GNO - Chuyên gia thiền, tiến sĩ Tamara Ditrich, đã lên kế hoạch sử dụng giáo lý Phật giáo để giúp các giáo viên trong vùng giải quyết các vấn đề ngày nay như bắt nạt và không chú ý.
Tiến sĩ Ditrich đã tham gia Học viện Nan Tien (NTI) vào tháng này và như một phần trong nhiệm kỳ hai năm, bà sẽ phát triển khóa học mà bà đã thử nghiệm thành công trong các trường học ở châu Âu.
Học sinh Thái Lan thực tập thiền ngay từ nhỏ, giúp cho nhân cách các em được tốt hơn
"Sẽ không có thiên vị về tôn giáo trong khóa học này, nó sẽ chỉ giúp cho các giáo viên, những người muốn thử các kỹ thuật Phật giáo như thiền định, nhằm giải quyết các vấn đề ở trường học", bà nói.
"Tôi đã giúp các giáo viên sử dụng những kỹ thuật này để trấn tĩnh học sinh và giúp các em tập trung, và nó thực sự đã giúp giải quyết các vấn đề như tức giận, bắt nạt, thiếu chú ý và khả năng cạnh tranh quá mức".
Tiến sĩ Ditrich có hơn 35 năm kinh nghiệm trong Phật giáo và thiền định Phật giáo, thực hành dưới sự chỉ dẫn của các thiền sư Miến Điện, Sri Lanka, Thái Lan và Ấn Độ.
Bà đã giảng dạy tại nhiều trường đại học ở châu Âu và nước Úc, gần đây nhất là tại trường Đại học Queensland, nơi bà đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo.
Bà có kế hoạch thành lập một trung tâm tương tự tại Học viện có trụ sở đặt tại Berkeley để mở rộng phạm vi cung cấp của các khóa học.
"Tôi đã chọn đến Học viện Nan Tien vì nó là một trong nhiều trường đại học quốc tế có mục đích phát triển một chương trình nghiên cứu Phật giáo được tích hợp cả lý thuyết và thực hành", bà nói. "Cần phải có sự cân bằng tốt đẹp cho cả hai".
Giáo sư John Loxton thuộc NTI cho biết tiến sĩ Dietrich đã tạo nên một bước ngoặc quan trọng trong sự tăng trưởng của học viện.
"Kể từ khi mở cửa cho sinh viên vào năm 2011, NTI đã thu hút hơn 50 học viên đến với Chương trình Nghiên cứu Phật giáo Ứng dụng và có kế hoạch sẽ phục vụ cho 300 học viên vào năm 2015 với việc mở cửa trung tâm văn hóa nghệ thuật mới cấp nhà nước trị giá 40 triệu USD", ông nói.
Môn học đầu tiên của tiến sĩ Ditrich, Chánh niệm: Lý thuyết và thực hành, sẽ bắt đầu từ ngày 3 đến ngày 7-9.
"Môn học sẽ dành cho những học viên đang có nhu cầu giấy chứng nhận tốt nghiệp, văn bằng hay chương trình thạc sĩ ứng dụng Phật giáo, và cũng như những học viên chỉ muốn quan tâm đến môn học mà thôi”, bà nói.
Ngoài ra, những khóa học như thế này cũng giúp bà trong việc nghiên cứu Phật giáo.
"Tôi sẽ nghiên cứu những gì mà truyền thống Phật giáo có thể đóng góp vào các vấn đề bức xúc nhất trong xã hội, như y tế, môi trường và các vấn đề xã hội khác, để xem liệu chúng ta có thể phát triển các mô hình mới trong việc giải quyết chúng hay không".