Phật giáo & bổn phận làm mẹ

Phật giáo & bổn phận làm mẹ
Phật giáo giúp cho tôi thấy rằng làm mẹ là một hành trình tâm linh. Trong những thời điểm tồi tệ nhất, tôi có thể nhắc nhở mình rằng việc nuôi nấng con cái là một sự hành trì và hành trì một cách nghiêm ngặt nhất. Con tôi chính là vị thầy của tôi, liên tục buộc tôi phải sống trong giây phút hiện tại và từ bỏ sự tùy hứng đối với tất cả những thứ kích thích, quấy động mà tôi có thể sẽ làm.

 Tâm thương yêu
Như chúng ta biết, làm mẹ có biết bao nỗi khổ; nhưng làm mẹ đồng thời cũng mở lòng ra với những trải nghiệm thương yêu. Bởi vậy, lúc mà những người làm mẹ đạt được những ích lợi nhờ Phật giáo là khi họ thực hiện một bước đi vĩ đại để hướng đến việc đạt được cái mà Phật giáo gọi là “tâm thương yêu”.
Tình yêu của một người mẹ là tình yêu chân thật nhất. Yêu con dạy cho chúng ta tình yêu như thế, đó là một tình yêu vị tha, kiên nhẫn, khoan dung và độ lượng. Chúng ta học được rằng tình yêu là tuyệt đối, vô điều kiện, không phán quyết và ít mong muốn bất kỳ một sự đền trả nào. Dĩ nhiên có nhiều lúc chúng ta bực bội con cái, chúng khiến ta lâm vào những mặt tối bản chất của mình; song, trên tất cả, mối quan hệ đối với con cái là cả một tình yêu thương tràn ngập.

Như một bà mẹ tâm sự:

“Sau khi có con, tôi nhận ra rằng tất cả những tình yêu mà tôi từng trải nghiệm trước đó - đặc biệt đối với chồng - là ích kỷ. Tôi luôn luôn hỏi rằng, mối quan hệ này sẽ đem đến cho tôi điều gì? Và nếu như những mong đợi của tôi không được đáp ứng, bất kỳ cảm giác tốt đẹp nào cũng đều khô cạn hết thảy. Song, con gái tôi đã từng đẩy tôi vào cảnh địa ngục rồi lại đưa tôi trở ra, dẫu vậy, có một điều mà con tôi không thể làm được, đó là nó không thể khiến cho tôi ngừng yêu thương nó”.
Tình yêu con cái mang đến cho chúng ta niềm hân hoan, vui sướng và hạnh phúc. Tuy vậy, một điều thực sự gây hứng cảm, đó là xuyên qua tình yêu thương con cái, khả năng dung chứa của chúng ta cũng sâu thẳn hơn để trở thành một con người biết thương yêu người khác. Khả năng nắm được những điều mà chúng ta học được từ tình thương yêu con cái và áp dụng vào những mối quan hệ khác là vô hạn. Nhiều bà mẹ đã phát hiện điều này với chính bản thân: họ cảm thấy giàu lòng thương người hơn; họ nhận thức tất cả bắt đầu từ những đứa con yêu quý xứng đáng với sự tận tâm của một người mẹ. Họ khám phá một khả năng tiềm tàng để có thể trở thành một người nhẫn nại với sự cáu kỉnh của người thu ngân, với những gã tài xế hung hăng hay với những người bà con nghèo túng.
Một lần, tôi đã tham dự khóa tu về sự phát triển lòng thương yêu trong những mối quan hệ hàng ngày. Khi đưa ra ví dụ về tình yêu thương chân thật, vị thầy luôn nhắc đến tình yêu của một người mẹ đối với con cái. Bởi bà ta cũng là một người mẹ - mối quan hệ đối với con cái chứng tỏ tình yêu chân thật đã khiến cho chúng ta có những lối cư xử mang đến nhiều ích lợi như thế nào. Tôi cảm nhận như là một đặc ân khi mà một người mẹ có thể hiểu được bài học như thế từ những kinh nghiệm trực tiếp của mình.
Với tôi, lời nhận xét chính xác nhất dành cho những người đang làm mẹ là: việc làm mẹ khiến cho cuộc đời bạn nhân đôi những cái xấu và cũng nhân đôi những cái tốt, tuy nhiên tình yêu sẽ cứu rỗi chúng ta.

Nhẹ nhàng, nhẫn nại và bền bỉ
Nhiều người làm mẹ có thể khắt khe đến độ tàn nhẫn đối với chính bản thân. Nhiều người cố gắng phấn đấu để đạt được những tiêu chuẩn cao nhất, song những mong mỏi về vai trò của họ chỉ đem đến mặc cảm tội lỗi vì sự thất bại để có thể trở thành một người mẹ, người vợ, người thân, người bạn, người lao công, người quản gia, người ăn kiêng và một công dân hoàn hảo. Vì thế, vào một thời điểm nào đó trong đời, khi chúng ta cần đến sự ủng hộ cũng như lòng thương yêu trắc ẩn, chúng ta lại phê bình chính bản thân mình. Phần đông chúng ta không mơ đến một cuộc trò chuyện với người khác một cách cay nghiệt, song chúng ta lại mắng mỏ chính bản thân ta.
Phật giáo dạy rằng, hãy trải lòng thương yêu - từ bi - đến tất cả mọi loài, và trong đó dĩ nhiên bao gồm cả chính bản thân ta. Cho dù Phật giáo đòi hỏi đến những tiêu chuẩn cao trong hành vi, song lại không mong muốn chúng ta lãng phí năng lượng của mình cho những mặc cảm tội lỗi - chúng ta tránh buộc tội bản thân, vì điều đó chẳng giúp ích gì cho ta cả. Khi những suy nghĩ và hành động của chúng ta kém sáng suốt, điều mà chúng ta cần làm là sự tỉnh thức, sự chú tâm, hơn là để cho chúng tự do trong vô thức. Mục tiêu của chúng ta là nhìn cho thật rõ cái gì đang đến. Chúng ta tích cực tu dưỡng những trạng thái tâm lành mạnh.

Có lần tôi được nghe một thiền sư khuyên rằng: “Bạn không nên nản lòng nếu tâm bạn cứ rong ruổi trong khi thiền - phương pháp của bạn là nhẹ nhàng, nhẫn nại và bền bỉ”. Tôi lập tức ghi nhớ những từ này để có thể thấy được cả hai mặt giá trị của chúng: cho lúc thiền và cho cuộc sống hàng ngày. Để nuôi dưỡng sự đủ đầy cho bản thân, chúng ta cần trở thành người bạn tốt cho chính chúng ta, và khi chúng ta cảm thấy như thể chúng ta chưa đạt được những tiêu chuẩn đó, hãy nhớ là phải nhẹ nhàng, nhẫn nại và bền bỉ với bản thân, như một bà mẹ đã phát hiện ra rằng:
“Một trong những món quà lớn nhất mà Phật giáo đã trao cho tôi đó là sự quan trọng của việc kiên nhẫn và yêu thương chính bản thân mình. Lớn lên trong một gia đình Thiên Chúa giáo, khi còn thiếu nữ, tôi luôn hành hạ bản thân với cái tội thất bại trong việc khắc phục những lỗi lầm. Bất kể khó khăn thế nào tôi vẫn cố, nhưng tôi không thể ngừng những sai phạm để chấm dứt cảm giác thất bại và chán ngán bản thân. Phật giáo đòi hỏi tôi ý thức những lỗi lầm của mình ở một mức độ sâu sắc. Thay vì cứ dán chặt mắt vào chúng, điều đầu tiên tôi phải hiểu là chúng từ đâu đến và nguyên nhân nào đã sinh ra chúng.

Thí dụ, một trong những lỗi của tôi là tôi thường có xu hướng chỉ trích kẻ khác. Phật giáo dạy tôi rằng, nếu như tôi có thể ý thức được những sự chỉ trích mà tôi đang làm, suy nghĩ về quá trình diễn ra sau chúng và những tác động của chúng lên thân và tâm tôi, rồi sự ý thức của tôi sẽ cho tôi một cơ hội lớn lao hơn để tôi có thể trở nên yêu thương người khác. Không cần phải giận dữ với bản thân hay nuôi dưỡng cảm giác tội lỗi. Tôi đã học cách để trở nên kiên nhẫn hơn, biết tha thứ cho bản thân và kết quả của cách đối xử với những sai phạm như thế này hay hơn nhiều so với việc hành hạ bản thân.
Tôi dạy con tôi làm thế nào để có những lối cư xử tốt từ nền tảng của tình thương yêu và sự tin tưởng tuyệt đối. Tôi cũng đang học điều đó đối với chính bản thân mình”.
Phật giáo có thể đem đến điều gì cho những bà mẹ?
Hãy tưởng tượng một người mẹ bình thản, điềm tĩnh, người mẹ đó biết chấp nhận bất kỳ những gì xảy đến đối với bản thân. Không trông đợi cũng như không mong cầu những sự kiện không gây ra nỗi lo lắng cho bà. Bà chẳng bao giờ có những phản ứng mãnh liệt. Bà luôn ý thức được lúc nào bà thiếu sáng suốt và từ bi, nhưng bà cũng không lãng phí thời gian để chìm đắm trong cảm giác tội lỗi, rằng lần sau bà sẽ thực hiện mọi việc tốt hơn. Bà tự ý thức, nhưng bởi vì bà nuôi dưỡng lòng tự ái, bà không tự biết hoặc chỉ quan tâm đến bản thân khi trò chuyện với người khác. Những người bạn của bà cho rằng bà dịu dàng và tốt bụng một cách thật thà. Anh chị em bà còn nói thêm rằng bà trong sáng trong cách nghĩ và ngay thẳng trong việc đưa ra những lời phân xử. Dường như bà khiến cho người khác cảm thấy thoải mái, đặc biệt công bằng, và không ít người quý mến bà. Con cái bà vui sướng khi được ở bên bà, vì bà luôn cho chúng cảm giác tôn trọng và hiểu biết. Bà là người biết sáng tạo, không bị gò bó và dễ dàng mỉm cười bởi vì không vấn đề gì bà đang làm gì cả, cuộc đời là trò chơi, không phải là công việc.
Phật giáo có thể giúp cho chúng ta trở nên tốt hơn bà mẹ đó, một mẫu người mẹ hạnh phúc hơn. Nó cần phải có thời gian, nhưng với tình thương yêu và lòng kiên nhẫn, chúng ta từng bước tiến gần hơn đến mẫu người lý tưởng này khi sự rèn luyện của chúng ta sâu sắc hơn. Không phải Phật giáo sẽ tạo ra một loạt những “dòng vô tính” - kiểu như những bà mẹ hoàn hảo - mà có hàng triệu phương cách để trở thành bà mẹ như thế và vẫn hoàn thành mục đích duy nhất của chính bản thân bạn.

Những bà mẹ Phật tử nói gì?
Một hiệu quả đáng kể mà việc thực hành những lời Phật dạy mang lại cho cuộc đời chúng ta đó là chúng ta phải thực sự có mặt với nó. Khi cuộc sống chúng ta trải ra, thay vì để tư tưởng của mình lang thang đây đó - mà thường vẫn thế - chúng ta phải cố gắng sống trong giây phút hiện tại, bây giờ và ở đây. Hãy lắng nghe những gì mà một số bà mẹ Phật tử nói về ảnh hưởng từ những lời dạy của Đức Phật trong đời sống hàng ngày của họ.


Anne, mẹ của hai cô con gái nhỏ:

“Phật giáo giúp cho tôi thấy rằng làm mẹ là một hành trình tâm linh. Trong những thời điểm tồi tệ nhất, tôi có thể nhắc nhở mình rằng việc nuôi nấng con cái là một sự hành trì và hành trì một cách nghiêm ngặt nhất. Con tôi chính là vị thầy của tôi, liên tục buộc tôi phải sống trong giây phút hiện tại và từ bỏ sự tùy hứng đối với tất cả những thứ kích thích, quấy động mà tôi có thể sẽ làm.

Khi làm mẹ, bạn phải luôn đặt ra những câu hỏi như: ‘Cần phải làm cái gì ngay bây giờ?’ và ‘Ở đây cái gì là quan trọng nhất?’. Vào những ngày tồi tệ, tôi chú ý những đứa con tôi cứ nhắc đi nhắc lại một cách vô thức, như thể chúng hiểu rằng tôi chỉ là một thây ma xa lạ không thực sự đang ở đó với chúng. Khi điều này xảy ra, tôi hiểu là phải kéo mình trở về với hiện tại và quan tâm, gần gũi với chúng hơn. Theo như lời Phật, tôi có thể là một người mẹ có ý thức, và tôi tỉnh giác được những đòi hỏi của giây phút hiện tại hơn là để cho con tôi trở thành nạn nhân của những phản ứng vô thức của tôi”.
Trong quyển Tại sao lại là Phật giáo? Những người phương Tây trong hành trình kiếm tìm tuệ giác (Why Buddhism? Westerners in Search of Wisdom), quyển sách gồm các bài phỏng vấn những người Phật tử tu tập, Vicki Mackenzie phỏng vấn một bà mẹ người Mỹ, bà Yvonne Rand, một người tu thiền và cũng là một giáo viên. Yvonne lặp lại những quan điểm của Anne rằng việc nuôi nấng con cái có thể là việc thực hành tâm linh.

“Thiền giúp cho tôi và việc nuôi nấng con cái của tôi, mặc dù những đứa con tôi ý thức về nó hơn là bản thân tôi. Một lần, con gái tôi được một đứa bạn học mời đến nhà chơi, mẹ của đứa bạn hỏi: ‘Tại sao mẹ của cháu lại thiền?’. Cháu đã trả lời rằng: ‘Ồ, mẹ trở nên dễ thương hơn với những người xung quanh và xem ra mẹ cũng cảm thấy tốt hơn’. Đúng như thế thật. Một trong những ảnh hưởng đối với tôi là xem ra tôi đang bước lại gần hơn sự tỉnh thức sau khi tồn tại một thời gian dài trong trạng thái ngủ mê. Tôi bắt đầu nhận ra rằng rất nhiều khi tôi đã ở trong tình trạng vô thức. Tôi cũng cảm thấy là tôi đã tìm ra được mái ấm…
Thật hết sức rõ ràng rằng, nếu mối quan hệ của tôi đối với con cái không phù hợp với những điều tôi đang học được ở Phật giáo thì trong một số trường hợp, tôi là kẻ dối trá. Tôi đã quan tâm đến việc dùng mối quan hệ của tôi đối với con cái như là một cơ hội tìm để hiểu dòng tâm thức của chính mình và điều phục sự tự tỉnh giác. Tôi có thể nhận thấy rằng trạng thái tâm của tôi ảnh hưởng rất lớn đối với con cái”.

Melissa cũng có hai đứa con gái nhỏ, một đứa lên ba và một đứa lên năm. Cô cũng hành trì Phật pháp để kiểm soát những xúc cảm của mình. Không tự mãn, song dường như Melissa cũng đã đạt được một mức độ nhất định của sự tự chấp nhận.
“Phật giáo đã giúp cho tôi trở nên ý thức hơn những hoạt động của tâm mình. Bất kỳ lúc nào có thể nhớ, tôi đều cố gắng nhận ra tôi đang tự nói với mình như thế nào. Những yêu cầu chú tâm và tập trung như thế chính là sự tiến triển của thiền định.
Những ngày hôm đó, nhờ việc tăng trưởng sự nhận thức những náo loạn trong tâm, tôi cố gắng buộc chúng phải quay trở lại. Những hôm mệt mỏi vì lũ trẻ, rất nhiều những suy nghĩ loạn động xảy ra trong tôi, làm cho tôi rơi vào trạng thái tuyệt vọng. Song khi bạn phát triển khả năng để nhìn rõ tiến trình này, bạn sẽ cảm thấy tốt hơn và có thể thử thách những nhận thức của bạn và cứu bạn ra khỏi nỗi đau khổ”.
Chúng ta đã đọc những lời thổ lộ của các bà mẹ đang hành trì Phật pháp, rằng khi chúng ta mang một cái tâm trong sáng và vững chắc đối diện với những thử thách của cuộc sống hàng ngày, chúng ta có nhiều khả năng hơn để đáp lại mọi thứ trong chiều hướng xây dựng.
Chống lại những cơn ác mộng trong việc nuôi nấng con cái

Riêng đối với bản thân, tôi muốn chuẩn bị cho bất kỳ những sự thử thách nào trong tương lai, đặc biệt là khi con tôi bước vào độ tuổi trưởng thành. Tôi muốn có những nguồn vui nội tại, sẽ cho tôi một thứ gia tài để dành cho con cái, dù là một tình bạn, một mối tâm tình hay một người có khả năng quan tâm đến công việc của chúng khi cần. Cũng như hầu hết các bà mẹ, nỗi lo sợ lớn nhất của tôi là những đứa con yêu quý của tôi một ngày nào đó có thể lâm vào cảnh khổ. Trong khoảnh khắc đen tối ấy, tôi tự cảm nhận một nỗi dày vò với hình ảnh con tôi phải trải qua nỗi cô đơn, phiền muộn hay nhục nhã. Biết đâu trong những trạng huống đó, chúng nảy ra ý định tự hủy bỏ đời sống của mình, để cho tôi phải trải qua nỗi đau đớn tiếc thương đến lụi tàn.

Trực giác mách bảo với tôi rằng tôi có thể khôn ngoan hơn, có thể sẽ đến gần hơn với con tôi và sẽ có một cơ hội lớn lao hơn để giúp đỡ chúng khi chúng lâm vào cảnh tuyệt vọng. Nếu các con quý mến tôi, chúng sẽ thích đến trong vòng tay của tôi hơn. Chúng cũng sẽ nỗ lực để quan tâm tôi nếu chúng thấy tôi đánh mất bản thân, không thể kiểm soát được những xúc cảm hay thiếu từ bi, độ lượng. Chắc chắn chúng sẽ không chia sẻ những nỗi lo lắng với những ai có quan niệm khắt khe, cứng nhắc. Bởi làm cho chúng ta có nhiều tỉnh giác, thực hành Phật giáo cũng sẽ giúp ta bóc dần những lớp vỏ yếu kém và điều này làm cho ta có thể tiếp cận được với con cái những khi chúng đau khổ. Đức Đạt Lai Lạt Ma từng nhắc đến trong quyển Trái tim Phật đạo (The Heart of Buddha’s Path), rằng: “Khi cha mẹ là những người nhiệt tâm, an lạc và điềm tĩnh, nói chung con cái họ cũng sẽ phát triển những thái độ và hành vi đó” (When parents are warm-hearted, peaceful and calm, generally speaking their children will also develop that attitude and behaviour).

Thực hành Phật giáo có thể giúp cho chúng ta trở nên thông tuệ hơn, nếu chỉ dành cho lợi ích của con cái, sự thông tuệ là điều mà tôi mong muốn đạt được. Nhưng thế nào là thông tuệ? Khi con cái chúng ta lâm vào cảnh đau khổ, chúng không cần kiếm tìm một chuyên gia hay một uy quyền nào. Chúng hẳn không muốn chúng ta cung cấp cho chúng những câu trả lời từ trong sách vở, kinh nghiệm hay việc đã đi đây đó của chúng ta. Trong Phật giáo, tuệ giác không phải là những lời phán quyết và kiến thức để trả lời những câu hỏi. Chấp nhận những bí ẩn trong đời, từ chối nhảy vào những kết luận vô thức thông thường của chúng ta hay một thái độ khúm núm vì thiếu hiểu biết - những điều này giúp cho chúng ta cởi mở và cảm thông trong tất cả những mối tương tác của mình. 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Phật tử tham gia Đại lễ Phật đản Phật lịch 2563 tại Việt Nam Quốc Tự

Ban Hướng dẫn Phật tử TP.HCM vận động Phật tử tích cực chào mừng Đại lễ Phật đản Phật lịch 2568

GNO - Hòa thượng Thích Chơn Không, Trưởng ban Hướng dẫn Phật tử GHPGVN TP.HCM có văn bản gởi đến chư tôn đức trụ trì các tự viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường; Ban Điều hành các đạo tràng, khóa tu, lớp giáo lý, giảng đường tại các tự viện, Ban Huynh trưởng các đơn vị Gia đình Phật tử TP.HCM.
Chùa trên đảo Song Tử Tây - Ảnh: Báo Nghệ An

Chuông chiều trên biển Trường Sa

GNO - Có một bức ảnh luôn thu hút mọi người vào những dịp triển lãm, bức ảnh tôi chụp đâu năm mới 2019, sư trụ trì chùa Trường Sa rạng rỡ, ân cần mừng tuổi em nhỏ đang được ẵm bồng trong vòng tay mẹ.

Thông tin hàng ngày