Phật giáo huyện Hóc Môn: Ưu tiên hiệu quả thực tế trong hoạt động Phật sự

Lễ đài kính mừng Phật đản tại huyện Hóc Môn - Ảnh: Quảng Hậu
Lễ đài kính mừng Phật đản tại huyện Hóc Môn - Ảnh: Quảng Hậu
0:00 / 0:00
0:00
GN - Dù thuộc khu vực ngoại thành, Phật giáo huyện Hóc Môn vẫn được biết đến với lớp nhân sự trẻ, tham gia tích cực trong các Phật sự chung của Phật giáo thành phố.

Trước thềm Đại hội đại biểu Phật giáo huyện Hóc Môn diễn ra ngày 18-4 tại chùa Hoằng Pháp, nhằm ghi nhận những thành tựu Phật sự của nhiệm kỳ cũ và hướng hoạt động trong nhiệm kỳ mới, Giác Ngộ đã có cuộc trao đổi với Thượng tọa Thích Minh Thanh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN huyện.

Thượng tọa Thích Minh Thanh - Ảnh: Anh Quốc

Thượng tọa Thích Minh Thanh - Ảnh: Anh Quốc

Ghi nhận nhiều điểm sáng

Giữa lúc tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, các hoạt động Phật sự do Ban Trị sự GHPGVN huyện Hóc Môn khởi xướng vẫn đạt những thành tựu đáng kể. Đây có thể coi là kết quả, minh chứng cho tinh thần đoàn kết, hòa hợp của tập thể Tăng Ni và Phật tử huyện nhà. Theo Thượng tọa Thích Minh Thanh, trong thời gian giãn cách xã hội để phòng chống dịch, các tự viện trên địa bàn huyện Hóc Môn đã tự ý thức để tổ chức sinh hoạt và tu tập cho các đạo tràng với nhiều nội dung như tụng kinh, trì chú, tọa thiền, kinh hành niệm Phật, thuyết giảng v.v… từ hình thức trực tiếp sang trực tuyến. Đánh giá sơ bộ cho thấy việc chuyển đổi hình thức sinh hoạt dù tạo ra nhiều khác biệt, vẫn có những kết quả khả quan. Về việc tổ chức tu học, so với các nhiệm kỳ trước, Phật giáo huyện Hóc Môn chỉ có chưa tới 10 đạo tràng, đến nay toàn huyện đã có hơn 30 đạo tràng tu học định kỳ.

Bên cạnh đó, công tác hành chánh đã có bước cải thiện đáng kể, một phần quan trọng nhờ sự cộng tác của các Tăng Ni trẻ, tạo niềm tin, sự phấn khởi và năng động trong việc điều hành của Ban Trị sự. Bên cạnh sinh hoạt tu học, hoạt động từ thiện xã hội cũng là điều mà Ban Trị sự chú tâm, khuyến khích Tăng Ni, Phật tử các tự viện tham gia thực hiện. Bằng nhiều hình thức linh hoạt, cụ thể, tùy theo thời điểm, hoàn cảnh và đối tượng, Phật giáo huyện Hóc Môn đã ủng hộ tổng trị giá hơn 64 tỷ đồng vào lĩnh vực từ thiện xã hội, góp phần vào việc an sinh xã hội, giúp bà con vượt qua khó khăn để vươn lên trong cuộc sống.

Ở các huyện ngoại thành, vấn đề quản lý am cốc tự phát hay việc cư trú, sinh hoạt Tăng Ni không đúng với quy định còn xảy ra khá phổ biến. Trao đổi về vấn đề này, Thượng tọa Thích Minh Thanh khẳng định: “Tăng Ni và tự viện ở huyện Hóc Môn sinh hoạt rất hài hòa, đảm bảo tuân thủ hướng dẫn từ Giáo hội các cấp, quy định của Nhà nước. Mặc dù có nhiều cơ sở tự viện vốn ra đời từ việc ‘cải gia vi tự’, Ban Trị sự vẫn có sự kiểm soát phù hợp, chặt chẽ, vì vậy trong nhiệm kỳ qua không có trường hợp nào đáng tiếc xảy ra liên quan đến sinh hoạt tự viện”. Riêng với các tự viện chưa thể hoàn thành thủ tục để gia nhập Giáo hội, theo Thượng tọa Phó Trưởng ban Trị sự, nguyên nhân chủ yếu là do vướng pháp lý về tài sản gia tộc.

Thường trực Ban Trị sự GHPGVN huyện Hóc Môn trong một lần làm việc với đoàn Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM - Ảnh: Quảng Hậu/BGN

Thường trực Ban Trị sự GHPGVN huyện Hóc Môn trong một lần làm việc với đoàn Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM - Ảnh: Quảng Hậu/BGN

Hiện tại, Ban Trị sự GHPGVN huyện Hóc Môn luôn lưu ý tạo điều kiện tốt để Tăng Ni hành đạo trên địa bàn huyện nhà. Hầu hết Tăng Ni trẻ sau khi học xong về địa phương đều tham gia tích cực vào các sinh hoạt của Tăng-già như bố-tát, hội họp hay những sinh hoạt mang tính tập thể.

Đặc biệt nhờ lòng từ bi và kinh nghiệm điều hành Phật sự của Hòa thượng Thích Thiện Minh - Trưởng ban Trị sự GHPGVN huyện Hóc Môn qua nhiều nhiệm kỳ nên đã nhiếp phục đại chúng, khiến mọi người tự giác cùng tham gia vào Phật sự do các cấp Giáo hội đề ra.

Tuy nhiên, cùng với những thành tựu, hoạt động của Phật giáo huyện trong thời gian qua cũng tồn tại những khó khăn nhất định. Do địa bàn rộng, số lượng tự viện đông, việc phổ biến những văn bản từ Giáo hội thành phố, đặc biệt là của Ban Tăng sự chưa đảm bảo được sự nhanh chóng, kịp thời. Nhiều tự viện cập nhật các báo cáo chưa nhanh nhạy, dẫn đến các công tác thống kê, báo cáo về Ban Trị sự huyện đa phần không đảm bảo tiến độ ban đầu. Trong nhiệm kỳ tới, Ban Trị sự GHPGVN huyện Hóc Môn cũng đã có hướng khắc phục bằng việc sử dụng tối đa nguồn nhân sự trẻ, thành thạo các các công cụ hỗ trợ như vi tính, internet,… giúp cập nhật thông tin hai chiều một cách hiệu quả, nhanh chóng giữa Ban Trị sự và Tăng Ni các tự viện. Đặc biệt, điều này cũng góp phần vào việc triển khai văn phòng điện tử theo yêu cầu từ Phật giáo thành phố, tạo sự đồng điệu, thúc đẩy các hoạt Phật sự huyện nhà ngày một phát triển.

Duy trì, ổn định và phát triển

“Với những Phật sự đã thực hiện tốt trong nhiệm kỳ vừa qua, chúng tôi sẽ cố gắng duy trì ổn định. Bên cạnh đó, Ban Trị sự sẽ quan tâm hơn đến hoạt động của các Ban Văn hóa và Nghi lễ, đây đồng thời cũng là thế mạnh của Phật giáo huyện”, Thượng tọa Phó Trưởng ban Trị sự nêu rõ.

Ngoài ra, Thượng tọa Phó Trưởng ban Trị sự cũng lưu ý đến việc công tác từ thiện xã hội hiện còn mang tính tự phát, thiếu chủ trương nên thành quả tuy có nhưng hiệu quả thực tế với người dân chưa đảm bảo tính bền vững. Để khắc phục điều này, trong nhiệm kỳ tới, BTS sẽ có kế hoạch, mục tiêu rõ ràng, hướng các tự viện đến các hoạt động hiệu quả, để từ thiện xã hội không chỉ dừng lại ở những con số hiện kim, mà còn có những hoạt động, chương trình cụ thể mang hiệu quả thực tế, chậm nhưng chắc chắn.

“Có thể thấy trong nhiệm kỳ qua, với sự nỗ lực của tập thể Ban Trị sự, đặc biệt là Ban Thường trực, các hoạt động Phật sự của huyện đã đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Điều này tạo nên sự gắn kết và sẽ phát huy tích cực trong việc vun bồi đạo nghiệp ở vùng ngoại thành”, Thượng tọa Thích Minh Thanh nhận định.

Theo thống kê, toàn huyện Hóc Môn hiện có 125 cơ sở tự viện (trong đó 1 chùa Nam tông, 10 tịnh xá Khất sĩ, 1 thiền viện, 3 niệm Phật đường) với 417 Tăng Ni (238 Tăng, 179 Ni) lưu trú, tu học. Công tác từ thiện xã hội nổi bật: xây dựng 37 ngôi nhà an lạc (2 nhà tình thương, 1 nhà tình nghĩa), thực hiện 2.789 ca hiến máu nhân đạo, 462 ca mổ mắt đục thủy tinh thể.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Vài nét về lịch sử Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni

Vài nét về lịch sử Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni

NSGN - Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni được thành lập vào thời Đức Phật và tồn tại cho đến ngày nay. Trong nhiều thế kỷ, những phụ nữ xuất gia đã thực hành, chứng ngộ và giữ gìn lời dạy của Đức Phật, không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân mà còn cho xã hội nơi họ sinh sống.
Ảnh minh họa

Làm sao đưa Phật pháp đến với tuổi trẻ?

GNO - Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các chương trình chánh niệm tại trường học có thể giúp ích, đặc biệt là ở các cộng đồng nghèo, nơi học sinh phải đối mặt với mức độ căng thẳng cao hơn.

Thông tin hàng ngày