Phật giáo kiểu “thương hiệu” Thiếu Lâm tự

GN - Thời gian vừa qua, chuyện “lùm xùm” liên quan tới Thiếu Lâm tự và vị trụ trì ngôi chùa gắn với nhiều giai thoại võ lâm này gây xôn xao dư luận không chỉ ở Trung Quốc mà cả thế giới.

thieulam.jpg


Môn võ Thiếu Lâm nổi tiếng, ảnh hưởng của Thiếu Lâm tự lan truyền nhiều quốc gia

Sở hữu lịch sử dựng chùa gắn liền với truyền tích Tổ sư Đạt-ma, vị được cho là Sơ tổ của Thiền tông Trung Hoa, đồng thời là sáng tổ của môn võ Thiếu Lâm nổi tiếng, ảnh hưởng của Thiếu Lâm tự lan truyền nhiều quốc gia, môn võ Thiếu Lâm được ưa chuộng trong nhiều nền văn hóa khác nhau.

Với lợi thế đó, trụ trì Thích Vĩnh Tín đã vận dụng làm “tín lý” xây dựng nên “thương hiệu” Thiếu Lâm tự, lên sàn giao dịch chứng khoán, tham gia làm du lịch - ngành công nghiệp không khói, chu du biểu diễn khắp năm châu để quảng bá… Tất nhiên, dấu hiệu nhận dạng của Thiếu Lâm tự là những võ tăng - hình dạng người xuất gia đầu tròn áo vuông, biểu diễn các “tuyệt chiêu” công phu võ thuật hấp dẫn.

Nhìn những võ tăng - hình tướng người xuất gia lưu diễn khắp nơi trong ánh đèn sân khấu xanh đỏ, thi thố trên các võ đài trước hàng ngàn người cổ vũ, và gần đây nhất - hướng dẫn võ thuật cho các cô gái trong trang phục áo lót ngay tại chùa - thật là chua xót! Thiếu Lâm tự - được xem là thánh địa của Thiền tông, đồng thời cũng là nơi lưu xuất môn võ thuật đại diện cho chánh khí trong võ lâm Trung Hoa đã tha hóa, bị dùng làm thương hiệu cho công nghệ giải trí, cho mục đích kinh doanh vì lợi nhuận.

Điều đáng nói là việc làm đó dường như được công nhận và cổ xúy. Mục đích ban đầu của môn võ Thiếu Lâm là phương thức rèn luyện sức khỏe giữa rừng sâu đầy chướng khí, hỗ trợ cho con đường tu tập của Tăng nhân mà vị Tổ của môn võ này chủ trương đã trở thành ký ức đẹp.

Với Phật giáo, mục đích của sự tu tập là giải thoát và giác ngộ, nói cách khác là để chuyển hóa lòng tham, tính sân hận và si mê của chính mình và giúp người khác chuyển hóa khổ đau. Người tu sĩ Phật giáo lấy mục tiêu đó làm sự nghiệp, và để thăng tiến trên con đường đó, Đức Phật dạy rằng người xuất gia phải từ bỏ các ràng buộc thế tục, càng ít sở hữu và ít dính mắc vào tiền - tài - danh - lợi, đồng thời siêng năng tu tập, thực hành giới đã thọ, nỗ lực thiền định và quán sát thấu đáo cuộc đời là duyên sinh, vô ngã thì mới mong có cơ hội đạt đến cái đích đã chọn. Khi người xưng là tu sĩ mà càng dính mắc, ràng buộc vào tiền tài danh lợi bao nhiêu thì càng xa đạo, mọi hình thức xuất gia - tu sĩ lúc đó chỉ là sự lạm xưng, vụ lợi mà thôi.

Trong tinh thần như vậy, nhìn vào những gì các võ tăng Thiếu Lâm - của những vị như trụ trì Thiếu Lâm tự hiện nay cũng như một số người trong hình thức tu sĩ có hành vi tương tự như thế, nói như Trưởng lão HT.Thích Phổ Tuệ, chỉ là những người đời ở chùa, việc làm của họ gây tổn thương cho đạo, ắt sẽ nhận lấy quả báo đọa lạc.

Trong bối cảnh hiện nay, điều mà xã hội, đất nước cần ở tôn giáo chính là những quy chuẩn lối sống đạo đức, là tấm gương để số đông có thể nương theo, ngoài nhu cầu tín ngưỡng thông thường.

Việc biến chùa thành thương hiệu trong công nghệ giải trí như Thiếu Lâm tự làm nhiều người đau xót về hiện tượng tha hóa lạm danh đạo Phật. Nếu không làm gì tốt thì xin đừng làm vấy bẩn lên tôn giáo - đức tin của nhiều người.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày