô bé thả nguyên cả túi màu xanh dương vào thùng tiền và bỏ chạy nhanh.
Tôi và ông đồ lặng nhìn theo vóc dáng nhỏ bé lúp xúp dần xa, rồi nhìn túi tiền phồng căng nổi bật giữa những đồng xu màu xám.

Rõ ràng là cô bé muốn món quà tặng mẹ là do tự mình, trọn vẹn. Và là món quà xứng đáng với tất cả tài sản có được.

Truyện ngắn của Nguyên Hương

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Người thân mất lúc nửa đêm giỗ vào ngày nào?

GNO - Ông cụ nhà tôi mất lúc 23 giờ 50 ngày 20-12-Quý Mão. Vì ông mất lúc 23 giờ 50 là giờ Tý, mà giờ Tý nối liền giữa hai ngày (từ 23 giờ ngày 20-12 đến 1 giờ ngày 21-12) nên một số người thân cho rằng ông mất vào ngày 21-12-Quý Mão. Cách tính ngày mất như vậy có chính xác không? 

Thông tin hàng ngày